TTCT- Khi các chính phủ “chơi Facebook”, mọi chuyện không đơn giản chỉ là chia sẻ thông tin chính thống hay tương tác với dân. Minh họa Một nghiên cứu về 28 nước/vùng lãnh thổ có “binh đoàn mạng” vừa đưa ra những giải thích khá cụ thể về chiến thuật, công cụ và kỹ thuật thao túng thông tin, hình thức tổ chức, ngân sách, hành vi và khả năng của lực lượng này. Nhiều nhà nước sử dụng mạng xã hội như công cụ kiểm soát xã hội. Không gian ảo trở thành mặt trận không tiếng súng và cần những “đội quân” chuyên trách, không phải để chiến đấu mà là thao túng, định hướng dư luận. Các chiến dịch “thao túng thông tin mạng xã hội có tổ chức” này đã trở thành hiện tượng toàn cầu, theo báo cáo cùng tên vừa công bố của ĐH Oxford (Anh). Báo cáo thuộc Dự án nghiên cứu tuyên truyền điện toán (Computational Propaganda Research Project) được thực hiện từ năm 2012 của ĐH Oxford gọi các nhóm hoạt động theo hình thức này là “binh đoàn mạng” (cyber troop). Hoạt động này xuất hiện sớm nhất vào năm 2010 và đến nay có bằng chứng cho thấy 28 quốc gia đã lập binh đoàn mạng. “Người dùng mạng xã hội các nước khó biết được chính phủ của họ thực sự đang sử dụng những công cụ này nhiều như thế nào để tiếp cận họ, vì chúng được che đậy rất tốt” - Samantha Bradshaw, trưởng nhóm tác giả, nói với Bloomberg. Bradshaw cũng nhấn mạnh một phát hiện đáng lưu ý khác của báo cáo: không phải chỉ những chế độ chuyên chế mới kiểm soát và thao túng thông tin dư luận, mà cả các nhà nước dân chủ phương Tây cũng có binh đoàn mạng, sử dụng cùng các công cụ và kỹ thuật như các nhà nước độc tài. Ai đứng sau binh đoàn mạng? Báo cáo của ĐH Oxford định nghĩa binh đoàn mạng là “các đội nhóm thuộc chính phủ, quân đội hay đảng phái chính trị, chuyên thao túng dư luận trên mạng xã hội”. Các binh đoàn mạng có thể là tổ chức chính quy như bộ, cơ quan hay phòng, ban trực thuộc chính phủ. Thành viên của các binh đoàn mạng dạng này là công chức thực thụ, vẫn ăn lương nhà nước với nhiệm vụ chính là định hướng dư luận. Ở một số nước, binh đoàn mạng lại do các nhóm chính trị hay đảng phái tổ chức, tương tự lực lượng hỗ trợ xây dựng hình ảnh hay vận động tranh cử. Nhóm hỗ trợ này cũng có nhiệm vụ tăng lượng thích (like), chia sẻ (share) và người theo dõi (follower) trên tài khoản mạng xã hội của các chính trị gia, đảng để tạo cảm giác họ được “quần chúng” tin cậy. Nếu không trực tiếp dùng nhân sự cơ hữu, các chính phủ cũng có thể “thuê ngoài” - hợp đồng với các công ty truyền thông, quan hệ công chúng theo từng chiến dịch; tranh thủ sự trợ giúp của lực lượng tình nguyện viên, những người sẵn sàng giúp đỡ truyền tải thông điệp, đường lối của chính phủ; hoặc trả tiền cho một số cá nhân có tiếng nói cả trong xã hội thật lẫn ảo. Các tình nguyện viên giúp tuyên truyền cho chính phủ, như đoàn thanh niên IRELI (Azerbaijan) hay phong trào Nashi (Nga), tự tập hợp với nhau theo kiểu những người cùng chí hướng. Nhóm này không được trả lương, song có thể nhận được hỗ trợ từ chính phủ. Chẳng hạn, các sinh viên tình nguyện giúp Chính phủ Israel tích cực nhất sẽ nhận học bổng, còn tham gia IRELI được xem là bước đệm quan trọng để đạt được các vị trí cao cấp hơn trong hệ thống chính quyền Azerbaijan. Điển hình của binh đoàn mạng do chính phủ trực tiếp điều hành là một cơ quan thuộc Bộ Truyền thông Venezuela, hay Lữ đoàn 77 và cơ quan tình báo GCHQ (đều của Anh). Các binh đoàn mạng ở Argentina và Ecuador được cho là có liên quan đến văn phòng tổng thống. Tại Trung Quốc, các văn phòng cấp địa phương sẽ liên kết với cấp vùng và trung ương để thống nhất cách tường thuật các sự kiện diễn ra trên khắp nước. Chính phủ Mỹ từng thuê một công ty PR phát triển công cụ quản lý tài khoản mạng xã hội giả, trong khi Internet Research Agency, một công ty tư nhân của Nga, thi thoảng được giao hợp đồng giúp Điện Kremlin trong một số chiến dịch truyền thông xã hội. Tổ chức ra sao, ngân sách thế nào? Quy mô của binh đoàn mạng ở các nước cũng chênh lệch khá lớn, từ các nhóm nhỏ tầm 20 người (Czech) đến mạng lưới trên 2 triệu người (Trung Quốc). Ngân sách để nuôi bộ máy thao túng thông tin của từng chính phủ cũng khác xa nhau. Nhóm nghiên cứu cho biết rất khó tìm được số liệu công khai về vấn đề này, song họ cũng tiếp cận được một số thông tin, chủ yếu là tiền hợp đồng theo từng chiến dịch cụ thể chứ không phải ngân sách chung hằng năm. Ví dụ, Chính phủ Ecuador thường chi khoảng 200.000 USD cho mỗi hợp đồng với các công ty tư nhân để thực hiện chiến dịch định hướng dư luận, trong khi con số này chỉ là 4.000 USD ở Syria. Trung Quốc có nhóm Ngũ Mao Đảng, tức Đảng 50 xu - số tiền được cho là “thù lao” cho mỗi thông điệp ủng hộ chính phủ được gửi lên mạng. Theo báo cáo, với các nước dân chủ, các đảng phái chính trị thường tổ chức chiến dịch thao túng thông tin hơn là chính quyền. Đi sâu vào phân tích cách thức hoạt động của binh đoàn mạng các nước, nhóm nghiên cứu nhận thấy có nước tổ chức đội ngũ này với hệ thống phân cấp, có tầng nấc cụ thể như một công ty hay chính phủ, có cắt cử vị trí quản lý để giám sát, phê duyệt nội dung từng chiến dịch (như Trung Quốc, Syria). Tùy theo từng nước mà các cơ quan hay đội nhóm định hướng dư luận phối hợp chặt chẽ (Trung Quốc) hay lỏng lẻo (Saudi Arabia) với nhau, cũng có nơi liên kết nội bộ giữa các nhóm chỉ ở mức lưng chừng, không tốt không xấu. Thành viên của các binh đoàn được rèn luyện ra sao? Các hình thức “xây dựng đội ngũ” bao gồm các lớp, khóa đào tạo, thậm chí trại hè nhằm cải thiện kỹ năng và khả năng cho các thành viên. Chẳng hạn như các lớp học tiếng Anh do giáo viên bản ngữ đứng lớp nhằm giúp lực lượng định hướng dư luận của Nga giao tiếp đúng ngữ pháp khi cần tương tác với đối tượng ngoại quốc. Nga cũng cho thành viên binh đoàn mạng “học chính trị” để quán triệt tư tưởng đường lối của nhà nước về các vấn đề thời sự. Ở Azerbaijan, các thành viên được đào tạo cách sử dụng blog và mạng xã hội hiệu quả hơn. Một số quốc gia có chính sách khen thưởng để khuyến khích binh đoàn mạng hoạt động hết mình: Israel trao thưởng bằng học bổng, còn Triều Tiên đào tạo những người trẻ giỏi tin học và chiêu mộ những người xuất sắc nhất vào đại học quân sự như phần thưởng cho nỗ lực của các tình nguyện viên này. Một vài nền dân chủ lại đầu tư vào R&D (nghiên cứu và phát triển) để xây dựng các nền tảng giúp việc tuyên truyền và khuếch trương ảnh hưởng trên mạng xã hội hiệu quả hơn. Chẳng hạn cơ quan phụ trách các dự án phòng thủ tiên tiến DARPA (thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ) hồi năm 2010 đã tài trợ 8,9 triệu USD cho chương trình nghiên cứu liệu cách dùng mạng xã hội để chi phối hành vi của người dùng. Vũ khí của binh đoàn mạng Trong thời mạng xã hội, tính năng comment (bình luận) chính là công cụ được các binh đoàn mạng sử dụng nhiều nhất để đạt được mục đích. Mọi thứ không đơn giản như rải quân đi bình luận “bênh vực” chính phủ hay đảng phái ở khắp nơi. Chiến thuật được sử dụng phân làm ba kiểu bình luận: tích cực, trung dung và tiêu cực. Binh đoàn mạng của Israel được quy định phải bình luận ôn hòa với những người chỉ trích chính phủ. Song với nhiều quốc gia khác, “binh đoàn mạng thường xuyên dùng hình thức bình luận tiêu cực (chửi bới, sỉ nhục, quấy rối và bắt nạt bằng ngôn từ) với những người bất đồng chính kiến chính trị” - báo cáo viết. Trong khi đó, binh đoàn mạng ở Saudi Arabia lại chọn lối bình luận trung dung - không khen ngợi, không chỉ trích mà “tổ lái” vấn đề sang chuyện khác để làm sao nhãng sự tập trung vào chủ đề đang tranh cãi. Các thành viên binh đoàn mạng Saudi Arabia sẽ “giội bom” các tin nhắn trên Twitter bằng các thẻ chủ đề (hashtag) không liên quan vấn đề chính để hạ nhiệt chỉ trích hay tranh cãi. Chiến thuật phổ biến của nhóm Ngũ Mao Đảng (Trung Quốc) là bình luận có nội dung cảm tính để hướng mọi chỉ trích (nếu có) về người gửi bình luận, thay vì nhằm vào chính phủ hay các vấn đề chính trị đang được bàn thảo. Một hình thức khác là tấn công cá nhân: những người có ảnh hưởng trên mạng như blogger, nhà báo và nhà hoạt động sẽ được lựa chọn để thay mặt chính phủ thuyết phục người theo dõi (follower) của mình tin vào các đường lối, chính sách. Ngược lại, chính những nhóm cá nhân này cũng có thể trở thành mục tiêu đánh phá, cả trên mạng lẫn đe dọa nguy hiểm tính mạng ngoài đời, của binh đoàn nếu họ bất đồng chính kiến. Báo cáo dẫn ví dụ Cơ quan tình báo quốc gia Hàn Quốc từng tiến hành nhiều chiến dịch bôi nhọ nhằm vào các đảng đối lập trước cuộc bầu cử năm 2012. Những người chỉ trích Chính phủ Azerbaijan cũng sẽ bị tấn công cá nhân trên Twitter hay các mạng xã hội khác. Về công cụ hoạt động, nhiều chính phủ lập nhiều tài khoản mạng xã hội công khai, tạo trang web hay ứng dụng di động nhằm mục đích tuyên truyền. Israel có hơn 350 tài khoản mạng xã hội “chính chủ” của chính phủ, rộng khắp các mạng phổ biến từ Twitter đến Instagram và sử dụng ba ngôn ngữ Hebrew, Ả Rập và tiếng Anh. Lữ đoàn 77 của Anh cũng hiện diện công khai trên Facebook và Twitter, còn Ukraine có “binh đoàn sự thật” (i-Army), vận hành một trang web cho phép người dân và tình nguyện viên tiếp cận và chia sẻ “thông tin thật”. Chính phủ Ecuador cũng lập trang web Somos+ để tiếp nhận và phản hồi khiếu nại về các phần tử chống chính quyền trên mạng. Khi phát hiện cá nhân chống chính phủ, trang web sẽ gửi thông báo cho mọi thành viên để mọi người cùng tấn công “hội đồng” nhân vật bất đồng chính kiến này. Ngoài tài khoản công khai, nhiều nhà cầm quyền lại yêu cầu binh đoàn mạng sử dụng tài khoản giả và bot (phần mềm trí tuệ nhân tạo) để che giấu thân phận. Bot, được dùng “giội bom” tin giả và tin rác trên mạng xã hội, đã và đang được binh đoàn mạng nhiều nước (Argentina, Azerbaijan, Iran, Mexico, Philippines, Nga, Saudi Arabia, Hàn Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ và Venezuela) sử dụng. Hình thức cuối cùng là tạo nội dung gốc dưới hình thức bài viết trên blog, video hay thậm chí tin giả (fake news) để truyền bá các thông điệp chính trị, chứ không đơn giản là đi comment khắp nơi. Có thể kể đến chuỗi video nhằm “chống cực đoan hóa người Anh gốc Hồi giáo và ngăn họ đến Syria tham gia thánh chiến” của Anh. Báo cáo đã làm sáng tỏ nhận định rằng “thao túng thông tin trên mạng là một hiện tượng có tổ chức, với nhiều chính phủ nước lớn và đảng phái chính trị ngày càng dành nhiều tài nguyên cho việc định hướng dư luận trên mạng xã hội”. “Không còn nghi ngờ gì nữa, việc tổ chức các binh đoàn mạng sẽ còn tiến triển và nhiều khả năng nó vẫn sẽ là một hiện tượng toàn cầu” - nhóm nghiên cứu kết luận.■ Tags: Mạng xã hộiDư luậnBinh đoàn mạngTuyên truyền thời facebookĐịnh hướng dư luận
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Đại biểu Quốc hội: Điều hòa dân nghèo cũng sử dụng, sao xem là xa xỉ để áp thuế tiêu thụ đặc biệt TIẾN LONG 22/11/2024 Người lao động nghèo ở nhà trọ cũng lắp máy điều hòa, không hiểu sao lại đưa mặt hàng này vào hàng hóa xa xỉ để đánh thuế tiêu thụ đặc biệt.
Độc lạ Đồng Nai: Treo ô tô cũ trước cổng nhà làm kỷ niệm A LỘC 22/11/2024 Một gia đình ở Đồng Nai treo ô tô cũ trước cổng nhà làm kỷ niệm khiến cộng đồng mạng xôn xao.
Thiếu phôi bằng lái, xe 'trùm mền' HÀ MI 22/11/2024 Tình trạng thiếu phôi bằng lái đang lan ra nhiều tỉnh thành cả nước. Hệ lụy của thực trạng này là hàng chục ngàn người dân bị "treo bằng" dù thi đậu, có địa phương phải loay hoay đi mượn phôi hoặc bất đắc dĩ tạm dừng kỳ sát hạch.
Chợ Bến Thành là di tích cấp thành phố, ban quản lý cam kết bảo tồn hiệu quả HOÀI PHƯƠNG 22/11/2024 Năm di tích được công bố xếp hạng di tích cấp thành phố gồm trụ sở Cục Hải quan TP.HCM, trụ sở UBND quận 1, chợ Bến Thành, đền thờ Đức Thánh Trần Hưng Đạo và mộ ông Binh Bộ Kiểm duyệt Ty - Thừa vụ lang họ Trần.