Bệnh Glaucoma - phát hiện sớm, điều trị hiệu quả

BS TRANG THANH NGHIỆP 20/03/2012 04:03 GMT+7

TTCT - Bệnh nhân N.B.T. (52 tuổi, Thạnh Phú, Bến Tre) bị mờ mắt, chẩn đoán điều trị bệnh glaucoma nhưng đã quá trễ. Đây là một trường hợp điển hình bệnh nhân bị glaucoma (cườm mắt) mà không biết nên để đến lúc không thể can thiệp được nữa.

Phóng to
Khám mắt định kỳ sẽ giúp phát hiện sớm bệnh Glaucoma - Ảnh: T.T.D.

Thực trạng căn bệnh này không chỉ xảy ra ở nước ta. Ở các nước phát triển có khoảng 50% số người bị glaucoma mà không biết có bệnh. Còn ở các nước kém phát triển con số này có thể tăng tới 90%.

Bệnh phổ biến

Tương tự bệnh nhân N.B.T., rất nhiều trường hợp bị glaucoma đã mù hoàn toàn và không còn cơ hội phục hồi thị lực đã mất. Đây là trường hợp điển hình của một dạng bệnh glaucoma phát bệnh âm thầm: làm hư hại thần kinh thị giác dần dần, đến khi người bệnh nhận thấy mắt mờ hoặc không nhìn thấy gì thì bệnh đã đến giai đoạn cuối gây mù vĩnh viễn.

Bệnh glaucoma, dân gian quen gọi là cườm nước hoặc thiên đầu thống, là nhóm bệnh làm tổn hại thần kinh thị giác. Nếu không điều trị, thần kinh thị giác sẽ bị hư hại nặng nề, dẫn đến tình trạng mù không thể phục hồi.

Có nhiều dạng bệnh glaucoma và mọi thành phần trong xã hội từ em bé mới sinh đến lứa tuổi học sinh, sinh viên, người trưởng thành, người già đều có thể mắc phải. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), glaucoma là nguyên nhân gây mù phổ biến đứng hàng thứ hai trên toàn thế giới. Ước tính hiện tại có khoảng 4,5 triệu người trên toàn cầu bị mù do bệnh glaucoma và sẽ tăng lên 11,2 triệu người vào năm 2020.

Không nên chủ quan

Điều quan trọng nhất là ngay cả khi thị lực bình thường, người ta cũng có thể mắc glaucoma nên phát hiện sớm là yếu tố hàng đầu trong điều trị. Chính vì triệu chứng đôi khi không rõ ràng nên nhiều người không nhận biết mình bị bệnh. Đôi khi triệu chứng bệnh âm ỉ, khó nhận biết, được phát hiện một cách tình cờ gọi là glaucoma góc mở. Trường hợp này thường chỉ thoáng qua nên bệnh nhân không để ý. Trong khi đó, triệu chứng đau nhức mắt, nhức nửa đầu, thị lực yếu đi… gọi là glaucoma góc đóng.

Biện pháp phòng bệnh tốt nhất là cần thăm khám định kỳ nơi bác sĩ chuyên khoa để phát hiện sớm, nhất là với những người đã có tuổi. Glaucoma có nhiều dạng nên phải chẩn đoán chính xác mới có phương pháp điều trị thích hợp như dùng thuốc, laser. Chỉ khi nào điều trị bằng thuốc và laser không hiệu quả thì biện pháp phẫu thuật mới được áp dụng.

Để xác định bệnh, bác sĩ sẽ khám thị thần kinh, đánh giá mức độ lõm gai, đo nhãn áp, soi góc tiền phòng, đo độ dày giác mạc, đo thị trường, chụp cắt lớp… Hiện nay công cụ hỗ trợ việc thăm khám tại VN khá hiện đại.

Các triệu chứng của glaucoma mãn tính:

- Giảm thị lực từ từ, khó phát hiện

- Giảm thị lực khi vào nơi thiếu ánh sáng

- Nhức đầu, cảm giác nặng mắt khi làm việc nặng

- Nhức mắt kèm đỏ mắt nhẹ

- Nhìn mờ như sương mù, thấy quầng xanh khi nhìn đèn

Các triệu chứng của glaucoma cấp: cần điều trị cấp cứu

- Nhức mắt, nhức đầu, có thể kèm buồn nôn và nôn

- Mờ mắt đột ngột, nhìn thấy quầng xanh

- Mắt đỏ

YẾU TỐ NGUY CƠ CAO:

- Tiền sử gia đình bị glaucoma (nguy cơ tăng 4-9 lần)

- Chủng tộc người da đen (nguy cơ tăng 3-4 lần)

- Tiểu đường (nguy cơ tăng hai lần)

- Glaucoma một mắt (29% glaucoma tiến triển mắt bên kia trong vòng năm năm)

- Người trên 60 tuổi (nguy cơ tăng sáu lần)

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận