Càng khó khăn, càng cần nỗ lực

HẢI MINH 22/07/2019 04:07 GMT+7

TTCT - Nhiều nước ở Đông Nam Á đã bày tỏ mong muốn sớm có một Bộ Quy tắc ứng xử (COC) duy nhất và thống nhất cho khu vực Biển Đông, nhưng những bước tiến tới nay là khá chậm chạp so với nguy cơ căng thẳng ngày một leo thang.

Các thỏa thuận chính trị và quân sự phải tính tới cả những ngư dân, một lực lượng lớn mưu sinh bằng biển. Ảnh: Reuters
Các thỏa thuận chính trị và quân sự phải tính tới cả những ngư dân, một lực lượng lớn mưu sinh bằng biển. Ảnh: Reuters

Carl Thayer, giáo sư Đại học New South Wales ở Úc và là một chuyên gia về khu vực, từng chỉ ra bốn điểm khó khăn chính để xây dựng một COC hoàn chỉnh: phạm vi địa lý chưa được định nghĩa rõ ràng của Biển Đông; bất đồng về các cơ chế giải quyết tranh chấp; các tiếp cận khác nhau trong xử lý xung đột (kiềm chế, xây dựng lòng tin hay áp đặt, đe dọa vũ lực); và cả tình trạng pháp lý của COC nếu nó thành hiện thực (có tính ràng buộc tới đâu, chế tài vi phạm ra sao...).

Tuy nhiên, không phải vì thế mà những nỗ lực xây dựng một COC dừng lại, bởi đây có lẽ là con đường khả thi và hiện thực nhất để hi vọng về một Biển Đông có luật chơi rõ ràng dựa trên pháp luật, hòng chấm dứt tình trạng rủi ro xung đột luôn tiềm tàng như hiện nay.

Từ Hội nghị thượng đỉnh ASEAN vào hạ tuần tháng 6 vừa rồi, Malaysia đã hối thúc các thành viên ASEAN cùng khởi động sơ thảo một COC chung. Bộ trưởng Ngoại giao Malaysia Saifuddin Abdullah nói lập trường của nước này là các tranh chấp không nên chỉ được bàn thảo riêng rẽ giữa các nước thành viên có tuyên bố chồng lấn trên biển.

“COC, vốn sẽ được tranh luận vào cuối năm nay, cần được thực hiện chung với cả nhóm ASEAN. Chúng tôi muốn nhấn mạnh vấn đề này bởi đã có những nỗ lực từ một hoặc hai thành viên ASEAN muốn thảo luận riêng rẽ” - ông Abdullah nói với truyền thông Malaysia.

COC được coi là một công cụ hiệu quả hơn để bảo đảm hòa bình so với văn kiện không có tính ràng buộc hiện nay, Tuyên bố chung về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC).

Một số học giả tham dự hội thảo “COC trên Biển Đông: Các nguồn lực quân sự và hàng hải” tổ chức ở Bangkok ngày 20-6 cũng đã lập luận rằng việc thương thảo COC của ASEAN với Trung Quốc cần được thực hiện “đồng tâm nhất trí” và COC không nên chỉ nhắm vào việc quản lý tranh chấp, mà còn phải nhấn mạnh vào tự do hàng hải, hàng không và an ninh, an toàn cho cộng đồng đánh bắt cá rất lớn, nhưng tiếng nói còn chưa được lắng nghe đủ nhiều ở các nước ASEAN.

Quốc gia đơn lẻ đang tìm cách thương lượng COC với Trung Quốc mà ông Abdullah ám chỉ ở trên nhiều khả năng là Philippines.

Thông tin về điều này được tờ Phil Star đưa ra trong một bản tin ngày 16-6, trong đó nói Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ phụ trách Đông Á - Thái Bình Dương David Stilwell bình luận rằng Philippines ở vị thế có thể đảm bảo được một COC song phương với Trung Quốc sẽ nhất quán với luật pháp quốc tế.

Sau một cuộc đối thoại song phương chiến lược ở Manila, ông Stilwell nói trong một tuyên bố chung rằng: “Cả hai phía (Mỹ và Philippines) đều nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đạt được một COC hiệu quả và bao phủ mà không gây thiệt hại cho quyền theo luật pháp quốc tế của các nước tuyên bố và không tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông”.

Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất tất nhiên vẫn là thiện chí của Trung Quốc. Nhiều chuyên gia về khu vực đã chỉ ra rằng Bắc Kinh sẽ không muốn chấp nhận một COC có tính cách ràng buộc hòng cản trở họ tiếp tục các hoạt động trái phép ở Biển Đông, và lần gần nhất vấn đề này được đề cập chính thức trong một cuộc gặp ASEAN - Trung Quốc là vào tháng 11-2018 khi Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường nói các kết quả chỉ có thể có vào năm 2021.

“Các bên còn lâu mới nhất trí được về nhiều điểm, và họ thậm chí còn chưa bắt đầu thảo luận những vấn đề khó khăn nhất như phạm vi địa lý, chi tiết về việc chia sẻ nguồn tài nguyên hay một cơ chế giải quyết xung đột” - Gregory Poling, giám đốc Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á, một tổ chức thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế ở Mỹ, nói.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận