Chính quyền mới của Philippines và Biển Đông

DANH ĐỨC 13/08/2023 08:50 GMT+7

TTCT - Hơn một năm sau khi Tổng thống Philippines Ferdinand R. Marcos Jr. nhậm chức, tàu hải cảnh Trung Quốc dùng vòi rồng đuổi tàu cảnh sát biển Philippines đang hộ tống các thuyền tiếp tế binh sĩ đồn trú ở bãi cạn Ayungin.

Tàu hải cảnh Trung Quốc xịt vòi rồng vào tàu Philippines. Ảnh: PCG/AFP

Tàu hải cảnh Trung Quốc xịt vòi rồng vào tàu Philippines. Ảnh: PCG/AFP

Vụ này có gì khác so với vụ giàn khoan Hải Dương 981 năm 2014? Và nhiệm kỳ của ông Marcos có gì khác với nhiệm kỳ trước của ông Rodrigo Duterte, người vốn được cho là thân Trung Quốc?

Hai ngày sau sự cố nói trên, hôm 7-8, Tổng thống Marcos Jr. đã triệu tập một cuộc họp lãnh đạo cấp cao nhằm đưa ra đối sách toàn diện "đáp trả các hành động nguy hiểm của Trung Quốc".

Phản ứng của Philippines

Phản ứng của Philippines gồm nhiều tầng. Thông cáo báo chí của quân lực nước này hôm chủ nhật 6-8 thuật lại nội vụ: 

"Một trong những thuyền tiếp tế được thuê của chúng tôi đã bị một tàu của lực lượng hải cảnh Trung Quốc (CCG) chặn và xịt vòi rồng hôm qua 5-8 khi đang trên đường đến bãi cạn Ayungin (tức bãi Cỏ Mây của Việt Nam) để thực hiện nhiệm vụ luân chuyển quân và tiếp tế định kỳ... Do các thao tác nguy hiểm của tàu hải cảnh Trung Quốc, thuyền tiếp tế thứ hai không thể dỡ hàng tiếp tế và không thể hoàn thành nhiệm vụ thay quân và tiếp tế".

Quân lực Philippines tố cáo hành vi mới nhất này của CCG là "bất chấp sự an toàn của những người trên tàu, đồng thời vi phạm luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 và Phán quyết Trọng tài năm 2016". 

Trong báo cáo của mình, Cảnh sát biển Philippines "lên án mạnh mẽ các hành động nguy hiểm và việc sử dụng vòi rồng bất hợp pháp của lực lượng hải cảnh Trung Quốc hôm qua 5-8-2023 với các tàu cảnh sát biển Philippines hộ tống thuyền do lực lượng vũ trang Philippines thuê của dân địa phương".

Cảnh sát biển Philippines đặc biệt lưu ý rằng đây là chuyến tiếp tế thực hiện bằng thuyền thuê của dân chúng địa phương, lực lượng cảnh sát biển nhà nước đi theo chỉ là để bảo vệ. 

Những chiếc thuyền này đang vận chuyển thực phẩm, nước, nhiên liệu và các nguồn cung cấp khác cho nhóm binh sĩ Philippines trên chiếc tàu vận tải đổ bộ BRP Sierra Madre đã "ủi bãi" ở bãi Cỏ Mây và mắc cạn ở đó từ năm 1999. Việc tiếp tế này là hành động bình thường của Cảnh sát biển Philippines, khoảng 3 tháng một chuyến. 

Chiếc BRP Sierra Madre thuộc lớp tàu vận tải đổ bộ LST-542 của Mỹ từ Thế chiến II (hải quân Việt Nam hiện vẫn còn hai chiếc kiểu này phục vụ với số hiệu HQ 501 và HQ 503).

Mạnh mẽ khác thường là tuyên bố của người phát ngôn quân đội Philippines, đại tá Medel Aguilar mà Hãng tin AFP 6-8 trích lại: "Chúng tôi kêu gọi lực lượng hải cảnh và Quân ủy Trung ương Trung Quốc hành xử thận trọng và có trách nhiệm nhằm ngăn chặn những tính toán sai lầm và tai nạn có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của người dân". Tuyên bố này khác thường do nêu rõ "địa chỉ người nhận": Quân ủy Trung ương Trung Quốc!

Phải chăng phía Philippines đang muốn "nâng tầm" phản ứng? Có thể điểm lại phát biểu của Tổng thống Marcos hôm thứ hai 7-8. Hôm đó ông đang đi cứu trợ nạn nhân bão lụt, được một phóng viên bất chợt hỏi về sự cố này. 

Ông cho biết sẽ triệu tập một cuộc họp cấp cao để thảo luận về "hành động gây hấn gần đây của Trung Quốc ở bãi cạn Ayungin", đồng thời quả quyết rằng "Philippines sẽ tiếp tục khẳng định chủ quyền của mình đối với Biển Tây Philippines và vẫn giữ liên lạc với Chính phủ Trung Quốc và với Chủ tịch Tập Cận Bình". 

Ông nhấn mạnh: "Chúng tôi vẫn phải tiếp tục liên lạc với họ vì cần thực sự đi đến một kết luận". Trong khi chờ đợi, Bộ trưởng Ngoại giao Enrique Manalo đã gửi một công hàm tới đại sứ Trung Quốc tại Philippines vào ngày 7-6.

Tổng thống Philippines Marcos Junior và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: AFP

Tổng thống Philippines Marcos Junior và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: AFP

Có vẻ lần này Tổng thống Marcos muốn đi tới "kết luận" là do cứ phải chịu đựng cảnh tàu hải cảnh Trung Quốc cắt mặt tàu nước ông. 

Mới hôm 30-6, tức trước vụ tuần rồi có 35 ngày, khi tàu công vụ Philippines, được một nhóm tàu cảnh sát biển hộ tống, đang thực hiện chuyến tiếp tế cho đơn vị thủy quân lục chiến đồn trú trên xác tàu BRP Sierra Madre ở bãi Cỏ Mây thì bị hai tàu hải cảnh Trung Quốc chặn đường. 

Tàu hải cảnh Trung Quốc mang số hiệu 4203 di chuyển cách mũi tàu BRP Malabrigo khoảng 90m, buộc chỉ huy tàu cảnh sát biển Philippines ra lệnh giảm tốc để tránh va chạm. Các nước Anh, Canada, Đức, Nhật, Pháp, Úc và một số nước EU đã đều lên án hành động này của Trung Quốc.

Sách lược vòi rồng

Thiệt ra, Trung Quốc từng chơi chiêu sử dụng tàu hải cảnh "bắn súng nước" này không phải lần đầu ở Biển Đông. Với Việt Nam cách đây gần chục năm là vụ giàn khoan dầu Hải Dương 981 được đặt trái phép ở Biển Đông, gần quần đảo Hoàng Sa ngày 1-5-2014. 

Vị trí mà Trung Quốc đặt giàn khoan nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý và thềm lục địa của Việt Nam. Giàn khoan này dài 114m, rộng 90m, cao 137,8m, với kích thước boong bằng cả một sân bóng đá, nặng 31.000 tấn, được hộ tống bởi 86 tàu các loại, trong đó có 7 tàu hộ vệ tên lửa 534, tàu tuần tiễu tên lửa tấn công nhanh 753; 33 tàu hải cảnh, hải giám, ngư chính; nhiều tàu vận tải, tàu đánh cá bằng thép; chưa kể hàng chục tốp máy bay.

Suốt hơn hai tháng, từ tháng 5 đến tháng 7-2014, phía Trung Quốc đã dùng vòi rồng "lấy thịt đè người" với lực lượng của Việt Nam gồm 29 tàu cảnh sát biển, tàu kiểm ngư và vài chục tàu đánh cá bằng gỗ. 

Đỉnh điểm là vụ ngày 1-6-2014 khi tàu kiểm ngư KN-635 của Việt Nam bị một tàu Trung Quốc mang số hiệu CCG 46102 dùng vòi rồng tấn công vào lúc 11h30 trong suốt 5 phút. 

Hai tàu khác của Trung Quốc (CCG 46001 và 46105) dùng thủ đoạn chặn, húc, vòi rồng để ngăn cản tàu CSB 2016 của Cảnh sát biển Việt Nam hỗ trợ tàu KN-635 đang bị bao vây bởi các tàu kéo Trung Quốc số hiệu 242, 285, và các tàu hải cảnh, hải giám số hiệu 44003, 44074, 46102, 46059, 44103...

Sách lược sử dụng đông đảo tàu hải cảnh các loại kích thước lớn hơn, xịt vòi rồng mạnh hơn, thay vì dùng tàu hải quân là để giữ tính dân sự của các vụ va chạm, kèm theo vũ khí vòi rồng cao áp không mang tính sát thương song đầy tính trấn áp.

Lúc bấy giờ, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 14-5-2014 đã ra thông báo Hội nghị Trung ương 9 "đòi phía Trung Quốc phải dừng việc đặt giàn khoan thăm dò dầu khí Hải Dương 981 trong vùng biển nước ta". 

Qua hôm sau 15-5, người phát ngôn Bộ Ngoại giao tuyên bố Việt Nam đã đưa công hàm phản đối Trung Quốc ra Liên Hiệp Quốc. Ngày 21-5, Quốc hội Việt Nam ra thông cáo "nhất trí cao với chủ trương của Đảng và Nhà nước" về vụ việc.

Ngày 31-5, Phái đoàn Đại diện Thường trực Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc đề nghị lưu hành Công hàm của Bộ Ngoại giao Việt Nam gửi Bộ Ngoại giao Trung Quốc phản đối. 

Ngày 13-6-2014, tại Hội nghị lần thứ 24 các quốc gia thành viên UNCLOS, Đại sứ Lê Hoài Trung, trưởng Phái đoàn Đại diện thường trực Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc, nêu rõ việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam là "diễn biến nghiêm trọng" trên Biển Đông. 

Trước các phản ứng của Việt Nam và thế giới, ngày 15-7-2014, Tân Hoa xã dẫn thông báo của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Trung Quốc (CNPC) cho biết giàn khoan 981 đã "hoàn thành việc khoan và thăm dò" ngoài khơi và được rút đi.

Ông Tập Cận Bình (phải) tiếp ông Duterte ngày 17-7. Ảnh: AP

Ông Tập Cận Bình (phải) tiếp ông Duterte ngày 17-7. Ảnh: AP

Nhắc lại chuyện 9 năm trước để hiểu những gì Philippines đang trải qua. Thượng viện nước này hôm 1-8 đã thông qua nghị quyết lên án Trung Quốc quấy rối ngư dân Philippines và "xâm nhập" vào vùng biển của Manila ở Biển Đông đang tranh chấp. 

Nghị quyết cũng kêu gọi chính phủ nêu vấn đề về các hành động của Bắc Kinh trên biển trước Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc; các động thái này của Bắc Kinh bị cáo buộc vi phạm phán quyết trọng tài quốc tế năm 2016, vốn vô hiệu hóa yêu sách của Bắc Kinh với vùng biển này (Benar News 1-8).

"Nước nhỏ phải biết vị trí của mình"

Trong đợt phun vòi rồng này, nhà nghiên cứu Ray Powell bình luận: "Cuộc tấn công bằng vòi rồng của Cảnh sát biển Trung Quốc vào ngày 5-8 nhằm vào nhiệm vụ tiếp tế của Philippines không "đơn giản" xảy ra. Mọi thứ không chỉ "là tình cờ". Không, Trung Quốc rõ ràng đã lên kế hoạch có tính toán". Ông Powell chỉ ra rằng ba tháng trước, mới có một tàu hải cảnh và ba tàu dân quân biển Trung Quốc tại khu vực này. Sang tháng 7, tăng lên đến 17 chiếc.

Đến khi nổ ra vụ tấn công bằng vòi rồng hôm 5-8, Trung Quốc có 4 tàu cảnh sát biển và 32 tàu dân quân được bố trí như sau: hầu hết tàu dân quân vẫn ở khu vực phía sau gần Đá Vành Khăn, nhưng vài giờ trước cuộc tiếp tế của Philippines, các tàu trọng tải lớn nhất của Trung Quốc được triển khai và thả neo ở khu vực tiếp tế. 

Phía Philippines chỉ có hai tàu cảnh sát biển được hỗ trợ bởi một tàu tuần tra xa bờ của hải quân. Theo ông Powell, tín hiệu mà Trung Quốc phát ra rất rõ ràng: họ đã sẵn sàng leo thang hơn nữa nếu cần. 

Ông trích lời cựu bộ trưởng ngoại giao Dương Khiết Trì: "Trung Quốc là một nước lớn và các nước khác là nước nhỏ, và đó chỉ là một thực tế", và "các nước nhỏ cần phải biết vị trí của mình".

Ông Powell bình luận: Philippines có thể là "một ví dụ" cho bình luận này.

Thực tế cho thấy chính quyền Marcos hiện không thân Trung Quốc như chính quyền Duterte. Đây là điều mà chính Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nêu ra chiều 17-7 mới đây khi tiếp ông Duterte tại Nhà khách Điếu Ngư Đài ở Bắc Kinh. Trang chủ của Bộ Ngoại giao Trung Quốc tường thuật: 

"Ông Tập Cận Bình nêu rõ rằng khi còn là Tổng thống Philippines, ông Duterte đã kiên quyết đưa ra lựa chọn chiến lược là cải thiện quan hệ với Trung Quốc với tinh thần trách nhiệm với nhân dân và với lịch sử, giúp quan hệ Trung Quốc - Philippines có thể trở lại quỹ đạo đúng đắn, phát triển thịnh vượng, góp phần quan trọng vào giao lưu hữu nghị giữa hai nước".

Ông Marcos, vốn được coi là người kế nhiệm của ông Duterte (con gái ông Duterte là phó tổng thống của ông), thực ra cũng không định làm căng với Trung Quốc. Chuyến xuất hành đầu năm 2023 của ông, ngày 3-1-2023, chính là đến Bắc Kinh gặp ông Tập. Tuần báo Mỹ Time chạy tít lớn: "Marcos Jr. đến Bắc Kinh để chuyển mối quan hệ Philippines - Trung Quốc sang "tốc độ cao hơn"". 

Trong bài báo, Time dẫn lời ông Marcos: "Các vấn đề giữa hai nước chúng tôi là những vấn đề mà hai người bạn như Philippines và Trung Quốc có thể giải quyết. Chúng tôi sẽ tìm cách giải quyết những vấn đề đó vì lợi ích chung của hai nước".

Những gì ông Marcos đang làm chỉ là tìm cách cân bằng lại chính sách của người tiền nhiệm. Có thể đọc được điều đó qua nhận xét của Viện Nghiên cứu ISEAS - Yusof Ishak (Singapore): 

"Khi nhậm chức vào tháng 6-2022, Tổng thống Ferdinand "Bongbong" Marcos, Jr. đã đặt liên minh Philippines - Hoa Kỳ lên hàng đầu và là trung tâm trong chính sách đối ngoại của mình. Tốc độ, phạm vi và mức độ thay đổi đã khiến nhiều nhà quan sát ngạc nhiên cả trong và ngoài nước".

ISEAS sơ kết: "Trong 12 tháng kể từ khi Marcos được bầu làm tổng thống, Washington và Manila đã thể hiện cam kết làm mới liên minh theo hai hướng quan trọng: trao đổi và đối thoại cấp cao thường xuyên; và tăng cường hợp tác quân sự và an ninh". 

Các tác giả cũng đã cảnh báo: "Việc làm mới liên minh Philippines - Mỹ cũng tạo ra vấn đề cho quan hệ Philippines với Trung Quốc". Thực tế đang là như vậy!■

Chiều 1-8-2023, tại Nhà khách Chính phủ, Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Đỗ Hùng Việt và người đồng cấp Philippines Theresa P. Lazaro đã đồng chủ trì Kỳ họp Tham khảo chính trị lần đầu tiên giữa Bộ Ngoại giao hai nước.

Thứ trưởng Đỗ Hùng Việt nhấn mạnh hợp tác biển đóng vai trò then chốt trong quan hệ Đối tác chiến lược giữa hai nước. Hai bên nhất trí sẽ tiếp tục mở rộng các hoạt động hợp tác trên biển, tăng cường chia sẻ thông tin và phát huy hơn nữa vai trò của các cơ chế hiện có cũng như phối hợp chặt chẽ trong việc xử lý các vấn đề liên quan đến ngư dân, tàu thuyền trên tinh thần Đối tác chiến lược và đoàn kết.

Hai bên đánh giá cao ý nghĩa quan trọng của cơ chế Tham khảo chính trị trong việc thúc đẩy triển khai các thỏa thuận của lãnh đạo cấp cao; tăng cường hợp tác giữa hai Bộ Ngoại giao và trao đổi về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm.

Thứ trưởng Lazaro hoàn toàn nhất trí với đánh giá của Thứ trưởng Đỗ Hùng Việt về sự phát triển mạnh mẽ của quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Philippines trên tất cả các lĩnh vực; đồng thời khẳng định Việt Nam là đối tác chiến lược quan trọng của Philippines trong khu vực.

Trước đó, Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính và Tổng thống Philippines Rodrigo Marcos Jr., gặp nhau bên lề Thượng đỉnh ASEAN tại Labuan Bajo (Indonesia) hồi tháng 5-2023, theo The Philippine Star. Tổng thống Marcos cho biết Việt Nam và Philippines đang nỗ lực đạt được thỏa thuận điều chỉnh việc các tàu Việt Nam đi vào Biển Tây Philippines (tức Biển Đông) để ngăn chặn bất kỳ sự cố đáng tiếc nào có thể làm xấu đi mối quan hệ giữa hai nước.

Về phần mình, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định Việt Nam sẵn sàng cung cấp gạo một cách chiến lược, dài hạn, ổn định với giá thành phù hợp cho Philippines, qua đó góp phần hỗ trợ nước này bảo đảm an ninh lương thực, theo TTXVN.

Trao đổi về tình hình khu vực và quốc tế, hai nhà lãnh đạo nhất trí sẽ tăng cường phối hợp, tham vấn lẫn nhau, góp phần củng cố đoàn kết và vai trò trung tâm của ASEAN. Chia sẻ quan tâm chung về những thách thức trên Biển Đông, hai bên khẳng định kiên trì nguyên tắc giải quyết hòa bình các tranh chấp phù hợp với luật pháp quốc tế, Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, góp phần duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải và hàng không.

Việc làm mới liên minh Philippines - Mỹ cũng tạo ra vấn đề cho quan hệ Philippines với Trung Quốc

Bình luận của báo Time (Mỹ)

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận