Chớ có lật áo!

BAOCHAU 13/03/2014 22:03 GMT+7

TTCT - Đầu tháng 3, Liên đoàn Bóng đá thế giới (FIFA) đã quyết định kể từ ngày 1-6, trong thời điểm diễn ra World Cup Brazil 2014, cấm tất cả cầu thủ gửi đi bất cứ thông điệp hoặc hình ảnh nào từ quần áo thi đấu của mình, kể cả áo lót.

Drogba đã “Thank you Madiba” để tưởng niệm Nelson Mandela trong một trận đấu ở Thổ Nhĩ Kỳ tháng 12-2013

Các thông điệp công khai trên quần áo thi đấu đã bị FIFA cấm từ lâu, nhưng cầu thủ thường lách luật bằng cách vén áo đấu sau khi ghi bàn để lộ áo lót với những tuyên bố mà họ muốn cả thế giới thấy, chẳng hạn trường hợp “Why always me” của tiền đạo người Ý Mario Balotelli.

Khi còn chơi cho Manchester City, Balotelli bị báo chí lá cải soi mói vì tính tình lập dị của anh. Chính vì thế chân sút 23 tuổi này đã vén áo đấu để lộ dòng chữ phản kháng nói trên, nghĩa là “Tại sao cứ luôn là tôi”, sau khi anh ghi bàn vào lưới M.U trong chiến thắng 6-1 ở Premier League tháng 10-2011.

“Từ giờ trở đi sẽ không có khẩu hiệu hay hình ảnh nào được xuất hiện trên quần áo lót, ngay cả những thông điệp tốt đẹp” - tổng thư ký FIFA Jerome Valcke nhấn mạnh. Đề xuất ý tưởng này cho FIFA là Hiệp hội Bóng đá Anh (FA). Giám đốc điều hành FA Alex Horne giải thích: “Luật đơn giản nhất để đảm bảo hình ảnh môn thể thao này là bắt đầu từ những gì cơ bản, các khẩu hiệu vì thế sẽ bị cấm”.

Bình luận trên tờ The Independent, giám đốc điều hành Liên đoàn Bóng đá Xứ Wales Jonathan Ford cho rằng một lệnh cấm thẳng thừng và bao trùm toàn bộ có thể “phần nào gây cảm giác vơ đũa cả nắm”, nhưng ông khẳng định có nhiều lý do thích đáng để áp đặt lệnh cấm thay vì duy trì tình hình hiện giờ:

“Tất cả mọi người nhất trí là phải cấm các tuyên bố chính trị và tôn giáo, nhưng một số người nghĩ vẫn nên cho phép những tuyên bố mang tính cá nhân. Tuy nhiên, chúng tôi đã quyết định theo cách dễ hơn cho chúng tôi. Với tất cả những ngôn ngữ đa dạng trong bóng đá, sẽ rất phức tạp để phân định đúng, sai với các quốc gia và nền văn hóa khác nhau”.

Các thông điệp cá nhân trên áo lót đã được cầu thủ sử dụng để tặng bàn thắng cho người thân, tưởng niệm những đồng nghiệp đã khuất như trường hợp Andres Iniesta. Sau khi ghi bàn trong trận chung kết World Cup 2010 cho đội tuyển Tây Ban Nha, Iniesta đã cởi phăng áo đấu để lộ chiếc áo lót với dòng chữ “Dani Jarque siempre con nosotros” (Dani Jarque luôn ở cùng chúng ta). Jarque qua đời khi mới 26 tuổi vì một ca trụy tim trong lúc đang tập huấn trước mùa giải cùng CLB Espanyol.

Đúng như lo ngại của những nhà điều hành bóng đá, không phải ai cũng bày tỏ cá tính như Balotelli hay chia sẻ với người đã khuất như Iniesta.

Trong một trận đấu ở Euro 2012, sau khi ghi bàn cho đội tuyển Đan Mạch, tiền đạo Nicklas Bendtner đã vén áo đấu và tụt quần ngoài để lộ quần lót có dòng chữ “Paddy Power”, màn quảng cáo lộ liễu và khá trơ trẽn cho hãng cá cược thể thao có trụ sở tại Ireland. Hành vi trên, với mục đích thương mại rõ ràng, đã khiến Bendtner lãnh án phạt 80.000 euro của Liên đoàn Bóng đá châu Âu (UEFA).

Thông điệp chính trị hiếm khi xuất hiện trên sân bóng đá, dù trong thực tế vẫn có những vụ việc đáng nhớ như trường hợp cầu thủ Frederic Kanoute người Mali. Năm 2009, tiền đạo khoác áo CLB Sevilla này đã lật áo thi đấu để trưng khẩu hiệu ủng hộ Palestine. Ngay lập tức, anh bị phạt 3.000 euro.

Gần đây nhất là trong một trận đấu ở giải vô địch Thổ Nhĩ Kỳ tháng 12-2013, chân sút Bờ Biển Ngà Didier Drogba thách thức kỷ luật của giải khi trưng áo lót mang dòng chữ “Thank you Madiba” để tưởng niệm Nelson Mandela.

Mốt mặc áo lót in thông điệp xuất hiện vào thập niên 1990, đầu tiên tại Premier League. Thời đó, việc kênh truyền hình BskyB ra đời giúp tất cả trận đấu ở Anh được truyền hình trực tiếp, kích thích cầu thủ nghĩ ra cách ăn mừng bàn thắng. Có thể phân biệt ba dạng thông điệp trên áo: chính trị, tôn giáo hoặc mục đích cá nhân.

Trong trận chung kết Champions League 2007, cầu thủ Brazil Kaka đã trưng ra dòng chữ “I belong to Jesus” (Tôi thuộc về chúa Giêsu) cho toàn thế giới thấy. Trong trận đấu giã từ của mình, chân sút Romario đã đưa ra hình cô con gái bị hội chứng Down. Một số cầu thủ chọn cách ủng hộ sự nghiệp lớn, bất chấp hậu quả.

Ngày 15-2-2014, Jonathan Mejia bị phạt 2.000 euro vì thể hiện sự ủng hộ cuộc chiến chống ung thư trong một trận đấu ở giải hạng hai Tây Ban Nha.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận