Căn bếp Pháp

MAI THANH NGA  28/05/2022 18:05 GMT+7

TTCT - Trích từ tập truyện ngắn "Lũ chim thích chọn cành khô", tác phẩm lọt vào vòng chung khảo Văn học tuổi 20 lần 7.

 
 Tranh: Lê Thiết Cương

 9 giờ kém 10, Vân đã đứng sau cánh cửa, sẵn sàng đón đợi.

Cô không trang điểm, thoa son dưỡng môi nhẹ, mặt mày tươi tỉnh, cột tóc hờ sau lưng và vận một chiếc váy len màu rêu đậm. Thứ váy đặc trưng của Uniqlo, không ôm, không thụng, không quá dài, không quá ngắn, không quá thoải mái và không xuề xòa. Ngày thường ở nhà cô chỉ vận mấy bộ quần áo tuềnh toàng nhưng hôm nay khác, cô ăn mặc như sắp rời đi. Cô bước tới cửa, không mở ra, đứng nguyên đó, nhìn chăm chú vào cái cổ tay trắng lả. Chiếc đồng hồ cất kỹ trong tủ cả năm trời, chỉ hôm nay được lôi ra đeo trang trọng.

Có tiếng bước chân ngoài cầu thang, Vân chợt giật mình. Tim cô đập nhanh hơn. Sao lại đến sớm thế nhỉ? Sao có thể vào tòa nhà dễ dàng thế được? Cô nghiêng người nhìn qua mắt thần. Người hàng xóm vừa kết thúc bậc thang cuối cùng. Ông đang bước về phía cánh cửa vuông góc với căn hộ của cô. Cô trấn tĩnh lại. Cô không có cảm tình với người đàn ông hay mặc áo len đỏ này bởi ông ta luôn toát ra phong thái trịch thượng thiếu cảm thông, dù đôi lần thái độ ấy khiến cô hài lòng. Đã sống cùng tầng hơn 2 năm nhưng cô chỉ gặp ông đôi lần ở hành lang. Những lần đó ông chỉ nhếch môi rất nhẹ, chừng dưới 10 độ nghiêng so với đường thẳng kẽ môi, bỏ bê lời chào kẹt đâu đó giữa hai hàm. Ông chưa từng hỏi giúp đỡ khi thấy cô khệ nệ xách túi đồ siêu thị hay loay hoay mở cánh cửa bị kẹt. Ông bước qua đơn giản như chuyện nó phải thế. Cái cách ông bước đi rất khoan thai, không nhanh như trốn chạy khỏi sự giúp đỡ của cậu Benoir, cũng không chậm như thể còn băn khoăn nên giúp hay không của bà Brigitte. Sự thản nhiên ấy khiến cô mừng rỡ. Cô không phải ngượng ngùng vì đường gân cổ đỏ lựng, đôi tay lóng ngóng, túi đồ ăn lộn xộn, quần áo luộm thuộm, vẻ mặt khổ sở hay cử chỉ vụng về của mình.

Người đàn ông duy nhất cô không biết tên trong tòa nhà này đang khựng lại một chút trước cửa nhà cô. Mắt ông ta nhìn chằm chằm về căn hộ của mình, khiến cô chột dạ... Ông ta định làm gì đây, ông ta cần gì ở cô? Có tiếng ngáp nghéo vang lên, dù mắt thần che tầm nhìn, cô vẫn biết con mèo đen đang đứng ngay trước cửa. Chỉ thấy góc nghiêng khuôn mặt nhưng Vân có thể tưởng tượng ra nguyên cái vẻ mặt nao núng. Làm sao có thể sợ một chú mèo? Vân đã muốn cười thật to, chọc tức sự đạo mạo cố hữu của ông ta và tan đi sự lo lắng trong lòng mình. Thế mà cô lại không cười được, có cái gì vẫn nghèn nghẹn. Cô ước con mèo đứng nguyên ở đó, ông hàng xóm đứng nguyên ở đó và thời gian cũng vậy.

Vậy nhưng 5 phút sau, ông hàng xóm đã biến mất sau cánh cửa nhà. Con mèo giờ đứng án ngữ trước căn hộ của cô. Cô định bước ra vuốt ve và cho nó ăn như thường lệ. Con mèo hoang này trở thành bạn của cô sau lần cô gặp nó ngoài vườn. Lúc đó nó đang vươn người trong nắng, nhe răng ngáp hoặc đe dọa mấy con thỏ mới nhập cư vào. Mấy con thỏ ù lì là quà của ông bảo vệ khu nhà cho lũ trẻ tầng dưới, còn con mèo vốn coi mình là chúa tể của khu vườn thực ra lại là một thực thể sống phi pháp. Nó đến từ đâu không ai rõ, cũng không ai nỡ đuổi nó đi, sự hiện hữu của nó giống như mọi cái cây mọc trong vườn. Cây sống thì nó sống. Không ai nói ai, theo tuần tự mỗi ngày có một người mang thức ăn tới cung phụng cục nhung đen biết dụi đầu ấy. Cô không phải ngoại lệ, chỉ khác là mỗi lần mang đồ ăn tới, cô thường ngó nghiêng xem có ai ở đó không, có ai đánh giá thứ thức ăn cô mang cho nó.

9 giờ kém 3, Vân vẫn đứng đó, sau cánh cửa. Bên ngoài, con mèo đã vẫy đuôi bỏ đi.

9 giờ kém 1, điện thoại ở cửa vang tiếng. Vân vội vã nhấc, nói thật nhanh cho xong “Vâng, vâng, anh lên đi” bằng thứ tiếng Pháp hồi hộp nhất. Cô bấm nút, tiếng cửa dưới tầng trệt tòa nhà thông báo, cửa đã mở. Cô bắt đầu nghe thấy tiếng bước chân thình thịch trên cầu thang. Cái cầu thang gỗ mới được lau sạch bóng phát ra những tiếng kèn kẹt. Vân mở cửa, đi ra ngoài hành lang, ngó đầu xuống dưới, đợi sẵn một nụ cười. Nghe tiếng bước chân cô có thể đoán được ông đã rời tầng một, vừa bước qua chậu cây hoa đá của Caroline, ông đang tiến lên tầng hai chỗ treo bức tranh Cô gái cầm ô của Monet, và rồi tầng ba. Tiếng thở dốc, khuôn mặt đỏ lừ, cùng mái tóc muối tiêu hơi xoăn đã xuất hiện ở phía cuối cầu thang.

“Xin lỗi, nhà cao quá” - Vân cười.

“Đúng là cao thật” - người đàn ông cười lại.

 Ông có khuôn mặt với các khối cơ rõ ràng chia thùy chia khúc, khúc này là cằm tròn, khúc kia là gò má cũng tròn, hai hốc mắt sâu, lông mày rậm, mũi hơi to, và khuôn miệng nhìn là biết người Pháp. Người ta nói ngôn ngữ làm nên cơ mặt, thế nên chỉ nhìn từ xa cô có thể biết người đang ba hoa kia nói tiếng Anh hay tiếng Pháp. Vân giữ cửa cho người đàn ông với hai hòm đồ nghề lỉnh kỉnh lách qua. Bộ đồ jean áo liền quần sờn rách ông mặc không tỏa ra mùi lao động nặng nhọc, có lẽ do trời vẫn còn mùa đông. Khi người đàn ông đã đứng bên tủ đựng giầy, Vân vội đi vào trước, cô dẫn đường vào bếp. Người đàn ông đi sau, nặng nề như con gấu nâu trong rừng già. Những bước chân như muốn đạp vỡ lớp gỗ lót sàn nhưng Vân không nghe thấy gì ngoài tiếng tim mình đập. Thực ra cô cũng không cần dẫn lối, ông có thể tìm được đường dễ dàng nếu trí nhớ ông tốt, bởi đã là lần thứ 2 ông tới đây.

Vân bắt đầu nhìn quanh gian bếp của mình. Cô đã dành cả tối qua để dọn rửa nó. Cô kỳ cọ tới nửa đêm, tiếng nồi xoong lẻng xẻng khiến ông chồng lên giường không có vợ bên kêu lên bải hoải “Em có thôi đi được không?”. Sáng nay cô thức dậy sớm hơn thường lệ, kiểm tra một lần nữa. Ông chồng thức dậy ngáp dài “Em đừng làm quá lên nữa”, rồi cắp con ca táp cũ ra khỏi nhà. Vân vẫn lặng lẽ kiểm tra tỉ mỉ như lọc hạt mè ra khỏi bát hạt é. Xem nào, chậu rửa bát đã được đánh xà bông trắng tinh. Bát đĩa được rửa, lau, cất cẩn thận trong chạn. Đũa nĩa cũng được kỳ cọ sạch sẽ trước khi cho vào chiếc lọ đựng đã sáng bóng. Đồ hộp và nồi niêu đã được sắp gọn gàng trong tủ bếp. Tay cầm của tủ hơi lung lay một chút nhưng cũng đã được đặt ngay ngắn đúng vị trí. Những lọ đựng gia vị hình hoa hồng cũng được lau kỹ lưỡng. Chiếc bếp ga chưa rửa nhưng có nắp đậy nhìn qua cũng tươm tất. Cô cảm thấy có chút an tâm. Tuy nhiên đó là chuyện lúc 8 giờ sáng, khi cô mới thức dậy. Bây giờ lúc 9 giờ 5 phút, cô bắt đầu thấy ái ngại cho cái lãnh thổ nhỏ bé của mình.

Trong chậu rửa lúc này là cái thìa nhỏ cô dùng để ăn sữa chua sáng. Không hiểu vì nguyên cớ gì mà nó đang nằm rất ngay ngắn ở đó, giữa chậu rửa. Cô chợt nhớ ra lúc đang rửa bát đĩa ăn sáng, cô nhìn đồng hồ, sắp tới giờ ông thợ sửa bình nước tới, nên cô phải nhanh chóng đi thay quần áo, ngay lúc đó chiếc thìa kia đã lẩn trốn khỏi tay và trí nhớ cũng chạy trốn khỏi đầu. Giờ đây chiếc thìa chết tiệt ngạo nghễ nằm đó thách thức đứa bé kiên nhẫn trong cô. Cái thìa ngày thường bé nhỏ là thế mà không hiểu sao hôm nay nó như miếng bánh mì ngậm nước, phình to, phình lên, phình tới khổng lồ, chiếm gần hết diện tích chậu rửa. Cô thấy mạch máu chạy rần rần. Mặt cô hơi đỏ, không hiểu cô đang bực hay xấu hổ. Cô chạy vội tới bồn rửa, nhanh chóng mở vòi, rửa chiếc thìa rồi cho nó vào khay. Tất cả xảy ra chỉ trong một phần mười giây, nhanh tới nỗi ông thợ sửa còn chưa kịp hoàn thiện cái nháy mắt bản năng. Cô quay lưng lại, cười với ông như thể chỉ mới đi vào rửa vội cái tay.

Ông không cười lại mà hỏi ngay vấn đề của cái bình nước, cô giải thích đã hai ngày rồi nó bật tắt liên tục nên cô không có nước nóng dùng.

“Mùa đông mà không có nước nóng, ông biết đấy”. Nếu bình nước không hỏng thì chẳng đời nào cô cho người ta xâm phạm căn bếp của mình.

“Chúng ta sẽ sửa nó hôm nay” - ông trấn an. Chỉ ngày hôm nay thôi, cô trấn tĩnh.

Ông ghi chép lại trong sổ rồi bắt đầu mở các hòm đồ nghề. Cô đứng về phía cửa sổ, nhìn ra bên ngoài, hàng cây trơ trụi như những đám rễ đâm lên cao, chém nát cả bầu trời tơ tưởng của cô thành ngàn mảnh héo úa. Mùa đông thật kinh khủng nhưng lại hợp với thành phố này vô cùng. Sự ảm đạm, xám xịt, nhàn nhạt tô điểm thêm cho nét cổ điển duyên dáng. Từ chung cư Haussmann này, cô có thể nhìn thấy những mái nhà đỏ thấp tè của người Bồ Đào Nha. Khu này dân Bồ Đào Nha ở thành cụm, ồn ào, ầm ĩ mỗi cuối tuần và bùng nổ sau những trận bóng quốc gia. Những bà già vẫn giữ thói quen đứng bên cửa sổ giống như người lính trên vọng gác, nói chuyện từ nhà này qua nhà khác, đôi mắt giấu kín sau những nếp gấp cơ mặt. Bà nào cũng có vóc dáng to béo, chảy xệ, khiêm nhường trong những chiếc váy cotton hoa nhí trùm tới tận giữa bắp chân. Các bà cuốn mình lần hai trong mấy cái tạp dề trắng khiến bụng họ chỉ chực nổ bung. Tay các bà phe phẩy mấy cái khăn, không hiểu là khăn mùi soa lau mồ hôi, hay khăn lau tay làm bếp, thêm cái dáng đi hai hàng cây cổ thụ càng làm họ dung dị và thân thiện. Căn bếp của các bà hẳn sặc mùi cá chiên và olive ngâm. Từ căn bếp đó lớn lên mấy gã trai Bồ Đào Nha to con, râu đen đặc, nhìn bặm trợn nhưng không đáng sợ. Họ hay tụ tập trước cửa siêu thị Bồ Đào Nha, nói chuyện ầm ĩ thương mến. Trên mái nhà của họ, vài con mèo đang đi dò tìm nắng. Có chút nắng hiếm hoi là sẽ có con nằm kềnh ra hưởng thụ. Vân đứng đó nhìn hai con mèo đuổi nhau trên các ống khói thì bỗng có tiếng nói.

“Xin lỗi, cô có thể bỏ giúp đống bát đĩa xuống?”.

Vân giật mình quay lại. Ừ nhỉ, sao cô quên không cất chồng bát đĩa đi. Tối qua cô đã cất gần hết, chỉ để lại vài chiếc đĩa cho buổi sáng. Vậy mà khi ăn sáng xong, cô lại chỉ kịp rửa rồi phơi lên giá. Chiếc giá đỡ bát đĩa bị đóng hơi chìa ra, che mất một phần bình nước nóng. Nếu muốn mở vỏ thùng thì cách duy nhất là loại bỏ hết mọi thứ trên giá. Vân vội vàng tới, cầm chồng đĩa ra. Có vài giọt nước dính vào tay cô, những chiếc đĩa chưa khô hoàn toàn, đáng lẽ cô phải lau chúng bằng khăn mới phải. Ông thợ sửa đưa tay ra, ý muốn đỡ giúp cô. Vân ngại ngùng, không thể để ông thấy những chiếc đĩa vẫn còn ướt nhớp thế được. Cô sỗ sàng từ chối, rồi vội vàng mang chúng đi cất. Chỉ là nước mà cô có cảm giác như chúng bị trét bởi hàng trăm nghìn vết bẩn từ những thứ đồ ăn nhiều gia vị và dầu mỡ nhất. Khi bước qua chiếc bếp gas, những vết bẩn ẩn sau chiếc nắp trắng bỗng hiện lên rõ mồn một, như thể cô có khả năng nhìn xuyên thấu hoặc vết bẩn trồi lên giễu cợt cô. Cô ngượng ngùng, sao một người nội trợ lại có thể để căn bếp của mình bẩn thỉu và lộn xộn tới mức này.

Ông thợ sửa không nhìn theo, ông đang leo lên ghế để bắt đầu mở bình đun nước nóng. Chiếc ghế kêu kẽo kẹt. Sao đến chiếc ghế cũng tệ hại như vậy được. Vân với tay mở cửa tủ bếp thì xoạch, chiếc tay cầm lung lay đã nhanh nhẹn rời vị trí, khiến cô suýt ngã nhào. Khuôn mặt cô trở nên tím ngắt, người lạnh toát, cô không dám nhìn lại sau lưng. Tiếng vặn đinh ốc vẫn đều đều, cô đoán ông thợ sửa không hề ngoái lại nhìn cô, thật may quá. Cô vội vàng kéo cái tủ ra, cất đống đĩa vào nhanh chóng, tay cô buông thõng xuống, như rơi vào trạng thái ngủ đông. Cuộc sống của cô có phải đang quá nghèo khổ và thấp hèn không? Vân thấy ù ù trong tai. Khi chiếc vỏ bình nước được mở lên, cô ho sù sụ. Hàng trăm ngàn tấn bụi rớt ra từ đó. Bẩn quá, bẩn không chịu nổi, sao cô chưa từng nghĩ tới việc vệ sinh chiếc bình nấu nước. Vân thấy chóng mặt, đứng không vững. Bụi như những con virus đang xâm nhập cơ thể, khiến Vân thấy mệt mỏi vô cùng. Cô thậm chí không còn thấy tức giận hay xấu hổ. Cô chẳng nói lời xin lỗi nào với ông thợ sửa. Vân bỏ ra ngoài phòng khách, để mặc ông và căn bếp mà cô cho là dơ dáy nhất trần đời này.

Vân ngồi vào bàn, giả vờ như làm việc trên máy tính. Đầu cô vẫn ong ong chuyện căn bếp. Liệu có căn bếp Pháp nào khủng khiếp tới như vậy? “Căn bếp em hoàn toàn ổn, sao em cứ phải lo lắng”, đêm qua chồng cô đã nói vậy. Cô đã luôn giữ gìn nó thật sạch, để đợi tới hôm nay nó phơi bày hết bản chất thật sự con người cô. Cô đã cố tân trang vẻ bề ngoài cho hợp xã hội, vậy mà sâu thẳm trong cô vẫn vậy, vẫn là kẻ ngoài lề. Cô cố hòa vào mà có thế lực vô hình nào đó cứ đẩy cô ra. Là gì được chứ? Chồng cô nói đó là sự tự ti cố hữu của em. Cô nói không, em rất tự tin vào mình. Chồng cô nói em tự tin vào mình nhưng không tự tin vào căn bếp của mình sao, rồi anh quay lưng đi.

Người thợ sửa đi vào phòng khách.

“Tôi sửa xong rồi, nó chỉ bị bụi làm kẹt bugi thôi”.

Cô cười méo xệch, đúng rồi là bụi.

“Cô ký vào giấy biên nhận nhé”.

Cô loay hoay tìm bút. Có một chiếc ở trên nóc tủ sách. Cô lôi nó xuống, cuốn sách ở trên đó rớt xuống theo. Cuốn sách rơi xuống cốc nước cô đang uống dở. Chiếc cốc quay quay rồi rớt xuống sàn, vỡ tan. Mảnh ghép cuối cùng cho một buổi sáng hoàn hảo. Một chiếc bếp lộn xộn, chiếc bình nước nóng bụi bẩn, chiếc tủ lung lay, và giờ là một đám thủy tinh vụn vỡ cùng nước lênh láng khắp sàn. Đám nước sóng sánh như biển, còn cô là một kẻ say sóng cao trào.

“Không sao, tôi sẽ dọn sau” - giọng Vân méo mó khi ông thợ có ý gom mảnh vỡ giúp.

Ông đứng đợi cô run rẩy bên tờ giấy. Một phút dài nhất trong cuộc đời cô. Ông thợ sửa bước đi, hài lòng với công việc đã hoàn thành, mang lại sự ấm áp cho căn nhà. Cánh cửa đóng lại, Vân vẫn ngồi yên, nhìn chằm chằm vào sàn nhà ướt nhẹp. Trong loang loáng nước, cô thấy bóng hình cái bàn đầy đồ ăn nghi ngút.

Đêm hôm trước khi cô mời những người bạn tới nhà, cô đã dành cả ngày để đi chợ, chọn những gia vị và nguyên liệu ngon nhất. Cô mua cả khăn trải bàn mới, kèm những chiếc khăn ăn màu sắc mà sau đó được cô gấp tỉ mỉ hình cánh quạt. Bộ dao nĩa sáng bóng, xếp đúng vị trí hai bên bộ đĩa hình hoa mà cô cất công mua tận Limoges. Cô làm món vịt áp chảo với nước xốt làm từ gan ngỗng, ăn kèm rau củ bỏ lò. Cô làm thêm salad César mở màn và tarte táo tráng miệng, không quên một khay thịt nguội cùng phô mai khai vị. Bàn tiệc hoàn thiện, cô kịp thay bộ váy đen bó vừa vặn thì mấy đứa bạn đổ bộ đến. Không ai ồ à, tụi nó chỉ hỏi “Không có nem sao?”. Cô bảo “Không, cái đó ra tiệm bán đồ ăn sẵn châu Á nào chả có”. Tụi nó nhún vai, ừ thì có mà nó không chuẩn. Cô nhìn lại bàn tiệc lộng lẫy của mình, liệu nó có chuẩn Pháp? Cả bữa ăn cô gần như không ăn gì, bụng cô ngập trong sự lo lắng, dù những tiếng khen và cảm ơn cứ vang lên.

“Tình hình làm quốc tịch của cậu tới đâu rồi?” - anh bạn người Romania quay sang hỏi chồng cô.

“Cũng ổn, tháng sau được ra tuyên thệ ở Mairie rồi”.

“Òa chúc mừng, chúc mừng” - cả lũ hò reo, nâng cốc.

“Sắp thành quý cô Paris rồi nhé? Hay đổi thành tên Pháp. Vanessa, Vallis, Valérie?” - anh bạn quay sang trêu cô.

“Ha ha, thôi đi, mấy tên đó không hợp với tớ, vẫn giữ tên Việt thôi, không muốn bị mất gốc đâu” - cô cười lại.

“Dù thế nào chúng tớ cũng không coi cậu là người Pháp đâu, đừng lo” - mấy đứa bạn cười lớn.

Cô thấy mình bồng bềnh trong một giấc mộng mênh mông.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận