Bỏ phiếu

VĂN CƠ 18/10/2010 21:10 GMT+7

TTCT - Con gái lớp 4 đi học về với vẻ hăm hở không che giấu, chìa tờ thông báo chương trình bỏ phiếu tín nhiệm bầu ban chỉ huy Liên Đội thiếu niên tiền phong toàn trường. Danh sách có 22 người, bầu chọn... 20 người.

Rồi như không kìm được bí mật, nó nói: “Con được chọn rồi đó mẹ!”. Tôi phì cười: “Thế ai nói cho con biết?”. “Thầy phụ trách Đội”.

Ngày hôm sau con tôi thông báo nó được 18/22 phiếu, tôi hỏi thế con đã gạch tên những ai, nó bảo cứ bạn nào không thích hoặc bạn bè nói bỏ thì bỏ, nó cũng không nhớ là đã bầu chọn những ai vì có nhiều bạn ở các khối lớp khác nữa. Nó cũng bảo đã tự bỏ cho chính mình. Tôi hỏi lý do, con nói: “Thầy nói con đã được chọn mà!”. Sau đó nó trở về công việc hằng ngày của một học sinh: làm bài tập, ăn uống, tắm rửa, xem tivi và ngủ.

Nhìn gương mặt trẻ thơ phủ đầy lông măng chìm trong giấc ngủ say, tôi tự hỏi tại sao không ai nghĩ mình vừa bỏ qua một cơ hội để con trẻ hiểu được một việc làm mà sau này có thể nó sẽ thực hiện nhiều lần trong đời, một cách để học về trách nhiệm đối với chính mình và người khác.

Con tôi dường như không hiểu thế nào là ban chỉ huy, một tổ chức có vẻ còn xa lạ với bổn phận một học sinh, một đội viên như nó. Tôi nghĩ có lẽ nó cho rằng đó là một “nhóm” sẽ phụ trách một số việc như chào cờ, đánh trống, diễn văn nghệ. Thế cũng tốt, trẻ con mà, những hoạt động đó phần nào sẽ giúp trẻ dạn dĩ và có những ngày tuổi thơ thú vị ở học đường. Nhưng thế đã đủ chưa?

Một cuộc bầu chọn vào một tổ chức mà không ai biết mình sẽ làm gì, tên tuổi người được chọn đã được thông báo trước, những em bị gạch bỏ vì tác động của bạn bè, một danh sách quá ít người bị loại cho một tập thể quá đông thành viên, một đứa trẻ tự bỏ phiếu cho mình chỉ vì tin rằng mình đã được chọn!

Mọi việc kỳ lạ đó đã bị bỏ qua đến mức chẳng ai còn thấy nó kỳ lạ nữa, chẳng ai ngạc nhiên nếu một đứa bé chưa hiểu hết thế nào là ban chỉ huy vẫn được bỏ phiếu, một cái tên bị loại hay được chọn chỉ do ý thích của bạn bè chứ không phải do khả năng của chính nó. Chuyện nhỏ ư?

Thế rồi gia đình tôi tổ chức đám cưới cho đứa cháu đích tôn, anh lớn những đứa cháu của tôi. Anh chị tôi kết hôn sớm nên con cái đi làm hết, vợ chồng tôi lập gia đình muộn nên con còn bé xíu. Một đám lao nhao từ 6 đến 27 tuổi - miễn cho trẻ mẫu giáo - được chúng tự triệu tập. Nội dung là bọn trẻ phải bỏ phiếu để chọn một trong ba bài hát, ba món quà và ba câu chúc tặng cô dâu chú rể. Tôi bảo mấy đứa lớn làm hết đi, bọn nhóc con biết gì nhưng chúng nói: “Thế mới vui, có vậy tụi nhỏ mới sướng!”.

Lần đầu tiên tôi thấy con mình cân nhắc, nó tỏ ra chủ động khi giành phần quyết định luôn cho cả đứa em, nó cũng “vận động hành lang” đứa chị họ sàn sàn tuổi nó chọn bài hát giống nó, nó lưỡng lự không muốn ai biết nó đã bỏ phiếu những gì và còn nói cả lý do vì sao chọn như thế! Cả đám hào hứng với trò bỏ phiếu và sau đó là hò hét đinh tai khi nghe kết quả. Có đứa cười sung sướng, có đứa giận dỗi, có cả trò khích bác nhau nữa.

Nhưng chuyện đó đã thành chuyện thần kỳ trong ngày cưới, bọn trẻ đã làm người lớn bất ngờ và hạnh phúc khi thấy chúng biểu diễn trên sân khấu. Dù hát còn lộn xộn nhưng lúc đó chúng là một, đứa lớn kéo đứa bé, đứa dạn dĩ đỡ cho đứa nhút nhát, không đứa nào muốn bỏ lỡ một sự kiện mà chúng đã đồng lòng cùng nhau chuẩn bị.

Tôi chợt nhớ mình đã từng làm thế - từng bỏ phiếu - nhiều lần trong đời. Tôi đã mong nhận được sự đồng tình của nhiều người khi chọn người yêu, công việc, mục đích sống. Tôi cũng đã làm vậy khi giao phó sự tin cậy của mình cho một ai đó mà tôi tin rằng người đó cũng được nhiều người khác tin cậy. Tôi đi trên con đường mà tôi tin là đúng đắn khi biết có nhiều người cùng đồng hành với mình.

Con tôi rồi cũng sẽ có con đường của nó. Nó sẽ bỏ phiếu cho người khác hoặc sẽ tự tin bỏ phiếu cho chính mình để nhận được sự tin cậy của người khác. Nó có nhiều bài học để tập chọn lựa, chỉ mong sao con sẽ biết bỏ phiếu cho cuộc đời mình, cho cuộc đời người khác với cả niềm tin, trách nhiệm và lòng chân thành...

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận