​Chân dung thật của nền kinh tế Trung Quốc: Sau chứng khoán, đến... nợ!

HỮU NGHỊ 27/07/2015 20:07 GMT+7

Chỉ trong một tháng, 1/3 trị giá cổ phiếu A (cho khách hàng nội địa) trên thị trường Thượng Hải mất tăm. Nhà nước Trung Quốc ra sức cứu chứng khoán bằng cách bơm tiền và cả kỷ luật sắt. Nay tình hình có vẻ dịu bớt, song phía sau cuộc khủng hoảng thị trường chứng khoán (TTCK) lại là cuộc khủng hoảng nợ. Cả hai cuộc khủng hoảng này đều mang tính chất “đặc sắc Trung Quốc”...

 

Cuối cùng, sau hơn một tháng khủng hoảng, tính từ ngày 12-6-2015 khi bong bóng chứng khoán bắt đầu nổ, thì đến hôm chủ nhật 19-7, tờ báo tài chính Forbes cũng đã đăng một bài của Jesse Colombo, một nhà phân tích tài chính độc lập, với tựa đề “Cuộc đổ vỡ thị trường chứng khoán Trung Quốc đã qua rồi?”.

Tuy chưa khẳng định tình hình là như thế, song tác giả cũng ghi nhận rằng từ một tuần qua, thị trường chứng khoán (TTCK) Trung Quốc tiếp tục ngóc đầu dậy sau khi đã bổ nhào, mất đi 1/3 giá trị hồi giữa tháng 6 khi cuộc khủng hoảng lên đến cao điểm. Theo tác giả, Chính phủ Trung Quốc đã dốc hết sức để ngăn chặn một vụ đổ vỡ với các biện pháp bao gồm cả việc cắt giảm lãi suất, dừng lại tất cả các đợt lên sàn (IPO), yêu cầu ký quỹ ít nghiêm ngặt, đe dọa bắt giữ những người giao dịch bán khống, cho phép các nhà đầu cơ sử dụng nhà của họ làm tài sản thế chấp cho các khoản lãi vay... Tuy nhiên, vẫn còn đó áp lực bán tống bán tháo khi mà những người đầu cơ vẫn còn nóng lòng bảo vệ tài sản của họ khỏi sự vỡ bong bóng...

Tác giả kết luận: “TTCK Trung Quốc đã ra khỏi cánh rừng rậm chưa? Tôi chưa dám chắc lắm, song cần nhận ra rằng bong bóng đang xẹp từng đợt. Chỉ số của TTCK Thâm Quyến hôm thứ sáu vừa qua đã qua khỏi ngưỡng “phòng tuyến” 600 điểm, đã là một khởi đầu tốt rồi, tuy nhiên nếu lên sát ngưỡng 660 điểm thì sẽ chắc chắn hơn, còn nếu rơi xuống dưới ngưỡng 600 điểm thì sẽ còn phải trải qua nhiều thách thức khác dài hạn”.

Thị trường chứng khoán hay "sòng bạc"?

Tuy TTCK Trung Quốc có lớn thật đấy, song vẫn chỉ được báo chí phương Tây sánh với một sòng bạc, còn các nhà đầu tư thì được gọi là những con bạc. Tờ The Economist viết: “TTCK Trung Quốc thường được gọi là sòng bạc do lẽ giá các cổ phiếu ở đấy chẳng liên quan gì đến các điều kiện kinh tế tiềm ẩn”.

Nhật báo tài chính Financial Times số chủ nhật 19-7 chạy tít “Các con bạc trên TTCK Trung Quốc phó mặc tài sản của họ cho số phận”. Tác giả Lawrence Osborne đưa ra một ví von: “Bất cứ con bạc nào từng mài thời gian trong các sòng bạc của thành phố Macau cũng đều ít nhiều hiểu chính xác điều gì đang diễn ra trong sự bốc hơi của TTCK Trung Quốc... Cơn hốt hoảng đột xuất này làm tôi nhớ đến cách mà cả một bàn đang chơi bài baccarat, trong một tâm trạng bốc đồng cường kích, đột ngột bỏ bàn này chạy ào sang bàn khác tìm vận may... Đầu tư trong TTCK Thượng Hải tất nhiên là khác hẳn. Ở đó, kỹ năng, sự khôn ngoan và thận trọng sẽ đem lại lợi nhuận nhiều hơn là tin vào vận may. Tuy nhiên, người Trung Quốc lại chơi chứng khoán theo kiểu không xem đó là đầu tư dài hạn, mà như một thứ cờ bạc để trở nên giàu có một cách nhanh chóng và dễ dàng nhất có thể, với một chút hi vọng và mê tín dị đoan”.

“TTCK Trung Quốc thường được gọi là sòng bạc do lẽ giá các cổ phiếu ở đấy chẳng liên quan gì đến các điều kiện kinh tế tiềm ẩn” - The Economist
 

Có thể mượn tựa đề “Cái sự chẳng ra làm sao vĩ đại của TTCK Trung Quốc!” của chuyên san tài chính Pháp Capital để kết luận về bản chất TTCK Trung Quốc. Một TTCK cứ như là một sòng bạc, điều đó phản ánh trình độ phát triển kinh tế.

Có hai cái nhìn khác nhau về tác động của sự đổ vỡ TTCK Trung Quốc. Cái nhìn thứ nhất cho rằng có tác động. Cây bút bình luận Robert Samuelson của tờ Washington Post cho rằng Trung Quốc sẽ cần bớt nhập khẩu nguyên liệu thô, các thị trường xuất khẩu có thể bị gián đoạn khi mà các công ty Trung Quốc cắt giảm giá và tống tháo sản phẩm thừa ra nước ngoài.

Cái nhìn thứ nhì, cơ bản không lấy gì lo sợ lắm, như tờ Wall Street Journal 14-7 qua bài “Huyền thoại về sự đổ vỡ TTCK Trung Quốc”. Tác giả John Lee, của Đại học Quốc gia Úc (ANU), khẳng định sẽ chẳng có mấy tác động đến toàn cầu, bất quá tác động tâm lý hơn là tác động vật chất. Nhìn trên bề nổi, niềm tin rằng sự suy sụp ở Trung Quốc sẽ ảnh hưởng đến phần còn lại của thế giới là điều dễ hiểu.

Cùng với quy mô kinh tế của Trung Quốc và tầm quan trọng như là một đối tác thương mại của các nền kinh tế lớn, Trung Quốc còn là nước lắp ráp công nghiệp hàng đầu tính về khối lượng. Thật khó mà tin rằng một nền kinh tế chiếm gần phân nửa sức tăng trưởng toàn cầu lại có thể chìm mà không tạo ra tác động “sóng thần” ở mọi nơi trên thế giới! Thế nhưng, các con số thống kê có thể làm người ta lạc lối.

Nền kinh tế Trung Quốc còn lâu mới quan trọng đến mức là cỗ máy kéo sự tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Hãy lấy con số đầu tư cố định, vốn chiếm khoảng phân nửa sự bành trướng kinh tế của Trung Quốc: trong số 4,5 nghìn tỉ USD giá trị đầu tư cố định mới trong năm 2014, không đầy 3% có nguồn gốc từ bên ngoài Trung Quốc. Hầu hết các lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế Trung Quốc, ngoại trừ lĩnh vực sản xuất phục vụ xuất khẩu, đều được thiết kế cho các doanh nghiệp nhà nước đặc quyền “ăn trên ngồi trước” các công ty nước ngoài và tư nhân trong nước. Một khi các doanh nghiệp nhà nước đã được hưởng lợi chủ yếu từ chính sách kinh tế của Bắc Kinh, chúng cũng sẽ chịu tác động trước bất kỳ sự suy giảm kinh tế lớn lao nào hơn là các công ty đa quốc gia.

Ngay cả lĩnh vực sản xuất phục vụ xuất khẩu mà, trong đoạn trên, tác giả đã tạm gác sang một bên, cũng không hẳn sẽ tác động đến thị trường thế giới một khi có biến động chao đảo TTCK Trung Quốc. Tác giả điều chỉnh lại các quan niệm cũ về tầm quan trọng của “công xưởng thế giới” như sau: “Sản xuất phục vụ xuất khẩu nằm trong tay các doanh nghiệp thuộc sở hữu nước ngoài hay do nước ngoài đầu tư... Thành ra bất cứ một sự đình trệ nào, thậm chí cuộc khủng hoảng thanh khoản nào trong nền kinh tế Trung Quốc, cũng không hẳn sẽ tác động đáng kể đến các hoạt động sản xuất phục vụ xuất khẩu do lẽ đa số hoạt động đó là từ vốn ngoại và lĩnh vực này là địa bàn chiếm đến 80% đầu tư nước ngoài vào Trung Quốc”.

Có một câu hỏi khác: Nếu TTCK Trung Quốc đổ bể, liệu có tác động gì đến các nước khác, đặc biệt là các nước đang phát triển, trong lĩnh vực tiếp thu công nghệ từ Trung Quốc? Tác giả trả lời phủ định: “Trung Quốc nào có phải là một nguồn chuyển giao công nghệ lớn lao gì cho các nền kinh tế đang phát triển trên thế giới. Trái lại, Trung Quốc hấp thu công nghệ nước ngoài nhiều hơn là cung ứng cho thế giới”.

Thật ra về vấn đề này cũng còn tùy nền kinh tế nào, nếu nền kinh tế đó đã quen tự nguyện lệ thuộc công nghệ Trung Quốc thì lại là chuyện khác.

Gánh nợ đáng lo

TTCK Trung Quốc là tương đối nhỏ đối với thế giới, nhưng tác động của gánh nợ của các công ty Trung Quốc lại đáng ngại hơn nhiều. Umesh Desai của Reuters (19-7) viết: “Chính phủ Trung Quốc có thể đã tránh được một cuộc khủng hoảng chứng khoán bằng cách ra tay mạnh mẽ, song gánh nợ của các xí nghiệp địa phương, cao nhất thế giới, lại là một đe dọa còn nghiêm trọng và khó xử lý hơn nhiều”.

Số nợ của các xí nghiệp Trung Quốc hiện lên đến 16.000 tỉ USD (15.000 tỉ euro), tương đương 160% GDP nước này, gấp đôi gánh nợ của các xí nghiệp Mỹ. Một nghiên cứu của Standard & Poor’s dự báo trong năm năm tới gánh nợ này sẽ tăng thêm 77%, lên đến 28.800 tỉ USD (26.500 tỉ euro). Vấn đề là Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc từ tháng 11 năm ngoái đã hạ lãi suất đến bốn lần, đồng thời hạ tỉ lệ dự trữ bắt buộc và bãi bỏ trần tín dụng. Mục đích nhắm đến là để hỗ trợ các xí nghiệp vừa và nhỏ cùng các xí nghiệp có nhu cầu sáng tạo.

Số nợ của các xí nghiệp Trung Quốc hiện lên đến 16.000 tỉ USD (15.000 tỉ euro), tương đương 160% GDP nước này, gấp đôi gánh nợ của các xí nghiệp Mỹ
 

Thế nhưng, nguy cơ thật sự là dòng tiền tín dụng siêu rẻ đó sẽ lại chảy đến các xí nghiệp đang có “vấn đề”. Kết quả hay hậu quả là chỉ trong tháng 6 vừa qua, các ngân hàng đã cho vay đến 1.280 tỉ NDT (190 tỉ euro), cao hơn nhiều so với 900 tỉ NDT (133 tỉ euro)! Đáng ngại là phần lớn các khoản vay mới này lại dùng để tiếp vốn cho các xí nghiệp công không hiệu quả.

Đã có những trường hợp như của Công ty năng lượng mặt trời Shanghai Chaori Solar Energy Science and Technology năm ngoái vỡ nợ. Thế nhưng, việc dòng vốn cứ bơm cho các xí nghiệp thua lỗ lại là một hội chứng tiêu biểu của những nền kinh tế chuyển đổi từ bao cấp sang kinh tế thị trường vẫn chưa hết bao cấp.

Thành ra, vấn đề tới đây sẽ còn nghiêm trọng hơn vụ đổ bể TTCK khi mà ở đó mới chỉ liên quan đến 8.000 tỉ Usd, trong khi gánh nợ nọ hiện đang hơn gấp đôi. Cả hai vấn nạn này cho thấy chân dung thực của nền kinh tế Trung Quốc: lớn thì có lớn thật đấy, song còn dở dang lắm.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận