Chiến sự Iran - Israel: ngon đụng trước đi!

TƯỜNG ANH 19/04/2024 10:32 GMT+7

TTCT - Các suy đoán về thời gian, địa điểm và cách thức Tehran hoặc các đồng minh của họ sẽ phản ứng trước cuộc tấn công vào lãnh sự quán Iran ở Damascus đã kết thúc vào rạng sáng 14-4, khi cuối cùng, Iran tuyên bố khởi sự chiến dịch "True Promise".

Ảnh: The Daily Beast

Ảnh: The Daily Beast

Trong chiến dịch Lời hứa chân thật này, Tehran đã thực hiện một cuộc không kích chưa từng có vào các mục tiêu quân sự ở Israel, với sự tham gia của hơn 350 máy bay không người lái (UAV) và tên lửa hành trình.

Lực lượng phòng không Israel, với sự hỗ trợ của không quân Mỹ, Jordan và Anh, đã chặn nhiều UAV và một số tên lửa trên bầu trời Syria, Iraq và Jordan vào khoảng 2h sáng giờ địa phương. Các UAV và tên lửa khác thì bị hệ thống phòng không Iron Dome (Vòm sắt) phá hủy trên lãnh thổ Israel.

Màn kịch?

Tường thuật chiến sự nói "có những đòn tấn công nhỏ vào các khu vực trống trải của Israel, không có sự tàn phá lớn, không có người chết". Kết quả là có một người chết và thiệt hại không đáng kể ở một căn cứ quân sự tại phía nam Israel. 

Cũng trong ngày 14-4, truyền thông đưa tin người đứng đầu Bộ Tổng tham mưu Lực lượng vũ trang Iran Mohammad Bagheri cho biết mục tiêu tấn công của chiến dịch True Promise là... trung tâm thông tin ở biên giới Israel và Syria, cùng căn cứ không quân Nevatim của Israel - đã hoàn thành, Iran không có kế hoạch tiếp tục. Chiến sự có thể coi là kết thúc.

Vậy là trái với các dự báo đầy lo âu, chiến sự Iran - Israel tuy đã nổ ra, nhưng thiệt hại có thể nói không ở mức người ta quan ngại. Đó là bởi tất cả những yếu tố cần thiết của một cuộc chiến tranh thật sự: thần tốc, chớp nhoáng, bí mật đều được cố tình... bỏ qua. Truyền thông thế giới lý giải cuộc chiến kỳ lạ này như thế nào?

Báo Anh The Telegraph cho rằng cuộc tấn công kéo dài vài giờ nhanh chóng cho thấy nó nhắm vào việc biểu diễn hơn là hiệu quả. "Các máy bay không người lái được Iran phóng đi như thể họ cố tình tránh yếu tố bất ngờ", tờ báo viết.

Sử gia Nga Nikolai Starikov trên kênh Telegram của mình đã tóm tắt chiến sự kỳ lạ này trong sắc màu điện ảnh như sau:

"Iran: Trống vang dội, chúng tôi đã phóng 300 máy bay không người lái và tên lửa vào Israel. Chú ý! Chúng phải bay trong vài giờ. Phòng không Israel - hãy sẵn sàng!

Israel: Chúng tôi đã sẵn sàng!

Iran: Máy bay không người lái của chúng tôi đã ở trên lãnh thổ Iraq, xin báo nếu có ai chưa biết và chưa sẵn sàng!

Mỹ: Cảm ơn, chúng tôi biết rồi, chúng tôi đang đợi.

Israel: Tôi đã sẵn sàng, chúng tôi sẽ bắt đầu bắn hạ trên không phận các nước láng giềng.

Iran: Chúng tôi sẽ theo dõi chặt chẽ phản ứng của các quốc gia cung cấp "không phận" cho Israel! Nhân tiện, các chiến binh tử vì đạo của chúng tôi đã qua Jordan rồi, đừng bỏ lỡ.

Israel: Cảm ơn, chúng tôi hiểu rồi, chúng tôi đang đợi".

Kèm lời bình: "Người Iran có óc hài hước khi đặt tên chiến dịch là "Lời hứa chân thật". Khi người ta bắt đầu kể cho bạn 5 giờ trước chuyến bay về cái gì sẽ bay về đâu, đó là yêu cầu khẩn thiết hãy bắn hạ tất cả những thứ này". 

"Và mọi việc đã xảy ra đúng thế. Kết quả là Iran đã hành xử đúng đắn khi không trực tiếp tham gia một cuộc chiến với phương Tây rõ ràng là mạnh hơn. Khán giả trong nước vui vẻ vì nộ khí đã được giải phóng. Không có chiến tranh", sử gia Starikov viết.

UAV Iran bị bắn hạ trên bầu trời Tel Aviv. Ảnh: CNN

UAV Iran bị bắn hạ trên bầu trời Tel Aviv. Ảnh: CNN

Các bên đều đạt mục đích?

Từ phía Iran, một số kênh thông tin cho rằng cuộc chiến kỳ lạ sáng 14-4 là "trận chiến trinh sát thành công". Chẳng hạn kênh Telegram của nhà báo Iran Khayal Muazzin viết: 

"Iran đã chứng tỏ rằng chỉ cần sử dụng một lượng nhỏ trong kho vũ khí, họ đã có thể vượt qua các hệ thống phòng không của Israel. Và Iran đã đạt được mục tiêu của mình một cách thành công, dù một số quốc gia đã giúp đỡ Israel vào sáng 14-4". 

"Về bản chất, hoạt động này là một cuộc diễn tập huấn luyện cho Iran, giúp Iran kiểm tra khả năng chiến đấu trong thế giới thực của tất cả mọi lĩnh vực, từ tin tặc, đến người điều khiển máy bay không người lái và lực lượng tên lửa".

Nhà báo này còn cụ thể hóa chi phí của chiến sự ngày 14-4 sau khi Iran công bố số vũ khí họ sử dụng: "Tổng cộng, với 110 tên lửa đạn đạo, 45 tên lửa hành trình, 170 UAV Shahed-136, Iran đã tiêu tốn khoảng 62 triệu USD. Trong khi đó, phương Tây tập thể đã chi 1,1 tỉ USD để bảo vệ Israel".

Về phía Israel, Tel Aviv tuyên bố đã "bắn hạ 99%" các UAV và tên lửa Iran. Tuy nhiên, cuộc điện đàm giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã khiến Israel chậm lại một nhịp trong phản ứng. 

Hiện giờ quân cờ đang nằm trong tay Tel Aviv, nhưng nhiều nhà bình luận thiên về phương án Israel sẽ không đáp trả: Israel đã bắn hạ tên lửa, cứu được thể diện, đồng thời cũng có thể đổ lỗi mọi chuyện cho ông Biden đã can thiệp.

Ảnh: Breaking Defense

Ảnh: Breaking Defense

Tuy nhiên, cũng có lo ngại rằng Thủ tướng Netanyahu, từng được chính quyền Biden đánh giá "không phải lúc nào cũng đưa ra những quyết định chiến lược tốt nhất", bằng mọi giá sẽ đẩy tình hình đến mức có sự tham gia trực tiếp của Mỹ vào cuộc xung đột với Iran. 

Bởi điều này có lợi cho ông Netanyahu cả về mặt quân sự - chính trị lẫn kinh tế. Một khi tham gia, Mỹ buộc phải củng cố Israel làm căn cứ hỗ trợ của họ trong khu vực, lấp đầy vũ khí và tiền bạc cho Nhà nước Do Thái, đồng thời, tự họ ra tay giải quyết "giùm" các vấn đề của Israel.

Nhưng với Washington, việc tham chiến sẽ dẫn đến nhiều hậu quả khó lường. Chiến sự mở rộng sẽ khiến giá xăng dầu leo thang vào cao điểm chiến dịch bầu cử tổng thống, rồi còn yêu cầu tập trung các nguồn lực công nghiệp - quân sự và hậu cần ở Trung Đông, giảm sự tập trung ở Ukraine và Đài Loan. 

Mỹ hiểu điều này hiện là bất khả, đó là lý do tại sao thông cáo chính thức của Nhà Trắng thận trọng tránh mọi tình cảm quân phiệt, và hứa hẹn với Iran một "phản ứng ngoại giao thống nhất" ở cấp độ G7.

Washington cũng bác bỏ nhận xét của phía Israel, vốn tuyên bố "phối hợp phản ứng trước cuộc tấn công với các đồng minh". 

Nếu chiến sự thật sự dừng lại vào ngày 14-4, Tổng thống Biden còn nhận được khen ngợi như một người hòa giải và làm dịu cuộc xung đột ở Gaza cho đến cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, một lợi thế không nhỏ cho ứng viên Đảng Dân chủ. ■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận