TTCT - Các chính phủ phương Tây lần lượt thay người đứng đầu trong một năm đầy khó khăn với các đảng chính trị lâu đời. Thủ tướng Đức Olaf Scholz. Ảnh: Reuters Ở Đức, Thủ tướng Olaf Scholz đã không vượt qua được cuộc bỏ phiếu tín nhiệm hồi giữa tháng 12-2024 và phải tuyên bố bầu cử sớm vào ngày 25-2 tới. Ở Canada, Thủ tướng Justin Trudeau tuyên bố từ chức hôm 6-1. Chính quyền Pháp của Tổng thống Emmanuel Macron cũng đang đứng trước đe dọa sụp đổ. Điều gì xảy ra với các đảng phái lâu đời của phương Tây?Tuần rồi, ông Jean-Marie Le Pen, thủ lãnh một thời của phe cực hữu Mặt trận Dân tộc Pháp, đã qua đời ở tuổi 96, trong bối cảnh nước Pháp vẫn chưa ra khỏi cuộc khủng hoảng chính trị kéo dài từ năm ngoái khiến Tổng thống Macron, người mà 7 năm trước đây được thiên hạ trầm trồ "tuổi trẻ tài cao" phải lần lượt bổ nhiệm 4 thủ tướng là bà Élisabeth Borne, ông Gabriel Attal, ông Michel Barnier (bị Quốc hội Pháp phế truất hôm 4-12) và ông François Bayrou (từ 13-12). Ông Bayrou cũng chưa chắc sẽ có thể yên vị, khi tỉ lệ tán thành ông nhậm chức chỉ là 20%, thấp nhất với một tân thủ tướng thời ông Macron.Với cuộc khủng hoảng này, phản thành tích của nước Pháp thậm chí "vượt qua" nước Anh năm 2022, khi thủ tướng Boris Johnson phải từ chức hôm 7-7, nhường chỗ cho bà Liz Truss cũng từ chức hôm 20-10, rồi tới tháng 7 năm rồi, Đảng Bảo thủ, thất bại cuộc bầu cử sớm, lần đầu tiên mất vai trò cầm quyền sau 14 năm, nhường chỗ cho Đảng Lao động, và Anh lại có thủ tướng mới: Keir Stammer. Ở Đức, liên minh ba đảng nắm quyền từ năm 2021 đã sụp đổ sau khi Bộ trưởng Tài chính Christian Lindner bị cách chức do những bất đồng về ngân sách liên bang, và đảng của ông quyết định rời khỏi chính phủ. Thủ tướng Scholz do đó sẽ phải ra đi.Những thí dụ trên cho thấy châu Âu ngày nay không còn như mấy chục năm trước, khi các đảng lớn có thể yên chí cầm quyền trong một cơ chế mà cánh tả, cánh hữu phân minh, dù ông Francois Mitterrand của Đảng Xã hội Pháp, từ những năm 1980 đã hô hào "phi tả, phi hữu". Vấn đề ở chỗ ngày nay, sự bất bình, phản đối, rồi phản kháng của dân chúng có sức nặng hơn, ngày càng khiến các thế lực cầm quyền quan ngại hơn.Không chỉ châu Âu, cả ở Bắc Mỹ, Thủ tướng Canada Trudeau mới hôm 6-1 đã phải loan báo từ chức sau hơn 9 năm cầm quyền. Ở Canada, kịch bản không khác gì ở Đức: nữ phó thủ tướng kiêm bộ trưởng tài chính Chrystia Freeland hôm 17-12 từ chức do bất đồng với thủ tướng về cách đối phó kinh tế với tân tổng thống Mỹ Donald Trump, kéo theo ông này ra đi 20 ngày sau.Nhận xét sau của Guillaume Dufour, giáo sư Đại học Quebec, rất đáng lưu ý: "Trong bối cảnh lạm phát buộc mọi người phải thắt lưng buộc bụng và nhiều người trẻ cảm thấy họ sẽ không có được mức sống như thế hệ trước, cách tiếp cận mang tính giảng thuyết của chính phủ Đảng Tự do đã làm giảm động lực và khiến một bộ phận dân chúng khó chịu".Đáng lưu ý chuyện dân chúng Canada không tán thành cách tiếp cận "lên lớp chánh trị" của chính phủ Trudeau, mà giáo sư Dufour nhận xét, cũng là gót chân Achilles của Tổng thống Pháp Macron và một số nhà lãnh đạo Âu - Mỹ khác. Daniel Hamilton của Viện chính sách đối ngoại, Đại học John Hopkines, bình luận về vấn nạn này: "Tôi nghĩ đây là hiện tượng phổ biến ở cả châu Âu và Bắc Mỹ. Những lời phàn nàn thì tương tự nhau. Ở Hoa Kỳ, tôi nghĩ đó là thông điệp chính gửi đến Đảng Dân chủ, rằng trải nghiệm thực tế của nhiều cử tri đơn giản là không được phản ánh trong các chính sách của họ". "Tôi nghĩ đó là vấn đề mà ông Trudeau đang phải đối mặt ở Canada, cũng là vấn đề ông Macron đang phải đối mặt - rằng không hiểu sao ông ấy có vẻ không phải là một phần của xã hội mà ông ấy đang lãnh đạo. Ông ấy thích đưa ra những tuyên bố lớn lao, nhưng lại không chú ý đến các vấn đề cụ thể của người dân trong nước".■ Các nước trên đều có những cơ chế phòng vệ theo sát và phân tích phản ứng của công chúng, không phải để trừng phạt, mà để tự điều chỉnh. Có thể mượn nhận xét của các tác giả nghiên cứu "Địa lý của sự bất mãn trong EU và cái bẫy phát triển khu vực" do Ủy ban châu Âu đặt hàng và công bố năm 2023 trên europa.eu: "Những năm gần đây, sự bất mãn của người dân đã nổi lên ở nhiều nơi trên thế giới, bao gồm hầu hết các quốc gia châu Âu. Làn sóng bất mãn ngày càng tăng thể hiện theo nhiều cách khác nhau: từ giảm tham gia bầu cử tới giảm tham gia của công dân vào công việc chung của xã hội". Đáng ngại là, cũng theo các tác giả, sự không hài lòng còn thấy được trong: "(i) xu hướng ngày càng tăng ủng hộ cực đoan hơn, và (ii) dấu hiệu ngày càng tăng của sự đau khổ và sự nổi loạn nơi những người bất mãn với hệ thống". Tags: Thủ tướng Olaf ScholzNước PhápCanadaTrudeauChâu Âu
Truyền hình trực tiếp: Lễ nhậm chức của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump 20/01/2025 Lễ nhậm chức của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump sẽ được tổ chức vào ngày 20-1 (giờ Washington D.C, tức 0h ngày 21-1 theo giờ Việt Nam), tại Điện Capitol (tòa nhà Quốc hội Mỹ).
Phó tổng thống Mỹ J.D. Vance tuyên thệ nhậm chức NGHI VŨ 20/01/2025 Trưa ngày 20-1 (giờ Mỹ, tức 0h ngày 21-1 giờ Việt Nam), ông Trump sẽ chính thức tuyên thệ nhậm chức Tổng thống Mỹ, kế nhiệm ông Joe Biden.
Trình Quốc hội cơ chế đặc thù đường sắt đô thị Hà Nội và TP.HCM vào tháng 2 NGỌC AN 20/01/2025 Chiều 20-1, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp về tình hình triển khai đề án phát triển mạng lưới đường sắt đô thị TP Hà Nội, TP.HCM.
Giám đốc Công an Bắc Giang Nguyễn Quốc Toản làm chánh văn phòng Bộ Công an DANH TRỌNG 20/01/2025 Đại tá Nguyễn Quốc Toản, giám đốc Công an tỉnh Bắc Giang, vừa được điều động giữ chức vụ chánh văn phòng Bộ Công an.