TTCT - Giữa lúc cuộc sống nước Mỹ rục rịch trở lại nhịp bình thường với gần 70% người lớn được tiêm hai liều vắc xin, nhiều người tự tin rằng mình đã có thể ra ngoài tận hưởng âm nhạc một cách an toàn. Tuy vậy, hiểm họa lớn nhất mà khán giả của một buổi diễn ngoài trời đối mặt không phải là nhiễm vi Cách đám đông mất kiểm soát di chuyển hoảng loạn, dẫn đến giẫm đạp hay các sự cố chết người khác đã trở thành đối tượng nghiên cứu của giới khoa học, nhằm tìm ra cách hiệu quả nhất để phòng ngừa thảm kịch và hạn chế thương vong.Đám đông dậy sóngSau một năm gián đoạn vì COVID-19, đại nhạc hội Astroworld do rapper đoạt giải Grammy Travis Scott tổ chức quay trở lại với đêm diễn đầu tiên tại Texas ngày 5-11 vừa qua, thu hút hơn 50.000 người. Niềm sung sướng khi lại được tận hưởng sự phấn khích với hàng vạn con tim đồng điệu của khán giả mau chóng bị thay bằng nỗi kinh hoàng khi một vụ giẫm đạp - thảm kịch vốn không xa lạ gì với các sự kiện đông người, xảy ra khiến 10 người chết.Khi ngôi sao Travis Scott bước lên sân khấu vào khoảng 9h tối, hội trường 5 vạn người ngay lập tức tăng nhiệt. Đám đông từ phía sau ồ ạt tiến về phía sân khấu, đẩy các khán giả hàng trước vào hàng rào phân cách, dẫn đến tình trạng hoảng loạn, ngộp thở và ngất xỉu hàng loạt. Lực chèn ép từ mọi phía đã khiến nhiều người không thể nhúc nhích, mất thăng bằng và sụm xuống, dẫn đến phản ứng ngã dây chuyền tại khu vực gần sân khấu - trong khi khán giả phía dưới vẫn tiếp tục đạp tới, lèn chặt không gian và khí thở của các nạn nhân xấu số.Lực lượng an ninh có mặt tại hiện trường bắt đầu phát hiện tình trạng khẩn cấp vào lúc 9h30, nhưng màn biểu diễn của Travis Scott vẫn tiếp tục thêm 40 phút. Lúc này, 8 khán giả đã thiệt mạng, đồng thời 25 người khác phải nhập viện trong tình trạng nguy kịch. Tính đến ngày 14-11, số người chết tăng lên 10, gồm một bé trai 9 tuổi.Còn quá nhiều chi tiết mà ta chưa biết về thảm kịch Astroworld: Điều gì đã kích động khán giả ùa về sân khấu? Liệu Travis Scott có dự phần trách nhiệm trong thảm kịch này? Tuy vậy, đây chắc chắn không phải là thảm họa chết người đầu tiên được thổi bùng từ các đám đông khán giả yêu nhạc - vụ việc này chỉ nối dài thêm danh sách các sự kiện “sóng đám đông” (crowd surge) chết người trong lịch sử.Năm 1979, 11 khán giả đã bị giẫm đạp tới chết trong một buổi biểu diễn của nhóm nhạc rock The Who ở TP Cincinnati (bang Ohio, Mỹ). Hơn 20 năm sau tại Đan Mạch, một làn sóng người đổ về sân khấu của nhóm Pearl Jam trong thời tiết ẩm, nền đất trơn trượt đã khiến 9 người thiệt mạng. Mới đây tại Israel, giới chức đã ghi nhận 45 người chết và 150 người bị thương do giẫm đạp và trượt ngã tại một buổi hòa nhạc mừng lễ Lag B’Omer của người Do Thái vào tháng 4. Cảnh sát Cincinnati và các nhân viên cứu hộ canh hai thi thể bên ngoài buổi biểu diễn của The Who ngày 3-12-1979. Ảnh: APTheo G.K. Still, tiến sĩ chuyên ngành khoa học đám đông tại Đại học Suffolk (Anh), các vụ “sóng đám đông” thường xảy ra khi đám đông cùng chạy về một hướng. Tác nhân gây ra sự hoảng loạn này có thể chỉ là một cơn mưa khiến khán giả ngoài trời dồn về phía cổng ra tìm chỗ trú, giống như trường hợp tại một sân bóng đá ở Nepal đã khiến 93 cổ động viên thiệt mạng năm 1988. Trong một số trường hợp, một thông tin thất thiệt về hiểm họa bom, nổ súng trong đám đông chật kín cũng khiến đám đông bán mạng tháo chạy.Tuy nhiên, theo tạp chí New Yorker, một lượng lớn các thảm họa giẫm đạp không sinh ra từ nỗi sợ, mà là do sự phấn khích trong đám đông đang tiến về nơi họ bị thu hút, cụ thể như nghệ sĩ trong các buổi hòa nhạc, hoặc hàng giảm giá trong ngày Black Friday. Các báo cáo pháp y cũng cho thấy đa số nạn nhân trong các vụ hoảng loạn chết vì ngạt thở trong đám đông, chứ không phải các tổn thương do bị giẫm đạp như ta vẫn tưởng.Vật lý học của đám đôngĐứng trước các sự kiện “sóng đám đông” gây hậu quả tái diễn, các nhà khoa học đã không ngừng tìm cách xây dựng các mô hình động lực học, mô phỏng hành vi của đám đông. Cách đây gần 15 năm, nhà nghiên cứu Dirk Helbing từ Đại học Göttingen (Đức) đã xây dựng một mô hình máy tính mô phỏng chuyển động của đám đông bằng cách sử dụng các dấu chân in trên tuyết sau các sự kiện lớn ngoài trời.Helbing cùng các đồng nghiệp đã rút ra nhiều khám phá về hành vi con người trong đám đông. Cụ thể, môi trường chật chội ở khu vực khán giả sẽ tạo ra các luồng di chuyển đồng bộ và dao động thường xuyên tại các lối đi “nút thắt cổ chai”. “[Mô thức này] cho thấy một sự hiệu quả và “thông minh” về mặt động lực học của đám đông dựa trên các hành vi đơn giản và cục bộ” - Helbing nhận định trong báo cáo năm 2010 của mình. Tuy nhiên, nhà nghiên cứu cũng nhận ra rằng các hành vi “thông minh” này lập tức biến mất khi mật độ người trong không gian đạt ngưỡng nhất định. Các cá nhân bắt đầu chuyển động hỗn loạn, và từ đây, “sóng đám đông” được sinh ra.“Chúng tôi tin rằng những nhiễu động trong đám đông bắt nguồn từ một số cá nhân hoảng loạn, xô đẩy khắp hướng nhằm gia tăng không gian cá nhân quanh mình. Điều này tạo nên những đợt sóng mạnh bạo quét qua đám đông, đẩy văng mỗi người đi hàng mét, xé toạc quần áo và khiến hàng trăm nạn nhân bị giẫm đạp” - Helbing viết trên tạp chí Physics World năm 2007.Đám đông khiến ta dễ hình dung đến đàn kiến - những đám đông vô cùng trật tự. Kiến có thể giao tiếp bằng pheromone, còn loài người không có một cơ chế phi ngôn từ để truyền thông tin “động lực học” về các luồng di chuyển cho đồng loại của mình. “Loài người chúng ta gồm những sinh vật vị kỷ, trong khi kiến có tính cộng đồng mạnh mẽ. Chúng ta sẵn sàng gây ảnh hưởng xấu đến người khác để giảm thời gian di chuyển của mình, còn loài kiến hành động theo bầy đàn. Xét trên bình diện này thì chúng ta là một trong những loài “chậm tiến” nhất khi đi theo nhóm” - Iain Couzin, một nhà sinh học hành vi thuộc Đại học Princeton (Mỹ), nói với New Yorker.Tuy nhiên, liệu có công bằng nếu ta đổ hết lỗi cho bản năng con người? Nhà khoa học máy tính Dinesh Manocha, người đã dày công đưa cả yếu tố vật lý lẫn tâm lý học con người vào mô hình hành vi đám đông của mình tại Đại học Maryland (Mỹ), cho biết: “Chúng tôi không có đủ các dữ liệu về hoàn cảnh và hướng di chuyển của đám đông ở các thảm kịch. Gần như chỉ có thể dựa vào trải nghiệm lẻ tẻ của một vài cá nhân, cũng như một số ảnh và video không cho biết toàn cảnh vụ việc”.Dù vậy, Manocha vẫn chỉ ra được hai yếu tố hầu như xuất hiện trong tất cả các biến cố “sóng đám đông” mà anh đã nghiên cứu. Yếu tố đầu tiên mà mật độ đám đông, cụ thể là các hội trường chèn ép hơn 4 người trên 1m2. “Lúc này, mỗi người tham gia về cơ bản đã mất đi khả năng tự quyết hướng di chuyển của mình, họ trở thành một phần của dòng chảy lớn và không thể chạy thoát” - Manocha nói với trang Ars Technica. Yếu tố thứ hai, theo nhà nghiên cứu này, có thể là hành vi cá nhân. Manocha và các đồng nghiệp đã quan sát nhiều trường hợp cá nhân kích động dẫn đến thảm họa đám đông, nhưng anh vẫn chưa dám khẳng định do chưa có đủ dữ liệu. Giẫm đạp ở một sự kiện âm nhạc ở New York ngày 29-9-2018. Ảnh: AFPXoa dịu đám đôngKhi chưa thể tìm được nguyên nhân thâm căn của hiện tượng này, các đơn vị tổ chức và bộ phận an ninh đã có những cách riêng để hạn chế khả năng bùng phát của “sóng đám đông” thông qua các cân nhắc về tâm lý người tham gia sự kiện.Theo Alison Hutton, chuyên gia an toàn đám đông thuộc Đại học Newcastle (Anh), để sự kiện được coi là thành công, những người tổ chức cần tạo được bầu không khí thư giãn, và cảm giác cộng đồng cho người tham gia. Theo định nghĩa này, hành vi hoảng loạn, xô đẩy ở Astroworld cho thấy một thất bại trong khâu tổ chức sự kiện.Trong tình huống khẩn cấp, cá nhân quản lý sự kiện có thể mở đèn sáng hơn, hoặc chơi nhạc nhẹ nhàng hơn để xoa dịu dòng người đang kích động. Bản thân người tổ chức và nghệ sĩ có thể tạm ngưng sự kiện để “hạ nhiệt” đám đông.Các phương án phòng ngừa như phân nhỏ đám đông thành nhiều khu, bổ sung chỗ ngồi, không gian nghỉ cho khán giả cũng được khuyến khích, thậm chí còn là bắt buộc trong luật định Úc. Các đám đông lớn cũng cần có một lực lượng bảo vệ và tình nguyện viên chăm sóc tương ứng nhằm phát hiện và xử lý các tình huống bất ngờ một cách nhanh chóng nhất.Làm gì để sống sót?Trong bài viết trên The Conversation ngày 8-11, nhà nghiên cứu chuyển động đám đông Mehdi Moussaid thuộc Học viện Max Planck (Đức) chỉ ra 10 lời khuyên trực quan giúp các khán giả tăng khả năng sống sót trong đám đông hoảng loạn.Nói chung, theo Moussaid, ngay khi nhận thấy mình liên tục va phải người đứng phía trước, bạn nên tìm cách di chuyển về nơi thoáng hơn ngay lập tức. Nếu tay bạn bị kẹt cứng trong đám đông, rất có thể bạn đang trong vòng nguy hiểm. Ở tình huống này, lựa chọn tốt nhất của bạn là cố đứng thẳng, tránh bị ngã, khoanh tay trước ngực để bảo vệ xương sườn, chú ý nhận biết “tâm sóng” và tìm các lối thoát hợp lý (có thể trèo lên cao). Tránh đi ngược dòng người, trừ khi bạn đang bị đẩy về phía tường và hàng rào - các vị trí nên tránh xa trong đám đông dày đặc. Tags: Âm nhạcĐám đôngLễ hội âm nhạcĐại nhạc hộiXô lấnGiẫm đạp
PGS.TS.BS Nguyễn Thị Bay: Cần làm sáng tỏ y học cổ truyền bằng nghiên cứu khoa học bài bản NGUYỄN THỊ NGỌC HẢI (THỰC HIỆN) 11/12/2024 2207 từ
Chàng lái xe công nghệ ngoài hành tinh, xịt khói giữa chợ và bay về trời... NGUYỄN NGỌC THUẦN 10/12/2024 3389 từ
Chậm hoàn thuế VAT vẫn 'nóng' tại phiên đối thoại thuế ở TP.HCM ÁNH HỒNG 13/12/2024 Câu chuyện chậm hoàn thuế VAT tiếp tục là tâm điểm tại Hội nghị đối thoại về chính sách, thủ tục thuế và hải quan do Bộ Tài chính và VCCI tổ chức ngày 13-12.
Bộ Chính trị kỷ luật cảnh cáo ông Nguyễn Xuân Phúc, Trương Hòa Bình, khiển trách bà Trương Thị Mai THÀNH CHUNG 13/12/2024 Bộ Chính trị đã quyết định thi hành kỷ luật cảnh cáo ông Nguyễn Xuân Phúc, Trương Hòa Bình và kỷ luật khiển trách bà Trương Thị Mai.
Giá vàng lại rơi tự do ÁNH HỒNG 13/12/2024 Giá vàng thế giới lúc 21h30 hôm nay, 13-12, bốc hơi thêm 23 USD/ounce, về mức 2.657 USD/ounce.
Hàn Quốc bắt 3 chỉ huy quân đội và cảnh sát liên quan thiết quân luật DUY LINH 13/12/2024 Bị bắt cùng ngày với Tư lệnh Cảnh sát quốc gia Hàn Quốc Cho Ji Ho còn có Giám đốc Cảnh sát Seoul Kim Bong Sik và Tư lệnh Bộ phòng thủ thủ đô Lee Jin Woo.