Biden và Macron: Cụng ly rồi cãi cọ

HỮU NGHỊ 11/12/2022 09:33 GMT+7

TTCT - Cuộc gặp Biden - Macron đã không đạt được sự nhất trí cao như dự tính.

Biden và Macron: Cụng ly rồi cãi cọ - Ảnh 1.

Ảnh: Politico

Thăm viếng là để tăng tình hữu nghị giữa hai nước trước hết, rồi đến các cá nhân lãnh đạo, để bày tỏ nhất trí trước một số vấn đề hay thách thức chung, để tỏ rõ tính đoàn kết chia sẻ với bạn bè và đồng minh, bề nổi là như thế. 

Nhưng cuộc gặp giữa hai ông Joe Biden - Emmanuel Macron mới đây lại không phải chỉ toàn chuyện hữu hảo đồng tâm.

Bữa quốc yến trang trọng trang trí bằng hoa hồng đỏ, hoa phi yến xanh và hoa diên vĩ trắng tượng trưng cho màu sắc chung của quốc kỳ hai nước và phản ánh "lịch sử đan xen của các quốc gia chúng ta", theo cách nói mượt mà của "Tiến sĩ B." - cách gọi đệ nhất phu nhân Jill Biden của sinh viên Đại học Cộng đồng Bắc Virginia.

Từ những lời hoa mỹ...

Thông cáo chung hai tổng thống Hoa Kỳ và Pháp cũng không kém tính văn chương, môn dạy của cả hai bà đệ nhất phu nhân Jill Biden và bà giáo đã dạy ra được một tổng thống Pháp Brigitte Macron: "Pháp là đồng minh lâu đời nhất của Hoa Kỳ, và trong khi mối quan hệ của chúng ta bắt nguồn từ lịch sử, nó hướng thẳng tới tương lai".

Nước Pháp quả là đồng minh lâu đời nhất của Hoa Kỳ, ngay từ cuộc chiến giành độc lập từ Anh quốc, và Hoa Kỳ là đồng minh của Pháp trong cả hai trận thế chiến, với di tích sau cùng là nghĩa trang Hoa Kỳ tại Colleville sur Mer, vùng Normandy, ngó xuống bãi đổ bộ Omaha đẫm máu người Mỹ hôm 6-6-1944.

Lịch sử cùng chia đó nay đang được tiếp tục qua cuộc chiến Ukraine mà hai ông tổng thống nay cùng "mạnh mẽ lên án" và "tái khẳng định sự hỗ trợ liên tục của đất nước họ với việc bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine, bao gồm cả việc cung cấp hỗ trợ chính trị, an ninh, nhân đạo và kinh tế cho Ukraine trong thời gian dài nhất...".

Hai ông còn cùng "vạch ra một tầm nhìn chung" dựa trên "niềm tin chung rằng Hoa Kỳ và các đồng minh cùng đối tác châu Âu có thể đối mặt tốt hơn với những thách thức lớn nhất [ngày nay] và cùng nhau tận dụng những cơ hội hứa hẹn nhất [ngày nay]".

Không thể không thắc mắc là tại sao lại phải "tin rằng... có thể đối mặt tốt hơn" các thách thức đó - chủ yếu là với Nga, nếu không phải do cho tới nay Hoa Kỳ và các đồng minh cùng đối tác châu Âu chưa đối mặt tốt các thách thức này. 

Liệu đây có phải là một trách ngầm của phía Pháp? Tất nhiên, qua bao lần họp chuẩn bị nội dung, nhất trí được như vậy là hay lắm rồi.

Thông cáo chung cho thấy tầm nhìn thế giới của hai ông bao quát và chi tiết như thế nào: "Điều này bao gồm giải quyết các vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu và chuyển đổi năng lượng, đầu tư vào công nghệ và xây dựng chuỗi giá trị bền vững trong các lĩnh vực chiến lược như y tế, chất bán dẫn và khoáng sản quan trọng". 

Khi một Thông cáo chung lại đi vào những chi tiết cực nhỏ là "chất bán dẫn và khoáng sản quan trọng", điều đó gợi lại những bất đồng, ấm ức chất chứa lâu nay về vấn đề chất bán dẫn, khoáng sản hiếm chăng?

Biden và Macron: Cụng ly rồi cãi cọ - Ảnh 2.

Ảnh: The New York Times

... Tới những giọng thẳng thừng

Trong cuộc họp báo ở Nhà Trắng hôm 1-12 cùng ông Biden, ông Macron thông báo hai ông cùng nhau quyết định "sẽ đồng bộ hóa các cách tiếp cận và chương trình nghị sự của mình để đầu tư vào các ngành công nghiệp mới nổi quan trọng như chất bán dẫn, hydro, pin, các vấn đề công nghiệp mang tính quyết định". 

Tại sao lại có nhu cầu đồng bộ hóa các quyết định nếu không phải do đã có những dị biệt trước đó?

Ông Macron không giấu giếm giải thích rằng đó là do Tổng thống Biden cứ khăng khăng "tạo việc làm trong ngành sản xuất chế tạo lâu dài cho đất nước của ông" cũng như "đảm bảo nguồn cung cho đất nước của ông". Vấn đề là khi đồng bộ hóa, thì ai sẽ đồng bộ theo ai, và đồng bộ tới đâu?

Có thể thấy rõ ông Macron đã chủ ý sang gặp ông Biden để nói ra những ấm ức của mình: "Chúng tôi cũng đã có một cuộc thảo luận rất hay ho sáng nay về IRA và các văn bản [pháp luật] gần đây của chính quyền Mỹ". 

IRA là tên rút ngắn của sắc luật "Đạo luật giảm lạm phát năm 2022" mà ông Biden ký ngày 12-9 năm nay.

Theo một tài liệu được phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tại Hoa Kỳ gửi tới Tổng nha Thuế vụ Hoa Kỳ, các khoản tín dụng thuế cho việc mua xe hơi điện được nêu ra trong đạo luật IRA này vi phạm các quy tắc của WTO khi dành ưu đãi thuế cho thiết bị được sản xuất tại Hoa Kỳ (ưu đãi khoảng 10% nếu ít nhất 40% giá trị của thiết bị có nguồn gốc từ Mỹ). 

Theo EU, rõ ràng các khoản ưu đãi thuế này phân biệt đối xử với các sản phẩm nhập khẩu - đặc biệt là sản phẩm của châu Âu.

Những ấm ức này còn được ông Macron thổ lộ thật chi tiết trong cuộc tiếp xúc cộng đồng người Pháp tại Washington: ""Tái đồng bộ hóa" do lẽ, hiện đang có một rủi ro cần phải nói ra với bạn bè". 

Rủi ro ấy, theo ông, là khi đối mặt với những thách thức, Hoa Kỳ trước tiên sẽ nhìn vào chính mình mà thôi. Ông tỏ ra khá rộng lượng khi nói rằng: "Đó là điều bình thường - mà chúng ta cũng đang làm như vậy". 

Vấn đề là ông Biden đã nhìn vào nước Mỹ của ông, sau đó ông nhìn vào sự cạnh tranh của nước ông với Trung Quốc; rốt cuộc, châu Âu nói chung và Pháp nói riêng, giờ trở thành cái bung xung trong mắt ông Biden.

Nghe ông Macron nói về ông Biden lại thấy văng vẳng khẩu hiệu "nước Mỹ trước hết" thời ông Trump. Có điều, khẩu hiệu này đã có từ thời Vận mệnh hiển nhiên những năm 1840, rồi lại vang vọng cách đây chưa lâu, dưới thời Kissinger - Nixon. Rốt cuộc thì hồn ai nấy giữ thôi!■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận