Bóng đá: Cải tiến hay cải lùi?

HUY ĐĂNG 05/03/2024 09:14 GMT+7

TTCT - Những người hâm mộ bóng đá có thể ngn đấu vào thángã ngửa khi mở tivi xem một trậ 8 - thời điểm các giải bóng đá châu Âu chính thức bước vào mùa giải 2024-2025...

Bởi luật việt vị mới, thẻ xanh, hay hệ thống lịch thi đấu rối rắm chưa từng thấy ở Champions League sẽ là thứ khiến những fan bóng đá phải nhức đầu.

Thẻ phạt là một trong những chuyện gây tranh cãi nhất làng bóng đá Ảnh: REUTERS

Thẻ phạt là một trong những chuyện gây tranh cãi nhất làng bóng đá Ảnh: REUTERS

Làm gì cũng bị phạt thẻ

Suốt hai tuần qua, "thẻ xanh" trở thành chủ đề nóng của làng bóng đá đỉnh cao. Đây là điều luật đặc biệt đã được FIFA lên kế hoạch từ hơn ba năm trước. Và đầu năm 2024, IFAB - cơ quan ban hành luật bóng đá của FIFA - chính thức thông qua việc áp dụng thẻ xanh.

Giải thích một cách dễ hiểu, thẻ xanh cao hơn thẻ vàng, và dưới thẻ đỏ. Một cầu thủ bị phạt thẻ xanh sẽ bị đuổi khỏi sân trong 10 phút. Khi trở lại sân, cầu thủ này sẽ bị đuổi hẳn nếu lãnh thêm một thẻ xanh hoặc thẻ vàng nữa. 

Tất nhiên, IFAB đã phê duyệt việc áp dụng thẻ xanh vào bóng đá, nhưng làng bóng đá sẽ mất thêm một khoảng thời gian nữa trước khi loại thẻ phạt này chính thức xuất hiện ở các giải đấu lớn.

Thoạt nhìn, thẻ xanh giúp giải quyết những lợn cợn khi nhận định về một tình huống phạm lỗi "thẻ vàng quá nhẹ, nhưng thẻ đỏ lại quá nặng". Thẻ xanh giúp trọng tài có nhiều lựa chọn hơn. Nhưng giới chuyên môn lại tỏ ra không mấy hào hứng. 

Tờ Daily Mail của Anh đã khảo sát ý kiến các HLV hàng đầu của bóng đá Anh. Kết quả, gần 90% chỉ trích đây là "ý tưởng tồi", trong đó có những HLV tên tuổi như Jurgen Klopp, David Moyes…

"Hãy để luật chơi được đơn giản nhất có thể. Vì sao phải tạo ra thẻ xanh? Vì có nhiều tranh cãi rằng với tình huống như vậy, cầu thủ này nên nhận thẻ vàng hay thẻ đỏ. Và người ta tạo ra thẻ xanh để thêm lựa chọn. Nhưng tôi biết chắc rằng rồi cũng sẽ có những tranh cãi đại loại tại sao lại là thẻ vàng mà không phải thẻ xanh, hoặc nếu trước đây anh ta đã bị đuổi khỏi sân rồi, nhưng bây giờ lại chỉ đuổi 10 phút", HLV Klopp gay gắt.

Không bực dọc như người đồng nghiệp nhưng HLV Mauricio Pochettino cũng đồng tình với quan điểm "đừng phức tạp hóa mọi chuyện thêm nữa", và "trước sau gì chả có tranh cãi". Đó đều là những cách nhìn nhận khái quát của người có kinh nghiệm. 

Không cần phải chờ đến khi thẻ xanh chính thức xuất hiện, chúng ta cũng có thể khẳng định điều mà Klopp hay Pochettino nói sớm muộn gì cũng ứng nghiệm. Mùa giải này, các chiến lược gia hàng đầu của Premier League đã phải nói quá nhiều về câu chuyện thẻ phạt.

Trước thẻ xanh, ban tổ chức Premier League đã tiên phong với quy định mới cho việc rút thẻ vàng. Bên cạnh những lý do liên quan đến việc chơi xấu, phạm lỗi thô bạo, ngăn cản tình huống tấn công nguy hiểm hay có hành vi không chừng mực, giờ đây các cầu thủ sẽ bị rút thẻ vàng cảnh cáo nếu "có phản ứng quá mức với trọng tài".

Kết quả là dù chỉ mới trôi qua 24 vòng đấu, Premier League mùa này đã có tổng cộng 1.024 chiếc thẻ vàng được rút ra, trong khi toàn bộ 38 vòng đấu mùa giải trước chỉ có 1.353 thẻ vàng. 

Tức nếu duy trì tần suất này, cuối mùa giải sẽ có hơn 1.600 thẻ vàng, tăng 20% so với mùa trước. Thậm chí, mùa giải năm ngoái chỉ có cả thảy 12 thẻ đỏ gián tiếp (từ 2 thẻ vàng), trong khi mới đến thời điểm hiện tại của mùa này đã có 23 thẻ đỏ gián tiếp.

Rất nhiều cầu thủ bị đuổi khỏi sân một cách "lãng xẹt" vì quy định cấm phản ứng mới ra đời này. Điển hình là trường hợp hậu vệ Diogo Dalot của Manchester United. Vào cuối trận đấu, trọng tài cho Liverpool hưởng quả ném biên, Dalot phản ứng vì cho rằng quả ném biên nên thuộc về Man United. Trọng tài rút thẻ vàng khiến anh nổi giận và la hét. Kết quả là Dalot lãnh thêm một thẻ vàng nữa.

Chưa hết, tình huống chiếu chậm cho thấy quả ném biên quả thực đáng lý phải thuộc về… Man United. Rốt cuộc, anh chẳng sai gì trong tình huống này. Hậu vệ người Bồ Đào Nha cũng không chơi xấu, không tiểu xảo, không có lời lẽ quá đáng nhắm vào trọng tài. 

Dalot chỉ đơn giản thể hiện thái độ tức giận vì một quyết định sai lầm của trọng tài, ở thời điểm phút 90 và trận đấu đang tranh chấp kịch tính với tỉ số hòa. Bóng đá ngày nay không còn chỗ cho cảm xúc!

Loanh quanh tìm lại cảm xúc

"Cảm xúc" cũng là điều được nhắc đến nhiều khi VAR chính thức được FIFA áp dụng từ năm 2018. Ngay lập tức, công nghệ này gây tranh cãi. Lợi ích VAR mang đến không cần phải bàn, nhưng hạn chế lại là tính chi li quá mức. 

Suốt năm năm sau đó, làng bóng đá tranh luận dữ dội vì những pha bóng "việt vị mũi giày", hoặc những quả phạt đền được ban phát liên tục vì lỗi chạm tay trong vòng cấm địa.

Chủ tịch UEFA Aleksandr Ceferin từng lên tiếng về VAR: "Với tôi, việt vị 1cm không phải là việt vị. Luật bóng đá luôn hướng đến cái đẹp". Quả thật vì VAR, rất nhiều bàn thắng đẹp bị từ chối lãng xẹt. 

Để đối phó, FIFA cùng IFAB lại tiếp tục đổi luật, lần này là luật việt vị mới do HLV Arsene Wenger đề xuất. Theo đó, cầu thủ giờ đây chỉ bị thổi việt vị nếu toàn bộ thân người đứng dưới cầu thủ áp chót của đối phương. Từ chỗ "mũi giày" đến "cả thân người" là một thay đổi mang tính đảo ngược làng bóng đá.

Ngay khi luật việt vị mới được FIFA đưa vào thử nghiệm, truyền thông đã thổi bùng trở lại cuộc tranh cãi về chuyên môn. Liệu trong tương lai, mẫu tiền đạo "ăn cắp trứng gà" như Filippo Inzaghi thuở nào sẽ thịnh hành trở lại, và các trận đấu sẽ ngập tràn bàn thắng? 

Không đơn giản như vậy, một số chuyên gia khác phân tích, luật việt vị mới sẽ khiến mọi đội bóng e dè hơn trong việc phòng thủ. Thay vì dâng cao đội hình rồi gài bẫy việt vị đối phương, các hậu vệ giờ đây sẽ chủ động đứng thấp.

Số lượng những pha việt vị có thể giảm đi, đồng nghĩa những đường chọc khe xé toang hàng phòng ngự đối phương cũng giảm theo. 

Điều đó tốt hay xấu với làng bóng đá? Đó là một vòng luẩn quẩn. "Đừng phức tạp hóa mọi chuyện nữa, vì trước sau gì mọi người cũng sẽ tranh cãi về tình huống này, tình huống nọ mà thôi", HLV Klopp cảm thán. Không phải là ông không có lý. Bóng đá ngày nay càng lúc càng lạ lẫm nhưng tranh cãi vẫn sẽ liên miên.■

Lịch thi đấu phức tạp

Bên cạnh những thay đổi đáng kể về luật, lịch thi đấu cũng trở nên rối rắm hơn từ mùa tới. Theo đó, UEFA sẽ chính thức áp dụng thể thức thi đấu mới cho Champions League. Quy mô giải đấu được tăng từ 32 lên 36 đội, và không còn việc chia bảng đấu nữa, mà toàn bộ các đội sẽ được gộp lại làm… 1 bảng đấu duy nhất.

Họ được chia làm 4 nhóm hạt giống, mỗi đội sẽ đá 8 trận. Đối thủ được bốc thăm ngẫu nhiên, đảm bảo quy tắc mỗi đội sẽ đá đủ với cả 4 nhóm hạt giống. 24 đội đứng đầu sẽ giành vé vào vòng đấu loại trực tiếp. Trước đây, những đội lọt vào chung kết Champions League sẽ đá tối đa 13 trận/mùa. Nhưng với thể thức mới, giờ đây họ phải đá tối đa 17 trận. Cũng như World Cup của FIFA, mọi dự án của UEFA đều xoay quanh vấn đề cốt lõi: tăng số trận đấu và thu nhiều tiền hơn. Đổi lại là sự hoài nghi của khán giả về chất lượng giải đấu sụt giảm.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận