Chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc: Những con số đầy tham vọng

NGUYỄN THÀNH TRUNG 17/03/2024 04:40 GMT+7

TTCT - Tôi nhớ những năm đầu thế kỷ 21, vị giáo sư Trung Quốc của tôi, trưởng bộ môn chính trị quốc tế tại Đại học Phúc Đán, vẫn còn ngại ngùng khi đề cập với sinh viên về việc Trung Quốc gia tăng ngân sách quốc phòng.

Ảnh: Politico

Ảnh: Politico

Có lẽ ông ngại khi các quốc gia khác có thể nhìn nhận tăng chi tiêu quốc phòng đồng nghĩa tham vọng quân sự tăng.

Một trong những lập luận của ông là phần lớn chi phí của việc tăng chi tiêu quân sự Trung Quốc dành cho tăng lương và thu nhập của sĩ quan và binh lính, để đối phó với việc thu nhập thấp dẫn đến quân nhân dễ sa ngã, tham nhũng, hay bán bí mật quân sự cho nước ngoài.

Tương ứng với tăng trưởng kinh tế

Tuy nhiên, giải thích tăng thu nhập này không thể lý giải nhiều cho việc Trung Quốc tăng chi tiêu quốc phòng liên tục suốt nhiều năm qua, và thường tỉ lệ tăng cao hơn tăng trưởng kinh tế. 

Đầu tháng 3, Chính phủ Trung Quốc công bố ngân sách quốc phòng cho năm 2024 là 1,67 nghìn tỉ nhân dân tệ (231,3 tỉ USD), đánh dấu mức tăng danh nghĩa 7,2% so với ngân sách năm 2023 là 1,55 nghìn tỉ nhân dân tệ (224,8 tỉ USD). Như thường lệ, Trung Quốc chỉ đứng sau Mỹ về chi tiêu quốc phòng trên toàn cầu và hơn nhiều quốc gia phía sau cộng lại.

Nói theo kiểu ví von "nước lên thì thuyền lên", chi tiêu quốc phòng ngày càng tăng của Trung Quốc liên hệ chặt chẽ với GDP của nước này. Kể từ năm 2000, tỉ lệ chi tiêu quốc phòng trong GDP của Trung Quốc luôn dao động xung quanh mức 2% GDP. Khi quy mô nền kinh tế mở rộng thì ngân sách quốc phòng cũng tăng theo.

Nhìn theo quan điểm của Trung Quốc, việc tăng chi tiêu quốc phòng của họ là dễ hiểu. Khi đã trở thành nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới, Trung Quốc có một loạt lợi ích kinh tế và chính trị hoàn toàn mới vượt ra ngoài biên giới mà giờ đây họ phải cần bảo vệ. 

Nền kinh tế Trung Quốc cần nhiều năng lượng, tài nguyên khoáng sản, nguyên liệu thô hơn mức Trung Quốc có thể tự sản xuất, do đó nước này nhập khẩu dầu và khí đốt, cùng các tài nguyên từ Trung Đông, Trung Á, Nga và châu Mỹ Latin. Tuy nhiên, bảo vệ lợi ích kinh tế không phải là mục tiêu tối hậu của việc tăng chi tiêu quân sự của Trung Quốc.

Các lợi ích kinh tế ở nước ngoài khiến Trung Quốc thay đổi nhu cầu an ninh và quốc phòng. Ảnh: scmp.com

Các lợi ích kinh tế ở nước ngoài khiến Trung Quốc thay đổi nhu cầu an ninh và quốc phòng. Ảnh: scmp.com

Cột mốc chiến tranh vùng Vịnh

Chiến tranh vùng Vịnh lần thứ nhất (1990-1991) được coi là mốc quan trọng đánh dấu sự thay đổi tư duy trong giới lãnh đạo quốc phòng Trung Quốc, khi chiến thuật áp đảo về số lượng được cho là không còn hiệu quả. 

Trung Quốc đã chứng kiến quân đội Mỹ hiện đại sử dụng vũ khí dẫn đường chính xác và các loại vũ khí thông minh để tiêu diệt quân đội Iraq từ trên không với thương vong tối thiểu cho lực lượng tấn công. Trung Quốc nhận ra rằng học thuyết quân sự của họ đã lỗi thời và họ cần thay đổi triệt để từ tư duy cho đến "phần cứng" lẫn "phần mềm".

Khi nền kinh tế Trung Quốc bắt đầu tăng trưởng với tốc độ thần kỳ trong thập niên 1990, Bắc Kinh cũng rủng rỉnh tiền hơn để theo đuổi tham vọng hiện đại hóa và đa dạng hóa quân đội từ trên xuống dưới. 

Quá trình này được thực hiện liên tục trong hơn hai thập kỷ qua và không có dấu hiệu dừng lại. Hiện nay, khi cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung ngày càng căng thẳng, Trung Quốc muốn đảm bảo rằng các lực lượng trên bộ, trên không và trên biển của họ có thể phối hợp với các lực lượng mới liên quan đến chiến tranh không gian, hạt nhân, điện tử và mạng. Đây là những thứ mà Bắc Kinh gọi là "chiến tranh thông minh".

Tuy nhiên, câu hỏi cơ bản với ngân sách quốc phòng được công bố vẫn là không ai biết Trung Quốc thực sự chi bao nhiêu cho quân sự. Giới quan sát phương Tây tin rằng con số thực tế cao hơn nhiều. 

Số liệu cũng thay đổi theo cách tính và tổ chức đưa ra ước tính. Chẳng hạn, Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI) đưa ra con số 292 tỉ USD cho năm 2022, trong khi Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS) là 319 tỉ USD. 

Đây là hai nơi hằng năm đều xuất bản báo cáo uy tín về xu hướng chi tiêu quốc phòng trên toàn thế giới. Cả hai con số đó đều cao hơn đáng kể so với con số chính thức do Trung Quốc công bố: vào khoảng 230 tỉ USD.

Sự khác biệt chủ yếu là do cách liệt kê thành phần chi tiêu nào thì được tính cho chi tiêu quốc phòng. Số liệu chính thức của Chính phủ Trung Quốc không tính một số chi tiêu liên quan đến quân sự, như nghiên cứu và phát triển, các khía cạnh của chương trình không gian, quỹ huy động quốc phòng, tiền thưởng cho sinh viên đại học gia nhập quân đội, hay chi phí vận hành căn cứ quân sự cấp tỉnh.

Con số chi tiêu quốc phòng chính thức của Trung Quốc cũng không bao gồm chi tiêu cho an ninh công cộng, bao gồm cả cảnh sát vũ trang nhân dân (PAP). PAP là một thành phần cảnh sát bán quân sự của lực lượng vũ trang Trung Quốc chịu trách nhiệm về an ninh nội bộ, thực thi pháp luật và bảo vệ quyền hàng hải, và được kiểm soát trực tiếp bởi Quân ủy Trung ương.

Quân đội Trung Quốc chuẩn bị lễ diễu binh chào mừng 90 năm ngày thành lập PLA vào năm 2017. Ảnh: jcs.mil

Quân đội Trung Quốc chuẩn bị lễ diễu binh chào mừng 90 năm ngày thành lập PLA vào năm 2017. Ảnh: jcs.mil

Công nghiệp quốc phòng nội địa

Chưa kể, chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc còn ngày càng tương quan với hoạt động của các công ty công nghiệp quốc phòng trong nước. 

Mức chi tiêu cho phần cứng này có thể được hạch toán giảm khi giới lãnh đạo cố gắng điều chỉnh lại tổ hợp công nghiệp - quân sự bằng việc đẩy mạnh sản xuất vũ khí với chất lượng cao và chi phí thấp hơn. 

Trong một thông báo được công bố tháng 8-2021, Quân đội Giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) có nói về "nhu cầu cấp thiết phải đẩy nhanh việc phát triển các thiết bị quân sự chất lượng cao, hiệu quả cao, tốc độ cao và chi phí thấp".

Khi xem xét các hạng mục chi tiêu lớn của ngân sách quốc phòng, hầu hết các sách trắng quốc phòng Trung Quốc, ngoại trừ sách trắng xuất bản năm 2013 và 2015, đều nêu ba hạng mục chi tiêu lớn: nhân sự, đào tạo và bảo trì, và thiết bị. 

Nhìn vào sách trắng quốc phòng Trung Quốc từ năm 2019 đến nay, có thể thấy mẫu số chung là chi tiêu cho thiết bị quân sự chiếm tỉ trọng lớn nhất trong ngân sách quốc phòng, đứng trước các hạng mục đào tạo và bảo trì thiết bị, và nhân sự.

Đây là nỗ lực để nâng cấp và trang bị các năng lực mạng và vũ khí mới phức tạp, phần lớn tập trung vào thách thức sức mạnh của Mỹ cũng như cố gắng giành ưu thế tuyệt đối trước Đài Loan. 

Ngay từ năm 2015, báo cáo của tổ chức chuyên nghiên cứu về quốc phòng của Mỹ RAND Corporation đã nhận định rằng Trung Quốc đang cải thiện đáng kể khoảng cách thiết bị quân sự giữa họ với Mỹ ở các lĩnh vực không quân, hải quân, chiến tranh mạng, chiến tranh không gian, cũng như hạt nhân. 

Kết quả là trong khi tổng chi tiêu quân sự Trung Quốc "chỉ" tăng gấp ba lần kể từ năm 2000, chi tiêu cho thiết bị quân sự lại tăng gần 8 lần. Hiện nay, ngân sách chi cho thiết bị quân sự của Trung Quốc bằng của Pháp, Đức, Ý, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Anh cộng lại.

Phần lớn nhất trong ngân sách quốc phòng Trung Quốc là chi cho trang thiết bị. Ảnh: National Interest

Phần lớn nhất trong ngân sách quốc phòng Trung Quốc là chi cho trang thiết bị. Ảnh: National Interest

Phần chi phí đào tạo huấn luyện cũng rất đáng chú ý. Theo báo cáo chi tiêu quốc phòng chi tiết của Trung Quốc năm 2020, chi phí cho đào tạo và bảo trì là 428,4 tỉ nhân dân tệ, thấp hơn một chút so với chi cho thiết bị (480,4 tỉ nhân dân tệ). 

Cần hiểu rằng khi quân đội Trung Quốc ngày càng đưa vào sử dụng nhiều thiết bị mới thì chi phí huấn luyện cũng tăng theo. Năm 2024, tàu sân bay thứ ba của Trung Quốc được đặt tên Phúc Kiến đã hạ thủy. 

Đây cũng là tàu sân bay đầu tiên của họ được trang bị máy phóng điện từ, được giới quan sát coi là "tàu sân bay lớn và tiên tiến nhất từng được đóng bên ngoài nước Mỹ". Cũng như với các loại vũ khí và thiết bị mới, vận hành tàu sân bay đòi hỏi các bài tập huấn luyện chuyên sâu rất đắt đỏ.

Tuy nhiên, việc Trung Quốc đã không tham chiến trong nhiều thập kỷ là một trong những điểm yếu của lực lượng quân sự nước này. 

Trong khi Mỹ hằng năm tiêu tốn hàng chục tỉ USD cho các hoạt động và chiến dịch quân sự ở nhiều điểm nóng khác nhau trên thế giới, Trung Quốc vẫn còn dè dặt. 

Quân đội Mỹ hiện vẫn được đánh giá cao hơn về kinh nghiệm chiến đấu thực tế, thử nghiệm vũ khí mới và năng lực răn đe; trong khi khả năng thực chiến của quân đội Trung Quốc vẫn còn là dấu hỏi lớn. ■

Con số chi tiêu quốc phòng chính thức của Trung Quốc không bao gồm chi tiêu cho an ninh công cộng, bao gồm cả cảnh sát vũ trang nhân dân (PAP). PAP là một thành phần cảnh sát bán quân sự của lực lượng vũ trang Trung Quốc chịu trách nhiệm về an ninh nội bộ, thực thi pháp luật và bảo vệ quyền hàng hải, và được kiểm soát trực tiếp bởi Quân ủy Trung ương.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận