TTCT - Cuộc bầu cử tổng thống ở Pháp đang cho thấy nhiều thay đổi khác thường: cử tri thuộc các lớp tuổi khác nhau nay lại có những chọn lựa “tréo ngoe”, một số đảng lớn truyền thống “xuống giá”, các đảng cực đoan lại nổi lên và tự khẳng định. Xu hướng sau cùng này đang là phổ quát. The Economist 16-4 đăng một bài với tựa đề hết sức độc đáo: “Cảm ơn những người cao tuổi đã ngăn những kẻ cực đoan ở châu Âu nắm quyền lực”. Kèm theo là tựa nhỏ lập lại “chân lý” mới: “Emmanuel Macron dựa vào sự ủng hộ của các cử tri tóc bạc”.Độc đáo không do cách hành văn mà do thực tế mà tờ báo Anh này mô tả một cách éo le: “Nếu Emmanuel Macron, tổng thống trẻ nhất từ trước đến nay của đệ ngũ Cộng hòa Pháp, tiếp tục công việc của mình, ông sẽ phải cảm ơn những cử tri lớn tuổi nhất”. Càng éo le khi mà các đảng cực đoan đang là số đông! Các xu hướng cực đoan đang thắng thế trong nền chính trị Pháp. Ảnh: The GuardianThe Economist đưa ra kết luận như trên sau khi “đọc” các kết quả khảo sát lá phiếu cử tri, và chú ý ngay đến lá phiếu của người cao tuổi, đối chiếu với các diễn biến chính trường, để rồi kết luận rằng các phong trào cực đoan đang trỗi lên, và may thay nhờ lá phiếu của lớp già mà ông Macron không phải về hạng ba.Vai trò của khảo sát xã hội học Các tờ báo khác, đầu tiên là báo Pháp, cũng sử dụng các kết quả thăm dò này, do các hãng khảo sát như Opinion Way hay Viện Nghiên cứu dư luận IFOP thu thập, phân tích và công bố rất phân tầng, theo địa lý, độ tuổi, giới tính, nghề nghiệp, tôn giáo… để kết luận về vòng một cuộc bầu cử. Tạm lấy thí dụ Opinon Way, hãng thăm dò dư luận đã thực hiện một số khảo sát cho tờ Les Echos và đài radio Classique (15-4), hãng tin truyền hình CNEWS (15-4), khảo sát xã hội học cho vòng một, điều chỉnh với các cử tri không đi bỏ phiếu (12-4) riêng cho tờ Les Echos… Mỗi tờ báo, hãng tin lại chọn những mảng thông số thích hợp với đề tài hay với xu hướng của mình.Trong trường hợp tờ The Economist là tuổi tác - rồi đưa ra kết luận trong bài báo nêu ở trên về một số xu thế trong cử tri. Còn tờ Les Echos, nhật báo kinh tế hàng đầu của Pháp, thì nhìn vào các thông số khác nữa, như thu nhập, nghề nghiệp, khu vực sinh sống, rồi kết luận: “Lá phiếu của người Pháp trong vòng một cuộc bầu cử tổng thống hôm chủ nhật rất phân cực theo tuổi tác, nghề nghiệp, thu nhập hoặc thậm chí cả nơi sống của họ”.Khảo sát dư luận, ở đây là lá phiếu cử tri, là một công việc đã trở thành “kinh điển” với sự hoạt động của các nhà nước cùng các đảng phái, tổ chức xã hội, tôn giáo… Các kết quả bỏ phiếu không chỉ để xướng danh những người đắc cử, mà còn là cơ sở chỉ dẫn cho các biên độ chính sách tương lai để phụng sự người dân một cách sát sườn nhất, hay để xem khoảng cách với người dân nói chung và từng lớp dân chúng là bao xa, trong từng chi tiết cụ thể nhất.Từ dân, do dân, vì dân… thì phải biết ai đã bầu như thế nào và cả tại sao lại không đi bầu. Quan trắc xã hội học là “con mắt” của nhà cầm quyền, chớ không phải “cái loa” minh họa. Các êkip vận động tranh cử của ứng cử viên vô vòng hai ở Pháp là ông Macron và bà Marine Le Pen đã căn cứ vào kết quả bỏ phiếu ở từng địa phương, theo từng lớp tuổi, nhóm xã hội nghề nghiệp, mà lên kế hoạch đi đâu, tiếp xúc với những nhóm cử tri nào rồi điều chỉnh trong cách diễn đạt, thêm gì, bớt gì trong vận động cho vòng hai. Cũng thế, các đảng thất cử, nhất là thất cử nặng nề như ứng viên cánh hữu “cổ truyền” Valérie Précresse (chỉ 4,8%) - còn dưới 5% tổng số phiếu, đồng nghĩa sẽ phải tự thanh toán chi phí tranh cử thay vì được ngân sách đài thọ - ngay sáng hôm sau đã mở miệng “ông đi qua bà đi lại giúp cho tôi trả nợ 5 triệu euro”.Mở ngoặc đơn, ở Việt Nam công việc này cũng không xa lạ, ít nhất đã có hơn ba chục quản lý thư viện ở miền Nam từng tham gia một khóa học ba tuần về áp dụng điều tra xã hội học để cải tiến hoạt động thư viện từ năm… 1986 do UNESCO phụ trách tại số 79 Trương Định quận 3, TP.HCM, mà người viết bài là phiên dịch.Khảo sát sống với nước PhápThường thì một ứng viên trẻ trông mong vào các cử tri trẻ. Đằng này, ông tổng thống trẻ nhất lịch sử Pháp lại phải nhờ vào các cử tri lớn tuổi. Theo tờ The Economist, nếu chỉ đếm phiếu của những người dưới 60 tuổi ở vòng một, thì ông Macron chỉ về thứ ba và nước Pháp đã phải lựa chọn giữa những người cực đoan cánh tả và cánh hữu trong vòng hai.Tờ Les Echos cũng bàn về lá phiếu của cử tri trẻ ở Pháp: “Ông Bruno Jeanbart, phó chủ tịch OpinionWay… cho biết: “Không có gì mới cả, tuổi tác luôn là yếu tố chia phe, song năm nay điều này đặc biệt rõ nét. 2/3 lớp cử tri dưới 35 tuổi đã bỏ phiếu cho ứng viên cực hữu Marine Le Pen (32%) hoặc ứng viên cực tả Jean-Luc Mélenchon (33%) trong khi chỉ 17% bỏ cho Emmanuel Macron; ngược lại ông Macron thu được tới 39% số phiếu bầu nơi những cử tri trên 65 tuổi””. Tờ báo này đặc biệt chú ý các lá phiếu bất ngờ dồn cho ứng cử viên cực tả Mélenchon, khiến các đảng cánh tả “cổ truyền” mất tăm luôn: “Ứng cử viên của “Nước Pháp bất khuất” đã hốt hết kho phiếu của những người trẻ cánh tả”.Còn tờ La Croix (Thập tự), như tên gọi, nhìn vào thông số tôn giáo: “Viện Nghiên cứu dư luận (IFOP) đã thực hiện một nghiên cứu cho La Croix về phiếu bầu của các khu vực bầu cử theo các nhóm tôn giáo khác nhau. Một quan sát đầu tiên xuất hiện: người Công giáo “giữ đạo” (82%) và người theo đạo Tin lành (83%) là những người tham gia bỏ phiếu nhiều nhất, trên mức trung bình của cả nước (74,9%)”.Song, tờ báo này ghi nhận sự phân hóa rất mới trong khối cử tri Công giáo: “Vốn có phần nghiêng về cánh hữu, cử tri Công giáo không vì thế mà không bất nhất, chia phiếu giữa Emmanuel Macron (29%), Marine Le Pen cực hữu (27%), Éric Zemmour cũng cực hữu (10%) và Valérie Pécresse cánh hữu (7%) song cho cả Jean-Luc Mélenchon cực tả (14%)”.Nếu như cử tri Công giáo bỏ phiếu cho cánh hữu và cực hữu, thì ngược lại cử tri không tôn giáo bỏ phiếu nhiều hơn cho cánh tả: 30% cử tri Pháp không tôn giáo bỏ phiếu cho Mélenchon, so với chỉ 26% cho Macron và 20% cho Le Pen. Chưa hết, các cử tri Hồi giáo chủ yếu bỏ phiếu cho Mélenchon (69%) trong khi những người theo đạo Tin lành có khả năng ủng hộ Macron nhất (36%). Các ứng cử viên vốn quen vận động lá phiếu cử tri các tôn giáo nhất định nhìn thấy và hiểu hiện trạng như thế nào.Dù ứng viên cực tả Mélenchon có không vô được vòng hai, do chỉ lấy hai người đầu, song với 21,95% số phiếu, thua sát nút bà Le Pen về nhì (23,15%), đây cũng là thành tích không ngờ. Mặt khác, việc hai ứng viên cực đoan Mélenchon và Le Pen giành tới 45,1% tổng số phiếu, nếu tính luôn 7,07% của ứng viên cũng cực hữu Zemmour, thì số phiếu cho các ứng viên có lập trường cực đoan trong nền chính trị Pháp đang là trên 52%, một con số đáng báo động.Chuyển động của phe cực đoanMôt đảng chính trị là nơi tập hợp những người có cùng ý tưởng chính trị. Một số chọn cánh tả, ưu tiên là giảm bất bình đẳng giữa người giàu và người nghèo. Các đảng khác ở cánh hữu, mưu tìm thành công của cá nhân và củng cố an ninh. Cũng có những đảng muốn áp dụng ý tưởng của mình một cách triệt để, không thỏa hiệp: đó là những đảng cực đoan.Nhìn chung, các đảng cực hữu muốn đặt dân tộc lên hàng đầu và phản đối chuyện nhập cư. Các đảng cực tả muốn đảo lộn nền kinh tế của đất nước để thiết lập một xã hội bình đẳng hơn. Một số đảng cực đoan này vươn lên quyền lực trong những năm gần đây ở châu Âu, song cũng gây tranh cãi rất nhiều.Tại nhiều nước châu Âu ngày nay, những cử tri ở độ tuổi 70 đang bám vào những đảng lớn truyền thống, kiểu Mỹ. Những người hưu trí ở Đức hướng đến Đảng Dân chủ Thiên Chúa giáo (CDU) và đối thủ của nó Dân chủ xã hội (SPD) mà thế hệ cha mẹ họ từng theo. Người Ireland thì gắn bó với Fine Gael hoặc Fianna Fail, những trụ cột chính trị gần trăm tuổi. Người Ý có nhiều khả năng bỏ phiếu cho Đảng Dân chủ hoặc Tiến lên nước Ý (Forza Italia) của Silvio Berlusconi; người Tây Ban Nha cho những đảng đồng dạng tương đương…Trong khi đó với giới trẻ, những giá trị đã từng gắn cha mẹ của họ với một đảng phái truyền thống - tỉ như nhà thờ, tổ chức công đoàn - thường không còn là thịnh hành nữa. Thay vào đó là sự phiêu lưu chính trị với các phong trào mới lập ra khắp châu Âu: một loạt các đảng Xanh, một đảng theo chủ nghĩa dân tộc kỳ quặc, một vài nhóm chống đối theo chủ nghĩa tự do… Thêm vào đó là một số trang phục kỳ quặc và một cựu diễn viên hài, ta có Phong trào Năm Sao ở Ý, một đảng với cương lĩnh lạ kỳ nhưng nhận được tỉ lệ phiếu bầu từ các cử tri trẻ rất cao.Một số ít các đảng phái ngày trước là bên lề nhưng nay đang tham gia vào dòng chủ lưu đấy còn có lịch sử rất phức tạp, như Sinn Fein ở Ireland, vốn từng là một nhóm gần gũi với khủng bố. Trong giới trẻ, đảng này ngày nay có khi còn nhận được nhiều phiếu bầu hơn hai đảng lão thành Fine và Fianna.Ở Tây Ban Nha, các đảng cực hữu và cực tả cũng mọc lên như nấm. Những người bài ngoại toàn diện như Đảng Jobbik ở Hungary và Đảng Dân chủ Thụy Điển - hiện đã được cải cách phần nào - đạt được đột phá từ các cử tri trẻ trước khi thiết lập cơ sở rộng lớn hơn. Ở Đức, Đảng AFD (Giải pháp thay thế cho nước Đức), một đảng chống nhập cư, thậm chí đã được cả các cử tri trên 70 tuổi ủng hộ.Noi chung, tất cả đều có thay đổi. Như trường hợp bà Marine Le Pen: từ gốc gác cực hữu cực kỳ của Đảng Mặt trận dân tộc (FN) do cha bà thành lập, bà đã tìm đủ cách để tẩy bớt các “dấu hằn” quá cực đoan, đổi bảng hiệu thành Tập hợp dân tộc (RN). Từ chỗ dựa vào công nhân, nay bà đã gần hơn với giới trung lưu. Tất cả các đảng chính trị, dù cố cựu hay mới toanh, dù trung dung hay cực đoan, do đó đều thay đổi và phải thay đổi, theo tiếng gọi của cử tri.■Ở Pháp, có một lớp cử tri khá thú vị mà lá phiếu của họ có khi có ý nghĩa lớn hơn, bởi chức việc của họ hoặc do những nghi kỵ “phục tòng”: các công chức. Họ có “phải” bỏ phiếu cho ngài tổng thống không? Các kết quả khảo sát cho thấy trái với thói quen trước giờ của họ là bỏ phiếu cho các ứng cử viên cánh tả, lần này họ bỏ phiếu phân tán hơn: 23% cho ông Mélenchon, 25% cho ông Macron và 24% cho bà Le Pen. Phó chủ tịch Opinion Way Bruno Jeanbart lưu ý: “Số phiếu cao cho ông tổng thống mãn nhiệm khá ngạc nhiên do lẽ ông thường bị tố là bạc đãi công chức. Điều này cho thấy lớp cử tri này đã thay đổi sâu sắc”. Tags: Cử triBầu cửBầu cử PhápXã hội họcMacron
Để việc 'giải quyết thủ tục hành chính phi địa giới' đi vào thực chất Nguyễn Đức Lam (Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông IPS) 11/10/2024 1863 từ
Trung tâm phục vụ hành chính công: Vượt qua các thách thức của mô hình TS NGUYỄN SĨ DŨNG 10/10/2024 2062 từ
Tập đoàn Hàn Quốc sắp đầu tư thêm 4 tỉ USD, cam kết tương lai 100 năm ở Việt Nam NGỌC AN 14/10/2024 Chủ tịch Hyosung khẳng định môi trường đầu tư của Việt Nam rất đáng tin cậy và tin rằng Việt Nam sẽ trở thành trung tâm sản xuất của châu Á.
Chỉ đạo thu tiền trái quy định, một hiệu trưởng ở Hòa Bình bị bắt CHÍ TUỆ 14/10/2024 Hiệu trưởng Trường THPT Kỳ Sơn (Hòa Bình) chỉ đạo các giáo viên chủ nhiệm khối 12 thu tiền ấn phẩm thi tốt nghiệp 100.000 đồng/học sinh với lý do phục vụ kỳ thi.
Giá vàng thế giới giảm, vàng nhẫn vẫn đi lên sát mức kỷ lục cũ ÁNH HỒNG 14/10/2024 Dù thị trường trầm lắng nhưng giá vàng nhẫn 9999 hôm nay vẫn tăng 300.000 đồng/lượng và lên sát mức kỷ lục đã thiết lập trước đó.
Khởi tố hai cơ sở trồng giá đỗ bằng hóa chất TRẦN MAI 14/10/2024 Công an TP Quảng Ngãi đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với người liên quan đến hai cơ sở "trồng" giá đỗ bằng hóa chất ở TP Quảng Ngãi.