Cần lực lượng cứu nạn chuyên biệt

TUẤN PHÙNG THỰC HIỆN 19/10/2010 03:10 GMT+7

TTCT - Cứu hộ cứu nạn, ứng phó với thiên tai thể hiện uy tín quốc gia về trách nhiệm với dân. Trung tướng NGUYỄN SƠN HÀ - nguyên cục trưởng Cục Cứu hộ cứu nạn (Bộ Quốc phòng), chánh văn phòng Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn (UBQGTKCN) - trao đổi với TTCT.

Đất nước mình lũ lụt năm nào cũng có nên không thể nói bất ngờ được. Có điều mỗi khi bão lũ lại có những thiệt hại lớn, dù đã rút kinh nghiệm không biết bao nhiêu lần.

Phóng to
Cứu người trên mái nhà ở Vũ Quang - Ảnh Văn Định

* Công tác cứu hộ cứu nạn của chúng ta được triển khai thế nào, thưa ông?

- Chúng ta có tới hai cơ quan tập trung vào việc này là Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão trung ương và UBQGTKCN. Với Bộ Quốc phòng, khi có công điện thì chỉ đạo tới tận các quân khu, tỉnh, huyện chuẩn bị lực lượng sẵn sàng. Bên cạnh ban chỉ huy phòng chống lụt bão & tìm kiếm cứu nạn các tỉnh còn có ban chỉ huy quân sự cấp tỉnh, huyện, biên phòng, công an là nòng cốt trong phòng chống thiên tai. Thực tế hệ thống này vận hành rất tốt.

* Vậy tại sao chúng ta vẫn phải rút kinh nghiệm sau từng trận bão lũ và hậu quả vẫn lớn?

- Tôi nghĩ nguyên nhân chính là công tác phòng chống chưa tốt dù hô hào mạnh. Trong phòng chống, chuẩn bị cần triển khai tới từng con người. Trước hết từng người dân phải chủ động. Hiện ở một số vùng hay bị ngập lụt, nhà dân nào cũng có thuyền nhỏ để trong nhà, làm nhà ở vị trí cao, làm chạn tránh ngập. Nhưng không phải ở đâu và ai cũng có điều kiện như thế, trong khi nhiều địa phương chưa biết tổ chức, khi thiên tai ập đến lại lúng túng.

* Chúng ta có phương châm “bốn tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, vật tư - phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ) trong phòng chống thiên tai. Ông đánh giá thực tế triển khai phương châm này ra sao?

- Phương châm “bốn tại chỗ” nhằm huy động các nguồn lực tại chỗ để ứng cứu nhanh nhất, mục đích tự mình cứu mình trước. Khi có thiên tai, không ai nhanh bằng lực lượng ở nơi bị nạn vì ngay cả khi điều máy bay từ trung ương cũng cần thời gian. Nhưng để cứu hộ được nhanh nhất, địa phương cần có các đội xung kích cứu hộ cứu nạn và ít nhất phải trang bị thuyền, áo phao, chứ nhiều khi đưa lực lượng lên chỉ có người không, không có phương tiện cũng bất lực. Ở Quảng Bình vừa rồi, việc một người dân có thuyền đã cứu được 350 người thể hiện sự cứu nạn tại chỗ rất cần thiết.

Việc lập kho dự trữ cho các vùng trọng yếu chưa tiến hành được vì còn vấn đề trông coi bảo quản. Làm thế nào để xã hội hóa được điều này là một vấn đề, nhất là khi có người đủ điều kiện sắm thuyền, tích trữ lương thực nhưng cũng có người lo bữa ăn hằng ngày chưa đủ. Nếu huy động tàu thuyền của dân cứu hộ thì phải trả xăng dầu, đi cứu rừng phải trả tiền ngày công... Có vậy mới khuyến khích người dân tham gia công tác cứu hộ cứu nạn.

* Khi thiên tai, việc cứu hộ cứu nạn được triển khai thế nào, thưa ông?

- Hiện nay lực lượng cứu hộ cứu nạn chủ yếu quân đội kiêm nhiệm, do Nhà nước chưa xây dựng được lực lượng cứu hộ riêng biệt.

Bộ NN&PTNT, các địa phương là nơi chủ trì phòng chống thiên tai, khi cần có thể điều động các đơn vị quân đội ở địa phương tham gia ứng cứu, được triển khai cứu hộ cứu nạn ngay, không cần lệnh ở trên, báo cáo sau.

Việc huấn luyện cũng đã được triển khai thành hệ thống. UBQGTKCN có trung tâm huấn luyện cứu nạn đường biển (tại Nha Trang) chuyên đào tạo cứu nạn trên biển hằng năm cho lực lượng từ toàn quân, toàn quốc gửi về. Ta có trung tâm cứu nạn đường không, người tham gia nhiệm vụ này được đào tạo biết nhảy dù, leo núi, cưa cắt máy bay cứu người; trung tâm huấn luyện chó nghiệp vụ tìm kiếm cứu nạn. Bộ đội biên phòng có hai trường huấn luyện cho bộ đội về tìm kiếm cứu nạn. Bộ Giao thông vận tải có hai trường đào tạo người lái phương tiện cứu hộ cứu nạn...

Hằng năm, Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão trung ương tổ chức diễn tập ở 1-2 tỉnh về tìm kiếm cứu nạn, mô phỏng tất cả tình huống triển khai và mời các địa phương khác tham dự. Riêng UBQGTKCN mỗi năm huấn luyện cho các huyện ở địa bàn trọng yếu. Tuy nhiên, việc này chưa bao phủ hết được vì phụ thuộc kinh phí.

* Ông nghĩ sao về đề xuất tổ chức những cơ quan chuyên biệt làm công tác cứu hộ cứu nạn, vì VN là một đất nước thường xuyên gặp thiên tai?

- Với biến đổi khí hậu thì sớm muộn cũng xảy ra những thiên tai có mức độ lớn hơn. Chúng ta cần đầu tư cho cứu hộ cứu nạn, thành lập những bộ ngành chuyên biệt, đầu tư như quân đội chuẩn bị đánh giặc với những bộ phận chuyên trách chứ không kiêm nhiệm như hiện nay. Tuy nhiên, việc này rất tốn kém và cần có thời gian, quân đội không thể ôm hết được.

Chúng ta cũng có những quyết định mua sắm phương tiện nhiều năm nay như tàu cứu nạn xa bờ nhưng chưa thực hiện được vì còn phụ thuộc kinh phí. Chúng ta cũng đã mua bốn trực thăng Mi 171 mới để phục vụ cứu nạn và khi cần huy động thì không thiếu trực thăng từ các đơn vị khác. Tuy nhiên có khi phương tiện hiện đại cũng bất lực trước thiên nhiên.

Trực thăng không thiếu nhưng có khi đưa vào không sử dụng được vì thời tiết, không có bãi đỗ, có khi máy bay cứu nạn lại bị nạn. Nhiều địa phương được giao xây dựng bãi đỗ nhưng khi bão lũ thì thì ngập hết, không còn chỗ đỗ. Những nơi lũ ngập không có bãi đáp, thả hàng giữa mênh mông nước thì có lúc hàng bị nước cuốn trôi. Việc dùng trực thăng cứu người chỉ thực hiện trong tình thế các phương tiện khác không thể tiếp cận vì mỗi lần kéo cũng chỉ được một người, không hữu hiệu để cứu nhiều người.

* Vậy chúng ta chuẩn bị thế nào để ứng phó với các thảm họa lớn?

- Chúng ta đang tiến hành đào tạo lực lượng cứu hộ cứu nạn chuyên biệt. Với động đất, quân đội tổ chức các đơn vị công binh và trang thiết bị chuyên dụng cấp tiểu đoàn ở các quân khu. Tại TP.HCM có một đơn vị trang bị hiện đại để cứu hộ khi động đất, sự cố trong nhà cao tầng. Bộ Công thương có trung tâm cứu hộ mỏ. Đây là các lực lượng nòng cốt khi xảy ra thảm họa. Bên cạnh đó, việc huấn luyện lính dù cứu nạn, công binh, hóa học... tham gia cứu nạn cũng được triển khai, có thể cứu hộ các sự cố ở nhà máy điện hạt nhân, hóa chất.

* Xin cảm ơn ông.

Chỉ một trận lũ nhưng ở Quảng Bình đã có tới 46 người chết, 62 người bị thương (tính đến ngày 11-10), thiệt hại vật chất gần 1.400 tỉ đồng - thiệt hại lớn nhất từ trước tới nay ở tỉnh này do lũ lụt. Mới đây, Thủ tướng đã yêu cầu Quảng Bình “xem đây là bài học xương máu để có giải pháp cụ thể ứng phó với thiên tai nhằm giảm mức tối đa thiệt hại về người và tài sản”.

Trả lời phỏng vấn ngày 11-10, ông Nguyễn Hữu Hoài - chủ tịch UBND tỉnh, trưởng Ban phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh - cho biết: “Quảng Bình đã hoàn toàn chủ động đối phó với trận lũ này”.

Ông khẳng định tỉnh đã “chú trọng xây dựng các phương án cứu hộ cứu nạn tại chỗ bằng lực lượng thanh niên, nhân dân ở từng xã” với phương tiện cứu nạn kịp thời và chủ động là thuyền của xã, của dân, đồng thời dự trữ lương thực thực phẩm trong dân ở các vùng thấp trũng, vùng nguy hiểm ven sông Gianh..., “không ỷ lại cấp trên” trong công tác cứu nạn, cứu trợ.

Ngoài thuyền tại chỗ của các xã và của dân, bộ chỉ huy quân sự, công an, bộ đội biên phòng cấp tỉnh có 6-7 chiếc canô các loại. Ở cấp huyện, ban chỉ huy quân sự và công an có thêm 3-4 chiếc canô loại nhỏ, tổng cộng toàn tỉnh có khoảng 30 chiếc. Ngoài ra còn có hai tàu lớn của Hải đội 2 bộ đội biên phòng. Phao cứu sinh cũng đã cấp về từng xã. Tuy nhiên do lũ lụt trải rộng, địa hình có biển, nhiều sông suối và rừng núi nên điều phương tiện đến được chỗ này thì mất chỗ kia và chừng đó phương tiện cứu hộ đối với tỉnh là không đủ.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận