“Cây viết trong tay Thượng đế”

JULIAN HUESMANN (Đức) 26/03/2021 21:00 GMT+7

TTCT - Hầu như không một ai trong lĩnh vực Việt Nam học, thậm chí là nghiên cứu Đông Nam Á, mà lại chưa nghe tên Nguyễn Huy Thiệp.

 Lần đầu tiên tôi được tiếp xúc với các tác phẩm của ông là trong một lớp đại học ở Đức, nơi truyện ngắn thành công nhất của ông - Tướng về hưu (tựa tiếng Anh: The General Retires) - được chọn làm tác phẩm bắt buộc phải đọc.

 
 Một tuyển tập truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp bằng tiếng Anh, với truyện Sang sông được đặt tên bìa. -Ảnh: BiblioVault

 

Tác phẩm đó nổi tiếng bởi nó sẽ khiến bất kỳ độc giả cẩn thận nào cũng phải câm lặng ở một thời điểm nào đấy trong khi đọc. Tôi còn nhớ rất kỹ có những dòng tôi đã phải đọc đi đọc lại hai ba lần để chắc chắn mình không hiểu sai, chẳng hạn như “Sao không cho vào máy xát?”. 

Tướng về hưu và những truyện ngắn khác thành công tới mức chúng đã được dịch ra nhiều thứ tiếng, tiếng Pháp là Un general à la retraire (1989), tiếng Anh The General Retires (1993) và cả tiếng Đức Der pensionierte General (2009).

Phong cách viết của Nguyễn Huy Thiệp gây sửng sốt bởi sức mạnh của những câu cực kỳ ngắn, điều khiến tác phẩm của ông thật ra trở nên khó đọc hơn. Tôi có cảm giác những câu đó nhắm tới việc lột tả hiện thực như nó là mà không cần tới những từ ngữ văn chương bóng bẩy.

Ở đây, chúng phản ảnh sự thật trần trụi và giọng kể lãnh đạm tới khắc kỷ của người kể, bất chấp những cảnh tượng bi kịch đang đập vào mắt, chẳng hạn như khi người kể tả lại đám tang của mẹ mình: “Tôi thấy cô đơn quá. Các con tôi cũng cô đơn. Cả đám đánh bạc, cả cha tôi nữa”. (Trong một phỏng vấn nhiều năm sau, Nguyễn Huy Thiệp tiết lộ: “Đám tang trong truyện y hệt như đám tang mẹ tôi”).

Nếu có thứ nghệ thuật nào mà Nguyễn Huy Thiệp đã trở nên là một bậc thầy thì đó chính là nghệ thuật bọc sự phê phán cay nghiệt với những thất bại đạo đức và thực tại khốn cùng trong xã hội mà ông biết quá rõ một cách tinh tế vào trong những cuộc đối thoại bình thường. 

Như trước đám tang, Mi hỏi mọi người “Sao lại cho tiền vào miệng bà?” thì Vi đáp: “Con hiểu đấy. Đời người cần không biết bao nhiêu là tiền. Chết cũng cần”.

Ta không thể đọc Tướng về hưu mà không dừng lại để “tiêu hóa” những lặng lẽ ngột ngạt trong đó. Và điều này càng đúng hơn khi ta biết sự khác biệt của Nguyễn Huy Thiệp so với bối cảnh chung của văn học Việt Nam thời kỳ bấy giờ. 

Rõ ràng Nguyễn Huy Thiệp đã thiết lập một tiêu chuẩn viết mới sẽ trở thành cột mốc quan trọng trong lịch sử văn học Việt Nam. Cũng không thể chối cãi là những nhà văn Việt Nam không thể quay về với lối viết cũ nữa sau Tướng về hưu.

Tướng về hưu nổi tiếng nhất ở Việt Nam cũng như quốc tế, Nguyễn Huy Thiệp còn thể hiện bản lĩnh của ông trong những truyện ngắn khác. Một truyện như thế là Sang sông

Cũng với phong cách như Tướng về hưu, truyện ngắn này vẽ ra bức tranh một xã hội không thể nói là bình thường, khi ông thầy giáo trên con đò nói với nhà sư: “Con người chạy theo dục tình, tiền bạc, danh vọng hão huyền” và “đâu đâu cũng thấy toàn là súc vật. Mọi sự thảy súc vật hết”. 

Thật chân xác làm sao và thật mỉa mai làm sao khi ngay cả nhà sư cũng không thể cưỡng lại ngước nhìn chiếc bình cổ, “trong ánh nhìn lóe lên một tia sáng thậm chí giống hệt dục vọng”.

Chúng ta phải thành thật với bản thân và với nhau. Không con người nào là hoàn hảo và do đó không có cái gọi là xã hội hoàn hảo. Thất bại vốn thuộc về bản thể con người, giống như thiên tài văn chương Đức Johann Wolfgang von Goethe từng viết “Es irrt der Mensch solang er strebt” (Chừng nào con người còn ham muốn một điều chi, hắn ta còn sai lầm).

Hồi năm 1987, nhà văn Nguyên Ngọc, người đã lục ra Tướng về hưu trong chồng tác phẩm bị lãng quên rồi cho đăng trên báo Văn nghệ, từng đưa ra danh sách những điều một nhà văn cần, bao gồm “tài năng “trời cho”, sự trải nghiệm hay “vốn sống” và cuối cùng là một nền tảng văn hóa và triết học mà “nhân loại và anh ta có được””. 

Danh sách đó cũng là những gì đã giúp những Victor Hugo, Hermann Hesse và Kahlil Gibran của thế giới này tạo ra thứ văn chương đẹp đẽ, đạo đức và đầy cảm động. Họ thực sự đứng trên một nền tảng văn hóa và triết lý sâu đậm. 

Nguyễn Huy Thiệp cũng có nền tảng đó, bất chấp quan điểm tuyệt vọng trong tác phẩm của ông khiến ông có vẻ như là một phản đề với tất cả văn chương đi trước. 

Tác phẩm của ông thường có nồng độ văn hóa quần chúng Việt Nam sâu sắc, nhưng cá nhân tôi đã lưu ý thấy việc ông lồng vào những trang viết của mình rất nhiều tư tưởng Phật giáo lẫn Nietzsche, Goethe và những tác gia và nhà tư tưởng Tây phương khác qua lời những nhân vật của mình.

Nhiệm vụ của nhà văn thế kỷ 21 không còn là viết lên những trang đẹp đẽ và lúc nào cũng hòa hợp với ý niệm đạo đức hiện thời. Những tác giả lỗi lạc như Hermann Hesse đã chứng tỏ rằng nhà văn có thể viết nên thứ văn chương đẹp đến choáng ngợp trong khi giữ lấy những tín điều đạo đức riêng mình thừa nhận, dù đa số có thể không chia sẻ. 

Nhưng Nguyễn Huy Thiệp rõ ràng có một phong cách khác. Theo ý tôi, giá trị tác phẩm của ông không chỉ nằm ở việc phá luật và vượt rào, đập tan những luật lệ thông thường của văn chương đương đại. 

Dù tôi thấy một thái độ tuyệt vọng đắng cay và châm biếm chua xót trong các truyện ngắn của ông, tôi vẫn tin rằng khía cạnh đạo đức là điều không hề thiếu trong những tác phẩm đấy. 

Nguyễn Huy Thiệp gìn giữ đạo đức xã hội bằng cách đặt độc giả đối diện với những thực tại trần trụi. Ông cho người đọc thấy họ còn những khoảng trống nào trong tâm khảm, dù đôi khi bằng những cách thức tàn bạo.

Một khi đã (buộc phải) nhận ra, mỗi cá nhân và xã hội sau đó sẽ phải tự tư nghiệm về chính mình và những vấn đề của mình. Còn điều gì vinh danh ông và di sản của ông lớn lao cho bằng ít ra là chúng ta thôi nhắm mắt làm ngơ trước những vấn đề của chính chúng ta? ■

H. MINH (dịch)

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận