Bên ngoài tu viện Santa Maria delle Grazie

KIỀU BÍCH HƯƠNG 15/06/2017 03:06 GMT+7

TTCT- Người phụ nữ đứng sau quầy thông tin bên ngoài tu viện Santa Maria delle Grazie (Ý) bảo tôi: “Tại cô không đặt vé qua mạng sớm. Có nán lại Milan hai tuần nữa cũng không còn tấm vé nào cho cô đâu. Bây giờ chúng tôi chỉ xuất thẻ vào cửa cho những người đặt trước ba tháng”.

Minh họa: VIIP
Minh họa: VIIP

 

Bữa tiệc cuối cùng - The Last Supper, kiệt tác của Leonardo Da Vinci vẽ trên tường tu viện Santa Maria delle Grazie, vẫn chưa có chỗ cho tôi đứng ngắm.

Chỉ cách nhà thờ chính tòa Milano (Duomo) lộng lẫy lúc nào cũng đông nghẹt khách du lịch 15 phút đi bộ, tu viện Santa Maria delle Grazie lại giữ được cho mình sự bình yên nép trong vẻ ngoài khiêm nhường. Không nhiều tầng tháp lộng lẫy.

Không gian linh thiêng gần đạt đến tầng tĩnh lặng. Tôi cố nuốt trôi nỗi hối tiếc bằng cách ngồi xuống chiếc ghế đá kê trong khoảng sân đối diện tu viện.

Phía trước, nhóm độ năm bảy du khách đang chờ đến giờ được vào bên trong. Một cô gái mỉm cười đứng dưới nắng, ôm tấm biển trước ngực “Hãy chọn tôi làm hướng dẫn viên, giá mềm”.

Lũ bồ câu ở đây cụp cánh gọn gàng, ý tứ đi lại tìm hạt chứ không hùng hổ phi thân rào rào cướp bánh, mổ mỏ cành cạch trên nền gạch như phía trước thánh đường Duomo hay nhà thờ San Marco (Venice).

Guido, thương gia Bỉ đam mê hội họa, nghe chuyện tôi kể, hào hứng vẽ ra một mảng màu khác về nước Ý trong mắt anh: “Đúng là góc nào ở nước Ý cũng đậm màu lịch sử. Tôi vẫn thích đi về miền nam hơn. Những Tuscany, Napoli, Sicily... nghèo hơn Milan, Venice, Turin nhưng lại có vẻ đẹp tổng hòa của núi đồi - biển cả, đồng ruộng - thôn quê, lãng mạn - hiện thực.

Nhưng nếu cô đã đến Milan, đúng là nên vào tu viện Santa Maria delle Grazie. Khách may mắn có tấm vé vào tu viện cũng bị giới hạn chỉ 15 phút ngắm Bữa tiệc cuối cùng. Hai từ “cuối cùng” luôn có giá trị thức tỉnh chúng ta. Và ngay cả việc không vào được bên trong, chục phút đứng ngắm bên ngoài tu viện cũng rất có ý nghĩa. Tin tôi đi”.

Người bạn thiết kế giúp tôi những chuyến đi châu Âu tiện lợi, tiết kiệm và hiệu quả gần đây là Hợp. Thông tin và kinh nghiệm cũng là tiền bạc, tránh chuyện “tay không tấm vé” lặp lại.

Và Hợp gật gù đồng tình với Guido. Bởi chỉ trong vòng hơn hai năm qua, anh thấu hiểu tận cùng ý nghĩa hai từ “cuối cùng” và “tính mạng”.

Từ Việt Nam, gia đình bé nhỏ của Hợp chuyển sang Pháp sống một thời gian, du lịch khắp châu Âu và nửa năm nay quyết định trụ lại ở một quốc gia bé nhỏ bên bờ biển Baltic. “Hồi còn ở trong nước, vợ mình được bác sĩ chẩn đoán u phổi, mổ cắt hai phần ba lá phổi phải.

Đến giờ mình vẫn không thể tin được vào chuyện này. Khi mình mang mẫu bệnh phẩm đi nhiều nước để xét nghiệm lại, họ bảo không có dấu hiệu của khối u. Cứ như mình vừa choàng tỉnh khỏi cơn mê. Tính mạng mới quan trọng nhất.

Hai vợ chồng bàn bạc, thống nhất: phải ra đi. Đi vì con cái nữa. Từng ở Pháp một thời gian, nhưng bọn mình không chọn làm nơi sống lâu dài.

Vợ chồng mình chọn đất nước nhỏ, trung lập bên bờ biển Baltic này bởi người dân ở đây thân thiện, hiền hòa, môi trường không ô nhiễm. Hi vọng bầu không khí trong lành này là nơi dung dưỡng tốt nhất cho lá phổi lành lặn còn lại của vợ”.

Hợp hẹn sẽ cùng vợ con ghé thăm ngôi nhà nằm trong công viên cây xanh mát mẻ ở Bỉ của tôi. Mỗi chuyến đi, Hợp luôn ưu tiên nơi trong lành, tốt cho sức khỏe của vợ.

Dạo này Guido cũng thường xuyên ghé nhà tôi chơi. Anh mới mua ôtô, loại chạy bằng dầu diesel. Tôi rầu rĩ: “Nhiều thành phố ở Bỉ sắp áp thuế cao những xe kiểu này chạy vào trung tâm, ô nhiễm môi trường lắm.

Người ta đang phấn đấu mua xe hybrid tiết kiệm nhiên liệu, bảo vệ môi trường. Đấy là tương lai, sao anh lại chọn quá khứ?”. Guido cười khà khà: “Cô lo sau này không bán được? Chịu mất giá một chút, có công ty mua ngay.

Người bên này lo săn xe tương lai thì người bên Đông Âu hoặc các nước đang phát triển lại săn xe giá rẻ nhập về nước họ”.

Như thể Guido chưa từng bảo tôi rằng chỉ vài chục phút ngồi bên ngoài tu viện Santa Maria delle Grazie cũng rất ý nghĩa. Tôi chưa kể hết với Guido rằng khi ấy, tôi rời ghế đá, lang thang dạo dưới những con phố dày đặc bancông cổ kính, bao bọc xung quanh tu viện cũng thưa vắng bóng người.

Dưới bancông là xe đạp dựng tường, một người đàn ông lịch lãm đến xin tôi vỏ lon nước ngọt đã uống hết: “Tôi đang tham gia cuộc thi tác phẩm nghệ thuật làm từ rác”...

Hôm ấy, tôi đến tu viện Santa Maria delle Grazie để xem quá khứ, nhưng lại nhìn thấy tương lai.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận