Chết ở Venice (*)

 (THOMAS MANN) 20/05/2012 21:05 GMT+7

TTCT - Vào một quãng thời gian khó khăn trong sáng tác, nhà văn thành đạt Aschenbach cảm thấy cần một cuộc du lịch để cân bằng lại thể chất và tâm trí. Chuyến đi vô tình trở thành điểm thăng hoa của một tình yêu thống khổ.

Phóng to

Venice đón chào ông với những dấu hiệu bất an: bầu không khí ngột ngạt, sự xuất hiện của người chèo thuyền kỳ dị, những sự kiện ngẫu nhiên liên tiếp mà ông không thể tưởng tượng được rằng sẽ phá vỡ toàn bộ những gì ông gây dựng từ trước tới nay.

Cuộc gặp gỡ tình cờ với Tadzio, một thiếu niên người Ba Lan, mà dưới mắt ông là sự hoàn thiện của vẻ đẹp hình thể, "như một tác phẩm điêu khắc Hi Lạp thời kỳ hoàng kim nhất" làm một tình yêu tuyệt vọng nảy sinh trong lòng nhà văn khả kính, khiến ông không thể rời xa Venice, "thành phố với vẻ đẹp phỉnh phờ khả nghi, nửa thần thoại, nửa cạm bẫy", ngay cả khi một trận dịch ập đến làm bầu không khí đã nuôi dưỡng những suy nghĩ phóng túng nhuốm thêm màu chết chóc.

Một người chỉ yêu quý và tôn thờ người khác chừng nào họ còn chưa có khả năng phán xét về nhau, và khao khát tương tư là kết quả của sự hiểu biết không đầy đủ

Nếu chỉ xét đơn thuần những sự kiện xảy ra trong Chết ở Venice, ta sẽ cảm thấy dường như không có gì đáng kể. Aschenbach mặc dù trải nghiệm tất cả sức mạnh của "những cảm xúc cũ càng, những đớn đau ngọt ngào non trẻ của con tim đã bị bóp chết vì lối sống khắc kỷ của ông" nhưng ông chỉ luôn luôn đứng cách xa đối tượng tình yêu của mình, không hề trao đổi một lời nói hay động chạm.

Tính chất dữ dội của tình yêu cuồng nhiệt và "phi luân" ấy chỉ diễn ra trong nội tâm của Aschenbach, nơi những hàng rào của đạo đức và lối sống kỷ luật được rèn luyện từ bé xung đột với thôi thúc được buông thả theo những đam mê của đoàn người thờ thần Dyonisos. Vị thần của khoái lạc, dục vọng và bản năng hiển hiện dưới dạng biểu tượng vừa đáng sợ vừa quyến rũ, khiến tâm trí Aschenbach càng ngày càng lún sâu vào một hành trình vừa là rượt đuổi vừa là trốn chạy chính mình.

Trong nỗ lực biện minh cho tình yêu đầy mặc cảm tội lỗi, Aschenbach ban đầu còn viện dẫn triết học Hi Lạp cổ đại về tình yêu và đạo đức, các lý thuyết về nghệ thuật và cảm hứng sáng tác để thoái thác rằng những gì mình đang cảm thấy khác xa với "dục vọng của những kẻ vô đạo và tà tâm, những kẻ không cảm nhận được cái đẹp từ biểu tượng, và vì thế không biết tôn kính chân, thiện, mỹ".

Dần dần ông cảm thấy mình có thể sẵn sàng từ bỏ tất cả để đến với đam mê, bởi "ai đã thoát thai một lần thì không ghê sợ gì hơn là phải quay trở lại nhập vào thân xác cũ... Ý nghĩ mình là kẻ đồng lõa, là người cùng có tội làm ông ngây ngất, như chút rượu cay làm bộ óc mệt mỏi chếnh choáng say". Tình yêu thuần túy tinh thần không hề nhẹ nhàng mà có đầy đủ sự thống khổ và khả năng hủy diệt hoàn toàn - nó là thứ không thể giải thoát, hoặc làm nên một kiệt tác hoặc phải là một sự kết thúc.

Chết ở Venice chỉ có dung lượng khiêm tốn nhưng chứa đựng rất nhiều tầng bậc, với những nhận xét như những châm ngôn đầy bất ngờ được lồng vào giữa những đoạn mô tả nội tâm tinh tế bậc thầy. Cái kết có thể khiến nhiều người đọc cảm thấy hơi bất ngờ và hụt hẫng, nhưng không thể tránh khỏi và đã được báo trước. Hãy đọc chầm chậm để thưởng thức hết những biểu tượng đa tầng của tác phẩm, bạn sẽ phải công nhận đây là một kiệt tác của văn chương theo phong cách cổ điển xứng đáng được tôn vinh ở mọi thời đại.

Paul Thomas Mann (1875-1955) là một trong những nhà văn lớn nhất của Đức thế kỷ 20 với các tác phẩm tiêu biểu: Gia đình Buddenbrooks (tiểu thuyết, 1901); Núi thần (tiểu thuyết, 1924). Ông đã đoạt giải Nobel văn học năm 1929 và giải Goethe năm 1949. Chết ở Venice (1913)được coi là một trong những tác phẩm xuất sắc nhất của văn học thế giới.

Trong kết cấu cổ điển và nhịp độ chậm rãi của kiệt tác này, văn hào Thomas Mann dành gần như toàn bộ chương 2 để mô tả chân dung, sự nghiệp và cuộc đời của nhân vật chính Gustav von Aschenbach - một nhà văn đáng kính điển hình cho “kỷ luật tự tu dưỡng rèn luyện”, một “cây bút chín chắn và tinh xảo” mà văn chương đã được đưa vào sách giáo khoa. Sự mô tả chi tiết này dường như sẽ tạo nên sự đối xứng cần thiết để làm nổi bật những cảm xúc bùng nổ ở các chương sau.

THANH VÂN

__________

(*) Tiểu thuyết của Thomas Mann, Nguyễn Hồng Vân dịch, NXB Trẻ, 2012

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận