Chạm vào quê hương

NGUYỄN VĂN THỌ 05/02/2013 04:02 GMT+7

TTCT - Trở lại nước Đức những ngày đầu năm 2013, băng giá tràn ngập nơi nơi. Nhiều gia đình Việt ở Đức vừa qua cơn đại khủng hoảng vì cái thứ nước giải khát Bubble tea (trà Trân Châu) của Đài Loan.

Nguyễn Trường Giang, chủ một quán ăn trong nhà ga Jannowwitz-brueke, là người lăn lộn gần 20 năm trong ngành ăn uống ở Đức, cho biết.

Một quán trong nhiều quán ăn của người Việt trên một con đường lớn ở Berlin - Ảnh: N.V.T.

Hóa ra do bắt chước người ta, nhiều gia đình Việt đã mất vài chục ngàn euro, có đại gia mất cả triệu euro vì mua cái công nghệ trà Trân Châu này. Cho tới cuối năm, khi báo chí Đức đồng thanh phát hiện độc tố trong trà, ngành hàng này bị tiêu diệt. Vậy còn những quán ăn kinh doanh thuần món ăn Việt, bây giờ ra sao? Khá lắm anh ạ, Giang trả lời tôi. Ngày mai anh có thể thăm vài chục quán như thế.

Cơm rau Việt giữa trời Tây

“Các chủ quán ăn không chỉ bán thức ăn Việt, giới thiệu một nét văn hóa quê nhà như khi bán bánh chưng thì nói về cái tết Việt cho khách biết, họ còn là người môi giới để du khách tới quê hương”.

Hôm sau tôi tới thăm quán ăn của vợ chồng một người Việt. Chủ quán Nguyễn Cường là dân ở hồ Hale. Chị Mai Phương thì dân gốc phố Bà Triệu. “Thế quán Việt Nam của anh chị ra sao?” - tôi hỏi. “Một năm nay bắt đầu còn thưa thớt, sau người đến ăn ngày một nhiều hơn. Tôi lấy tên quán là Hội An, thành phố êm đềm mà tôi yêu mến” - Cường đáp.

Quán của Cường Phương bán hầu hết các món ăn Việt. Ở đây có phở, có cơm và thức ăn xào thịt bò với nhiều loại rau như ở Việt Nam. Những người Đức tới đây ăn trưa và ăn tối, phần lớn chuộng món cơm, phở và xúp rau của vợ chồng Cường.

Gần quán của Cường chỉ hơn 500m, tôi lại gặp một quán khác lấy tên Một Góc Hà Nội. Quán nằm ngay trên trục phố Schmiljanstr 4 nườm nượp người qua lại. Chủ quán Nguyễn Văn Hiền đã 54 tuổi, người Hà Nội, sang đây từ những năm 1990 làm thợ khách. Anh nói: “Tôi mở quán này bốn năm nay, chủ yếu đưa món ăn cho khách gọi điện tới (Lieferung). Người Đức quanh đây lâu nay thích ăn món Việt hơn món Tàu. Tôi thuê hai người làm, tức là nuôi được thêm hai gia đình Việt ở đây”.

Tâm sự với tôi, anh tự hào nói ngày xưa cứ treo dê bán chó. Biển hiệu tên Trung Hoa song người mình nấu, món ăn cũng đa số là món Việt cả, do người mình tự nghĩ ra. Nghĩ mà tủi thân. Nay thì quyết không như thế. “Tôi muốn một góc Hà Nội ở tại trung tâm quận này. Cũng là cho ai có dịp qua đây nhớ tới dù chỉ một chút Hà Nội thôi” - anh tâm sự.

Suốt ba tiếng đồng hồ, theo xe Cường, tôi đi qua biết bao nhiêu phố trên bốn quận quan trọng ở Berlin, giờ đây nhan nhản các quán ăn mang tên Việt. Nào là An Lạc, Hương Giang, Hà Nội, Hoàn Kiếm, Hội An, Đu Đủ Xanh, Hoa Sen, Cây Tre... những cái tên thuần Việt thay dần những cái tên vay mượn. Cường kể có nhiều cặp vợ chồng lấy tên mình hay tên con cái đặt cho quán của họ.

Người Việt đã chủ động tạo nên các món ăn hết sức bình dị như ở quê nhà, thường là cơm chiên, phở, rau xào các món, tôm rang với thịt hay đậu phụ. Đặc biệt món nem thì rất phong phú, không chỉ nem mà có cả chả xương xông, lá lốt và bún chả y hệt ở Việt Nam. Để hợp với sự ăn kiêng của người Đức, có nơi còn chế món phở đậu phụ và món phở ấy cũng thu hút rất nhiều khách tới ăn.

Thưởng thức món Việt tại quán Cường Phương

Chặng đường dài

Để có được những góc Việt này, những người Việt sống ở Berlin đã phải vượt qua một chặng đường dài. Nhìn lại lịch sử người Việt ở Đức, sau khi bức tường thống nhất, cuộc sống ở mặt nào đó thật tạm bợ. Luật pháp Đức khi ấy chưa chính thức cho người Việt ở lại, nên có thứ visa Tạm dung, cứ hai năm gia hạn một lần. Nhưng dù ở tạm vẫn cứ phải sống! Tâm lý tạm bợ bắt nguồn từ đó.

Khi ấy thị trường ăn uống ở Đức khá hấp dẫn, một số người Việt điển hình như chị Tâm Koch ở Berlin, là một trong những người đầu tiên khai thác thị trường ăn uống, mở quán mì xào. Quán mì rất thu hút khách, doanh thu lời có ngày gần ngàn đôla, thế mà cái tên quán của chị vẫn là China - Pfanne, dù công thức món mì hoàn toàn do chị nghĩ ra.

Tương tự như Tâm Koch, bao nhiêu quán ăn của đám thợ khách thời ấy bung ra khắp nơi ở Đông Đức, thành hệ thống các quán ăn nhanh của người Việt, tiếng Đức gọi chung là Imbiss, nhưng lại mang sắc thái “nhà hàng Tàu”... Đáng buồn hơn khi trong những nhà hàng ấy, thực khách có thể gọi cả phở, cả cơm với gà chiên hay món nem mười mươi của người Việt, nhưng cái biển hiệu để tạo nên thương hiệu Việt, xác định tính Việt lại hoàn toàn không có.

Thật ra khi đó không phải tất cả người Việt đều cam chịu một sự ẩn danh như thế. Có một quán ăn lấy tên Hà Nội đã mọc lên như thế ngay giữa trung tâm Berlin. Nhưng sự tự tin ấy chỉ như tiếng kêu yếu ớt chìm nghỉm trong cả biển quán ăn núp bóng người, giấu danh người Việt. Cho đến cách đây hơn chục năm, giữa trung tâm Berlin, trên phố Heimstrsse 8, thuộc khu vực phố cổ nhiều khách du lịch qua lại, một quán ăn người Việt trương biển tên tiếng Việt: Vỉa Hè.

Nơi đây, bạn có thể gọi món canh cua hay canh chua cá lóc hoặc cơm ăn với thịt heo chiên cháy cạnh, rau muống xào hay dưa chua hoặc cà pháo... Và, khi người Đức bắt đầu hãi hùng các món ăn Trung Hoa, thường là dầu mỡ nhiều, gây béo phì thì Vỉa Hè đột ngột được một số người Đức sành ăn Berlin tìm đến. Đó là một trong những thương hiệu đầu tiên quay về với đích thực danh tính Việt trên xứ sở mà người Đức phần lớn chỉ biết tới thương hiệu Trung Hoa hay Nhật Bản.

Vẫn còn tình trạng buôn bán ngoài trời - Ảnh: N.V.T.

Đây là cơ hội khiến nhiều người Việt nhận ra rằng món Việt rất hợp với xu hướng ăn kiêng tránh béo phì của người Đức. Những món ăn như rau dưa, giá xào hay đậu chiên, những món truyền thống nem, phở chế biến theo kiểu Việt, đều dễ tiêu hóa, ít gây béo và tốt cho sức khỏe. Và như thế nhiều người Việt sau bao năm kìm nén bắt đầu làm một cuộc thay đổi, trước là thay tên bảng hiệu và tạo ra các món ăn thuần Việt trên nước Đức.

Một ngày cuối năm Nhâm Thìn, chúng tôi rẽ vào vài quán ăn như thế ở Berlin. Hầu hết các quán đều treo nhiều tranh ảnh Việt Nam. Những tấm tranh Đông Hồ, tranh Hàng Trống và những bức sơn mài tứ bình xuân hạ thu đông. Tại một số quán, người Việt còn làm luôn đại lý du lịch về Việt Nam.

Chủ quán Lạc Việt trên phố RheinStr 50 nói với tôi: “Nhiều thực khách đến đây ăn rồi mê Việt Nam và họ đã nhờ đăng ký vé, visa để tới thăm Việt Nam. Như vậy một công đôi việc, các chủ quán ăn không chỉ bán thức ăn Việt, giới thiệu một nét văn hóa quê nhà như khi bán bánh chưng thì nói về cái tết Việt cho khách biết, họ còn là người môi giới để du khách tới quê hương”.

Chiều sẩm hôm ấy tôi quay lại quán Hội An của gia đình Cường Phương. Phương đang ngồi bên một rổ hành củ. Hỏi thăm, chị bảo đang chuẩn bị hành muối cho khách ăn tết ta! Thì ra có nhiều thực khách tới quán đã từng tới Việt Nam, có người là bạn với người Việt đã lâu, có người qua Việt Nam du lịch và từng biết tới cái tết cổ truyền của người Việt. Anh Cường khoe nhiều quán ở đây trang hoàng trong quán như gia đình đón tết ở ta, cũng có hoa đào tươi ủ cho nở đúng dịp tết ta từ đào Đức, rồi câu đối, bánh chưng, măng, miến... nghĩa là những món ăn mang phong vị tết thuần Việt Nam phục vụ bè bạn Đức.

“Ngày xưa ở Đức ít ai biết tới cái tết ta này, buồn lắm, bây giờ nhiều người đã biết chứ không chỉ một mình người Việt. Tết năm nay tôi sẽ đi cắt một cành đào lớn, ủ ấm với nước chắc sẽ có một cành đào rực rỡ cho bạn Đức ăn tết với quán chúng tôi” - Cường vui vẻ kể. Nhiều quán Việt chia sẻ với thực khách như vậy, cũng là một cách từ ẩm thực mà nói về văn hóa của dân tộc mình, quê hương mình.

Một quầy bán rau của người Việt - Ảnh: N.V.T.

Buổi tối chị Phương dọn ra một bàn ăn chiêu đãi tôi. Berlin đang mùa lạnh mà trên bàn vẫn có rau đay canh cua. Một đĩa tôm nhỏ rang với thịt. Một chút đậu phụ rán lướt ván trên có ít rau thơm húng láng và mùi. Đĩa thịt quay nữa, Phương bảo xem có giống thịt vịt quay Hàng Buồm không?

Chúng tôi nâng ly, thứ rượu trắng thuần Việt nếp hương của Nhà máy Rượu Hà Nội. Ngoài trời tuyết bay trắng xóa, gió ù ù thổi nhưng ở quán ăn nhỏ này, hương rượu, cọng rau thơm, vị canh thơm ngậy dìu dịu và tôi như phút chốc được chạm vào quê hương, ở nơi xa tít mù khơi này.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận