Bệnh xá cho cây trồng

DƯƠNG THẾ HÙNG 06/11/2012 23:11 GMT+7

TTCT - Trước đây, cây trồng bị bệnh chỉ có nước... chờ chết. Nhưng nay đã có đội ngũ bác sĩ thăm khám, cho toa, bốc thuốc cho cây trồng hẳn hoi. Thậm chí có cả bác sĩ thăm khám tận vườn hoặc tư vấn từ xa hoàn toàn miễn phí.

Bác sĩ Phú khám bệnh cho một cây bưởi da xanh bị bệnh vàng lá greening - Ảnh: D.T.H.

Mới sáng bảnh mắt, trước cửa trạm xá cây trồng huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long đã lố nhố nông dân ngồi chờ. Người cầm trái xoài, người đem nhánh cam, bưởi, nhãn... tới nhờ bác sĩ thăm khám. Bác sĩ Trần Văn Phú, kỹ sư nông học, tiếp nhận một nhánh bưởi da xanh của chú Đỗ Thanh Tùng (ấp Đông Phú, xã Ngãi Tứ) đem tới. Lá bưởi đã ngả vàng, trên có nhiều gân xanh nổi lên.

Chú khai bệnh: “Tui trồng 20 công bưởi đã bảy năm bỗng dưng bị vàng lá. Biết là bệnh vàng lá greening nhưng xịt thuốc đủ thứ mà không hết. Nay nhờ bác sĩ coi thử và chỉ tui cách trị”.

“Một lần thấy gấp mấy lần biết”

Lặt một lá bưởi để trên bàn, bác sĩ Phú lấy trong tủ thuốc một chai nước cất hòa với chút iôt, lấy miếng giấy nhám nhỏ thấm vô rồi chà lên lá. Một lúc sau, lá chuyển qua màu nâu, tức cây bị bệnh (nếu giữ nguyên màu là không bệnh). Phú lại soi kính lúp, chỉ cho chú Tùng cái đọt non trên nhánh bưởi có những lỗ nhỏ li ti, nhiều đọt bị quéo lại, không phát triển. “Cái đọt non bị con rầy chổng cánh chích hút, giống như bị “hút máu” riết rồi chết. Đọt non chết kéo theo cành chết. Cành chết kéo theo cả cây chết...” - Phú giải thích.

Lúc này chú Tùng mới ngớ người ra: “Hèn chi nó chết lần trong khi tui cứ xịt thuốc tá lả, tưởng là hổng bổ bề ngang cũng bổ bề dọc”. Rồi chú được hướng dẫn bài thuốc trị: xử lý thuốc ngay đọt non mới “tiệt nọc”, xịt tùm lum vô thân, cành, lá... hổng ăn thua. Nghe tới đây, chú Tùng như nhẹ người, cảm ơn rối rít: “Trước đây tui có biết mà cũng như... trên mây. Nay được chỉ tận tay day tận mặt, thiệt là một lần thấy gấp mấy lần biết”.

Chú Nguyễn Văn Của, ấp Mỹ Phú, xã Tường Lộc, không đem theo cây trái gì nhưng báo miệng về bệnh bọ xít và hiện tượng dừa nứt, trái rụng gây hại 15 công vườn của chú. Vì không có “vật chứng” nên bác sĩ Phú phải truy cập trên mạng, tìm ra hình ảnh trái dừa bị nứt, con bọ xít tấn công dừa... đưa cho chú coi rồi hướng dẫn cách phun thuốc ngừa, kết hợp ngừa luôn con bọ cánh cứng, tác nhân gây hại nặng trên các vườn dừa xưa nay.

Về hiện tượng nứt trái, Phú giải thích lý do đốn dừa nạo bán nhiều quá, thay vì mỗi tháng đốn 1 buồng, chú Của đốn 2-3 buồng nên cây dừa bị nhẹ cổ, lượng buồng dừa “đeo” không đủ nặng nên ít đậu trái dẫn tới nứt trái. Còn rụng trái có nguyên nhân bón quá nhiều phân đạm, nên bón vừa đủ cho cân bằng lại. Nghe bác sĩ giải thích tường tận, chú Của mừng rỡ: “Tui như thằng mù đi đêm, nhờ bác sĩ làm cho sáng mắt ra”.

Từ khi “bệnh xá” hoạt động (tháng 8-2012) tới nay, ngày nào cũng có 5-10 lượt nông dân tới nhờ chữa bệnh cho cây. Đó là chưa kể khắp nơi gọi điện nhờ tư vấn đủ thứ bệnh như: xoài bị thối từ trong lá, lá măng cụt bị quắn quéo, bệnh trên rễ cây mai vàng, sâu đục trái bưởi...

Bác sĩ Phú cho biết: “Mình là bác sĩ thì nông dân cũng giống như bệnh nhân, họ nóng ruột muốn biết cây bệnh gì nên có người nóng nảy, phải mềm mỏng giải thích tường tận, cho toa đúng đắn và hướng dẫn trị bệnh đúng cách. Trước khi làm công việc này, tụi tui phải đi tập huấn chuyên ngành “bác sĩ cây trồng”, được cấp bằng tốt nghiệp đàng hoàng, có học cả lời thề y đức mới được cho hành nghề đó chớ”.

Nông dân xã Tường Lộc bên vườn cam sành có sự hỗ trợ kỹ thuật của các bác sĩ cây trồng - Ảnh: D.T.H.

Bác sĩ lưu động

Một ngày đầu tháng 10-2012, bác sĩ cây trồng Thạch Thị Tiền (trạm xá Tam Bình) đang chạy xe trên đường thì chuông điện thoại reo: một bác nông dân nhờ xuống coi giùm 4 công dưa hấu bỗng dưng bị thúi hết gần 3 tấn. 

Đó là một thửa ruộng ở xã Hòa Lộc, dưa đang tốt xanh um, nhưng chủ ruộng là chú Năm Bình mặt mày ảo não: “Coi vậy chớ thúi hết rồi cô ơi!”. Nói rồi ông lấy ngón tay gõ vô trái, nó bọng rỗng; nhấn nhẹ đầu ngón tay, trái thụng sâu xuống, mềm nhũn, bên trong ruột đỏ lòm nhưng nhão nhoẹt. 

Ngồi xuống cầm từng trái dưa coi kỹ, chị Tiền lật dưới đít dưa lên thấy khô ran bình thường. Xung quanh mặt đất cũng sạch sẽ, không có dấu hiệu gì “khả nghi”. Chị lại kiểm tra môi trường nước xung quanh, cũng tốt; cả ruộng dưa lá xanh um, kiểm tra bọ rầy cũng không có. 

Chị hỏi chú Năm từ lúc xuống giống tới ra trái bón phân gì, xịt thuốc nào, tưới nước ra sao, có bị khô hạn hay ngập úng?... Sau khi thăm khám một hồi, bác sĩ Tiền đưa ra kết luận: ruộng dưa bị nấm phytopthora tấn công làm trái bị thúi.

Chú Năm vẫn chưa tin: “Kinh nghiệm cho thấy thường nấm này chỉ ăn phần đít trái dưa, vì chỗ đó tiếp giáp mặt đất mới dễ sinh ra nấm. Nay chỗ đó vẫn nguyên vẹn, sao nói bị nấm ăn được?”.

Bác sĩ Tiền biết lão nông này khá thành thạo kỹ thuật và có kinh nghiệm lâu năm nên lựa lời giải thích: “Vì chú xịt quá nhiều chất kích thích, cộng với độ pH trong đất thấp nên nấm tấn công ngay lên mặt trái luôn”. Nói rồi chị lật mặt dưới trái dưa lên thì nó nguyên vẹn, nhưng trên mặt trái thì bị bọng. 

Vừa nghe vừa được chỉ tận tay như vậy, cuối cùng bác nông dân mới gật đầu ưng chịu. Nói về biện pháp cứu ruộng dưa, chị Tiền cho biết “trễ rồi vì dưa đã lớn, hết mùa vụ, chỉ còn lấy đó làm bài học kinh nghiệm cho vụ sau thôi”.

Cũng có trường hợp cây bệnh tưởng chết mà lại cứu được. Đó là lần bác sĩ Phú đi “cấp cứu” cho 3 công ớt bị ghẻ loét đầy trên trái của chú Chín Lẻo ở ấp Mỹ Quý, xã Mỹ Thạnh Trung. Sau khi thăm khám, Phú chỉ cho chú Chín thấy điểm yếu của rẫy ớt là “đã làm qua 1-2 vụ, đất cũ bạc màu, lại thêm nguồn nước bị ô nhiễm, mầm bệnh tồn lưu trong nước nhiều, dùng nước đó tưới nên lây lan qua trái thành ghẻ, giống như con nít tắm nước ao dơ thường bị ghẻ vậy, chuyên môn gọi là bệnh thán thư”.

Cách chữa là rải vôi trung hòa độ pH, xử lý hết mầm bệnh trong nước, đồng thời phun thuốc trị bệnh. Sau đó, quả nhiên ớt ra đọt mới, sống lại và cho trái. Chú Chín phấn khởi: “Nhờ bác sĩ mà đợt đó tui gỡ gạc được, chớ không thôi tiêu hết rồi”.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Ngọc Trúc, phó giám đốc Bệnh viện Cây trồng ĐBSCL, cho biết: “Chữa bệnh lưu động là một phần trong kế hoạch của Bệnh viện Cây trồng từ cấp trung ương tới tỉnh, huyện, nhằm giúp bà con tận mắt tận tai nghe thấy, nhận biết bệnh trạng vườn cây nhà mình và nguyên nhân của nó, từ đó hướng dẫn bà con cách phòng trị hiệu quả, ít tốn kém.

Đoàn bác sĩ có thể đi đến bất cứ nơi nào nông dân cần giúp đỡ khi nơi đó có vấn đề về sức khỏe cây trồng hoặc một dịch bệnh nào đó xuất hiện. Mỗi đợt đi chúng tôi sẽ cử 5-7 bác sĩ chuyên môn để hỗ trợ dập tắt dịch bệnh một cách hiệu quả. Ngoài ra, bệnh viện cũng đi lưu động tùy theo kế hoạch nghiên cứu của các đề tài riêng biệt về sâu bệnh hại”.

Nông dân Võ Phước Tân đã có vụ cam sành đầu tiên cho trái nhờ sự hướng dẫn của các bác sĩ cây trồng - Ảnh: D.T.H.

Y cụ của một chuyến đi lưu động gồm có máy đo độ phèn, máy định vị, kính lúp, kính hiển vi, bộ kíp (thử bệnh)... để giúp nông dân thấy tận mắt những con vật gây hại.

Ông Võ Phước Tân (ấp Mỹ Phú, xã Tường Lộc) cho biết từ khi có bệnh viện cây trồng, nông dân canh tác vườn cây có hiệu quả hơn trước rất nhiều. Ông từng trồng 3 công cam sành bị chết vàng quánh, sau đó bỏ cam trồng sầu riêng cũng chết láng.

Buồn quá ông tính ban đất trồng lúa, may nhờ có bác sĩ tới, lấy mẫu đất đem về Viện Nghiên cứu cây ăn quả xét nghiệm. Kết quả cây chết là do đất phèn nặng quá. Sau đó, các bác sĩ hướng dẫn kỹ thuật làm đất, bón phân đúng cách, đưa cây giống sạch bệnh và thậm chí xuống tận vườn “cầm tay chỉ việc”.

 “Tới nay, 25 công cam của bốn hộ dân tụi tui (kề nhau) đã có đợt trái đầu tiên, chuẩn bị thu hoạch. Điều mà trước đây bà con không hề nghĩ tới” - ông Tân nói.

Từ khi thành lập vào năm 2007 tới nay, Bệnh viện Cây trồng ĐBSCL (thuộc Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam) đã đào tạo ba khóa kỹ năng cho 50 bác sĩ cây trồng, thành lập ba bệnh xá cấp tỉnh (Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long) và ba trạm xá tuyến huyện (Cầu Kè - Trà Vinh, Long Hồ và Tam Bình - Vĩnh Long). 

Bệnh viện đã thực hiện 23 lần khám lưu động, tư vấn và khám chữa bệnh miễn phí cho hơn 1.500 lượt hộ nông dân trên các loại cây có múi, nhãn, sầu riêng và các loại cây trồng khác.

Vào thứ năm hằng tuần, bệnh viện cử hai bác sĩ trực tại văn phòng để hỗ trợ giám định mẫu bệnh khi nông dân mang đến và tư vấn trực tiếp biện pháp quản lý tổng hợp. Nếu không giám định trực tiếp được, mẫu sẽ được lưu giữ và gửi đến bộ môn bảo vệ thực vật. Những mẫu không thể giám định tại Viện Nghiên cứu cây ăn quả sẽ được gửi sang Anh để nhờ giám định.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận