Cái tình theo chân khách

HỮU NHÂN (Đồng Tháp) 01/05/2012 02:04 GMT+7

TTCT - Tôi và gia đình vừa có dịp đến Bạc Liêu. Tất nhiên không thể không đến viếng khu lưu niệm cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu, người viết nên bản Dạ cổ hoài lang nổi tiếng mà người Nam bộ yêu thích cải lương luôn dành cho ông bao sự trân trọng.

Khi đến khu lưu niệm của nhạc sĩ, gia đình tôi được tiếp đón chu đáo, ân cần dù đã xế chiều. Khi chúng tôi hỏi mua vé, cô phụ trách cười bảo ở đây khách viếng không phải mua vé vì mọi chi phí giữ gìn, tôn tạo đã được Nhà nước cấp. Rất ngạc nhiên vì chúng tôi nghĩ dẫu có bán vé thì chắc cũng chẳng có gì gây thắc mắc.

Tuy không lấy một khoản phí nào, nhưng người phục vụ rất nhiệt tình hướng dẫn chúng tôi tìm hiểu về cuộc đời và sự nghiệp nghệ thuật của nhạc sĩ trong suốt một giờ. Chúng tôi còn được biết thêm nhạc sĩ từng được Nhà nước tặng thưởng huân chương vì có công trong nuôi giấu cán bộ thời kháng chiến.

Mọi di vật của nhạc sĩ được lưu giữ cẩn thận, trưng bày khoa học. Mọi thắc mắc của chúng tôi được giải đáp cặn kẽ. Chưa hết, trước khi tiễn chúng tôi ra về, cô nhân viên hướng dẫn cũng chính là người phụ trách đã hát tặng bài Dạ cổ hoài lang ngay tại phòng trưng bày vật lưu niệm của nhạc sĩ.

Cô khiêm tốn cho biết không phải là ca sĩ chuyên nghiệp và xin lỗi vì chưa lột tả hết cái thần của bài ca nhưng chúng tôi thấy hay không kém ca sĩ trên sân khấu. Cô cũng không nhận khoản tiền mà chúng tôi gửi thay cho phí phục vụ. Với nụ cười dễ mến rằng nhạc sĩ cả đời không màng vật chất thì con cháu nhạc sĩ đâu dám nhận tiền của du khách, chỉ mong cái tình theo mãi bước chân người.

Chúng tôi ngạc nhiên vì nhiều nơi làm du lịch theo kiểu “tận thu”, giá vé thường tăng mà chất lượng lại giảm. Ngạc nhiên không phải vì được miễn phí mà vì đây mới chính là cách làm du lịch khuyến khích du khách quay trở lại. Một cách làm không để yếu tố lợi nhuận lên trên, lấy cái tình để đón du khách. Ngạc nhiên vì còn quá ít nơi có cách làm như vậy. Chúng tôi rời Bạc Liêu, thầm hứa sẽ về lại mảnh đất quê hương của người nhạc sĩ tài hoa Cao Văn Lầu.

Du lịch hành hương

Tỉ lệ người dân Việt Nam theo các tôn giáo rất cao, cộng với việc các công trình tôn giáo gắn với danh lam thắng cảnh suốt chiều dài của đất nước có thể tạo ra một thị trường du lịch hành hương phát triển. Tiếc là loại hình du lịch này vẫn ở dạng tiềm năng.

Phóng to
Khách hành hương rất tiềm năng nhưng chưa được chú ý để xây dựng thành một loại hình dịch vụ du lịch đặc biệt - Ảnh: Tiến Thành

Hiện nay ở nhiều chùa, các phật tử tự đứng ra tổ chức, thuê xe, gom góp tiền hành hương đến các chùa diễn ra phổ biến. Bên Công giáo cũng tương tự, hằng năm đều có nhiều chuyến hành hương quy mô lớn. Một số nơi thuê công ty du lịch chuyên nghiệp, nhưng phần lớn tổ chức tự phát với suy nghĩ sẽ tiết kiệm hơn. Và sự cố xảy ra trên tour hành hương thì nhiều và dường như phần lớn hậu quả là “huề cả làng”, vì không có bảo hiểm nên phần ai nấy chịu trách nhiệm.

Nhiều hãng lữ hành ít quan tâm đến loại hình du lịch này vì cho rằng mình tổ chức không bằng các chùa hay nhà thờ. Cũng chính vì điều này mà có thể khẳng định du lịch hành hương trong nước của Việt Nam chưa có hình hài rõ ràng, hình thành tự phát, rủi ro cao.

Để khai phá “kho báu” của du lịch hành hương trong nước cần có sự phối hợp nhịp nhàng, hỗ trợ lẫn nhau giữa Nhà nước, nhà chùa, nhà thờ và các hãng du lịch. Thật ra, du lịch hành hương trong nước không khó thiết kế, tổ chức.

Trước mắt cần có một đạo diễn đứng ra tổ chức hội thảo để kết nối giữa các đơn vị này nhằm tìm ra phương cách hiệu quả phát triển du lịch hành hương trong nước. Du khách hành hương không chỉ đặt vấn đề tâm linh làm chuyện quan trọng hàng đầu, mà còn cần đòi hỏi dịch vụ phục vụ tốt như xe đời mới, an toàn, có bảo hiểm, hướng dẫn viên chuyên nghiệp, thật sự am hiểu về văn hóa tôn giáo ở Việt Nam...

Lợi thế của du lịch hành hương trong nước dường như ai cũng biết nhưng ít ai quan tâm đến việc làm thế nào kích thích phát triển loại hình du lịch này. Phát triển du lịch hành hương trong nước để ngoại tệ không chảy ra nước ngoài là điều mà ngành du lịch Việt Nam cần quan tâm nhiều hơn.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận