TTCT - Một thông tin khiến nhiều người xôn xao: Bộ GD-ĐT thông báo bắt đầu từ niên học 2017-2018, cùng với tiếng Anh, tiếng Hoa và tiếng Nga sẽ được dạy như những ngoại ngữ bắt buộc trong chương trình chính khóa, liên tục từ lớp 3 đến hết lớp 12. Không ít người băn khoăn về tính khả thi trong thực tế: nguồn lực giáo viên, nguồn lực tài chính, nhu cầu thật sự của ba ngoại ngữ này, khả năng tiếp thu của học sinh... Ngày 22-9-2016, Bộ GD-ĐT ra thông báo rằng học sinh chỉ phải học bắt buộc một trong các thứ tiếng Anh, Nga, Pháp, Trung Quốc mà học sinh chọn là ngoại ngữ 1. Ngoại ngữ 2 thì tùy chọn trong các ngoại ngữ Anh, Nga, Pháp, Trung Quốc, Nhật, Đức, Hàn và không bắt buộc. Tại sao phải học ngoại ngữ? Là để hội nhập, để tìm cơ hội học tập, tìm cơ hội nghề nghiệp, thăng tiến, sinh sống... , trong đó chủ yếu là về kinh tế - kỹ thuật và về văn hóa - chính trị. Muốn hội nhập như thế thì nên chọn học ngoại ngữ được nhiều nước trên thế giới dùng. Tôi đề nghị chọn các nước nằm trong 10 nước được xếp hạng cao nhất thế giới theo các tiêu chí: 10 quốc gia có nền giáo dục tốt nhất, 10 quốc gia có ảnh hưởng nhất và 10 quốc gia tốt nhất theo tiêu chí tổng hợp. Kết quả dùng trong bài này là các khảo sát, thăm dò ý kiến do báo U.S.NEWS tiến hành trên 160.000 người tại 65 quốc gia (xem bảng). Theo bảng trên, chúng ta nhận thấy: - Anh và Canada chiếm vị trí cao nhất về giáo dục; Hoa Kỳ và Anh có ảnh hưởng lớn nhất; Đức và Canada chiếm vị trí cao nhất về tổng hợp. - Trong từng tiêu chí, vị trí xếp hạng có thể khác nhau nhưng nhìn chung vẫn là các quốc gia Anh, Canada, Hoa Kỳ, Đức, Pháp, Úc, Thụy Điển, Nhật, Đan Mạch, Hà Lan. Trung Quốc, Nga, Israel, Ý chỉ có trong danh sách các quốc gia có ảnh hưởng nhất. Như vậy khi chọn ngoại ngữ để học, ta nên chọn tiếng được dùng phổ biến trong các nước Anh, Canada, Hoa Kỳ, Đức, Pháp, Úc, như tiếng mẹ đẻ hay như là ngoại ngữ thông dụng. - Trên thực tế, các nước trên cũng là các nước mà hiện nay đa số học sinh, gia đình chọn đi du học và lập nghiệp. Trong đó các nước như Hoa Kỳ, Úc, Canada, Anh, Pháp... chiếm phần lớn sự chọn lựa. Như vậy, nếu so sánh giữa các tiếng Anh, Nga, Pháp, Trung Quốc, Nhật, Đức, Hàn, thông thường học sinh nên chọn ngoại ngữ nào? Để có thể rút ra các nhận xét sâu sắc hơn, mời tham khảo thêm bài “Danh sách ngôn ngữ theo tổng số người sử dụng” trên Wikipedia. Dựa trên các thông tin và số liệu có sẵn, có thể rút ra các nhận xét như sau: - Trong các thứ tiếng đó, tiếng Hoa (Quan thoại) có số người dùng nhiều nhất - 875 triệu người. Điều này dễ hiểu bởi số dân đông của Trung Quốc. Tuy nhiên, các tiếng Anh, Pháp, Đức được dùng như tiếng mẹ đẻ tại nhiều quốc gia hơn là tiếng Hoa, Nga, Nhật, Hàn. Tiêu chuẩn xét một nước dùng một thứ tiếng như tiếng mẹ đẻ là nước đó có trên 1% dân số dùng tiếng đó. - Nếu xét như một ngoại ngữ, tiếng Anh, Pháp, Đức lại được dùng tại nhiều quốc gia hơn so với tiếng Nga, Hoa. Điều này cho thấy độ bao phủ của các tiếng đó rộng hơn tiếng Nga, Hoa. Nghĩa là người biết một trong các tiếng Anh, Đức, Pháp sẽ giao tiếp được tại nhiều quốc gia trên thế giới hơn là biết tiếng Nga hay Hoa. Đây chính là điều quan trọng để chọn ngoại ngữ. - Trong số 10 quốc gia có nền giáo dục tốt nhất, tiếng Anh, Đức, Pháp được dùng nhiều hơn tiếng Nga, Hoa rất nhiều. Có nghĩa là nếu một người muốn đến các quốc gia đó để học tập, để làm việc, để sống... thì tiếng Anh, Pháp, Đức rất có ích. Tại các công ty, trường học, sinh hoạt giao tiếp thông thường, họ nói tiếng Anh hay tiếng Pháp, Đức (ở châu Âu), không nói tiếng Hoa cho dù người gốc Hoa nói tiếng Hoa có thể chiếm trên 1% dân số nước đó. Vậy nếu có mục tiêu đi du học tại các nước Anh, Canada, Hoa Kỳ, Đức, Pháp, Úc, Thụy Điển, Đan Mạch, Hà Lan... cha mẹ và học sinh chắc rằng sẽ ưu tiên chọn tiếng Anh, sau đó là Pháp hay Đức chứ không muốn học tiếng Nga hay Hoa. Đa số và thiểu số Dù biết vẫn có trường hợp cá biệt muốn theo ngành ngoại giao, theo nghiệp chính trị hay vì một lý do đặc biệt mà chọn tiếng Nga hay Hoa, nhưng con số này không nhiều. Do vậy để tự chọn là hợp lý, không nên áp đặt học sinh học các ngoại ngữ mà họ không chọn. Cái mà đa số học sinh và gia đình các bạn đã chọn, tôi tin rằng là cái thích hợp nhất, hữu dụng nhất cho tương lai phát triển của học sinh. Tương lai học sinh là tương lai đất nước, áp đặt ngược lại thì e rằng cũng ngược chiều phát triển của dân tộc. Tôi đề nghị ngành giáo dục nên khảo sát kỹ bằng cách thăm dò đúng phương pháp và công khai, công bằng, không định hướng để có thông tin và số liệu thực về các ngoại ngữ được đa số học sinh muốn chọn học. Chỉ các ngoại ngữ được chọn bởi đa số mới tổ chức thành môn học đại trà tại các trường cấp phổ thông. Các ngoại ngữ ít người chọn hơn thì tổ chức một số trung tâm giới hạn cho các học sinh nào chọn có thể tới đó học. Con số trung tâm và phân bổ địa lý của trung tâm do chuyên viên nghiên cứu, tổ chức thực hiện. Như vậy vừa đáp ứng yêu cầu của đa số, của thiểu số, lại vừa tinh gọn, tiết kiệm...■ Tags: Ngoại ngữHọc ngoại ngữNgoại ngữ nào
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Bộ Chính trị kỷ luật cảnh cáo ông Vương Đình Huệ THEO WEBSITE ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM 21/11/2024 Ngày 20-11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã xem xét, thi hành kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên có vi phạm, khuyết điểm.
Quy định 'gỡ vướng' đất công xen kẹt sẽ cứu được hàng trăm dự án ÁI NHÂN 21/11/2024 Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM được phân công chủ trì xây dựng quy định giao, cho thuê đất công xen kẹt sẽ gỡ cho hàng trăm dự án vướng đất này.
Metro số 1 chạy chính thức ngày 22-12 CHÂU TUẤN 21/11/2024 Những công việc còn lại của dự án đường sắt đô thị số 1 Bến Thành - Suối Tiên (metro số 1) đang được các bên liên quan tập trung hoàn thiện. Dự kiến ngày 22-12, tuyến tàu điện này sẽ 'lăn bánh' chạy thương mại.
Phát hiện gần 150 bộ hài cốt giữa trung tâm Hà Nội khi cải tạo hệ thống thoát nước PHẠM TUẤN 21/11/2024 Trong quá trình cải tạo hệ thống thoát nước trên phố Tây Sơn (Đống Đa, Hà Nội), các công nhân đã phát hiện gần 150 bộ hài cốt có độ sâu gần 1 mét so với mặt đường.