TTCT - Trong nhà bếp của bạn có đồ nhựa màu đen không? Theo một nghiên cứu mới, nhựa màu đen có thể chứa hàm lượng chất chống cháy đặc biệt cao có thể không an toàn cho sức khỏe. Sự thật về nhựa đen cũng tăm tối như ngoại hình của chúng.Đen và độcChất chống cháy là một nhóm các hóa chất được thêm vào thành phần nhựa để làm cho các thiết bị có khả năng chống cháy tốt hơn và làm chậm sự lan truyền của ngọn lửa. Các sản phẩm điện tử có các thành phần như bảng mạch, biến áp, pin, đầu nối… chúng có thể gây ra nhiều hiểm họa khôn lường nếu không có lớp vỏ chống cháy. Hiện nay, trung bình mỗi gia đình có hơn 20 sản phẩm điện tử như tivi, điện thoại thông minh, máy tính và nhiều thiết bị điện tử khác. May mà chúng có lớp vỏ chống cháy. Nhưng chất chống cháy ở những chỗ khác thì không may chút nào.Tháng 10-2024, trong nghiên cứu "Từ rác điện tử đến đồ nhà bếp: Chất chống cháy trong đồ gia dụng và quan ngại về tái chế nhựa" đăng trên tạp chí Chemosphere, các tác giả cho biết hàm lượng của chất chống cháy trong dụng cụ nhà bếp bằng nhựa màu đen, một số loại đồ chơi trẻ em và khay đựng thức ăn là đáng báo động.Các chất chống cháy được cho là có liên quan đến ung thư, rối loạn nội tiết, nhiễm độc thần kinh, sinh sản và phát triển ở người; ở trẻ em, phơi nhiễm có liên quan đến khả năng tập trung và kỹ năng vận động kém và chậm phát triển nhận thức. Chất chống cháy đáng lo ngại nhất được tìm thấy là decabromodiphenyl ether (decaBDE), bị Cơ quan Bảo vệ môi trường Mỹ (EPA) cấm năm 2021.Megan Liu - quản lý mảng chính sách và khoa học của tổ chức môi trường Tương lai không độc hại (Toxic-Free Future), chủ nhiệm nghiên cứu nói trên - cho rằng có thể nhựa được sử dụng để sản xuất các sản phẩm tiêu dùng như vá, sạn… đã bị nhiễm chất chống cháy do sai sót trong quá trình tái chế rác thải điện tử. Sơ sót này khiến nhựa chứa chất độc đi vào chuỗi nguyên liệu làm ra các sản phẩm mới.Một trong các chỉ dấu để phát hiện có thành phần chất chống cháy là hàm lượng brom. Theo tiến sĩ Leonardo Trasande, giáo sư nhi khoa và sức khỏe cộng đồng tại trung tâm y khoa NYU Langone Health, chất chống cháy chứa brom đặc biệt đáng lo ngại do tính độc hại và xu hướng tích lũy sinh học, tức là tồn tại trong cơ thể nhiều năm.Nhóm nghiên cứu của Toxic-Free Future đã kiểm tra 203 sản phẩm gia dụng nhựa màu đen ở Mỹ để tìm brom (tức có chất chống cháy), sau đó lọc ra 20 sản phẩm có hàm lượng cao nhất. Kết quả, 17 sản phẩm có chất chống cháy với hàm lượng từ 40 đến 22.800 miligam/kg.Brom bị cấm ở Mỹ nhưng vẫn được phép sử dụng với tỉ lệ 10 miligam mỗi kg ở Liên minh châu Âu (EU). Trong 20 sản phẩm nói trên, có tới 14 loại chứa đúng chất chống cháy brom hóa bị Mỹ cấm, và hàm lượng thì cao hơn giới hạn của khối EU từ 5 đến 1.200 lần. Theo nhóm nghiên cứu, các khay đựng sushi bán sẵn trong siêu thị có lượng brom cao nhất; một số sản phẩm có tới 9 nhóm chất chống cháy khác nhau.Cẩn thận vẫn hơnLinda Birnbaum, chuyên gia về chất độc và là cựu giám đốc Viện Khoa học, sức khỏe, môi trường quốc gia Mỹ, cho biết hiện chưa có cơ quan nào đưa ra khuyến cáo về ngưỡng tiếp xúc an toàn với chất chống cháy, song người dùng nên chủ động "không nên dùng đồ bếp bằng nhựa đen".Ramaswamy Nagarajan, giáo sư khoa kỹ thuật nhựa tại Đại học Massachusetts Lowell, người không tham gia nghiên cứu, cũng cho rằng từ phát hiện trên, có thể thấy các chất chống cháy được sử dụng trước đây (dù nay bị cấm) vẫn có thể tồn tại trong các sản phẩm mới. "Thật không may là chúng ta đã sử dụng chất chống cháy decaBDE trong một thời gian dài và tất nhiên, khi được tái chế, nó có thể sẽ vẫn ở quanh ta" - Nagarajan nói với The Washington Post. Heather Stapleton, giáo sư tại Đại học Duke, cho rằng có khả năng khung tivi chứa chất chống cháy đã được tái chế thành khay đựng thực phẩm.Mặc dù tái chế nhựa rất quan trọng và có ý nghĩa môi trường to lớn, cần đảm bảo các hóa chất độc hại không trở lại trong các sản phẩm mới. Ngoài ra, các chuyên gia cũng đồng ý rằng thận trọng là hơn vì chưa có khuyến cáo về ngưỡng tiếp xúc an toàn với chất chống cháy brom.Khay sushi bằng nhựa đen. Ảnh minh họa: AmazonTrước ý kiến của các nhà khoa học, Liên minh chống cháy Bắc Mỹ thuộc Hội đồng Hóa học Mỹ có thông cáo báo chí cho rằng rủi ro của chất chống cháy trong đồ gia dụng đã bị phóng đại và chất chống cháy "không gây rủi ro đáng kể cho sức khỏe người tiêu dùng". Thực tế là nhóm nghiên cứu cũng không thể chứng minh tiếp xúc với các sản phẩm được thử nghiệm có liên hệ với bất cứ nguy cơ sức khỏe nào.Tuy vậy, liên minh này cho rằng chỉ riêng việc có hóa chất chống cháy trong đồ tiêu dùng bằng nhựa đen đã đủ thành vấn đề. "Không có ngưỡng nào là an toàn vì đây là những sản phẩm chúng ta dùng để chế biến hoặc đựng thức ăn" - Megan Liu nhấn mạnh với CNN.Bà cho rằng việc cảnh báo công chúng về hiểm họa tiềm tàng của đồ nhựa đen cũng quan trọng như kêu gọi hạn chế sử dụng đồ nhựa trong cuộc sống hằng ngày. Việc ai cũng có thể làm ngay là kiểm kê đồ nhà bếp. Tốt nhất là dùng các dụng cụ thép không gỉ hoặc các vật dụng không có nhựa để giảm sự tiếp xúc với các chất phụ gia và nhựa có hại.Nhựa màu nào bền nhất?Theo nghiên cứu của Đại học Leicester Anh và Đại học Cape Town (Nam Phi), nhựa có cùng thành phần vẫn phân hủy ở các tốc độ khác nhau do màu sắc khác nhau của chúng. Nhựa màu đỏ, xanh dương và xanh lá cây sẽ "giòn và dễ vỡ" nhanh hơn, trong khi các màu đen, trắng và bạc "hầu như không bị ảnh hưởng" sau khoảng thời gian thí nghiệm dài ba năm.Nhóm nghiên cứu ở Anh đã đặt các nắp chai nhiều màu sắc lên mái nhà ở trường đại học và để chúng dầm mưa dãi nắng trong ba năm. Nghiên cứu ở Nam Phi sử dụng các vật liệu nhựa nhặt được trên một bãi biển. Dù trong môi trường tương đối mát mẻ và nhiều mây ở Anh trong ba năm, hay môi trường nắng nóng ở Nam Phi, sự phân hủy của nhựa theo màu sắc ở hai nơi vẫn giống nhau, theo kết quả đăng trên tập san Environmental Pollution hồi tháng 4.Ảnh: Smartboy10/Getty ImagesTheo tiến sĩ Sarah Key, trưởng nhóm nghiên cứu, có sự khác biệt lớn trong quá trình phân hủy nhựa thành các mảnh nhỏ. Chúng ta hay nhìn thấy các mảnh nhựa màu và tưởng rằng vì có màu bắt mắt nên chúng dễ phát hiện hơn. Tuy nhiên, nghiên cứu chỉ ra các mảnh nhựa màu thực sự có nhiều hơn trong môi trường vì các sắc tố đỏ, xanh lá và xanh dương dễ bị phân hủy thành các mảnh nhỏ hơn. Trong khi đó, nhựa màu đen do có thêm carbon và nhựa trắng và bạc, do có thêm oxit titan lại được chính các chất này giúp bảo vệ khỏi ánh nắng mặt trời.Giáo sư Sarah Gabbott, Trường Địa lý, Địa chất và Môi trường của Đại học Leicester, đồng tác giả nghiên cứu, giải thích carbon và oxit titan giống như một loại kem chống nắng cho nhựa trong khi các màu sắc khác xuống cấp nhiều hơn vì hấp thụ nhiều ánh sáng mặt trời hơn và bị phân hủy do bức xạ tia cực tím. Tia cực tím làm thay đổi cấu trúc polymer của nhựa, khiến nó giòn và dễ vỡ.Nhóm nghiên cứu khuyên các nhà sản xuất nên lưu ý khả năng tái chế của vật liệu. Với đồ nhựa ngoại thất tiếp xúc nhiều với ánh sáng mặt trời như bàn ghế, nên tránh các màu như đỏ, xanh lá và xanh dương để chúng bền hơn. Công nghệ nhận diện nhựa đenNhựa rất phổ biến trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta và được tiêu dùng tới hơn 380 triệu tấn mỗi năm trên thế giới. Tái chế nhựa quan trọng không chỉ cho môi trường mà còn là bài toán tài chính. Các máy phân loại nhựa hiện nay đa số sử dụng công nghệ cận hồng ngoại (NIR) với hạn chế là không phát hiện được nhựa màu đen. Trong công nghệ NIR, máy sẽ chiếu ánh sáng lên vật liệu và cảm biến đọc năng lượng phản xạ trở lại. Tuy nhiên, do carbon trong nhựa đen hấp thụ ánh sáng nên tín hiệu không phản hồi lại và kết quả là nhựa đen không được phát hiện dù loại nhựa này chiếm số lượng lớn trong rác thải sinh hoạt.Nếu không tái chế được, sẽ ngày càng có nhiều nhựa đen trong dòng rác thải. Với các công ty, không thể phân loại nhựa đen có thể làm họ có thể lãng phí 15% giá trị của nguyên liệu nhập về.Mới đây, các nhà sáng chế đã phát minh ra công nghệ hình ảnh siêu phổ hồng ngoại sóng giữa (MWIR HIS) có khả năng thay thế công nghệ NIR trong phân loại nhựa đen. Trong khi các hệ thống NIR truyền thống hoạt động trong phạm vi quang phổ 0,9-1,7 µm thì công nghệ MWIR HIS hoạt động trong phạm vi quang phổ 3-5 µm. Với phạm vi này, nhựa sẽ thể hiện các đặc điểm quang phổ riêng dựa trên thành phần phân tử, cho phép phân biệt các loại nhựa khác nhau mà không cần dựa vào màu sắc của chúng.Nhựa đen, thường không được các hệ thống NIR phát hiện, có thể được xác định một cách đáng tin cậy vì cấu trúc phân tử của chúng phản chiếu ánh sáng khác nhau trong công nghệ MWIR HIS. Phương pháp này là giải pháp thay thế hiệu quả cho các phương pháp phân loại truyền thống, mở ra hy vọng thu hồi và tái chế nhựa đen nhiều hơn, giúp thế giới sạch hơn. Chuyên mục Việt Nam Xanh được thực hiện với sự đồng hành của PRO VIỆT NAM. Trở lại Bạn đang đọc trong chuyên đề "Việt Nam xanh Tiếp theo Tags: Tái chếBảo về môi trườngMôi trườngĐồ nhựa
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Bộ Chính trị kỷ luật cảnh cáo ông Vương Đình Huệ THEO WEBSITE ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM 21/11/2024 Ngày 20-11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã xem xét, thi hành kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên có vi phạm, khuyết điểm.
Metro số 1 chạy chính thức ngày 22-12 CHÂU TUẤN 21/11/2024 Những công việc còn lại của dự án đường sắt đô thị số 1 Bến Thành - Suối Tiên (metro số 1) đang được các bên liên quan tập trung hoàn thiện. Dự kiến ngày 22-12, tuyến tàu điện này sẽ 'lăn bánh' chạy thương mại.
Phát hiện gần 150 bộ hài cốt giữa trung tâm Hà Nội khi cải tạo hệ thống thoát nước PHẠM TUẤN 21/11/2024 Trong quá trình cải tạo hệ thống thoát nước trên phố Tây Sơn (Đống Đa, Hà Nội), các công nhân đã phát hiện gần 150 bộ hài cốt có độ sâu gần 1 mét so với mặt đường.
Lần đầu lộ diện, con gái tỉ phú Nguyễn Đăng Quang bỏ 600 tỉ mua cổ phiếu Masan BÌNH KHÁNH 21/11/2024 Đăng ký mua 10 triệu cổ phần, song bà Nguyễn Yến Linh - con gái chủ tịch Tập đoàn Masan - chỉ mua được gần 8,5 triệu do "không đạt được thỏa thuận".