“Bệnh xã hội” của thể thao nhà nghề?

KHẢI HUYỀN 14/07/2017 02:07 GMT+7

TTCT - Sau rất nhiều phản đối và sự can thiệp của Liên đoàn Bóng đá Đông Nam Á, rốt cuộc nước chủ nhà SEA Games 29 Malaysia đã phải rút lại quyết định chưa từng có thông lệ trong lịch sử bóng đá thế giới của họ: tự ý chọn bảng đấu mà họ muốn sau khi các quốc gia khác “an tọa”.

Môn khúc côn cầu trên mặt sân cứng được đưa vào chương trình thi đấu ở Singapore năm 2015 -todayonline.com
Môn khúc côn cầu trên mặt sân cứng được đưa vào chương trình thi đấu ở Singapore năm 2015 -todayonline.com

 

Quy chế đại hội nói gì?

Malaysia vẫn sẽ được ưu tiên là “hạt giống loại 1” khi bốc thăm vòng bảng. SEA Games, hay còn gọi là Đại hội thể thao Đông Nam Á, là tài sản độc quyền của Liên đoàn Thể thao Đông Nam Á, được sở hữu hoàn toàn và không có giới hạn về các quyền liên quan đến tổ chức, khai thác, phát thanh và truyền hình, sao chép trên mọi phương tiện.

Nước chủ nhà đại hội sẽ thành lập Hội đồng Olympic và điều hành toàn bộ giải đấu, cụ thể ở SEA Games 29 là OCM - Hội đồng Olympic Malaysia.

Bóng đá chỉ là một trong nhiều môn tranh tài và tuyệt nhiên chịu sự chi phối pháp lý từ OCM chứ không phải các LĐBĐ Đông Nam Á (AFF), châu Á (AFC), thế giới (FIFA) hay bất kỳ tổ chức bóng đá nào.

Nói cách khác, Malaysia toàn quyền làm những gì họ muốn. Điều duy nhất mà AFF có thể can thiệp vào điều lệ giải là “tạo điều kiện” cho Malaysia ở chung bảng đấu với đội đương kim vô địch để đảm bảo quyền lợi của nước đăng cai: tránh được đội mạnh nhất khu vực tại vòng bán kết.

Ông Datuk Seri Azzudin, tổng thư ký AFF, chia sẻ tổ chức này sẽ triệu tập một cuộc họp bất thường với OCM trước ngày bốc thăm 8-7 nhằm tìm ra giải pháp tháo gỡ.

Việt Nam và Lào là hai quốc gia phản ứng gay gắt nhất với quy định bốc thăm vô lý của Malaysia và dù quyền quyết định cuối cùng vẫn thuộc về OCM, họ đã nhượng bộ trước sức ép dư luận.

Nỗi ám ảnh toàn cầu

Bóng đá nói riêng và thể thao nói chung không phải là cuộc sống. Nhưng nó là một xã hội thu nhỏ phản ánh chân thật và sâu sắc cuộc sống. Thể thao là một loại ma túy mà thông qua đó, các nhà cung cấp dịch vụ kỳ vọng sẽ kích thích nhu cầu tiềm ẩn hoặc thao túng hành vi của khán giả.

Trong quá khứ, các vị hoàng đế La Mã đã sử dụng thuyết “bánh mì và đấu trường” làm bí quyết giữ trị an xã hội.

Thế vận hội Berlin 1936 là biểu tượng cho quan điểm phân biệt chủng tộc về sự thượng đẳng của giống người Aryan từ trùm phát xít Adolf Hitler về quyền tối cao của cộng đồng Aryan.

Thế vận hội Matxcơva (bị Mỹ tẩy chay) và Olympic 1984 tại Los Angeles (bị Liên Xô tẩy chay) là phương tiện biểu dương quan điểm của hai phe trong thời kỳ chiến tranh lạnh.

Trò đua xe Công thức 1 với tính chất “nam giới” đặc thù ra đời vì nhu cầu quảng bá của các hãng sản xuất thuốc lá.

Các giải đấu thể thao không tự nhiên xuất hiện. Văn hào George Orwell từng viết: “Thể thao đỉnh cao không phải định nghĩa phổ quát của cuộc chơi công bằng. Nó bị ràng buộc bởi hận thù, ham muốn khoe khoang và không hề quan tâm tới các quy tắc nhân văn”.

Từng giải đấu đều đóng vai trò là một ánh xạ của cá nhân, tổ chức hay thậm chí là quốc gia nào đó.

Trung thực là phẩm chất xa xỉ trong thể thao, đặc biệt là giới chuyên nghiệp. Hiếm có tay đập nào trong môn bóng chày chịu đi bộ trong lúc đợi quyết định của trọng tài.

Phần lớn cơ thủ bida thú nhận luôn cố gắng kê gậy xa tâm bi cái hơn mức cho phép trong những cú áp phê (đánh xoáy) nếu không bị trọng tài phát hiện.

Bóng đá thì càng gian dối, ngay cả với những ngôi sao tầm cỡ thế giới. Lòng tự trọng sẽ bị vứt bỏ không thương tiếc để đổi lấy chiến thắng, như khi Luis Suarez giơ tay chặn bóng trong vòng cấm tại tứ kết World Cup 2010.

Đã là thể thao đỉnh cao thì ắt có sự cạnh tranh. Tính cạnh tranh càng cao, ham muốn giành cúp càng lớn. Những kẻ chưa bao giờ có huy hiệu thì tham vọng giật giải càng khủng khiếp.

Không có ngoại lệ trên thế giới dù ở bất kỳ cấp độ nào. Đông Nam Á - vốn xưa nay bị xem là vùng trũng của thể thao, của bóng đá thế giới - càng thấm thía cảm giác ấy hơn ai hết.

Lịch sử SEA Games đã chứng kiến quá nhiều tiền lệ kỳ quặc. Một kịch bản quen thuộc là hễ nước nào đứng ra đăng cai, nước ấy sẽ tìm mọi cách nhồi nhét những môn thể thao “trời ơi đất hỡi” để tăng số lượng huy chương.

Cảm giác bị xem thường và khinh bỉ, ước vọng chứng tỏ mình với phần còn lại đủ lớn để những nhà tổ chức ở đây chấp nhận đạp đổ dư luận và bỏ qua những quy chuẩn căn bản.

Thật nực cười khi nhìn vào cách tổ chức môn bóng đá nam của Malaysia, nhưng họ không phải “nạn nhân” đầu tiên của bão dư luận. Việt Nam từng đưa môn lặn và đá cầu chinh vào chương trình thi đấu, Philippines chọn môn võ gậy cổ truyền, Thái Lan có môn cầu mây 2007 với loại bóng chuyên dụng mà chỉ nước họ sản xuất.

Indonesia thì “dũng cảm” chống lại thế giới, loại bỏ môn Olympic cơ bản là bóng bàn khỏi chương trình thi đấu, đồng thời rút gọn bộ huy chương của bắn súng vì không có VĐV sở trường.

Đến Singapore, quốc gia đi đầu về tính kỷ luật và sự minh bạch trong khu vực, cũng không dám “đứng ngoài” xu thế. Năm 2015, đảo quốc sư tử đưa môn khúc côn cầu trên mặt sân cứng (floorball) vào chương trình thi đấu dù môn này mới được giới thiệu ở khu vực cách đó hai năm.

Phép vua cũng thua lệ làng. Nhưng sự kỳ cục trong cách sắp xếp và tổ chức tại SEA Games không có gì lạ. Nó là bản chất của thể thao, và có thể, của cả con người nữa.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận