Biên kịch Mỹ dọa đình công, nhiều người lo "tắt tiếng"

NGUYỄN VŨ 05/04/2023 16:14 GMT+7

TTCT - Cuộc cãi cọ về tiền thù lao giữa các tác giả kịch bản và nhiều hãng sản xuất chương trình giải trí lớn ở Mỹ sắp lên tới cao trào, có nguy cơ làm tê liệt nền giải trí lớn và phổ biến nhất toàn cầu.

Thử hình dung cảnh Stephen Colbert, người dẫn chương trình The Late Show With Stephen Colbert, vốn rất lợi khẩu bỗng… hết chuyện để nói. 

Ông chỉ nói đùa vài ba câu với khán giả, đối đáp đôi lời với ban nhạc, múa may ít phút, rồi chuyển qua nói chuyện thời tiết và không hề đá động gì đến các câu chuyện thời sự từng làm nên dấu ấn của talk show lừng lẫy này, với các nhận xét vừa hài hước vừa thông minh, dí dỏm, sâu sắc.

Cuộc đình công của WGA năm 2008. Ảnh: Wireimage

Cuộc đình công của WGA năm 2008. Ảnh: Wireimage

Thù lao bèo bọt

Đây là kịch bản giả định nhưng rất có thể xảy ra nếu các biên kịch Hollywood đình công thật như họ đang dọa. Không có kịch bản chi tiết, người dẫn chương trình tài năng như Colbert cũng bó tay, không biết nói gì cho hết giờ. 

Năm 2008, khi Hiệp hội Biên kịch Mỹ đình công tổng cộng 100 ngày, Conan O'Brien, người dẫn chương trình Late Night của Hãng NBC rơi vào tình huống y như giả định nói trên, thậm chí ông chỉ còn biết tháo nhẫn cưới ra, búng cho nó quay tròn trên bàn, rồi kêu gọi khán giả cùng đếm cho đến khi nhẫn ngừng quay. Lần đó, vụ đình công gây thiệt hại cho ngành giải trí Mỹ chừng 2 tỉ USD.

Trong khi chúng ta thường nghe tiền cát xê cho các ngôi sao điện ảnh Mỹ có thể lên đến hàng chục triệu USD cho mỗi phim, như lương của Colbert lên đến 15 triệu USD mỗi năm, thù lao các biên kịch nhận được lại rất thấp: thu nhập của họ nhìn chung chỉ bằng công chức bàn giấy. 

Để tiện so sánh, xin cung cấp một chi tiết: dàn diễn viên phim truyền hình nhiều tập nổi tiếng Friends nhận thù lao cao nhất cho các mùa cuối, mỗi người được trả 1 triệu USD mỗi tập (episode), tức mùa (season) thứ 10 có 17 tập, mỗi diễn viên nhận ít nhất 17 triệu USD. 

Chưa hết, vì bộ phim này vẫn còn rất ăn khách, các diễn viên còn được chia tiền thù lao đến tận hôm nay. Các biên kịch, người sáng tác ra kịch bản giúp đem lại sự dí dỏm cho Colbert hay sự hấp dẫn cho Friends, lại không được như thế.

Hợp đồng 3 năm giữa các biên kịch và các hãng phim Hollywood sẽ hết hạn vào đầu tháng 5 sắp tới. 

Hai bên đã bắt đầu thương thảo hợp đồng mới. Bên biên kịch đòi tăng lương, tăng nhuận bút; bên hãng phim nói yêu sách này không phù hợp với thực tế làm ăn ngày càng khó khăn của ngành. 

Thế là hai bên căng thẳng với nhau, và nếu không tìm được tiếng nói chung, giới biên kịch sẽ đình công dài ngày, đẩy mọi chuyện đi vào chỗ đầy kịch tính.

Đại diện cho bên biên kịch là Hiệp hội Biên kịch Mỹ (WGA), gồm chừng 11.000 thành viên. Còn đại diện cho chín hãng phim lớn ở Hollywood, gồm cả Amazon và Apple, là Liên minh Các nhà sản xuất điện ảnh và truyền hình (AMPTP). 

WGA từng tổ chức đình công vào năm 2008 và trước đó là năm 1988, kéo dài đến 5 tháng.

Tác động từ streaming

Thù lao của giới biên kịch mấy năm qua giảm mạnh do ngành giải trí chuyển từ màn ảnh rộng ngoài rạp sang xem trên tivi do các hãng cung cấp phim trực tuyến (streaming). Sự sụp đổ thị trường phát hành phim qua DVD cũng ảnh hưởng đến thu nhập của họ. 

Từ năm 2012 đến năm 2021, số lượng phim phát hành giảm đến 31%; dù các hãng streaming vẫn làm phim, nhưng nhìn chung ngay cả những đại gia như Netflix hay Warner Bros. Discovery (sở hữu kênh HBO Max) cũng phải cắt giảm lượng phim sản xuất để tiết kiệm chi phí do lượng khách đăng ký ngày càng giảm.

Thương thảo hợp đồng lần này, phía WGA đòi nâng mức thù lao tối thiểu và các quyền lợi khác như bảo hiểm y tế, tiền bản quyền sử dụng phim với những lần phát hành sau này… 

Với phim truyền hình, hiện có xu hướng cắt ngắn số tập, từ 22 đến 26 tập nay chỉ còn 8 đến 12 tập, mỗi tập lại dài hơn. Thế là người biên kịch, vốn nhận thù lao dựa trên số tập, có thu nhập ít hơn trong khi phải viết nhiều hơn. 

Sau khi đã tính yếu tố lạm phát, thu nhập của các thành viên WGA giảm 14% trong 5 năm qua. Cách đây 10 năm, khoảng 1/3 thành viên nhận thù lao ở mức tối thiểu, còn nay tỉ lệ này lên đến một nửa.

Ngược lại, phía các hãng phim cũng nêu tình hình khó khăn chung để bác bỏ các yêu sách. Như hãng Disney vừa tuyên bố sẽ phải cắt giảm 5,5 tỉ USD chi phí, giảm 7.000 nhân viên để giải quyết thua lỗ. 

Hãng Warner Bros. Discovery đã cắt giảm hàng ngàn chỗ làm trong nỗ lực tiết kiệm 4 tỉ USD. Hãng nào cũng than streaming làm khó cho họ, trong khi thị trường quảng cáo ngày càng khó khăn. 

Phía biên kịch đáp trả: Netflix đã bắt đầu có lãi, năm ngoái lãi đến 4,5 tỉ USD và các hãng khác cũng cho biết chừng một hai năm nữa là qua giai đoạn khó khăn, bắt đầu ăn nên làm ra. Phải đến năm 2026, họ mới được dịp thương lượng hợp đồng mới, nên không thể chờ cho các hãng có lãi rồi mới mặc cả chuyện ăn chia.

Trong khi chờ đợi kết quả đàm phán, các hãng phim hiện đang tích trữ kịch bản bằng cách yêu cầu biên kịch nộp càng nhiều kịch bản càng tốt. Nếu xảy ra đình công, nhiều chương trình truyền hình sẽ phải tạm ngưng phát sóng, trừ thể loại truyền hình thực tế và tin tức. 

Bị ảnh hưởng đầu tiên là các show ăn khách như The Late Show With Stephen Colbert hay The Tonight Show Starring Jimmy Fallon. Thể loại phim truyền hình nhiều tập sẽ hết kịch bản trong vòng 1 tháng. 

Phim truyện chưa bị ảnh hưởng ngay vì các hãng phim thường chuẩn bị mọi thứ trước cả năm, nên mọi phim dự tính phát hành năm 2023 hiện đã quay xong. Có ảnh hưởng chăng là các phim dự kiến cho năm 2024 với rủi ro các hãng sẽ dùng kịch bản chưa hoàn chỉnh để đối phó với đình công. ■

AI sẽ làm thay đổi Hollywood

Nội dung thương lượng giữa các biên kịch và các hãng phim còn bao gồm chuyện sử dụng AI (trí tuệ nhân tạo) với lập trường của phía WGA là cho phép các AI như ChatGPT tham gia viết kịch bản, miễn sao bản quyền thuộc về con người.

Cụ thể, họ đề xuất biên kịch có thể sử dụng AI để hoàn chỉnh kịch bản nhưng không cần chia sẻ bản quyền với AI. Tương tự, các hãng có thể trao cho biên kịch một kịch bản thô ban đầu do AI sáng tác để phía biên kịch hiệu chỉnh hay viết lại.

Lúc đó, biên kịch sẽ phải được ghi nhận là người sáng tác kịch bản, chứ không chia sẻ quyền đó cho AI, hay nói cách khác là cho hãng phim.

Đề xuất của WGA nhằm mục đích xem AI như công cụ chứ không phải là chủ thể sáng tác, để sau này không cần phải thương lượng với các hãng công nghệ cung cấp AI xem ai là chủ kịch bản hay dự án.

Biên kịch có thể sáng tác hoàn toàn một kịch bản hoặc cũng có thể viết kịch bản dựa vào một ý tưởng, bài báo, vở kịch, truyện ngắn, tiểu thuyết…

Lúc đó, họ phải ghi nhận và chia sẻ bản quyền với tác phẩm gốc. Nay WGA muốn loại trừ hẳn các văn bản do AI tạo ra như một tác phẩm gốc. Theo họ, lý do là bởi các AI không hề biết sáng tác, nó chỉ "tạo sinh" dựa trên nguồn nguyên liệu có sẵn.

Dù muốn dù không, AI hiện đang có những tác động lớn lên điện ảnh, chứ không chỉ chuyện sáng tác kịch bản.

AI đã tạo ra giọng nói của những người quá cố nổi tiếng, như đầu bếp Anthony Bourdain và họa sĩ Andy Warhol, trong hai phim tài liệu Roadrunner và The Andy Warhol Diaries.

Diễn viên James Earl Jones cũng đã đồng ý cho AI sử dụng giọng của ông khi vào vai Darth Vader trước kia để tạo ra nội dung mới trong các phim Star Wars tương lai.

Hiệp hội Diễn viên lồng tiếng cho biết họ không chống AI hay phản đối công nghệ, nhưng yêu cầu phải có luật lệ rõ ràng. Ngày càng khó nhận biết đâu là giọng người thật, đâu là giọng tổng hợp của máy trong nhiều sản phẩm, từ phim ảnh đến sách nói.

Với diễn viên lồng tiếng, giọng nói là nguồn thu nhập của họ, nên nếu có nơi "tạo sinh" giọng của họ miễn phí, thì họ lo ngại là đúng.

AI cũng đã giúp các nhà làm phim trẻ hóa các diễn viên lão làng, muốn thành bao nhiêu tuổi cũng được.

Chẳng hạn trong phim Indiana Jones and the Dial of Destiny sẽ ra mắt mùa hè này, Harrison Ford vẫn vào vai chính, nhưng mở đầu phim là các cảnh Indiana Jones lúc mới chừng 40, cũng do ông lão năm nay đã 81 tuổi thủ diễn.

Máy tính sẽ xóa vết nhăn, kéo căng da mặt, nhuộm đen mái tóc bạc, nói chung là hóa phép để khán giả cứ tưởng nhà làm phim sử dụng các thước phim từng quay lúc thực hiện tập đầu của loạt phim phiêu lưu mạo hiểm này vào năm 1981, cách đây 42 năm.

Chẳng lạ gì khi đã có nhiều ý kiến cho rằng cần đặt ra luật lệ cho việc sử dụng AI trong phim ảnh. Ví dụ nếu AI tạo sinh ra một nhân vật pha trộn giữa Brad Pitt và Tom Cruise, liệu hai diễn viên này có kiện được không?

Diễn viên Keanu Reeves nói trên tờ Wired rằng hợp đồng làm phim của anh có điều khoản cấm hãng phim biên tập diễn xuất của anh bằng kỹ thuật số.

Anh cho rằng một khi để AI chỉnh sửa dung mạo, hình ảnh đó không còn là của anh, anh không kiểm soát được nó nữa - và điều đó thật đáng sợ với một người sống bằng hình ảnh của mình.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận