TTCT - Một tuần lễ bắt đầu có vẻ không êm ả cho Liên minh châu Âu (EU). Hôm chủ nhật (19-2) Iran loan báo không bán dầu hỏa cho Anh và Pháp. Đúng lúc đó, Mỹ lại khuyên Israel chớ “đụng” Iran! Đêm 20-2, một lần nữa EU phải bấm bụng gánh nợ cho Hi Lạp, song lần này Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), trong tay Mỹ, sẽ chỉ đóng góp cho có... Thực hư như thế nào? Phóng to “Chúng ta đều là dân Hi Lạp”, một khẩu hiệu tuần hành kêu gọi ngày quốc tế đoàn kết với dân chúng Hi Lạp tại quảng trường Trocadero ở Paris ngày 18-2 - Ảnh: Reuters Thật ra, quyết định ngưng bán dầu hỏa cho Anh và Pháp của Iran chỉ có ý nghĩa “tượng trưng”. Pháp chỉ nhập của Iran khoảng 58.000 thùng dầu/ngày, không đầy 3% lượng dầu Pháp tiêu thụ. Và số dầu nhập khẩu này thật ra là do Iran thanh lý hợp đồng trước kia của Hãng Total của Pháp. Anh thì đã ngưng nhập dầu của Iran từ đầu năm (1). Iran: cùng ra khỏi vũng lầy "trừng phạt" Theo điều lệ của IMF, mỗi nước chỉ được vay không quá 10 lần số đóng góp vào quỹ của IMF, mà Hi Lạp nay đã vay đến 25 lần!Cho dù quyết định này của Iran không gây khó dễ cho Anh và Pháp cùng EU, song cũng có thể xem như là một biện pháp trả đũa việc EU tháng trước tăng cường trừng phạt Iran. Điều này rất có ý nghĩa đối với nội tình Iran trước cuộc bầu cử quốc hội tháng 3 tới, nhất là sau khi Iran vừa gửi một thư cho Mỹ và EU đề nghị nối lại đàm phán. Muốn hay không muốn, phe đối lập ở Iran cũng không trách được chính phủ là “hiếu chiến”, còn giới tăng lữ cũng không thể chê là nhượng bộ “quỷ Satan” (theo cách gọi của cố đại giáo chủ Khomeini). Thứ năm tuần trước, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton phát biểu: “Đó là một bức thư mà ai cũng mong đợi” (2). Sau đó, tướng tổng tham mưu trưởng quân đội Mỹ Martin Dempsey tuyên bố trên CNN: “Nói rằng Iran muốn có vũ khí hạt nhân là không rõ ràng. Sẽ là quá vội vàng để quyết định đã đến lúc can thiệp quân sự. Tôi tin Israel thấu hiểu nỗi quan ngại của chúng tôi rằng một cuộc tấn công của Israel sẽ gây bất ổn và cũng chẳng giúp Israel đạt đích lâu dài. Israel xem Iran là một mối hiểm họa có thực theo cách của họ, còn chúng tôi thì chưa kết luận Iran là một mối đe dọa có thực” (3). Chưa hết, hôm thứ hai 20-2, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Tom Donilon kết thúc chuyến làm việc tại Israel mà nội dung có thể tóm lược như sau: “Mỹ không muốn bị đặt vào tình thế mọi chuyện đã rồi bởi một cuộc tấn công của Israel vào Iran” (4). Các phát biểu liên tiếp này của ba quan chức ngoại giao, quân sự và an ninh quốc gia hàng đầu của Mỹ còn hơn một gáo nước lạnh cho những “con diều hâu tập sự” cứ mong ngóng một cuộc tấn công vào Iran! Hồi đầu tháng 2, những “con diều hâu tài tử” đó đã hí hửng khi nghe Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta phát biểu “Israel định tấn công Iran vào tháng 4 tới”, để rồi la toáng lên rằng “đạn đã lên nòng” mà quên mất điều răn cơ bản của chiến tranh là “tiên hạ thủ vi cường”, tức “có điên mới la lên là tôi sắp đánh”! Ngay trong nội bộ châu Âu đã có những luận điểm rất hung hăng như: “Các chính phủ châu Âu, nhất là hai chính phủ có khả năng xuất quân nhất (tức Anh và Pháp), đều biết rõ các hậu quả có thể có và đã sẵn sàng đáp trả... Châu Âu, dù gặp khó khăn kinh tế, nay đang trải qua “mùa xuân” (tức cuộc cách mạng) của chính mình trong lĩnh vực đối ngoại và quốc phòng. Những ai trước kia cho rằng châu Âu bất quá chỉ là một hội đoàn chỉ biết khoác lác và vung tay song lại yếu ớt, thì nay phải suy nghĩ lại” (5). Sau lá thư đề nghị nối lại đàm phán của Iran, tối 19-2 một phái đoàn của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) đã trở lại Tehran. Đây là lần thứ nhì trong vòng chưa đầy một tháng phái đoàn này đến Iran. Tháng 11-2011, IAEA công bố một bản phúc trình đề quyết rằng Iran có chủ ý ứng dụng quân sự chương trình hạt nhân của mình, và đòi Iran “trả lời cụ thể” một số thắc mắc trước khi hội đồng quản trị IAEA nhóm họp vào ngày 5-3 tới. Nga đã thúc Iran “đáp ứng” tích cực (6) để hội đồng quản trị IAEA có thể tạm xếp lại hồ sơ Iran trong sáu tháng trước khi nhóm họp định kỳ trở lại vào tháng 9. Coi như cả Iran lẫn Âu - Mỹ đều giữ được sĩ diện của mình. Từ đây đến đó, “mặt trận Iran” tạm yên tĩnh. Tất nhiên Iran cũng sẽ diễu võ giương oai một chút. Một thành tích đối ngoại cho Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad trước cuộc bầu cử quốc hội, cho ứng cử viên Barack Obama trước cuộc bầu cử tổng thống tháng 11 tới, và cả cho ứng cử viên Nicolas Sarkozy ở vòng một bầu cử tổng thống Pháp vào tháng 4! Kết quả thăm dò công bố hôm 20-2 dự báo ông Sarkozy giành được 27% số phiếu ở vòng một, so với 29% số phiếu của đối thủ chính là François Hollande, và qua vòng hai ông Sarkozy sẽ giành thắng lợi chung cuộc. Tức uy tín của ông Sarkozy đã tăng so với cuộc thăm dò hôm 8-2 (ông Sarkozy chỉ được 26% số phiếu ở vòng một, ông Hollande được đến 30%). Nếu như chưa thể quả quyết rằng những nỗ lực đối ngoại của ông Sarkozy (tạm xếp lại “hồ sơ Iran” và giải quyết gánh nợ Hi Lạp mà Pháp luôn đóng vai trò đầu đàn) có góp phần gì vào việc tăng thêm chút uy tín cho ông thì ít nhất cũng đã không hại ông! Gánh nợ Hi Lạp: Ai gánh? Nếu như “hồ sơ Iran” là một tin vui, thì việc giải quyết gánh nợ Hi Lạp lại là một tin vừa tốt vừa xấu. Đêm 20-2, EU đã quyết định xóa 100 tỉ euro nợ tư nhân cho Hi Lạp kèm theo một gói giải cứu mới lên đến 130 tỉ euro trong vòng tám năm để Hi Lạp có thể thanh toán 14,5 tỉ euro nợ đáo hạn vào ngày 20-3 tới (7)! Đáng phiền là IMF, mà Mỹ là chủ tài khoản đóng góp lớn nhất, đã không cho biết sẽ tham gia thêm là bao nhiêu, trái lại đánh tiếng rằng Hi Lạp đã vượt quá hệ số vay mượn bình thường. Theo điều lệ của IMF, mỗi nước chỉ được vay không quá 10 lần số đóng góp vào quỹ của IMF, mà Hi Lạp nay đã vay đến 25 lần! Nghĩa là giờ đây châu Âu ráng mà gánh vác, đừng trông mong gì Mỹ hơn nữa! Thật ra, các chính phủ gánh một thì dân chúng gánh mười. Đồng tiền trợ giúp Hi Lạp chẳng qua cũng là tiền thuế dân chúng đóng nay phải nhịn phúc lợi xã hội để cho các chính phủ giúp Hi Lạp! Gánh vác gánh nợ này trong hằng ngày chính là người dân Hi Lạp. Tuần trước, để bảo chứng cho quyết tâm trả nợ của đất nước mình hầu có thể được nhận gói giải cứu mới, Quốc hội Hi Lạp đã thông qua kế hoạch “thắt lưng buộc bụng” hơn nữa và dân chúng đã giận dữ đốt cháy nhiều tòa nhà ở thủ đô Athens. Patrick Martin-Genier của Trường chính trị Sciences-Po nổi tiếng của Pháp mô tả như sau: “Dân chúng Hi Lạp nay đang trải qua một thảm kịch thật sự mà họ sẽ còn phải chịu đựng trong nhiều năm nữa. Họ phải trả giá cho sự bất tài qua năm này tháng nọ của các cơ quan công quyền nước họ vốn chẳng hề đảm nhận các bổn phận, nghĩa vụ của những nhà lãnh đạo có trách nhiệm và lương thiện. Các chính phủ liên tiếp đã che giấu tình hình tài chính của đất nước từ năm này qua năm khác, bằng cách đưa ra những số liệu dỏm về mức độ nợ nần từ bội chi ngân sách” (8). Dẫu sao thì trên bình diện chung, các chính phủ châu Âu cũng tạm bớt “nhức đầu” để mạnh nước nào nước nấy lo chuyện nội bộ của mình, bắt đầu là ông Sarkozy! __________ (1) http://www.lexpress.fr/actualites/1/societe/la-france-est-privee-du-petrole-iranien_1084158.html(2) http://www.thedailystar.net/newDesign/latest_news.php?nid=35889(3) http://edition.cnn.com/2012/02/19/world/meast/iran-nuclear/index.html(4) http://www.atlasinfo.fr/Visite-du-Conseiller-d-Obama-pour-la-securite-nationale-en-Israel-sur-fond-de-tensions-avec-l-Iran_a25922.html(5) http://www.presseurop.eu/fr/content/article/1446251-la-guerre-d-iran-deja-lieu(6) http://www.rfi.fr/europe/20120220-iran-recoit-une-delegation-aiea(7) http://www.lefigaro.fr/conjoncture/2012/ 02/20/20002-20120220ARTFIG00626-grece-l-europe-finalise-un-sauvetage-au-cout-historique.php(8) http://www.fenetreeurope.com/php/page.php?section=actu&id=24526 Tags: Châu ÂuHi LạpLiên minh châu ÂuQuỹ Tiền tệ Quốc tế
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Đại biểu Quốc hội: Doanh thu cơ quan báo chí giảm mạnh, cần ưu đãi sâu về thuế thu nhập TIẾN LONG 22/11/2024 Cơ quan báo chí, truyền thông hiện đang khó khăn cần chính sách ưu đãi ở mức không chịu hoặc chịu mức thuế thu nhập doanh nghiệp thấp nhất.
Khám xét nơi ở và làm việc của viện trưởng Viện Y dược học dân tộc TP.HCM ĐAN THUẦN 22/11/2024 Ngày 22-11, Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an đã thi hành lệnh khám xét nơi làm việc và chỗ ở của ông Huỳnh Nguyễn Lộc, viện trưởng Viện Y dược học dân tộc TP.HCM.
Việt Nam có khoảng 70.000 ca tử vong mỗi năm liên quan đến kháng thuốc kháng sinh THANH HÀ 22/11/2024 Theo Tổ chức Y tế thế giới, đã có gần 270.000 ca tử vong do đề kháng thuốc kháng sinh tại Việt Nam trong khoảng thời gian từ năm 2020 đến năm 2023.
Bà Tôn Ngọc Hạnh trở thành bí thư Tỉnh ủy trẻ nhất cả nước A LỘC 22/11/2024 Bà Tôn Ngọc Hạnh, 44 tuổi, được điều động, chỉ định làm tân bí thư Tỉnh ủy Bình Phước và là bí thư Tỉnh ủy trẻ nhất cả nước hiện nay.