Bức tranh trái chiều của thị trường lao động thời vụ

TÂM LÊ - A LỘC 05/11/2022 06:55 GMT+7

TTCT - Khác với việc tuyển dụng lao động chính thức không có hoặc chỉ rải rác ở một vài công ty do thiếu đơn hàng, càng gần thời điểm cuối năm, việc tuyển dụng lao động thời vụ diễn ra khá sôi động nhưng rất ít lao động quan tâm, đăng ký.

Bức tranh trái chiều của  thị trường lao động thời vụ - Ảnh 1.

Thông tin tuyển lao động thời vụ được đăng tải liên lục trên trang mạng xã hội của các KCN. Ảnh: Tâm Lê



"Khát" lao động thời vụ

Chỉ vài chục phút buổi sáng, trên trang mạng các khu công nghiệp (KCN) Bắc Thăng Long, Minh Châu (Hà Nội), VSIP, Quế Võ (Bắc Ninh), Quang Châu, Đình Trám (Bắc Giang)…, thông tin tuyển dụng đăng mới liên tục. Một nhân viên tuyển dụng có thể đăng tin tìm lao động cho hàng chục công ty, ở các KCN khác nhau.

Chúng tôi gọi điện cho nhân viên Dương Thảo Linh, đang tuyển lao động thời vụ cho các KCN. Linh nhiệt tình tư vấn: "Chị đang ở khu vực nào, em sẽ báo cho chị làm công ty nào cho gần. Chị muốn làm thời vụ thì đi làm ngay, không cần hồ sơ, chỉ cần chứng minh thư". 

Linh đọc một loạt tên công ty để chúng tôi chọn, tiếp tục tư vấn vị trí làm việc, lương cơ bản hơn 5 triệu đồng/tháng và các chế độ phụ cấp như đi lại, ăn uống, tăng ca…. Linh hỏi khi nào chúng tôi có thể đi làm, chỉ cần gọi điện trước là sẽ có người đón ở KCN.

Nhân viên Huyền Hà đăng tuyển gấp 500 công nhân làm thời vụ ngắn hạn, làm theo ngày hoặc tối đa khoảng 3 tháng, và thời vụ dài hạn khoảng 6 tháng cho KCN Quang Minh (Hà Nội). 

Hà cho biết lao động thời vụ cả ngắn hạn và dài hạn được hưởng phúc lợi khác ít hơn lao động chính thức và có thể cho nghỉ việc bất cứ lúc nào. Lao động thời vụ không được tăng ca và phải làm thêm ngày thứ bảy, chủ nhật. 

Hà đăng tuyển các vị trí sản xuất, lắp ráp linh kiện điện thoại Samsung hoặc iPhone. Mức thu nhập từ 8,5 - 11 triệu đồng/tháng, cơm trưa hai bữa, có nhà ở miễn phí, nhận lương đúng ngày. Đi phỏng vấn chỉ cần mang theo CMND hoặc CCCD, không yêu cầu bằng cấp, hồ sơ. 

Tuy nhiên, mục tuyển dụng không có chế độ bảo hiểm và thưởng Tết cho người lao động. Bản tin đăng đã vài tiếng, nhưng mục bình luận vẫn không có ai đăng ký.

Hàng loạt nick khác cũng đăng thông tin tuyển dụng công nhân, có nơi tuyển công nhân chính thức, nơi tuyển 200 công nhân ở KCN Sông Công 2, hay tuyển 50 nữ công nhân cho KCN Vân Trung, điều kiện duy nhất là mang theo CMND và tới làm ngay…

Và khi có người lao động nào đó đăng tin tìm việc, lập tức hàng trăm nhà tuyển dụng bình luận mời chào. Trên trang chủ của KCN Quang Châu ở Việt Yên (Bắc Giang), nick Hồng Hạnh đăng tin tìm việc làm cho 2 người nữ. Lập tức nick tuyển dụng Minh Anh vào bình luận: "Nhắn tin cho tôi để làm chính thức hoặc thời vụ cũng có".

Trong khi đó, tình hình lao động thời vụ tại một số tỉnh thành phía Nam lại diễn biến khác. Trước đây, giai đoạn cuối năm thường là thời điểm doanh nghiệp cho công nhân tăng ca liên tục hoặc tuyển thêm hàng loạt lao động thời vụ để kịp thời đáp ứng đơn hàng cho đối tác. 

Nhờ vậy, dịch vụ cung ứng lao động thời vụ cũng ăn nên làm ra. Tuy nhiên, năm nay nhiều doanh nghiệp mất đơn hàng buộc phải cắt giảm lao động, lao động thời vụ là lực lượng đầu tiên bị mất việc. Các đơn vị cung ứng lao động cũng lao đao theo.

Anh V., nhân viên một công ty cung ứng lao động khu vực TP Biên Hòa (Đồng Nai), cho biết năm nay cả số lượng công ty có nhu cầu tuyển dụng lao động thời vụ và cả người đăng ký tìm việc thời vụ đều giảm. 

"Thời điểm này các năm trước, cứ 10 công ty thì cả 10 cần tuyển dụng lao động thời vụ để kịp chuẩn bị đơn hàng cuối năm. Lúc đó, không có người để tuyển. 

Năm nay 10 công ty thì chỉ còn 2-3 công ty có nhu cầu tuyển lao động thời vụ, số lượng lao động cần tuyển giảm hơn nửa so với trước. Người tìm việc thời vụ đã giảm nhưng cũng rất ít việc để làm", anh V. nói.

Theo anh V., hiện các ngành dịch vụ ăn uống, kho bãi cần lực lượng lao động thời vụ nhưng số lượng không đáng kể. Trong khi các ngành sản xuất, chế biến gỗ, may mặc, da giày… hầu như đã cắt giảm toàn bộ lao động thời vụ. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp phải cắt giảm lao động chính thức, cho công nhân nghỉ làm ngày thứ bảy hoặc nghỉ luân phiên trong tuần mới có đủ việc làm.

Anh T., chủ tịch công đoàn một doanh nghiệp FDI chuyên gia công giày Nike ở Đồng Nai, cho biết doanh nghiệp FDI lớn thường có đơn hàng ổn định hơn nên hiện chưa phải cắt giảm lao động. 

Tuy nhiên, từ tháng 11 trở đi, nhiều nhà máy trong hệ thống đã hết tăng ca, cho công nhân nghỉ thứ bảy vì thiếu đơn hàng. 

Theo anh T., do quy định nghiêm ngặt về sử dụng lao động từ phía đối tác nên các doanh nghiệp FDI ít dùng lao động thời vụ. Khi cần làm gấp sản phẩm giao cho đối tác, doanh nghiệp FDI đưa đơn hàng cho các công ty gia công, đơn vị cung ứng lao động làm phụ. 

"Các công ty gia công tự quản lý đội ngũ lao động của họ, chúng tôi không "dính" đến nhóm lao động này nên không vi phạm quy định với đối tác mà vẫn đảm bảo được đơn hàng cần thiết", anh T. giải thích.

Dù vậy, khó khăn chung của nền kinh tế vẫn có tác động không nhỏ đến các doanh nghiệp FDI, buộc những doanh nghiệp này phải rút đơn hàng từ công ty gia công về cho công nhân làm, từ đó gián tiếp khiến lao động thời vụ ở các công ty gia công mất việc.

Bức tranh trái chiều của  thị trường lao động thời vụ - Ảnh 2.

Tuyển lao động thời vụ được đăng tải liên lục trên trang mạng xã hội của các KCN. Ảnh: Tâm Lê

Không thích làm thời vụ

Một nhân viên của văn phòng tuyển dụng K.T., đăng tuyển cho KCN Quang Minh, Mê Linh (Hà Nội), cho biết hiếm khi công ty ở KCN tuyển công nhân chính thức nhưng lại tuyển công nhân thời vụ quanh năm. 

Nhân viên này giải thích: "Một năm chỉ tuyển chính thức vài đợt, nhiều người cũng thắc mắc nhưng hầu hết chấp nhận làm tạm thời, hy vọng sau có thể được công ty tạo điều kiện vào làm chính thức".

Chị Bùi Thị Thương, ở Thanh Trì (Hà Nội), mới tham gia ứng tuyển vào công việc nấu bếp cho một công ty gần nhà, nhưng chị chỉ làm được 2 ngày thì phải xin nghỉ vì áp lực. 

"Vào làm mới thấy không giống như lời quảng cáo đăng tuyển, nhiều quy định không được công ty tuyển dụng thông báo trước. Thấy nhiều điều vô lý, tôi xin nghỉ thì công ty không trả công 2 ngày lao động dù đó là lương thử việc của tôi", chị Thương bức xúc.

"Làm thời vụ thiệt thòi nhiều, các chế độ như bảo hiểm, thưởng lễ Tết không có, họ muốn đuổi mình lúc nào cũng được. Khi không có nơi tuyển chính thức mới phải làm thời vụ thôi" - chị Nguyễn Vũ Huyền, công nhân thời vụ đang làm việc tại KCN Bắc Thăng Long (Hà Nội), nói.

Trong căn nhà trọ cấp 4 chỉ cách KCN chưa đầy 1km, chị Huyền và ba công nhân khác đang đợi làm ca tối. Những phòng trọ đang đóng cửa là những công nhân làm ca ngày chưa về. Chị Huyền sẽ đi làm vào lúc 21h tối nay, còn hai công nhân làm vào lúc 19h30.

Trong số bốn công nhân ở phòng trọ này, chỉ mình Huyền là làm chính thức, còn lại làm thời vụ. "Mấy tháng trước công ty tôi cho công nhân thời vụ nghỉ hết, chỉ còn công nhân chính do lượng đơn hàng giảm, không có tăng ca", Huyền thở dài. 

Hai công nhân thời vụ là Hà Văn Thiện và Lương Ánh Phương, cùng quê Mường Lát (Thanh Hóa), đều làm thời vụ nhưng ký hợp đồng 6 tháng, có đóng bảo hiểm. 

"Chỗ dây chuyền của tôi phần lớn là công nhân thời vụ, làm lâu năm cũng không chuyển lên chính thức được. Muốn chuyển phải nghỉ việc, đợi lúc công ty tuyển chính thức thì nộp đơn phỏng vấn lại", một công nhân thời vụ nói.

Chị Huyền cho biết sau nhiều năm làm công nhân thời vụ, gần đây chị mới được chuyển sang công nhân chính thức. Nhiều nơi, công nhân thời vụ làm dài hạn vẫn không được đóng bảo hiểm, khi hết hàng thì công nhân thời vụ bị cho nghỉ trước. 

Các chế độ lễ Tết, du lịch, ốm đau, thai sản… đều không được hưởng. Thường công nhân thời vụ không được làm thêm ngày cuối tuần như công nhân chính thức nên lương cũng thấp hơn vài triệu đồng/tháng.

Theo kinh nghiệm của một số người, làm thời vụ qua nhà thầu không cẩn thận còn bị lừa. Nhà thầu là các bên chuyên tuyển dụng công nhân cho các công ty trong KCN. Tuyển được một lao động, nhà thầu sẽ được bên tuyển dụng trả 300 - 500 ngàn đồng. 

"Đợt vừa rồi tôi bị mất nửa tháng lương vì công ty tôi làm cho nghỉ việc giữa chừng, gọi điện cho nhà thầu thì tắt máy", chị công nhân trên kể.

Chị Nguyễn Thị Nga, người có thâm niên làm thời vụ hơn 10 năm, khuyên chúng tôi đừng làm thời vụ. "Làm thời vụ qua nhà thầu dễ bị họ ăn bớt tiền lắm, chịu khó đợi nơi nào tuyển chính thức mà làm. Nói thật đấy, tiền tăng ca, tiền phụ cấp họ sẽ ăn bớt mỗi thứ một ít. Vì thế, tổng lương nhận về bao giờ cũng thấp hơn so với lúc họ thông báo tuyển dụng", chị Nga nói.

Bức tranh trái chiều của  thị trường lao động thời vụ - Ảnh 3.

Một thanh niên đăng ký làm việc thời vụ tại một đơn vị cung ứng lao động trên đường Bùi Văn Hòa (phường Long Bình, TP Biên Hòa, Đồng Nai). Ảnh: A LỘC

Đìu hiu chợ lao động thời vụ

Dọc đường Bùi Văn Hòa đi qua hai KCN Biên Hòa 2 và Loteco (TP Biên Hòa, Đồng Nai), hàng chục văn phòng giới thiệu việc làm san sát nhau, thông báo tuyển dụng với mức thu nhập hấp dẫn. Khu vực này được xem là "chợ" lao động thời vụ lớn nhất khu vực TP Biên Hòa. 

Nhân viên Công ty T.A.P. (chuyên cung ứng lao động thời vụ, hợp đồng cho thuê lại lao động) giới thiệu: "Công ty chúng tôi thường xuyên tuyển dụng lao động phổ thông nam nữ với thu nhập bình quân 14 triệu đồng/tháng. Thủ tục đơn giản, đi làm ngay". Cạnh đó, Công ty V.P. treo bảng thông báo tuyển dụng lao động phổ thông với mức lương 8 - 13 triệu đồng/tháng…

Dù vậy, hầu hết các văn phòng tuyển dụng hiện rơi vào cảnh "chợ chiều" khi số lượng lao động thời vụ đến tìm việc giảm mạnh. Nhiều đơn vị cung ứng lao động đang "bấm bụng" chịu các khoản chi phí mặt bằng, trả lương… để duy trì hoạt động của công ty do đã ký một số hợp đồng cung ứng lao động với các doanh nghiệp đối tác. 

10h sáng thứ bảy (19-11), một số văn phòng tuyển dụng lao động nhỏ đã đóng cửa do không có lao động đến đăng ký. Các công ty lớn hơn vẫn hoạt động nhưng thỉnh thoảng mới có lao động ghé vô đăng ký tìm việc. 

"Năm nay thất bại rồi. Giờ doanh nghiệp nào cũng cắt giảm lao động, cho công nhân nghỉ Tết sớm, có thể họ về quê rồi. Tình hình này mà kéo dài thì chỉ có nước trả mặt bằng, đóng cửa thôi" - chị H., nhân viên tuyển dụng Công ty V.P. (phường Long Bình, TP Biên Hòa), than.

Giải thích nghịch lý là nhiều công nhân ở các công ty may mặc, da giày phải nghỉ việc vào thời điểm cuối năm, công nhân ở các công ty về linh kiện điện tử phải giảm giờ làm vì ít đơn hàng, không được tăng ca, tuyển dụng lao động thời vụ không hiệu quả..., một nhân viên lâu năm của Công ty tuyển dụng G.T. cho biết: "Có thể sau dịch COVID-19, xuất khẩu lao động tăng nên tuyển dụng công nhân khó hơn trước".

Ông Phạm Quốc Đoàn, giám đốc Công ty cung ứng nhân lực và việc làm Dahashi, nói: "Công ty tôi vẫn đang cung ứng nhân lực đều cho các KCN ở phía Bắc, nhưng thời điểm hiện tại số lượng tuyển dụng giảm 30% so với trước dịch COVID-19". ■

Những lý do để làm thời vụ

Vẫn có những người chọn làm thời vụ mà không muốn làm công nhân chính thức. Chị Q. - nhân viên một công ty cung ứng lao động khu vực Đồng Nai, Bình Dương và TP.HCM - cho biết công nhân chọn làm thời vụ thường đang trong thời gian hưởng bảo hiểm thất nghiệp hoặc chờ nhận tiền bảo hiểm xã hội một lần.

Số khác bị vướng về hồ sơ tuyển dụng hoặc vì lý do cá nhân không thể làm giờ hành chính ở các doanh nghiệp. Một số lao động chọn làm thời vụ, không có hợp đồng lao động vì không muốn mất các khoản phí đóng bảo hiểm xã hội.

Phía đơn vị cung ứng lao động thời vụ cũng hưởng lợi không nhỏ trong hoạt động này. "Thường chúng tôi ký hợp đồng cung ứng lao động cho các doanh nghiệp với thời hạn từ 3-12 tháng.

Tùy vào uy tín của từng công ty cung ứng mà thu phí cho mỗi công nhân từ 30.000 - 100.000 đồng, bao gồm cả tiền quản lý. Khoản phí này có trong hợp đồng, do công ty sử dụng lao động trả cho chúng tôi", chị Q. nói. Một đơn vị cung ứng có trong tay vài ngàn lao động thời vụ có thể "sống khỏe" dựa vào các mức phí trên.

TP.HCM cần 45.800 - 53.000 lao động

Theo Sở LĐ-TB&XH TP.HCM, trong hai tháng cuối năm, TP cần khoảng 45.800 - 53.000 lao động, tương đương với năm ngoái và chủ yếu khu vực nội thành. Trong đó, bốn ngành công nghiệp trọng yếu là cơ khí, điện tử, công nghệ thông tin, chế biến lương thực cần khoảng 9.000 - 10.400 người.

Dự báo của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM cho thấy nhu cầu tuyển nhân viên thời vụ để phục vụ đợt cao điểm Tết chiếm 15%, tập trung ở lĩnh vực thương mại - dịch vụ (hơn 66%), khu vực công nghiệp - xây dựng (hơn 33%) và khu vực nông nghiệp - lâm nghiệp - thủy sản chiếm 0,14%.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận