Cán bộ dám nghĩ - dám làm: Lại dò đá qua sông?

NHIÊN ANH 06/05/2023 15:00 GMT+7

TTCT - Được coi là "tác dụng phụ" của phương thuốc phòng chống tham nhũng, tình trạng hệ thống công chức chây ì vì sợ sai luật đã trở nên phổ biến một cách đáng ngại.

Điểm mấu chốt với nhiều người trong bộ máy công chức là nếu muốn, việc nào họ làm cũng có thể tìm ra yếu tố sai luật.

Trong hoàn cảnh thuận lợi, đấy được coi là "vận dụng sáng tạo", nhưng lúc không ổn, nó bị cho là "vi phạm nguyên tắc". 

Sự lắt léo của ngôn ngữ khiến công chức giờ tập trung vào mục tiêu tối thượng: Không được sai sót, điều gần như đồng nghĩa với: Không làm gì. Và vì thế, chuyển đổi lập tức rất nhiều dịch vụ công từ hệ thống bôi trơn bằng lệ sang vận hành bằng luật, phần nào có vẻ là duy ý chí.

Ảnh: ThoughtCo

Ảnh: ThoughtCo

Nền hành chính thạo việc

Một nền hành chính thạo việc dựa trên những quy tắc và luật lệ chặt chẽ, trong nhiều trường hợp là cứng nhắc. Điển hình là nền công vụ của Đức, nơi hầu hết người nhập cư mới tiếp xúc đều muốn phát khùng bởi những quy định mà ở Việt Nam chắc chắn sẽ bị phản đối. 

Ví dụ một văn phòng không đủ điều kiện hoạt động vì thiếu thùng đựng rác đặt cạnh máy hủy giấy. Hay đến tận những năm 2020, các giấy tờ của tòa án Đức vẫn còn gửi đến đương sự bằng... máy fax.

Ở phương Đông, phát minh vĩ đại về quản trị xã hội của Trung Hoa giúp đất nước này tồn tại vững bền suốt mấy ngàn năm chính là hệ thống quan liêu - được nhà xã hội học Max Webber định nghĩa: 

"Là cơ cấu hành chính bổ nhiệm, là hệ thống chức vụ và nhiệm vụ được xác định rõ ràng, phân công phân nhiệm chính xác, hệ thống quyền hành có tôn ti trật tự, thúc đẩy sự phân công lao động và chuyên môn hóa". 

Nhiệm vụ căn bản của hệ thống này là hoạt động tuân thủ quy tắc công vụ, và cao hơn nữa là năng lực thạo việc - tức biết xử lý sao cho nhanh nhất có thể, trong khuôn khổ luật định.

Nền công vụ Việt Nam hiện tại, ngoài phẩm chất thạo việc, vốn chưa bao giờ được công nhận, giờ có thêm yêu cầu: sáng tạo!

Người ta hay hoài niệm về cảm hứng Đổi mới và tinh thần phá rào thời đó, nhưng những câu chuyện tự cởi trói gần nửa thế kỷ trước diễn ra chủ yếu do không còn lựa chọn. Còn bây giờ là một nỗi sợ hoàn toàn khác. 

Sự tham lam vô độ của nhiều quan chức trong vụ án Việt Á và chuyến bay giải cứu hồi đại dịch là tác nhân tồi tệ gây ra những hệ lụy trì trệ như hiện nay. Hầu hết những tình trạng khẩn cấp quốc gia đều đã biến thành cơ hội để tham nhũng hoành hành, khiến hình ảnh giới công vụ trở nên xấu xí một cách… phổ quát. 

Trong khi đó, một phần lớn hơn công chức vẫn đang cần mẫn làm việc mỗi ngày, trong tình trạng đồng lương chính thức eo hẹp, nguy cơ tinh giản biên chế, và cả cái nhìn không mấy thiện cảm của dân chúng.

Thật khó khăn cho họ khi lại phải gánh thêm sứ mệnh: dám làm, dám chịu, trong hoàn cảnh thiếu chỗ dựa vững chắc để phân biệt rõ ràng những gì sai đúng. Sau nhiều năm đổi mới, chiến lược sử dụng nhân lực cho quá trình phát triển đất nước - xét phương diện kỹ thuật - vẫn mang tính dò đá qua sông, đến đâu tính đấy. 

Khi cần huy động nguồn lực đủ mạnh, đủ tinh và đủ tầm để đẩy cả xã hội đi lên, chúng ta lại thiếu vắng những con người xuất sắc, cho dù "đột phá", "cải cách", "dám làm"… vẫn là những mỹ từ được nhắc đi nhắc lại trên truyền thông.

Quản trị là khoa học

Do đất nước thiếu người tài hay đấy là vấn đề phải chấp nhận trong giai đoạn phát triển hiện tại?

Có những vấn đề nhức nhối, ai cũng thấy cần thay đổi, nhưng mãi vẫn không cải thiện - như thẻ vàng thủy sản của châu Âu. Thái Lan cần năm năm để gỡ ( 2015-2020), Philippines chỉ cần hơn một năm (2014-2015), trong khi Việt Nam, năm nay đã là năm thứ bảy. 

Hay như đùng một cái, dệt may Việt Nam được phát hiện chỉ có 10% số nhà máy đạt chuẩn Xanh LEED. 

Trong khi đó, đất nước nổi tiếng với giá gia công rẻ mạt và điều kiện làm việc kém cỏi Bangladesh đã có đến 80-85% số nhà máy đã đạt chuẩn này - họ đã giành hết đơn hàng của Việt Nam từ cuối năm ngoái. (Số liệu của Tập đoàn Dệt may Việt Nam, Vinatex 28-2-2023).

Ngay cả những lĩnh vực thế mạnh của Việt Nam, trong phân khúc trung bình hoặc thấp của chuỗi cung ứng toàn cầu, chúng ta vẫn không duy trì được lợi thế, dù đã biết trước thách thức và có đủ thời gian để thay đổi. 

Năng lực cạnh tranh quốc gia không có dấu hiệu đi lên, căn cứ các báo cáo chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu, ví dụ ceicdata.com.

Chiến dịch "Dám nghĩ dám làm" thực chất là yêu cầu bộ máy công vụ làm những việc lẽ ra thuộc về trách nhiệm của họ. 

Nền công vụ quốc gia được cổ vũ không phải bằng luật lệ, quy trình rõ ràng và hiệu quả, mà bằng văn bản hành chính không có định lượng, đầy cạm bẫy với người thực thi, không thể gọi là một nền công vụ hiệu quả và thành công. 

Quản trị là một khoa học, quản trị nhà nước càng là một khoa học đòi hỏi những đầu óc khoa học, chứ khó lòng kêu gọi suông!■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận