Chính sách đối ngoại của Đảng Dân chủ Mỹ: Trở lại với giá trị Mỹ

DANH ĐỨC 28/08/2020 23:08 GMT+7

TTCT - Một chính phủ mới, bất luận nước nào, cũng đều hứa hẹn một chính sách mới, đối nội cũng như đối ngoại. Văn kiện Đại hội Đảng Dân chủ Mỹ 2020 cũng đã giới thiệu một tầm nhìn và cách nhìn khác với chính quyền Donald Trump, hầu như khác gần hết.

Ứng viên tổng thống của Đảng Dân chủ Joe Biden. Ảnh: NPR
Ứng viên tổng thống của Đảng Dân chủ Joe Biden. Ảnh: NPR

Đọc Văn kiện 2020 Đảng Dân chủ Mỹ từ trang 71 tới trang 91, có thể nghĩ đảng này đã rút ra được một số kinh nghiệm trong lĩnh vực đối ngoại, đặc biệt trước một số thế lực “đang nổi lên”. Cũng có thể thấy đảng này nay rất muốn sửa sai bốn năm “Nước Mỹ trên hết” của ông Trump.

Làm gì với di sản của ông Trump?

Đảng Dân chủ Mỹ chủ trương “Làm mới lại vai trò lãnh đạo của Mỹ” - đây chính là tiêu đề của chương nói về chính sách đối ngoại và quốc phòng ở cuối văn kiện. Theo đó, ông Trump muốn “Nước Mỹ trên hết” song rốt cuộc lại khiến nước Mỹ “đứng một mình” do đã phạm rất nhiều sai lầm khiến: danh tiếng và ảnh hưởng của nước Mỹ ngày càng suy tàn; các đối thủ của Mỹ lấp vào khoảng trống khi Mỹ rút đi; sức mạnh ngoại giao của Mỹ trống rỗng sau khi ông Trump chấm dứt các cam kết quốc tế, làm suy yếu các liên minh, qua đó làm giảm uy tín của Mỹ; nền ngoại giao bị quân sự hóa, làm tăng hiểm họa hạt nhân; liều lĩnh khởi động các cuộc chiến thuế nhập khẩu vì động cơ chính trị khiến công nhân Mỹ bị vạ lây, gây phản cảm với các đồng minh, và mang lại lợi ích cho các đối thủ; nịnh nọt những kẻ chuyên quyền, đứng cùng phe với kẻ độc tài và mời nước ngoài can thiệp vào các cuộc bầu cử...

Để sửa sai, Đảng Dân chủ sẽ đóng lại chương “Nước Mỹ trên hết” mà theo văn kiện, nếu để ông Trump tiếp tục thêm bốn năm nữa, “sự tác hại sẽ ngoài tầm sửa chữa”. Cơ bản, Đảng Dân chủ sẽ can dự vào những vấn đề hiện trạng quốc tế nhiều hơn.

Văn kiện cũng cho thấy Đảng Dân chủ Mỹ đang muốn ra khỏi não trạng “số I La Mã” thời Trump: “Thế giới ngày nay khác rất nhiều so với giai đoạn hậu Thế chiến II vốn đã khai sinh hệ thống đồng minh của chúng ta”.

Song, cũng theo văn kiện, các thay đổi lại khiến quan hệ đồng minh sống còn hơn nữa chớ không phải bớt đi tầm quan trọng, đối với thành bại của nước Mỹ. Để sửa sai, Đảng Dân chủ chủ trương tái tạo các mối quan hệ đối tác, định chế và thỏa thuận quốc tế...

Văn kiện nêu rõ trụ cột của chính sách đối ngoại tái kiến tạo trên chính là tái xây dựng quốc phòng: “Chúng ta sẽ đảm bảo rằng quân đội của chúng ta là vô đối” (tr.72), và để làm được như vậy “những đồng đôla bỏ ra cho quốc phòng phải được chi tiêu khôn ngoan và chiến lược hơn - tập trung vào xây dựng một lực lượng có thể răn đe và chiến thắng các cuộc xung đột của thế kỷ 21”.

Nhưng đồng thời, văn kiện cho thấy sự thận trọng cố hữu của Đảng Dân chủ: “Chúng tôi sẽ sử dụng vũ lực chỉ khi cần thiết, và luôn là phương sách cuối cùng với sự đồng ý của người dân Mỹ được thông tin đầy đủ”. Phân tích thông điệp này sẽ thấy có đến ba chốt an toàn cho việc sử dụng vũ lực: (1) chỉ khi cần thiết; (2) phương sách cuối cùng.

Thường thì các nước nêu hai yêu cầu trên, song Đảng Dân chủ Mỹ lại thận trọng thêm yêu cầu then chốt thứ ba: (3) được dân Mỹ đồng ý sau khi đã “được thông tin đầy đủ”, tức sau khi đã điều trần tới lui tại quốc hội, rồi đợi quốc hội bỏ phiếu, và có thể phải cần cả dân chúng bỏ phiếu.

Giữa chủ trương sử dụng vũ lực đó và chủ trương “[Đảng Dân chủ] tin rằng ngoại giao là công cụ cần được sử dụng đầu tiên” (tr.73) có liên hệ gắn bó nhất quán là thận trọng tối đa khi viện tới vũ lực.

Trong thực tế đầy những thách thức và khiêu khích ngày càng gia tăng, liệu chủ trương trên có gì khác hay giống thái độ lừng khừng thời Barack Obama, điển hình là việc vạch ra “lằn ranh đỏ” với chế độ Bashar al-Assad ở Syria về vụ vũ khí hóa học để rồi sau đó lặng lẽ “xù”?

Châu Á - Thái Bình Dương

Có thể thử tìm câu trả lời cho câu hỏi đó trong đoạn nói về châu Á - Thái Bình Dương (tr. 88). Đầu tiên, Đảng Dân chủ xác quyết nước Mỹ là gì và nên có thái độ gì với “thiên hạ”: “Là một cường quốc Thái Bình Dương, Hoa Kỳ nên hợp tác chặt chẽ với các đồng minh và đối tác của mình” vì mục đích kép là (1) “vì thịnh vượng, an ninh và các giá trị cùng chung của chúng ta”; và (2) “định hình thế kỷ Thái Bình Dương đang diễn ra”.

Có thể thấy qua mệnh đề trên:

(1) Tiếp tục khẳng định rằng Hoa Kỳ thuộc về Thái Bình Dương và là một cường quốc trong khu vực đó. Sự lặp lại này nhằm đáp trả những luận điệu cho rằng Hoa Kỳ nên “đi chỗ khác chơi” do đây là châu Á - Thái Bình Dương của người châu Á. Đây đã, đang và sẽ tiếp tục là một chủ đề tranh chấp cả trong ngôn từ lẫn trong thực tế hàng không và hàng hải một thời gian nữa giữa hai bờ Thái Bình Dương.

(2) Sự phân nhóm rất rõ thành một tập thể hay nhóm nước cùng nhắm đến thịnh vượng chung và an ninh chung dựa trên những giá trị chung (chính trị, văn hóa, đạo đức...) đối lập với những ai không cùng chia những cái “chung” đó, mà ở đây có thể chỉ rõ là Trung Quốc.

(3) Hoa Kỳ và nhóm thân hữu này sẽ cùng định hình “Thế kỷ Thái Bình Dương”. Vấn đề hiện nay và mai sau là Trung Quốc cũng đang lăm le định hình “Thế kỷ Thái Bình Dương” theo những ni tấc của mình, từ đó sự va chạm là khó tránh khỏi.

Văn kiện Đảng Dân chủ Mỹ nêu rõ: “Cách tiếp cận của Đảng Dân chủ đối với Trung Quốc sẽ được hướng dẫn bởi lợi ích quốc gia của Mỹ và lợi ích của các đồng minh của chúng ta và dựa trên các nguồn sức mạnh của Mỹ”.

Châu Á - Thái Bình Dương bao gồm Đông Nam Á. Đảng Dân chủ quan niệm như thế nào về khu vực này? Văn kiện có vẻ không nói cụ thể: “Chúng ta sẽ củng cố lại cam kết gắn kết mạnh mẽ với các tổ chức đa phương trong khu vực, các định chế như Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), vốn sẽ giúp chúng ta thúc đẩy nền pháp trị cùng tăng trưởng kinh tế bền vững dung nạp với cả hai bờ Thái Bình Dương”.

Khái niệm Ấn Độ - Thái Bình Dương vốn là chủ bài trong quan hệ đối ngoại của chính quyền Trump không hiện diện trong văn kiện: “Chúng ta sẽ tiếp tục đầu tư vào quan hệ đối tác chiến lược của chúng ta với Ấn Độ - nền dân chủ lớn nhất thế giới, quốc gia của sự đa dạng lớn và một cường quốc châu Á - Thái Bình Dương đang phát triển”.

Sức mạnh Mỹ không chỉ là "gạo tiền"

Trong khi ở châu Á - Thái Bình Dương, Trung Quốc đang nhắm tới những điều chỉnh cán cân lực lượng và vùng ảnh hưởng thực tế, cũng như mở rộng sức mạnh quân sự, thì Đảng Dân chủ Mỹ, trong cương lĩnh của họ, không chỉ nhắm vào sự kềm chế thuần túy bằng sức mạnh phần cứng.

“Sự cởi mở của xã hội chúng ta, sự năng động của nền kinh tế chúng ta và sức mạnh của các liên minh chúng ta đã hình thành là chuẩn mực phản ánh giá trị của chúng ta”, văn kiện viết. Có thể nền kinh tế Mỹ cùng các nước thân hữu hiện không năng động bằng nền kinh tế Trung Quốc, nhất là trong năm 2020 này với đại dịch COVID-19 chưa thấy điểm kết thúc, song khác biệt cơ bản vẫn là “sự cởi mở của xã hội” và các chuẩn mực giá trị.

Những gì đang diễn ra tại Hong Kong chính là hiện thân cho sự khác biệt giữa hai hệ thống. Đến đây, văn kiện nêu rõ chọn lựa Mỹ sẽ theo đuổi nếu Đảng Dân chủ thắng cử: “Làm suy yếu những điểm mạnh đó sẽ không khiến chúng ta “cứng rắn với Trung Quốc”” mà sẽ là “một món quà cho Đảng Cộng sản Trung Quốc”.

Nói cách khác, sự cạnh tranh, thậm chí đối đầu với Trung Quốc, trước hết sẽ từ nền tảng “giá trị” này. Nền tảng đó thể hiện qua các chuẩn mực quốc tế, mà trong thực tế của cuộc sống không hề cao siêu, mà chính là luật pháp và thông lệ trong sản xuất, kinh doanh, thương mại, vận tải... không gian lận, không phá giá, không bao cấp trợ giá, không ăn cắp sở hữu trí tuệ, không dùng vũ lực chặn đường, không làm hàng nhái, hàng giả...

Văn kiện nêu rõ: “Chúng ta sẽ tập hợp bạn bè và đồng minh trên toàn thế giới để chống lại Trung Quốc hoặc bất kỳ quốc gia nào tìm cách phá hoại các chuẩn mực quốc tế”.

Văn kiện xác quyết: “Đảng Dân chủ tin rằng thách thức Trung Quốc chủ yếu không phải là quân sự, nhưng chúng tôi sẽ ngăn chặn và đáp lại hành vi bành trướng. Chúng tôi sẽ nhấn mạnh cam kết toàn cầu về tự do hàng hải và chống lại sự uy hiếp của quân đội Trung Quốc ở Biển Đông”.

Ngoài ra, “Đảng Dân chủ cam kết Đạo luật quan hệ với Đài Loan và sẽ tiếp tục hỗ trợ giải quyết hòa bình các vấn đề xuyên eo biển phù hợp với mong muốn và lợi ích tốt nhất của người dân Đài Loan”.■

Vấn đề thương mại

Đảng Dân chủ cũng nói họ sẽ không dùng đến các cuộc chiến thuế quan đơn phương, tự làm hại mình hoặc rơi vào bẫy một cuộc Chiến tranh lạnh mới, tức sẽ không còn kiểu “chiến tranh thương mại” như đã thấy hai năm qua.

Văn kiện cho thấy sự dứt khoát ra khỏi con đường của ông Trump bằng cách gọi đó là “những sai lầm” và quả quyết rằng “những sai lầm đó chỉ làm gia tăng thái quá sức nặng của thách thức Trung Quốc, quân sự hóa quá mức chính sách của chúng ta, và gây tổn hại cho người lao động Mỹ”.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận