TTCT - Ethereum đã "xanh" hơn, nhưng liệu nó có đổi được "đèn xanh" từ giới quản lý các nước? Thế giới tiền mã hóa (crypto) vừa chứng kiến một thời khắc lịch sử hôm 15-9, khi Ethereum, blockchain lớn thứ 2 sau Bitcoin, thay đổi cách xác thực giao dịch, qua đó làm giảm đáng kể lượng tiêu thụ điện. Hơn 41.000 người xem trực tiếp thời khắc lịch sử mang tên The Merge trên YouTube đã nín thở theo dõi từng chỉ số đo lường gửi về khi Ethereum hợp nhất (merge) blockchain chính với nền tảng song song chạy thử nghiệm trong 2 năm qua, chính thức chuyển sang áp dụng cơ chế đồng thuận proof-of-stake (bằng chứng đặt cược) thay cho cơ chế cũ là proof-of-work (bằng chứng lao động) để xác thực giao dịch.Sự chuyển đổi này dù "vô hình" trong mắt người đầu tư thông thường, nhưng lại có ý nghĩa lớn trong việc cải thiện hình ảnh blockchain và tiền mã hóa, mở ra hy vọng công nghệ này sẽ được đón nhận nhiều hơn và có ứng dụng rộng rãi hơn.Tạm biệt thợ đàoThế giới crypto thường gắn với hình ảnh "đào" tiền mã hóa - dùng các cỗ máy tính siêu mạnh để chạy phần mềm giải các câu đố phức tạp mà blockchain đưa ra. Một thợ đào phải cạnh tranh với hàng trăm người khác để là người chiến thắng - được quyền xác thực, thêm dữ liệu mới vào blockchain, và nhận phần thưởng cho công lao động (work) của họ (với Bitcoin là 6,25 BTC, khoảng 198 triệu đồng tại thời điểm viết bài, còn Ethereum là 2 ether, khoảng 63 triệu đồng). Ngoài ra còn có "tiền xăng" - khoản phí mà người dùng phải trả thêm cho mỗi giao dịch."Cơ chế này được gọi là ‘bằng chứng công việc’ vì máy tính phải chứng minh mức tiêu hao năng lượng của chúng bằng cách hoàn thành công việc tiêu tốn nhiều năng lượng đó là giải đố" - trang tin CNET giải thích. Đây là cách hầu hết các đồng tiền số trong đó có Bitcoin vận hành, và cũng là cách Ethereum từng vận hành cho tới hôm 15-9.Với cơ chế mới, những "thợ đào" tiền mã hóa - những kẻ hủy diệt môi trường với các "trại đào" gồm hàng trăm giàn máy kết nối với nhau cùng hệ thống tản nhiệt công suất lớn hoạt động ngày đêm và tiêu thụ lượng điện năng khổng lồ - đã không còn đất sống trên Ethereum. Từ nay, thay vì chứng minh mình "đã làm việc", người sở hữu ether cược (stake) một số lượng token mình đang có làm tài sản đảm bảo vào một rổ chung. Mỗi khi có giao dịch được thực hiện, một thành viên có token trong rổ sẽ được chọn ngẫu nhiên để tham gia xác thực và nhận tiền thưởng cho công việc này. Số lượng token ký gửi càng nhiều thì khả năng được lựa chọn càng cao."Hãy tưởng tượng mỗi token ký gửi vào rổ giống như một tờ vé số: nếu vé của bạn được gọi, bạn giành được quyền xác minh giao dịch tiếp theo và nhận được phần thưởng đi kèm" - The New York Times giải thích.Dù không còn cần đầu tư máy đào coin tốn kém, kiếm ether thông qua cơ chế mới cũng không phải là sân chơi dành cho người ít tiền. Để đủ điều kiện trở thành người xác minh, bạn cần ký gửi ít nhất 32 ether (hơn 1 tỉ đồng).Dự án chuyển đổi sang cơ chế proof-of-stake đã được các kỹ sư Ethereum chuẩn bị từ năm 2014 nhưng phải dời lại nhiều lần vì các thách thức kỹ thuật của việc thay máu hệ thống trị giá 200 tỉ USD. Tháng 12-2020, một blockchain thử nghiệm được tạo ra và bắt đầu chạy song song với blockchain chính của Ethereum. Đến tận ngày diễn ra cuộc hợp nhất 2 blockchain làm một, vẫn không ai dám chắc việc chuyển đổi có diễn ra suôn sẻ hay không. "Nó gần giống như việc thay thế động cơ một chiếc máy bay trong khi nó đang bay…, một thành tựu kỹ thuật đáng kể" - anh Edward Machin, một luật sư về dữ liệu và an ninh mạng thuộc Công ty luật Ropes & Grey, nói với Financial Times."Xanh" hơn thì sao?Báo cáo Chỉ số tiêu thụ năng lượng Bitcoin do trang Digiconomist công bố ước tính Bitcoin tiêu thụ khoảng 150 terawatt-giờ (TWh) mỗi năm, nhiều hơn mức tiêu thụ điện của toàn bộ đất nước Argentina với 45 triệu dân. Ethereum dù xếp thứ 2 nhưng cũng ngốn khoảng 62 TWh mỗi năm, tương đương mức tiêu thụ điện của Thụy Sĩ với 9 triệu dân, theo CNET. Dù đa số (57%) lượng điện này đến từ các nguồn tái tạo (theo số liệu tự báo cáo của các thành viên diễn đàn Bitcoin Mining Council), con số này không hẳn làm hài lòng các nhà vận động vì môi trường khi dấu chân carbon của hoạt động đào tiền ảo vẫn rất đáng quan ngại.Sau sự kiện ngày 15-9, Ethereum đã giảm đến 99,65% tiêu thụ điện để vận hành blockchain, vì không còn cần thợ đào với dàn máy khủng ngốn tài nguyên. Trên biểu đồ được cập nhật từng ngày trên Digiconomist, đường thẳng biểu thị mức tiêu thụ năng lượng của blockchain này gần như giảm thẳng đứng từ gần 78 TWh/năm ngày 14-9 về mức 0,01 TWh/năm ngày 16-9 và duy trì cho đến nay.Một số chuyên gia xem cuộc hợp nhất là thời điểm lịch sử khởi đầu cho việc đưa tiền mã hóa thành xu hướng tài chính chủ đạo bằng cách giảm đáng kể mức tiêu thụ năng lượng quá lớn của ngành - một nguyên nhân khiến các nhà đầu tư và quản lý chần chừ khi đứng trước quyết định chấp nhận hay khước từ tiền ảo."Việc chuyển đổi thành công sang cơ chế proof-of-stake sẽ gửi một tín hiệu to lớn đến các nhà quản lý rằng ngành công nghiệp tiền điện tử có khả năng thích ứng theo cách ưu tiên cho sức khỏe của hành tinh chúng ta" - Evin Cheikosman, chuyên gia phân tích tiền mã hóa, nhận định trong bài viết đăng trên trang web Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) ngày 14-9.Ảnh: NFT NewsDù blockchain lớn nhất thế giới là Bitcoin vẫn trung thành với mô hình proof-of-work và nắm giữ kỷ lục về phát thải trong số các loại tiền mã hóa, bất cứ tiến triển nào trong việc xanh hóa ngành công nghiệp này vẫn tốt hơn là giậm chân tại chỗ. "Dù không thể nói rằng chúng ta đã làm sạch tiền mã hóa khi kẻ gây ô nhiễm lớn nhất vẫn còn đó… nhưng tôi có thể nói rằng ít nhất đây là một bước tiến lớn… Thế giới bên ngoài cũng cần thấy rằng điều này (chuyển đổi xanh tiền mã hóa) là khả dĩ" - nhà sáng lập Digiconomist Alex de Vries trả lời Financial Times.Nhiều dự án được xây dựng trên blockchain Ethereum như NFT và các nền tảng tài chính phi tập trung (DeFi) cũng được hưởng lợi từ cuộc chuyển đổi lần này. "Nó làm cho Ethereum trở nên xanh hơn, điều này rất quan trọng vì (tác động môi trường) thực sự là một trở ngại cho việc áp dụng rộng rãi tiền mã hóa. Nhiều người đáng lẽ đã sử dụng tài sản kỹ thuật số nếu không phải vì quan ngại việc tiêu thụ năng lượng của chúng và những tác động tiêu cực đối với môi trường" - Alkesh Shah, chiến lược gia tài sản kỹ thuật số và tiền điện tử tại Bank of America, nhận định.Nếu trong tương lai gần, Ethereum có thể tránh được những lời chỉ trích từ các nhà bảo vệ môi trường, áp lực sẽ gia tăng với đối thủ chính của nó là Bitcoin để phải áp dụng mô hình tương tự trong tương lai. "Nếu một trong hai blockchain lớn nhất có thể tẩy sạch tiếng xấu của nó, tại sao blockchain còn lại không thể?" - Financial Times đặt câu hỏi.Trước mắt, Vitalik Buterin, nhà đồng sáng lập Ethereum, vẫn thận trọng khi chia sẻ với khán giả theo dõi buổi phát trực tiếp cuộc hợp nhất hôm 15-9: "Đây là bước đầu tiên trong hành trình lớn của Ethereum hướng tới trở thành một hệ thống trưởng thành, nhưng vẫn còn những bước tiếp theo cần thực hiện. Đối với tôi, cuộc hợp nhất chỉ tượng trưng cho sự khác biệt giữa Ethereum giai đoạn đầu và Ethereum mà chúng tôi luôn muốn nó trở thành".■Một lợi ích lớn khác của mô hình proof-of-stake là bảo mật. Để nắm quyền kiểm soát một blockchain proof-of-work như Bitcoin hoặc Ethereum trước đây, kẻ tấn công cần làm chủ 51% tổng sức mạnh tính toán được sử dụng để khai thác token tương ứng - chi phí để đầu tư máy móc cho mục đích này vào khoảng 5-10 tỉ USD. Khi chuyển qua cơ chế proof-of-stake, một cuộc tấn công nhằm chiếm quyền kiểm soát trên lý thuyết sẽ tiêu tốn của kẻ tấn công khoảng 20 tỉ USD, chưa kể nếu bị phát hiện thì toàn bộ số token ký gửi của hung thủ có thể bị xóa sạch để ngăn chặn. Tags: BlockchainTiền ảoTiền điện tửTiền mã hóaEthereumCrypto
Giáo sư Lea Ypi: "Tiểu thuyết khuyến khích niềm khoan dung..." HOÀNG HẢI VÀ ZÉT NGUYỄN 14/09/2024 3109 từ
Để nhà ở xã hội cho thuê không còn "trên giấy" Phạm Thái Sơn (giảng viên chương trình Phát triển đô thị bền vững, Đại học Việt Đức) 12/09/2024 1762 từ
Nước sông rút nhanh, bắt đầu rà soát trục vớt, làm cầu phao ở cầu Phong Châu DƯƠNG LIỄU 14/09/2024 Sáng 14-9, lực lượng chức năng Phú Thọ chuẩn bị công tác trục vớt phần cầu Phong Châu bị sập và làm cầu phao tạm thay thế.
Khách Tây xuống đường phụ dọn dẹp cây đổ ở Hà Nội sau bão Yagi HỒNG QUANG 14/09/2024 Hàng chục người nước ngoài có mặt tại các vườn hoa, con đường ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội sáng 14-9 cùng lực lượng chức năng dọn dẹp đường phố sau bão Yagi.
Diễn viên Nam Thư làm việc với Công an Đà Lạt vụ tố homestay làm lộ hình ảnh M.V 14/09/2024 Nguồn tin của Tuổi Trẻ cho hay diễn viên Nam Thư đã đến Đà Lạt làm việc với cơ quan công an liên quan đến nội dung tố cáo trước đó.
Miền Nam chìm trong biển nước do mưa bão là tin đồn thất thiệt LÊ PHAN 14/09/2024 Trên mạng xã hội xuất hiện tin đồn 'sắp tới miền Nam cũng có mưa bão, tất cả chìm trong biển nước' khiến nhiều người hoang mang.