Cánh cửa để bước vào văn hóa và lịch sử Việt Nam 

NGUYỄN PHAN QUẾ MAI 09/09/2015 20:09 GMT+7

TTCT - Vừa qua, Prairie Schooner - tạp chí văn học hàng đầu của Mỹ với lịch sử 89 năm phát triển - vừa ra mắt một dự án thơ đặc biệt với các tác phẩm đến từ Việt Nam và Mỹ (*). 16 bài thơ của các nhà thơ Việt Nam đã sánh vai cùng 16 bài thơ của các nhà thơ Mỹ để kể những câu chuyện về cô và dì.


Các nhà thơ Việt Nam sánh vai cùng các nhà thơ  Mỹ trên Prairie Schooner 

Nhà thơ, dịch giả Nguyễn Phan Quế Mai, người được Prairie Schooner ủy nhiệm phụ trách dự án từ phía Việt Nam, đã có bài viết về dự án này, TTCT trích giới thiệu. 

Khi tìm kiếm những bài thơ Việt viết về cô và dì cho tạp chí Prairie Schooner, tôi nhận thấy rằng họ rất ít xuất hiện trong thơ, trong khi đã có rất nhiều bài thơ viết về những người phụ nữ khác trong gia đình như mẹ và chị.

... Mười sáu bài thơ Việt trong dự án này đã được chọn từ những bài thơ chúng tôi nhận được và chuyển ngữ một cách cẩn trọng trong nhiều tháng qua. Trong khi mỗi bài thơ kể một câu chuyện về cô hoặc dì, tất cả 16 bài thơ cùng hợp nhất để tôn vinh vai trò quan trọng của những người phụ nữ này trong cuộc sống người Việt, cũng như trong sự trường tồn của đất nước chúng tôi.

Việt Nam là một đất nước giàu bản sắc văn hóa. Cô và dì là những người kể chuyện để các truyền thống văn hóa luôn sống động trong lòng thế hệ những người Việt trẻ, như trong bài Cô tôi của nhà thơ Thạch Quỳ:

Một quãng thời gian đi qua

Đọng vào trong mái tóc hoa trên đầu

Bao nhiêu tích cũ dài lâu

Qua lời cô, lại có màu cổ hơn

Một thời cái tráp sơn son

Cỏm (**) cau đỏ, lá trầu thơm, hội hè.

Trên thực tế, cô và dì giúp chuyển giao di sản văn hóa của chúng tôi từ đời này sang đời khác. Trong bài thơ Bóng quê, nhà thơ Trần Quang Quý viết:

Lại thấy triền đê cô gánh những chiều về

gánh cả hoàng hôn chảy ròng ròng trên gương mặt

gánh những mùa đi nỗi niềm chớp bể

bài học giản dị bài học của mồ hôi, của mùa cây đọng quả

đấy là cổ tích của người nông dân muốn truyền lại cháu con

biết hái gặt cánh đồng nhân nghĩa.


Thư pháp Hoàng Anh Tuấn 

Người Việt được biết đến với tinh thần chịu thương, chịu khó. Nhưng chúng tôi cũng say mê vẻ đẹp và biết cách tôn vinh nó. Hình ảnh của người cô hiện lên thật gợi cảm trong bài thơ Khăn trắng của nhà thơ Hoàng Anh Tuấn:

Ngực cau nhu nhú yếm nâu

Mười lăm tuổi đã làm dâu nhà người

Sông sâu chết đuối nụ cười

Hóa thành men rượu cho đời say sưa.

Những câu chuyện về cô và dì dẫn chúng ta về quá khứ, đan chúng ta vào từng ngõ ngách cuộc sống. Trong Từ thôn Nghĩa Lộ của nhà thơ Nguyễn Quang Hưng, người cô là một nhân vật huyền bí, người khiến vẻ đẹp của làng quê Việt Nam hiện lên lung linh, mờ ảo:

Núi phượng loang chuông mõ tưng bừng ca hát

Núi lân cây cao vươn bờm nhảy nhót

Kìa dáng rùa lớn nghiêng nghiêng đầu

Mờ mờ bóng cô theo trẻ con chạy diều những chiều

Hào quang đâu về trong gió mát.

... Nỗi đau buồn và mất mát do chiến tranh để lại hằn sâu lên những bài thơ được giới thiệu ở đây. Trong Sinh năm trâu, Hà Văn Tỉnh cho chúng ta thấy cô và dì là những nhân chứng cho những sự kiện lịch sử của đất nước chúng tôi:

Cái đói năm Giáp Thân

Vắt kiệt bầu sữa của bà, kéo bác đi xềnh xệch

Mẹ và dì lớn lên bằng củ chuối qua ngày

Đạn Pháp vèo vèo ngang tai nhức nhối.

Trong rất nhiều những cuộc chiến tranh đã diễn ra trên dải đất Việt, cô và dì đã trở thành những điểm tựa cho sự sống còn của nhiều gia đình. Họ đảm trách việc kiếm sống thay cho những người đàn ông đang phải ra trận. Và tôi thấy bóng dáng người cô ruột của mình trong bài thơ Dì tôi của nhà thơ Nguyễn Hữu Hà:

Liêu xiêu tải gạo bên người

vẫn là dáng của mẹ tôi ngày nào

thảm êm bước thấp bước cao

như vừa mới khỏa nước ao lên bờ

Vuông khăn tần tảo ngày xưa

hết bà đến mẹ bây giờ dì mang.

Việt Nam đã bị giày xéo bởi những bước chân xâm lược đến từ nhiều quốc gia như Mông Cổ, Trung Quốc, Pháp, Nhật, Mỹ. Gần đây, cuộc chiến tranh Việt - Mỹ đã cướp đi mạng sống của gần 3 triệu người, rất nhiều người trong số họ là những người dân thường. Nhà thơ Lữ Thị Mai đã khắc họa nỗi đau ấy trong bài thơ Cô Hà:

khi tôi sinh ra cô đã không còn nữa

nhưng cô thường trở về trong giấc mơ cha mẹ

buồn bã cười và âu yếm nhìn tôi

năm cô mười hai tuổi

một trận bom trút xuống trường làng

chiếc áo mới màu tím hoa cà bị rách tả tơi

cả nhà tiễn cô cùng hàng trăm sinh mạng khác.

Thư pháp Bùi Hoàng Tám

Chiến tranh đã kết thúc hơn 40 năm nhưng những vết thương mà nó để lại vẫn còn sâu hoắm và rỉ máu. Trên dải đất Việt Nam có biết bao phụ nữ vẫn đau đáu chờ mong tin tức của chồng. Chúng ta gặp một trong những người phụ nữ thủy chung ấy trong Lời thề mùa đông của nhà thơ Bùi Hoàng Tám:

Cũng là phận gái chờ chồng

Người còn hóa đá - Cô không hóa gì!

Đá còn đợi bước thiên di

Còn con để bế, cô thì chịu không

Núi còn hòn vợ, hòn chồng

Cô tôi ôm nỗi chờ mong bạc đầu...

Ở miền Nam Việt Nam, nỗi đau thời hậu chiến từng tồn tại ở một hình thức khác, và hiện lên sâu thẳm trong Bão thời đại của nhà thơ Nguyễn Hữu Hồng Minh:

Một nửa gia đình tôi, một nửa cuộc chiến tranh

Từ cô, nửa chân trời chôn ngục tù

Khi chúng tôi ăn gạo, cô và các em ăn bo bo

Chú tôi gắng làm một cuộc kiểm điểm bản thân trong trại lao cải.

Khi Việt Nam nỗ lực vượt qua mọi gian nan để tiến về phía trước, những người cô, người dì phải vác trên vai những gánh nặng kinh tế. Trong bài thơ Người nhặt phân khô của Nguyệt Phạm, người cô đại diện cho số phận của rất nhiều phụ nữ nghèo:

Lần cuối cùng tôi trở về

Làng quê đâu còn dáng còng gánh gạo

Chỉ còn những lom khom lom khom theo đít con bò

Những đụn phân rớt chưa kịp khô đã không còn trên mặt đất

Chỉ còn bà cô nhăn nheo và hình như ngày càng lùn đi đang giành mua từng bao phân bò

Người ta hăm he xúc phân, xúc cả buồn - vui - yêu - ghét lên xe và chở đi mất.

Chiến tranh, xung đột và nghèo đói đã buộc nhiều người phải xa rời quê hương, bản xứ. Thân phận chìm nổi của người Việt xa quê đã được khắc họa trong Cô tôi của nhà thơ Nguyễn Đức Mậu:

Tôi nhìn dáng lưng còng lận đận

Gần trọn đời héo hắt nỗi xa quê

Khi tóc bạc trên đầu trôi dạt mãi

Cội nguồn ơi, chiếc lá lại rơi về...

Và nỗi cô đơn hiện lên ám ảnh trong Hoàng hôn của nhà thơ Hồ Đăng Thanh Ngọc:

Cô tôi ngắt cọng rau chiều

Thả vào cơn rười rượi

Đun bếp nhen những sợi khói lạc bầy

Chuông chùa đổ hồi đầy mâm cô đơn.

Nhưng, vượt qua những nỗi buồn, mất mát và gian khó, người phụ nữ Việt Nam vẫn đầy ắp tình nhân ái và vị tha. Mải chăm sóc cho người khác, họ thường quên nghĩ đến bản thân mình. Trong Mẹ với dì là một, nhà thơ Võ Quê viết:

Con hình dung

Dòng sữa thiêng từ mẹ

Được tiếp truyền thiêng liêng

Hương sữa từng giọt thơm

Kết tinh tình mẫu tử

Mẹ với dì là một

Dì với mẹ là một.

Tôi đặc biệt xúc động khi đọc bài thơ Dì tôi của nhà thơ Nguyễn Thánh Ngã. Trong bài thơ này, người dì “là gia phả của chiến tranh/vết bom nám mặt/chất độc da cam thấu máu”, nhưng dì hi sinh cuộc đời mình cho những đứa trẻ mồ côi:

dì đã nhặt chúng trong sọt rác

như nhặt tiếng khóc một đời làm đàn bà

và nuôi chúng bằng thao thức...

Những người cô và dì của xứ sở Việt Nam không chỉ là những người kể chuyện. Họ còn là nạn nhân chiến tranh, là những người sống sót để rồi lại cứu sống người khác. Với nhà thơ Lê Vĩnh Tài, dì út của anh còn có một vai trò đặc biệt khác: dì là người đồng hành trong cuộc sống cũng như trong nghệ thuật:

những lối đi nhỏ chen giữa lúc mưa bão thiên tai

giữa những thiên tài

thơ bước đi sống động

Dì không thích thơ

hát những câu ngớ ngẩn

dù đó là cách để thơ tận hưởng cuộc sống.

Như chúng ta có thể thấy, những bài thơ được giới thiệu ở đây phong phú về đề tài, không gian và phạm trù lịch sử. Ở bản gốc bằng tiếng Việt, chúng còn phong phú ở loại hình nghệ thuật: có những bài thơ được viết ở thể tự do và cả những bài thơ lục bát. Thơ lục bát đặc biệt khó dịch vì ngoài quy tắc 6-8, mỗi chữ, mỗi câu chất chứa biết bao hàm ý về thông điệp và hình ảnh.

Tôi rất biết ơn giáo sư, nhà thơ Kwame Dawes, tổng biên tập của tạp chí Prairie Schooner, người đã miệt mài làm việc cùng tôi và dịch giả Thiếu Khanh trong nhiều tháng qua để chuyển ngữ các bài thơ lục bát. Mặc dù thể thơ 6-8 không còn hiện diện ở bản dịch tiếng Anh, chúng tôi tin rằng thông điệp và nhạc điệu của những bài thơ ấy vẫn được bảo toàn. Tôi cũng chân thành cảm tạ dịch giả Thuy Dinh, người đã hoàn thành xuất sắc công việc dịch của chị và giúp cho năm bài thơ tự do có được một cuộc sống mới ở thể tiếng Anh.

Vào ngày 30-4-2015 vừa qua, Việt Nam kỷ niệm 40 năm kết thúc chiến tranh. Trong suốt 40 năm qua, các văn nghệ sĩ Việt Nam và Mỹ đã đóng góp vào các hoạt động đối thoại, hiểu biết và hàn gắn giữa hai dân tộc chúng ta. Dự án này tiếp nối những nỗ lực chung trước đây và nhắc nhở chúng ta rằng có rất nhiều việc phải làm để hàn gắn những vết thương chiến tranh vẫn còn dai dẳng.■

(*): (http://prairieschooner.unl.edu/fusion/aunts).

(**): Cỏm: dụng cụ đong, đo lường. cau khô ngày xưa.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận