Một cây cầu bêtông nhỏ, mới, bắc qua một con sông nhỏ ở huyện Cần Đước (Long An) vừa được đưa vào sử dụng. Cầu do một nhóm người địa phương góp tiền xây. Nó thay thế cho cây cầu gỗ cũ đã yếu mục theo năm tháng. Nhưng khi cây cầu mới hoàn tất, cây cầu gỗ vẫn được để yên... Ảnh: M.N. Người dân địa phương cho biết họ không phá bỏ cây cầu gỗ vì muốn giữ lại kỷ niệm của một thời: họ đã lớn lên với bao thăng trầm lịch sử cùng chiếc cầu già nua này. Mặt khác, họ không muốn làm buồn lòng những người cũng giống họ, từng đóng góp để dựng nên chiếc cầu gỗ này nhiều thập niên trước đó, mà con cháu họ nay vẫn còn trân quý và tự hào công lao của cha ông. Hình ảnh này không khỏi khiến người ta liên tưởng đến sự hiện diện đan xen của những xã hội truyền thống và hiện đại trong quyển sách Thế giới cho đến ngày hôm qua (*) của Jared Diamond. Các xã hội truyền thống, theo Jared Diamond, nói chung là hình ảnh của hàng ngàn thử nghiệm tự nhiên về cách thức tạo dựng xã hội loài người. Chúng tạo ra hàng ngàn giải pháp cho các vấn đề của con người và hoàn toàn khác biệt với những giải pháp được lựa chọn bởi các xã hội hiện đại. Một số giải pháp - ví dụ, một số cách nuôi con, đối xử với người già, duy trì sức khỏe, nói chuyện, sử dụng thời gian nhàn rỗi - có thể khiến độc giả ngạc nhiên vì những giải pháp đó quá tốt so với hiện thực ở thế giới thứ nhất. "Động cơ của chúng ta... truyền lại một thế giới phong phú và mạnh mẽ, thay vì một thế giới nghèo nàn và suy sụp cho con em chúng ta - (t.523)". Đơn cử vấn đề cơ chế tư pháp truyền thống. Từ cách xử lý hậu quả một cái chết vì tai nạn giao thông ở một cộng đồng nhỏ của Papua New Guinea, tác giả giải thích những khác biệt của cơ chế tư pháp xưa với hệ thống tư pháp nhà nước hiện đại: mục đích chính của cơ chế truyền thống Papua New Guinea là khôi phục mối quan hệ trước đó, kể cả khi nó chỉ đơn thuần là “tình trạng không quan hệ”. Yếu tố then chốt để khôi phục mối quan hệ bị tổn hại là “thừa nhận và tôn trọng cảm xúc của nhau”. Với xã hội Papua New Guinea truyền thống, việc xác lập tội danh hay hình phạt không phải là vấn đề chính! Khó tưởng tượng điều tương tự xảy ra ở xã hội hiện đại phương Tây, khi ngay sau tai nạn giao thông đó, gia đình nạn nhân sẽ lên kế hoạch cho một vụ kiện dân sự, còn gia đình của người vô tình gây tai nạn sẽ chạy đôn chạy đáo hỏi ý kiến luật sư và các nhà môi giới bảo hiểm để chuẩn bị biện hộ. Giải quyết các mâu thuẫn một cách hòa bình với nhiều tính nhân văn hơn - có thể có ích trong việc gợi ý chính sách cho xã hội hiện đại. Hay liên quan tới vấn đề sức khỏe, tác giả chỉ ra rằng hầu hết chúng ta, những công dân của các nhà nước hiện đại, sẽ chết vì các bệnh không truyền nhiễm - béo phì, cao huyết áp, đột quỵ, đau tim, các loại ung thư và các bệnh khác - vốn rất hiếm hoặc không hề được biết đến ở những người sống trong xã hội truyền thống vốn có một lối sống lành mạnh, vận động nhiều hơn và thường dung nạp những đồ ăn sạch, có lợi cho sức khỏe... Tuy vậy, chính những người này lại nhiễm phải các bệnh nói trên chỉ trong vòng một hoặc hai thập niên áp dụng lối sống Tây phương hóa. Jared Diamond kết luận: nếu những căn bệnh này giết chết chúng ta thì đó là do chúng ta cho phép chúng thực hiện điều đó. Ngay cả trong việc giao thương, xã hội truyền thống cũng có nhiều điều cho các doanh nhân ngày nay học hỏi: từ xa xưa, xã hội truyền thống đã biết một chức năng nữa của thương mại: duy trì liên minh. Hay sự trù phú của đảo quốc Singapore hiện nay từng được “mách nước” từ quá khứ: đảo Malai và vai trò trung gian, nhà sản xuất và thương nhân trên biển... Tuy vậy, theo tác giả cuốn sách, chúng ta cũng không nên đi đến thái cực đối lập là lãng mạn hóa quá khứ và trông đợi một thời đại đơn giản hơn. Bởi chúng ta có thể xem mình như có phước mới loại bỏ được nhiều tập tục truyền thống như cúng tế bằng trẻ em, bỏ rơi hoặc giết chết người già, rủi ro của nạn đói định kỳ, các hiểm họa thiên nhiên và bệnh dịch... Nhưng cần xác lập rằng các xã hội truyền thống không những chỉ cho chúng ta một số tập tục sống tốt hơn, mà còn giúp chúng ta trân trọng những lợi thế của xã hội mà chúng ta cho là hiển nhiên. Việc tận dụng sự thông thái của người già, làm cách nào bảo vệ ngôn ngữ, vấn đề tôn giáo... qua các ví dụ hấp dẫn mà Jared Diamond giới thiệu giúp chúng ta nhận ra gạn lọc những kinh nghiệm truyền thống sẽ giúp ta sống tốt đẹp, hoặc đơn giản chỉ là thanh thản hơn. Như sự hiện diện mộc mạc của hai cây cầu đứng cách nhau chỉ vài mét trên một con sông nhỏ. Jared Diamond là giáo sư địa lý học tại Đại học Los Angeles (Hoa Kỳ), đã nhận nhiều giải thưởng danh giá: huy chương khoa học quốc gia, giải thưởng Tyler về thành tựu môi trường, giải thưởng Cosmos của Nhật Bản... Các tác phẩm nổi tiếng của ông: Súng, vi trùng và thép, Sụp đổ, Vì sao tình dục lại thú vị… (*): Thế giới cho đến ngày hôm qua - The world until yesterday, Jared Diamond, người dịch: Hồ Trung, Alpha Books và NXB Thế Giới ấn hành. Tags: Jared Diamond
Thuế mới cho hộ kinh doanh: Cần bước đi phù hợp NGUYỄN NHẬT KHANH (Trường ĐH Kinh tế - Luật) 26/06/2025 1641 từ
Túi Hermès Birkin: Từ biểu tượng thời trang đến tài sản đầu tư của Gen Z NGỌC KHANH 25/06/2025 1919 từ
Đà Nẵng bổ nhiệm 14 giám đốc sở, ngành mới sau sáp nhập TRƯỜNG TRUNG 01/07/2025 Đà Nẵng vừa trao quyết định bổ nhiệm 14 giám đốc sở, ngành mới sau sáp nhập Đà Nẵng và Quảng Nam.
Lễ chào cờ đầu tiên ở phường Xuân Hòa, nơi Tổng Bí thư Tô Lâm đặt hàng xây dựng phường kiểu mẫu LÊ PHAN 01/07/2025 Sáng 1-7, phường Xuân Hòa, TP.HCM tổ chức buổi chào cờ đầu tiên khi bắt đầu chính quyền đô thị 2 cấp.
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Văn Được khảo sát giờ làm việc đầu tiên của phường Dĩ An THẢO LÊ 01/07/2025 Từ 7h ngày 1-7, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Văn Được đã có mặt tại Trung tâm hành chính công phường Dĩ An để khảo sát công tác tiếp đón người dân đến làm thủ tục hành chính trong ngày đầu tiên vận hành phường, xã mới.
Thủ tướng Thái Lan nhận thêm chức trước khi nghe quyết định của tòa án NGỌC ĐỨC 01/07/2025 Quốc vương Thái Lan phê duyệt nội các mới ngay trước khi Tòa Hiến pháp quyết định có đình chỉ bà Paetongtarn hay không.