Cám dỗ đơn phương và kêu gọi đa phương 

DANH ĐỨC 25/02/2019 21:02 GMT+7

TTCT - Hội nghị an ninh Munich (MSC) lần thứ 55 vừa diễn ra cuối tuần qua một lần nữa vang lên những lời kêu gọi và rao giảng về chủ nghĩa đa phương. Thế nhưng trong thực tế, những cám dỗ hành xử đơn phương đang ngày càng lớn hơn.

Ảnh: The Economist
Ảnh: The Economist

 Từ một diễn đàn phi chính phủ, phi lợi nhuận, có “gốc rễ” châu Âu và Đại Tây Dương thành lập năm 1963 với mục đích là ngăn ngừa các xung đột quân sự kiểu Thế chiến II, lần hồi mang tính định chế và mở rộng ra khỏi châu Âu, Hội nghị an ninh Munich năm nay quy tụ hơn 100 lãnh đạo quốc gia và các tổ chức quốc tế.

Những mô hình cạnh tranh mới và nguy cơ mới

Khai mạc hội nghị, chủ tịch MSC Wolfgang Ischinger mời gọi tất cả cùng “suy nghĩ về việc làm sao để bảo toàn những mảng cốt lõi của trật tự quốc tế”. Không theo một phe nào, ông Ischinger nói: “Trong năm 2019, chúng ta sẽ chứng kiến tác động của sự leo thang một số diễn biến an ninh. Toàn bộ trật tự thế giới tự do dường như sụp đổ - không có gì là như trước đây nữa”.

Trong một thế giới đang “chia phe đánh nhau”, ông nêu ra những đe dọa mới: “Tình hình an ninh toàn cầu ngày nay nguy hiểm hơn bất cứ lúc nào kể từ khi Liên Xô sụp đổ.

Chúng ta đang trải qua một sự thay đổi thời đại; một thời đại đang kết thúc, song những phác thảo sơ bộ của một thời đại chính trị mới chỉ đang bắt đầu xuất hiện mà thôi. Nhìn đến đâu cũng thấy vô số xung đột và khủng hoảng... Không chỉ chiến tranh và bạo lực mới đóng vai trò nổi bật: một cuộc đối đầu quyền lực lớn mới xuất hiện ở đường chân trời”.

Đối đầu đó là gì? Đó là sự nổi lên của những mô hình mới, cạnh tranh với mô hình “dân chủ, tự do” một thời là “lý tưởng”: “Trái ngược với đầu những năm 1990, nền dân chủ tự do và nguyên tắc thị trường mở không còn là những điều không thể tranh cãi. Trung Quốc đã phát triển một hình thức chủ nghĩa tư bản nhà nước tập quyền... thành công trong việc đưa phần lớn dân số ra khỏi đói nghèo và trở nên trung lưu.

Do thành công về kinh tế, giới lãnh đạo Trung Quốc tự tin quảng bá mô hình này cho các nước noi theo, cho dù các nền dân chủ có khả năng hơn trong việc chống tham nhũng, vấn nạn nhiều người bị gạt ra bên lề xã hội hoặc cạnh tranh kinh tế không sòng phẳng”.

Theo ông, còn có một mô hình mới khác cũng đang nổi lên: “Nước Nga cũng vậy, từ lâu đã từ bỏ con đường trở thành một nhà nước tự do và dân chủ hiến định... Ý tưởng về một nhà lãnh đạo độc tôn mạnh mẽ dường như đang ngày càng hấp dẫn hơn, không chỉ ở Nga, mà còn ở những nơi khác trên thế giới.

Ngay cả trong Liên minh châu Âu cũng có những người ủng hộ một nền dân chủ “phi dân chủ”. Họ muốn hạn chế quyền tự do ngôn luận và báo chí..., thúc đẩy cảm giác sợ hãi nói chung, họ tìm kiếm sự ẩn náu trong những lời kêu gọi chủ nghĩa dân tộc lỗi thời”.

Thế giới cũng vì thế mà loạn lạc. Từ vị trí của châu Âu, ông Ischinger phân tích tình hình hiện tại: “Một trong những ví dụ khủng khiếp nhất là cuộc xung đột ở Syria, chỉ cách đảo Cyprus, một quốc gia thành viên của EU, có 125km. Syria là một trong nhiều cuộc xung đột quốc tế hóa đang diễn ra, có nghĩa là các cuộc chiến bắt đầu bằng bạo lực giữa các chủ thể địa phương nhưng dần dần thu hút ngày càng nhiều cường quốc bên ngoài.

Trong những năm gần đây, các cuộc chiến tranh loại này đã tăng lên đáng kể về số lượng”. Hậu quả là: “Trong môi trường quốc tế này, nguy cơ chiến tranh giữa các siêu cường và các cường quốc bậc trung rõ ràng đã tăng lên. Những gì chúng ta quan sát thấy ở nhiều nơi trên thế giới là sự gia tăng mạnh mẽ của tính chủ chiến. Đó là những hành động rủi ro, đung đưa bên miệng hố - miệng hố của chiến tranh”.

Thuyết giảng đa phương

Rốt cuộc, MSC về cơ bản đã rơi vào những tranh cãi giữa EU và Mỹ, một bên nhân danh tính đa phương, bên kia khăng khăng lợi ích quốc gia là tối thượng, rồi giữa NATO và Nga.

Trong khung cảnh “loạn âm” đó, một diễn giả “không liên can” gì nhiều đến những “công chuyện” của châu Âu, đã có chủ ý “rộng đường dư luận” bằng một bài diễn văn dài 10 trang có tựa đề: “Hướng tới một cộng đồng cùng chia sẻ tương lai bằng thúc đẩy hợp tác quốc tế và chủ nghĩa đa phương”. Người đọc bài diễn văn là ủy viên Bộ Chính trị, trưởng Ban Đối ngoại Đảng Cộng sản Trung Quốc Dương Khiết Trì.

Theo ông, “thế giới ngày nay đang thay đổi nhanh chóng và sâu sắc, ngày càng không vững chắc và bất ổn định. Chủ nghĩa đơn phương và chủ nghĩa bảo hộ đã leo thang; trật tự quốc tế đa phương và hệ thống quản trị toàn cầu bị thách thức.

Thế giới nay đang đứng trước ngã ba đường và đối diện một chọn lựa sẽ để lại nhiều hậu quả, giữa chủ nghĩa đơn phương và đa phương, giữa sự cô lập và mở cửa. Như Chủ tịch (Trung Quốc) Tập (Cận Bình) đã chỉ ra, chủ nghĩa đa phương mang đến một phương cách hiệu quả để duy trì hòa bình và thúc đẩy sự phát triển, và thế giới nay cần đến chủ nghĩa đa phương hơn bao giờ hết”.

Ông nhấn mạnh rằng: “Trung Quốc luôn quan niệm nhất quán rằng Liên Hiệp Quốc là biểu tượng của chủ nghĩa đa phương, và rằng kiến trúc lấy đa phương lấy Liên Hiệp Quốc làm trung tâm mang tới khuôn khổ bao quát cho sự hợp tác quốc tế.

Sự đồng thuận của cộng đồng thế giới về chủ nghĩa đa phương đã được tuyên xưng trong Hiến chương Liên Hiệp Quốc, vốn là hòn đá tảng của trật tự quốc tế hiện đại”.

Và ông kêu gọi: “Để phục vụ lợi ích chung và cơ bản của người dân Trung Quốc và trên thế giới, cần thúc đẩy một loại hình quan hệ quốc tế mới bao gồm sự tôn trọng lẫn nhau, công bằng, công lý và hợp tác cùng có lợi, và xây dựng một cộng đồng với một tương lai chung cho nhân loại”.

Đến đây, ông vạch ra những chi tiết của mô hình quan hệ quốc tế mới đó, gồm bốn trụ cột, mà đứng đầu tiên là “nguyên tắc bình đẳng chủ quyền, tiêu chuẩn quan trọng nhất của quan hệ giữa các quốc gia. Mọi nước, bất luận quy mô, sức mạnh và sự giàu có, đều bình đẳng... Việc áp đặt ý chí hoặc can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác cần bị loại trừ”.

Thứ nhì là “đối thoại và tham vấn để giải quyết hòa bình các dị biệt và tranh chấp; việc cố ý sử dụng hoặc đe dọa dùng vũ lực, bá quyền và cậy thế cường quốc cần bị loại bỏ”. Thứ ba là “tuân thủ luật pháp, vốn là trung tâm của việc đeo đuổi quan hệ quốc tế dựa trên luật pháp” mà chủ yếu là “giữ gìn các mục tiêu và nguyên tắc của Hiến chương Liên Hiệp Quốc .

Luật pháp quốc tế phải được áp dụng bình đẳng cho tất cả, mọi tiêu chuẩn kép hay áp dụng có lựa chọn cần bị loại trừ”. Và cuối cùng là “hợp tác cùng có lợi”.

Ông Dương cũng long trọng nhắc lại lập trường của Trung Quốc về Biển Đông: “Trung Quốc quyết tâm bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, quyền hàng hải và lợi ích của mình. Chúng tôi dứt khoát chống lại mọi hoạt động phá hoại các lợi ích chủ quyền và an ninh của Trung Quốc viện cớ tự do hàng hải và hàng không”.

Thực tế

Trên thực tế, như từ ngàn đời, các nước lớn, Hoa Kỳ, Nga và Trung Quốc vẫn đang “xây dựng một khung quan hệ giữa các nước lớn” (lời ông Dương). Vì những lý do khách quan và chủ quan, Trung Quốc mới đang ở giai đoạn “sẵn sàng hợp tác với Hoa Kỳ”, khác với quan hệ Trung - Nga thuận lợi hơn, nên đã là “sẽ tiếp tục cùng nỗ lực... nâng quan hệ đối tác chiến lược lên tầm cao mới”.

Tầm cao mới này có lẽ là việc Nga bán cho Trung Quốc một lô tên lửa đất đối không tầm xa 40N6. Tin này do chủ tịch Tập đoàn Rostec của Nga (công ty mẹ của hãng xuất khẩu vũ khí Rosoboronexport) Sergei Chemezov xác nhận hôm 18-2 tại Triển lãm quốc phòng quốc tế (IDEX) 2019 ở UAE. Tiếc là không một tên lửa đánh 40N6 nào cập bến do tàu hàng bị chìm trong một cơn bão, cũng theo lời ông Chemezov!

Tuy nhiên, chủ đề đa phương của Trung Quốc đã không được nhiều bên khác ở MSC chia sẻ. Bộ trưởng quốc phòng Anh Gavin Williamson, do bận nói về vai trò của quân đội Anh trong NATO sau “Brexit”, chỉ dành một câu đại thể: “Chúng tôi sẽ tiếp tục bước ra thế giới để bảo vệ bạn bè, bảo vệ lợi ích của chúng tôi và ủng hộ các giá trị của chúng tôi”.

Ý này được ông giải thích chi tiết hôm 11-2 trước đó trong bài diễn văn “Quốc phòng trong nước Anh toàn cầu”.

Ông Williamson nói: “Các cường quốc phương Tây không nhất thiết luôn phải là một cảnh sát toàn cầu, song chúng ta cũng không thể phớt lờ bỏ đi khi người khác cần. Cứ nói thôi mà không hành động thì dễ dẫn đến rủi ro chúng ta bị coi là đồ cọp giấy. Chúng ta có mặt và hành động trên khắp thế giới... Nhưng chúng ta không thể xem những mối quan hệ như vậy là nghiễm nhiên mà có.

Vì vậy, cũng như quan hệ với châu Âu, chúng ta cần xây dựng quan hệ đã lâu đời với Hoa Kỳ, Úc, New Zealand và Canada như một phần của liên minh Ngũ Nhãn (Five Eyes, liên minh tình báo bao gồm Anh và 4 nước vừa nêu). Với Singapore và Malaysia trong Thỏa thuận phòng thủ năm cường quốc, cùng các quốc gia ASEAN khác, với Nhật Bản, Hàn Quốc và Ấn Độ”.

Các phát biểu của bộ trưởng quốc phòng Anh, bởi thế, rõ ràng là không đồng điệu với phát biểu của ông Dương, và mỗi bên có thể diễn dịch chủ nghĩa đa phương theo cách hoàn toàn khác nhau.■

Qua đầu tuần này, hôm 18-2, tại Hạ viện Anh, dân biểu Bill Grant hỏi: “Liệu hải quân hoàng gia có tiếp tục với hoạt động tự do hàng hải ở Biển Đông không?”. Ông Williamson trả lời: “Tôi nghĩ, giống với rất nhiều quốc gia khác như Mỹ, Úc, Pháp, New Zealand, Canada - tất cả chúng ta đều tin vào luật pháp và một hệ thống dựa trên luật lệ quốc tế. Và chúng ta sẽ luôn là một quốc gia không chỉ nói, mà sẽ hành động để duy trì chế độ tuân thủ luật pháp đã mang lại lợi ích cho không chỉ chúng ta, mà còn rất nhiều quốc gia trên toàn cầu. Thành ra, có, chúng tôi sẽ tiếp tục”.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận