Nhân sự kiện ghép thận tại bệnh viện chạm mốc 200 ca thành công mỹ mãn, Bệnh viện Trung ương Huế tổ chức lễ tôn vinh người hiến thận tự nguyện. Điều đáng lưu ý, phát biểu tại buổi lễ, GS.TS Bùi Đức Phú, giám đốc bệnh viện, nhìn nhận: “Ghép tạng là lựa chọn cuối cùng của bệnh nhân suy tạng giai đoạn cuối. Ở các nước phát triển, nguồn tạng hiến chủ yếu lấy từ người cho chết não, còn ở nước ta nguồn tạng hiến chủ yếu từ người sống… Nguồn tạng từ người cho chết não là hết sức phong phú nhưng do nhiều vấn đề, do quan niệm về tâm linh, tôn giáo, tín ngưỡng nên chưa được cộng đồng thông hiểu...”. Nhiều trường hợp được cứu sống nhờ có người hiến tạng - Ảnh: france - adot Có thể hiểu được nỗi trăn trở của những người thầy thuốc trước thực tế cả nước hiện có hơn chục nghìn người chờ nhận thận nhưng đến nay chỉ ghép được khoảng 1.000 ca, chủ yếu từ người cho còn sống, con số vô cùng ít ỏi so với nhu cầu. Thế giới thì ngược lại, tỉ lệ bệnh nhân được ghép tạng được cho từ 90% người chết não, 10% từ người sống. Trở lực lớn nhất ở chỗ: người thân của người chết não không đồng ý hiến tạng, bởi quan niệm của người Việt Nam cũng như người Á Đông nói chung đã chết phải được chết toàn thây! Quan niệm “chết toàn thây” có lẽ xuất phát từ đạo hiếu của Nho gia, rằng những gì cha mẹ sinh ra, ban cho thì phải cố giữ, không được làm suy suyển, mất mát; đến khi chết đi thân thể phải toàn vẹn như ngày đầu để trở về gặp cha mẹ, ông bà tổ tiên ở thế giới bên kia. Trong tâm thức của người Việt, chết không toàn thây bởi bất cứ lý do gì đều mang tội bất hiếu, đều là sự đau đớn, bất hạnh tột cùng cho người sắp chết và người ở lại, không thể cam lòng. Lại có quan niệm rằng khi chết mà mất đi một bộ phận nào đó trong cơ thể thì đầu thai vào kiếp khác không trọn vẹn! Cũng có người cho rằng Phật giáo trong quan niệm về luân hồi, về kiếp sau cũng có liên quan tới sự ảnh hưởng của hình xác không toàn vẹn tới đầu thai kiếp sau. Có phải vậy không? Một nhà sư trụ trì một ngôi chùa ở Hà Nội khẳng định: “Chết toàn thây không phải là một khái niệm hay ý niệm của Phật giáo... Phần về với cõi Phật không phải là thể xác của con người khi về cõi niết bàn. Ngay cả khi đã qua đời mà vẫn làm điều đức độ, giúp đời, giúp người thật đáng quý lắm thay. Cửa Phật vẫn luôn răn dạy chúng sinh phật tử làm điều đó, không có gì là trái với luân thường đạo lý ở đời cũng như giáo lý nhà Phật. Phật đã dạy thân này vô thường, vô ngã nên giải thoát không phải là giải thoát thân này. Cứu độ chúng sinh chính là điều Phật dạy, chúng ta nên làm. Vậy còn gì mà băn khoăn khi không khiến tâm ta siêu thoát khi qua đời vẫn sống có ích, có tâm…”. (*) Trong kiệt tác Tạng thư sống chết, Sogyal Rinpoche viết rằng: “Theo đạo Phật, sống và chết được xem như một toàn thể, ở đây chết chỉ là khởi đầu của một chương mới. Chết như một tấm gương trong đó phản chiếu tất cả ý nghĩa cuộc đời”. Đứng ở góc độ ngành y, đặc biệt từ những thành tựu lớn lao của y học ghép tạng người, chính quan niệm “chết toàn thây” đang là một rào cản, một sự lãng phí rất lớn nguồn tạng quý giá. Một người chết hiến tạng có thể đem lại sự sống cho rất nhiều người. Có chứng kiến những bệnh nhân suy tim, suy thận giai đoạn cuối vật vã chờ chết trong nỗi thắc thỏm mong ngóng mỏi mòn dường tuyệt vọng của họ về một quả tim, một quả thận khỏe mạnh... mới thấy việc hiến tạng bức bách đến thế nào. Hình ảnh bệnh nhân Trần Mậu Đ. trong ca ghép tim lịch sử của Bệnh viện Trung ương Huế hạnh phúc chở vợ con dạo phố (quả tim của anh được lấy từ người chết não) cho thấy một tạng hiến có thể hồi sinh một cuộc đời. Thực tế anh là một cơ may muôn một. Tất nhiên nói như thế không có nghĩa là cứ phải trông chờ và kêu gọi. Luật hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác (gọi tắt là Luật hiến tạng) có hiệu lực từ năm 2007 nhưng vẫn chưa thật sự đi vào cuộc sống. Giám đốc một bệnh viện cho rằng: “Đã đến lúc cần có sự điều chỉnh về luật định, chính sách, chế độ nhằm đẩy mạnh chương trình tự nguyện hiến tạng khi còn đang sống, quyền cá nhân tự nguyện hiến tạng sau khi chết não. Cần có quy định để hỗ trợ bù đắp một cách thiết thực hơn cho người hiến tạng khi còn sống, bảo đảm họ được duy trì sức khỏe và ổn định đời sống. Thực tế cho thấy người nhận được hưởng quá nhiều lợi ích thì tại sao người cho lại chỉ được coi là làm việc thiện, trong khi họ cũng chịu rủi ro về sức khỏe, dù là có mối quan hệ huyết thống hay không. Đồng thời cần đẩy mạnh thông tin tuyên truyền để người dân cởi mở hơn với việc hiến tạng, hiến tạng cho y học để cứu giúp những người bệnh đang phải ngày ngày chiến đấu với bệnh tật”. Đã xuất hiện nhiều mô hình hay từ các trung tâm ghép tạng và cả cộng đồng trong nỗ lực tìm kiếm nguồn tạng từ người cho tự nguyện. Những “làng hiến giác mạc” ở Đà Nẵng, Thái Bình, Ninh Bình..., những lá đơn tự nguyện hiến tạng gửi về các trung tâm ghép tạng ở Hà Nội, TP.HCM... và được cấp thẻ đăng ký cho thấy quan niệm của người dân đang dần thay đổi. Một khi hiến tạng là chọn lựa chủ động, nó sẽ khác hoàn toàn với “chết không toàn thây” vì bất cứ lý do thụ động nào. Trong ánh sáng “cuộc hành trình qua sống chết” đẹp biết bao ấy, có thể hiểu rằng chết, nhẹ như một sự cho đi... ___________________________________________________ (*): www.phapluatxahoi.vn/giao-thong-do-thi/phong-su/khan-hiem-than-tu-quan-niem-chet-phai-toan-thay-phat-quan-niem-song-hay-chet-o-tam-chu-khong-o-xac-20802 Tags: Hiến tặng
Nhiếp ảnh gia chiến trường Thomas Billhardt: Cô ấy chỉ mơ một cốc nước chanh đá… CODET HANOI 30/04/2025 2202 từ
Chủ tịch Quốc hội nói về 'kỳ họp lịch sử, quyết định các vấn đề lịch sử' THÀNH CHUNG 04/05/2025 Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh kỳ họp thứ 9 là kỳ họp có ý nghĩa lịch sử, quyết định những vấn đề mang tính lịch sử cho sự phát triển của đất nước.
Xuất hiện đại gia đứng sau VNPAY, nắm tới 99,99% vốn ông lớn này BÌNH KHÁNH 04/05/2025 Cơ cấu cổ đông của VNPAY được cập nhật gần đây với sự thay đổi đáng kể. Theo đó, "ông lớn" trung gian thanh toán này do Công ty cổ phần Tập đoàn Cuộc sống Việt nắm tới 99,99% vốn điều lệ.
Sau câu nói của bà Hoàng Thị Thúy Lan, ông Hậu 'Pháo' được giảm 200 tỉ tiền đất THÂN HOÀNG 04/05/2025 Sau ý kiến của bí thư Hoàng Thị Thúy Lan, ông Hậu "Pháo" đã chi tiền tỉ lo lót nhiều lãnh đạo ở Vĩnh Phúc để được giảm giá đất dự án chợ đầu mối từ 700 tỉ xuống còn 500 tỉ, gây thiệt hại ngân sách nhà nước 200 tỉ.
Ông Trump: Không tìm cách tranh cử nhiệm kỳ thứ 3 NGỌC ĐỨC 04/05/2025 Tổng thống Mỹ nói không tìm cách tranh cử nhiệm kỳ thứ ba và có nhiều chia sẻ bất ngờ về vấn đề tranh cãi pháp lý, chọn người kế nhiệm cho nhiệm kỳ tới và việc giữ cho TikTok hoạt động trên đất Mỹ.