Bí ẩn làng "đầm 99 ngách"

BINH NGUYÊN 03/02/2011 12:02 GMT+7

TTCT - Sông Hồng bao la cuồn cuộn sóng mang nặng phù sa từ vùng núi ra tận biển Đông luôn mang lại những bất ngờ trong dòng chảy ngàn năm của mình. Một trong những bất ngờ ấy là khi đến miền trung du Yên Bái, sông Hồng đã lắng mình tạo ra một khu đầm mang tên bí ẩn “đầm 99 ngách”.

Phóng to

Cảnh quan “đầm 99 ngách“ đẹp như cõi bồng lai - Ảnh: Binh Nguyên

Câu chuyện kỳ lạ về khu “đầm 99 ngách” tôi nghe được trong một đêm giá rét, đang lơ mơ nửa thức nửa ngủ trên chuyến tàu từ Lào Cai về Yên Bái. Những câu chuyện không đầu không đuôi về loài thủy quái khổng lồ, về những người ẩn cư trên các hòn đảo giữa đầm và một “trận đồ” với cả trăm ngóc ngách trên đầm, khó tìm được lối ra...

“Hội đảo quần ngư”

Ông Nguyễn Văn Thiện, cư dân sống ven đầm ở thôn 4, xóm Đức Quân (xã Minh Quân, huyện Trấn Yên, Yên Bái), cho biết: “Thật ra vùng đầm này có tên là đầm Hậu hay đầm Minh Quân, còn cái tên “đầm 99 ngách” dù đã có từ mấy trăm năm qua nhưng do dân địa phương đặt nên ít người biết đến, trong khi dân sống trên đầm chỉ vài chục hộ, họ lại sống khép kín như ẩn sĩ vậy”. Sông Hồng trên đường đổ về xuôi đã dồn nước vào vùng chiêm trũng Minh Quân, gặp địa thế đồi núi tạo thành đầm Hậu với hàng chục hòn đảo đẹp mê hồn, như thể kỳ quan thiên nhiên Hạ Long nằm trên núi, người xưa đếm được 99 cái ngách len lỏi, thông nhau. Ngày trước đây là vùng đầm hoang không có người ở vì vào mùa khô nước đầm thoát hết ra sông Hồng, trơ tận đáy.

Năm 1952 hệ thống thủy lợi được xây dựng, điều tiết nước sông Hồng nên khu đầm ngày nay có đến hàng trăm ngóc ngách khó mà đếm hết. Mỗi ngách lại mở ra một ngách khác, dẫn tới một đảo khác nên đi bằng thuyền nan trên đầm nếu không tinh ý nhớ luồng lại trở về vị trí cũ.

Bằng con thuyền nan của ông Thiện, chúng tôi khảo sát các ngóc ngách đầm, mới hay trên vùng nước rộng đến 63ha có 31 đảo lớn nhỏ nhưng chỉ khoảng 10 đảo có người sinh sống. Dù nhiều đảo chỉ rộng chừng vài trăm mét vuông nhưng tất cả đều có tên gọi: đảo Ông Kỷ, đảo Ông Cùng, đảo Gò Màng, đảo Gò Cát, đảo Kiến Trúc... Và cư dân trên các đảo, với cuộc sống thinh lặng, hình thành “Hội đảo quần ngư” cùng nhau mưu sinh và gìn giữ những bí ẩn đã tồn tại hàng trăm năm qua.

Phóng to

Cuộc sống thường nhật của cư dân đầm Hậu

Thuyền ghé lên đảo Ông Kỷ vào loại khang trang nhất đầm, với nhà rường, trại gà, vườn chè, đồi cọ... “Chúa đảo” Hoàng Quốc Việt cho biết: tính đến nay, gia tộc ông sống trên đảo này đã sáu đời; ông Kỷ chính là tên cụ tổ của ông, người đầu tiên tìm đến khu đầm hoang này sống ẩn dật. Theo lời các bậc tiền nhân của ông Việt, ngày xưa đầm hoang vắng nhưng tôm cá rất nhiều, lại to lớn, đêm đêm tiếng cá quẫy nghe như trâu đang lội đầm và có lẽ đây là nơi duy nhất còn lưu truyền huyền thoại về loài rùa khổng lồ, có con nặng đến 150kg. Sống cách biệt với thế giới bên ngoài, dân “đầm 99 ngách” tự cung tự cấp, mưu sinh với đàn gà, đồi chè... Con nít trên đầm phần lớn không được đến trường vì cách trở sông nước. “Mùa bão lụt trong đầm cũng dựng sóng không khác gì ngoài sông, nước cứ sôi ùng ục suốt mấy tháng liền” - ông Việt cho biết.

Đến thăm đảo Ông Dần, chúng tôi được tiếp xúc với “chúa đảo” Trần Trọng Dần, người được xem là pho từ điển sống của đầm, năm nay đã gần 80 tuổi nhưng còn minh mẫn, vẫn tự đan những chiếc lọp bắt cua, bắt cá. Cụ tổ ông Dần cũng là một trong những người đầu tiên định cư trên đầm, sau khi tạ thế được an táng trên đảo.

Phóng to
Ông Trần Trọng Dần, người nắm giữ nhiều giai thoại về loài giải khổng lồ ở “đầm 99 ngách” - Ảnh: Binh Nguyên

Bí ẩn đầm Hậu

Xung quanh “Hội đảo quần ngư” và những bí mật của đầm, ông Dần kể: “Đó là chuyện về những con giải (một loài rùa mai mềm - NV) khổng lồ sống trên đầm nhiều năm qua, có kẻ mê tín cho rằng ăn thịt giải thần sẽ đạt được nhiều điều may mắn, chính vì thế nhiều lúc đời sống êm đềm của cư dân đầm bị xáo trộn vì nhiều người hiếu kỳ tìm đến xem giải thần. Riêng tôi đã thấy và bắt được nhiều con giải khổng lồ trong mấy chục năm qua, có con nặng đến 200kg!”.

Lần đầu tiên ông Dần gặp con giải khổng lồ cách nay đã hơn 30 năm, nhưng nhiều người chứng kiến vẫn nhớ như in. Khi ấy ông đang đánh cá trên đầm bỗng sóng nước nổi lên cuồn cuộn, kéo con thuyền nan đi băng băng trên mặt đầm, rồi một con giải với mai to bằng bộ ván ngựa nổi lên, cứ thế nó đội thuyền ông Dần đi như bay trên mặt nước.

“Con giải ấy vẫn còn nhỏ, chứ con mà tôi và ông Sự thấy được trên dốc Muỗng mới thật to lớn. Khi ấy tôi theo nhóm ông Sự, người chuyên săn loài giải khổng lồ, chèo thuyền đi theo tiếng ngáy của con giải. Con giải ấy ngủ ngáy như trâu trong đám sậy, nó nặng phải đến 200kg, toàn thân trắng toát. Nhóm ông Sự phải lấy cọc tre đóng chèn quanh con giải rồi dùng dây buộc chặt các cọc tre lại như một chiếc cũi. Con giải tỉnh giấc, quần nát một bãi sậy lớn, tìm cách thoát xuống đầm nhưng ông Sự dùng giáo đâm thủng mai khiến nó mất máu, vậy mà sáu người lực lưỡng mới khống chế và khiêng được nó về đảo...” - ông Dần nhớ lại.

Phóng to

Ông Hoàng Quốc Việt ngày ngày mưu sinh trên đầm

Nhiều người dân đầm Hậu còn cho rằng loài giải khổng lồ ở đây có thể liên quan đến cụ rùa hồ Gươm ở Hà Nội, tuy nhiên theo ông Dần, kích thước rùa hồ Gươm không thể sánh với giải đầm Hậu. Đã có nhiều chuyên gia về động vật học, cán bộ của chương trình nghiên cứu rùa VN về đây khảo sát, nghiên cứu trong nhiều tháng nhưng chưa đưa ra được kết luận gì.

Thế nhưng theo những cư dân “Hội đảo quần ngư”, ngày càng ít thấy con giải bò lên các đảo như trước đây, nếu có chỉ là dấu vết móng giải đào hang, hố trên các đảo không người ở vào những ngày giá rét. Hè năm ngoái ông Việt gặp một con giải nổi lên ở rìa đầm nhưng chỉ thấy cái đầu, ước tính con này nặng khoảng dưới một tạ. “Thấy con giải nổi lên nhưng tôi chẳng màng quan tâm nữa vì báo tin ấy người ta lại kéo đến săn bắt, làm náo động cả khu đầm. Có lẽ do người ta săn bắt nhiều quá nên các cụ giận bỏ ra sông Hồng hết rồi!” - ông Dần nói.

Ngồi trên đảo Ông Kỷ xem ông Việt làm những chiếc thuyền nan bằng tre nứa bán cho dân sống ven đầm với giá 800.000 đồng/chiếc, mới thấy cuộc sống nơi này thật thanh bình và hiền hòa. Sống giữa cảnh sắc thiên nhiên đẹp như tranh ấy hẳn cư dân đầm Hậu tâm hồn cũng khác chốn thành thị ngột ngạt, bon chen... Chỉ riêng dòng chữ ghi nguệch ngoạc trước cửa nhà không bao giờ khóa “Đồ dùng mượn xong xin trả lại chỗ cũ” đã nói lên điều này. Dù vậy cư dân làng “đầm 99 ngách” đang có mối lo riêng.

“Hội đảo quần ngư” mấy ngày nay đang bàn tán một thông tin thời sự: tỉnh sắp chọn nơi đây làm khu du lịch sinh thái. Nghe bảo đó là một trong bảy dự án du lịch trọng điểm của tỉnh với trị giá đầu tư hơn 1.000 tỉ đồng, hứa hẹn sẽ thu hút 50.000 lượt khách/năm. Ông Việt nói: “Đã có người vào đây hỏi mua đảo rồi đấy. Tôi bảo chẳng ai bán đâu nhưng họ nói không bán bây giờ thì sau này cũng sẽ bị thu hồi”. Còn ông Dần khi đưa chúng tôi lên đồi thắp nén hương cho phần mộ tổ tiên đã thốt lên: “Cả đời sống chết với đầm rồi giờ biết đi đâu, còn phần mộ của ông bà đây nữa...”.

Phóng to
Rồi nơi này sẽ thành điểm du lịch... - Ảnh: Binh Nguyên

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận