Cần những liều văcxin để hiểu quy chuẩn xã hội

TTCT - LTS: Hiện tượng phổ biến ở một số bạn trẻ đã đem lại không ít hậu quả đau lòng (xem TTCT từ số đề ra ngày 27-4-2014). Trong số này, TTCT giới thiệu ý kiến của các chuyên gia và những kinh nghiệm ở các nước đang đau đầu với... sexting.

Người trẻ và... sexting
Bằng chứng của quá khứ
Thế giới ảo & thực: Tan vỡ niềm tin

Nhiều thanh thiếu niên, nhất là lứa tuổi cấp III và đại học, đã được các bậc phụ huynh trang bị điện thoại thông minh. Mặc dù điều này hỗ trợ cho sự liên lạc giữa phụ huynh và học sinh cũng như giữa học sinh với nhau, hoạt động sexting cũng từ đó xuất hiện, có thể cả trong khuôn viên nhà trường do sự tương tác tình cảm giữa sinh viên. Do đó, đây không còn là chuyện nội bộ gia đình mà nên có sự phối hợp của nhà trường.

Cũng như giáo dục giới tính, có lẽ chúng ta nên chủ động phổ biến thông tin cho các em thay vì lo sợ “vẽ đường cho hươu chạy”, bởi nếu chúng ta không nói thì với kết nối Internet và smart phone trong tay, các em cũng sẽ bằng cách nào đó biết đến sexting, có thể suy nghĩ và có hành vi thiếu định hướng.

Đôi khi, việc tuyên truyền thay đổi hành vi cũng như tiêm phòng văcxin vậy. Nếu cung cấp một lượng thông tin nhất định bao gồm cả hành vi có hại và những hậu quả về đạo đức, pháp luật và văn hóa sẽ góp phần giúp các cá nhân “miễn dịch” được với những đợt tấn công tiếp theo. Tất nhiên, thông tin đưa ra cần được chọn lựa thích hợp và cách phổ biến cần dựa trên một sự chuẩn bị tốt cả về nội dung và phương pháp.

Ở lứa tuổi này, các em có khuynh hướng bị ảnh hưởng bởi áp lực nhóm cùng lứa tuổi và những trao đổi về sexting có thể dẫn đến những cảm nhận sai hoặc bình thường hóa hành vi này. Nhìn từ khía cạnh marketing xã hội trong thay đổi hành vi cộng đồng, các hoạt động phòng ngừa sexting có thể thực hiện qua hoạt động xây dựng nhận thức và sửa lại các suy nghĩ lệch chuẩn.

Dù sexting có sự gia tăng gần đây, số người không tham gia sexting vẫn đông hơn rất nhiều và việc sử dụng bằng chứng thực tế này thông qua những đo lường tin cậy sẽ giúp các em hiểu rõ quy chuẩn hành vi xã hội là gì, dẫn đến việc xóa đi những suy nghĩ lệch chuẩn do cảm nhận sai và áp lực nhóm về mức độ phổ biến của sexting.

Bên cạnh đó, giúp thanh thiếu niên hiểu sâu sắc về giới tính, lòng tự trọng và tình yêu chân chính cũng góp phần quan trọng giúp các em hình thành ranh giới đạo đức hành vi vững chắc để bảo vệ mình và người khác.

-----------------------

Sexting: Một lịch sử

Từ “sexting” được các chuyên gia từ nguyên học thừa nhận rộng rãi là xuất hiện lần đầu trên tờ báo Canada The Globe and Mail khi báo này đăng một bài về các tin nhắn khêu gợi giữa danh thủ bóng đá David Beckham trong vụ ngoại tình với người trợ lý của anh.

“Nhắn tin đã trở thành kiểu trao đổi tình dục mới”, bài báo viết. “Với nhiều người, “sext messaging”, hay “sexting” giúp mang tới cảm giác ngất ngây, như uống vài ly cốc-tai”.

Từ “sexting” nhanh chóng có chỗ đứng trong báo chí ở Mỹ. Tờ báo chính thống lớn đầu tiên sử dụng từ này có lẽ là Los Angeles Times trong một bài báo cuối năm 2005. Nhưng từ “sexting” biến mất trên báo chí Mỹ cho tới cuối năm 2008. Mọi chuyện thay đổi khi Chiến dịch quốc gia Hoa Kỳ ngăn ngừa trẻ mang thai vị thành niên công bố một cuộc thăm dò vào tháng 12-2008 rằng ở Mỹ cứ năm trẻ vị thành niên thì có một em từng gửi đi các tin nhắn với hình ảnh khỏa thân cho bạn bè.

Tất nhiên, “sexting” đúng nghĩa chỉ ra đời cùng điện thoại di động và Internet. Cũng bởi “sexting” phổ biến qua các thiết bị công nghệ cao, những nạn nhân và thủ phạm dễ bắt gặp nhất thường là thanh thiếu niên. Năm 2007, trong một sự kiện hi hữu ở Úc, 32 trẻ vị thành niên ở một trường học tại bang Victoria bị cáo buộc các tội danh liên quan tới khiêu dâm trẻ em sau khi nhà chức trách phát hiện cả một đường dây “sexting”.

Những vụ nổi tiếng khác bao gồm vụ tay golf số 1 thế giới Tiger Woods năm 2009, khi anh này có hơn 20 cô bồ và đã “sexting” với họ trong suốt thời gian chung sống cùng vợ - người mẫu Elin Nordegren. Hay năm 2010 khi ngôi sao bóng bầu dục Mỹ Brett Favre bị phát hiện gửi ảnh khỏa thân của chính mình cho Jenn Sterger, cũng là một người mẫu.

Đình đám nhất có lẽ là vụ của cựu thượng nghị sĩ Anthony Weiner năm 2011. Ông này đã đăng trên trang Twitter của mình một đường dẫn với các hình ảnh gợi tình của chính ông cho một nữ sinh viên đại học ở Seattle. Hành động xuẩn ngốc về mặt chính trị của Weiner đã gây ra một cơn bão truyền thông và ngài nghị sĩ đã phải từ chức.

Năm 2012, ông Weiner lại là nạn nhân của chính mình khi trang mạng chuyên tin sốc The Dirty công bố thêm các hình ảnh “sexting” của ông trong một mối tình. Khi đó ông đang tranh cử thị trưởng New York, bước đường chính trị của ông coi như đi vào ngõ cụt.

------------------------------

Nếu đã lỡ... sexting

Bạn trẻ làm gì?

Nếu bạn hay một người bạn đã gửi đi một hình ảnh khỏa thân hoặc có liên quan tình dục và cảm thấy hối tiếc, bạn hãy:

- Bình tĩnh xóa nó đi, hoặc yêu cầu xóa đi (khỏi điện thoại, trang web... của bạn và những người liên quan).

- Báo cho những người có trách nhiệm liên quan để yêu cầu xóa hoặc chặn nó phát tán xa hơn.

- Nếu hình ảnh hoặc video đã phát tán, hãy bình tĩnh và nói chuyện với đường dây tư vấn để tìm cách tốt nhất giải quyết vấn đề.

- Nói chuyện với cha mẹ, hoặc nhờ người nói với họ. Cha mẹ cũng có thể tìm đến đường dây tư vấn để đối diện và giải quyết sự việc tốt hơn.

- Nếu cảnh sát hỏi, hãy thành thật. Họ sẽ hạn chế những thiệt hại và bảo vệ thanh thiếu niên tốt hơn.

- Tránh xem lại video đó cũng như tránh đọc các bình luận. Hướng bản thân vào các hoạt động khác với gia đình hay người mà bạn tin cậy. Hãy nhớ suy nghĩ tích cực: có người cũng gặp vấn đề như bạn nhưng họ đã vượt qua được. Hãy mạnh mẽ, tôn trọng bản thân mình, rồi bạn sẽ ổn.

N.Y.
(trích từ Cybersmart, một trang web hướng dẫn các kỹ năng liên quan sexting và kỹ năng an toàn với Internet khác của Chính phủ Úc)

Cha mẹ làm gì?

Sexting là đề tài đau đầu của nhiều bậc cha mẹ, ngay cả ở những nước tưởng chừng khá thoải mái với vấn đề này. Chương trình Tell Me More của Đài phát thanh NPR (Washington, Mỹ) đã lấy ý kiến của các bậc cha mẹ nhân bàn luận về đề tài này trong một chương trình ngày 15-4.

Fernando Espuelas, dẫn talk show “The Fernando Espuelas” của Đài phát thanh Univision (Los Angeles), một ông bố: Tìm cách trò chuyện

Con trai tôi 14 tuổi nhưng đã rất trưởng thành và chúng tôi cố gắng đương đầu với thực tế này. Nhưng cùng lúc nó là một đứa con trai điển hình: chúng tôi càng cố trò chuyện, cháu càng im lặng. Vì vậy tôi phải tranh thủ mọi lúc, khi đang lái xe hoặc lúc nào đó tình cờ, hỏi thăm về chuyện hẹn hò của con và điều gì đang xảy ra. Chúng tôi cố đóng vai trò tích cực để biết được đời sống của con.

Bà mẹ Stephanie Silvevman, chủ báo Your Teen Magazine: Can thiệp sớm

Tôi cho rằng nên có những cuộc đối thoại sớm với những bạn trẻ này. Nếu bạn (các bậc phụ huynh) phát hiện những hình ảnh đó trên điện thoại của con mình, dù chúng nhận hay gửi, bạn nên trò chuyện, thậm chí không quá sớm nếu bắt đầu câu chuyện này vào những năm trẻ mới vào tuổi thiếu niên. Bọn trẻ có thể mắc sai lầm, không vấn đề gì, ai trong chúng ta cũng phạm sai lầm. Vấn đề là chúng ta có thể lầm lỗi một cách riêng tư trong khi những sai lầm của trẻ có thể bị phát tán rộng rãi.

Bà mẹ, nhà văn Leslie Morgan Steiner: Cảnh báo tính hợp pháp

Vấn đề tôi đặt ra là gửi bất cứ hình ảnh nào về các phần thân thể trần trụi - dù là của mình hay của người khác - với các con tôi đều là bất hợp pháp. Chúng có thể được coi là khiêu dâm trẻ em, vì vậy tôi luôn nói rõ với con mình là chúng không thể gửi những bức ảnh như thế của mình hay của ai khác...

(http://www.npr.org/2014/04/15/ 303216933/teen-sexting-not-so-bad?)

Kỳ cuối: Trò chuyện với một tư vấn viên học đường

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận