Chúng ta chờ gì WIFI công cộng?

VŨ THÁI HÀ 21/06/2016 03:06 GMT+7

TTCT - Đầu tư cho WiFi công cộng tại sao lại được quan tâm? Tại sao các chính quyền địa phương lại chú trọng đến việc cung cấp dịch vụ WiFi cho người dân và du khách? Và người dân sẽ được hưởng lợi như thế nào từ các kế hoạch này?

Chị Nguyễn Thị Khánh Ly sử dụng điện thoại truy cập Internet bằng hệ thống WiFi tại sân bay Tân Sơn Nhất. Chị cho biết trong thời gian tới TP.HCM được phủ sóng WiFi miễn phí sẽ rất thuận tiện cho việc lên mạng học tập và làm việc -Hữu Khoa
Chị Nguyễn Thị Khánh Ly sử dụng điện thoại truy cập Internet bằng hệ thống WiFi tại sân bay Tân Sơn Nhất. Chị cho biết trong thời gian tới TP.HCM được phủ sóng WiFi miễn phí sẽ rất thuận tiện cho việc lên mạng học tập và làm việc -Hữu Khoa


Gần đây, người dân TP.HCM và các doanh nghiệp đã rất hào hứng trước thông tin được Phó Chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến công bố về kế hoạch phủ sóng WiFi miễn phí trên quy mô rộng.

Thật ra, đây không phải là một tin quá mới, bởi ngay ở thời điểm này, dịch vụ WiFi công cộng vẫn đang tiếp tục hoạt động và từng có lịch sử phục vụ ít nhất từ hơn hai năm trước trên địa bàn TP.

Người dân khi đến một số bệnh viện, có mặt ở các khu công cộng như các công viên hay đường sách Nguyễn Văn Bình vẫn đang được sử dụng dịch vụ WiFi miễn phí. Các địa phương khác, đặc biệt là những địa phương có lượng khách du lịch cao như Hội An, Đà Nẵng..., cũng đã thiết lập dịch vụ WiFi công cộng từ khá lâu.

Nhìn ra thế giới, tiếp bước các TP như Berlin (Đức) hay Paris (Pháp), đầu năm nay chính quyền TP New York (Mỹ) đã công bố, đồng thời triển khai, một kế hoạch đầy tham vọng: đến tháng 7 New York sẽ có 500 điểm phát WiFi công cộng miễn phí.

Khi kế hoạch được triển khai trọn vẹn, cả TP sẽ có 7.500 điểm phát như vậy. Tin tức tương tự cũng đến từ Singapore hay Đài Bắc, những nơi mà công nghệ thường được đưa vào ứng dụng phục vụ người dân khá nhanh chóng. Câu hỏi là người ta đầu tư cho các kế hoạch lớn đó như thế nào, vì chắc chắn chi phí đầu tư và vận hành một hệ thống cung cấp dịch vụ ở quy mô toàn TP là không hề nhỏ.

Nhu cầu và Xu hướng

Nhu cầu được tiếp cận thông tin một cách nhanh chóng, kịp thời, không phụ thuộc vào thời gian và địa điểm là một nhu cầu hết sức chính đáng và đang được công nghệ hiện đại đáp ứng một cách khá trọn vẹn.

Ngay lúc này, một người bình thường với một thiết bị di động thông minh đã trở thành hình ảnh phổ thông. Với một chiếc điện thoại chẳng hạn, có thể tìm kiếm, kiểm tra thông tin và tương tác với các đối tượng cung cấp dịch vụ thông qua truy cập Internet bất cứ lúc nào.

Đó có thể là tìm hiểu về một món hàng muốn mua, tìm đường đi ngắn nhất để tới thăm bạn bè hay chuẩn bị thông tin cũng như lộ trình của chuyến du lịch sắp tới.

Từ một tiếp cận khác, những khái niệm và phương pháp mới trong truyền thông và tiếp thị trực tuyến phục vụ kinh doanh cũng được củng cố và hiện thực trong thực tế.

Nếu như những năm trước đây người ta nhắc nhiều đến các phương pháp tiếp thị và truyền thông về sản phẩm và dịch vụ theo hướng đa kênh (multi-channel), theo đó một thông điệp sẽ được đưa đến với công chúng bằng nhiều kênh khác nhau: kênh trực tiếp, qua các website, trên mạng xã hội và qua các ứng dụng trên điện thoại di động, thì giờ đây người ta đang đề ra một hướng đi mới tạm gọi là đa kênh tổng hợp (omni-channel) với một đòi hỏi thú vị hơn: tất cả các kênh thông tin phải gắn bó với nhau để tạo ra một trải nghiệm duy nhất về nội dung cần truyền đạt.

Chẳng hạn, nếu một người nào đó bắt gặp một mẩu tin trên Facebook và xem xét chọn du lịch đến Hội An trong tháng tới, kể từ đó cho dù họ vào Facebook những lần sau hay tìm kiếm bằng Google thì những thông tin mà họ nhận được cũng sẽ hướng đến mục tiêu giúp họ có lựa chọn tốt nhất cho chuyến đi của mình, thậm chí giúp họ chia sẻ những trải nghiệm trong quá trình chuẩn bị cũng như trong suốt chuyến đi với cộng đồng.

Bằng việc tận dụng khả năng của công nghệ, thông tin được cung cấp cho người dùng dịch vụ trực tuyến sẽ hướng đích và có độ tập trung cao hơn nhiều, khi đó người dùng sẽ tiếp cận được thông tin một cách trọn vẹn hơn cả về chiều rộng lẫn chiều sâu.

WiFi là một lựa chọn kết nối rất phù hợp để hiện thực tất cả nhu cầu truy cập thông tin đã nêu nhờ một số đặc điểm về công nghệ và quản lý công nghệ rất đặc thù, trong đó nổi bật nhất là sóng WiFi không cần phải quản lý thông qua giấy phép như sóng điện thoại di động, tầm phát sóng ngắn cho phép định vị nhanh được người dùng và cách quản lý quyền truy nhập của người dùng cũng khá đơn giản.

Trên thực tế, việc cung cấp dịch vụ truy nhập WiFi miễn phí cũng bắt đầu từ rất sớm, xuất phát từ chính nhu cầu phục vụ khách hàng của các điểm kinh doanh: quán cà phê, nhà hàng, siêu thị...

Mở rộng vấn đề

Với cùng cách tiếp cận vấn đề như vậy, chúng ta có thể hình dung được lý do tại sao chính quyền các TP lại quan tâm đến việc cung cấp WiFi cho người dân: cơ hội được truy cập Internet và thông tin miễn phí hoặc gần như miễn phí chắc chắn sẽ giúp cho chất lượng sống của người dân tăng lên, cho họ được thực thi quyền bình đẳng trong tiếp cận thông tin một cách cụ thể hơn.

Quan trọng hơn, cần chú ý rằng bản thân các TP là những thương hiệu cần được xây dựng và phát triển: làm thế nào để người dân sống ở đó có những trải nghiệm ngày càng tốt hơn về nơi mình đang sống - đồng thời du khách đến từ khắp nơi cũng trải nghiệm nơi đến một cách trọn vẹn hơn - chắc chắn là mục tiêu mà bất cứ chính quyền đô thị nào cũng muốn hướng tới.

WiFi công cộng và các dịch vụ thông tin đi kèm cho phép hiện thực mục tiêu đó một cách cụ thể.

Việc xây dựng hệ thống các điểm phát WiFi trên diện rộng thật ra còn mở ra nhiều cơ hội khác cho chính quyền, cho giới kinh doanh và cho người dân địa phương.

Khi người sử dụng tăng mức độ tương tác với các dịch vụ hay nguồn thông tin cũng đồng nghĩa với việc thông tin cá nhân của họ - như tên tuổi, số điện thoại, nơi cư trú, nơi làm việc - và các thói quen, kiểu hành vi của họ - như thường đọc những nội dung gì, thường truy cập các website hay loại dịch vụ nào - có thể được ghi nhận, được phân tích và sử dụng cho những mục đích khác nhau.

Với người làm kinh doanh, đấy rất có thể là một kế hoạch tiếp thị sản phẩm trong đó đối tượng khách hàng được xác định rõ ràng hơn, từ đó nâng cao hiệu quả của công tác tiếp thị; với chính quyền TP thì đó có thể sẽ là cơ hội đưa các thông điệp của chính quyền đến với người dân một cách nhanh chóng, đúng đối tượng, mà biểu hiện của việc làm này là rất cụ thể.

Chẳng hạn người dân ở một khu vực nào đó khi truy cập WiFi ở những điểm phát lân cận sẽ nhận được các thông báo liên quan trực tiếp đến các dịch vụ thiết yếu như tình trạng cấp nước, cấp điện hay tình trạng giao thông.

Chưa kể những điểm phát sóng WiFi công cộng cũng có thể trở thành những điểm kết nối thông tin phục vụ công tác đảm bảo an toàn và duy trì trật tự xã hội, chẳng hạn như phục vụ lắp đặt hệ thống camera quan sát, một kế hoạch mà chính quyền các quận huyện tại TP.HCM đang quan tâm và đã có những thử nghiệm đầu tiên.

Quản lý và đầu tư

Việc các chủ địa điểm, chẳng hạn như chủ quán cà phê, nhà hàng..., cung cấp dịch vụ WiFi cho khách hàng của họ đến một quy mô nào đó đã buộc các nhà chuyên môn phải tự đặt ra cho mình những câu hỏi liên quan đến bài toán quản lý.

Đáng kể và cụ thể nhất chính là quản lý việc sử dụng các thông tin cá nhân mà người dùng vô tình hay cố ý tiết lộ trong quá trình truy cập dịch vụ: đâu là ranh giới giữa sử dụng đúng đắn và vi phạm quyền riêng tư là một câu hỏi quan trọng, cần tới những tuyên bố rành mạch của chính quyền trong việc đảm bảo an ninh thông tin cá nhân của người dùng.

Hoặc trách nhiệm của chủ địa điểm có cung cấp WiFi sẽ như thế nào nếu người sử dụng dùng kết nối đó để làm những việc mà luật pháp không cho phép? Một dịch vụ WiFi công cộng được chính quyền địa phương đứng ra bảo trợ và triển khai thì chắc chắn sẽ có nhiều thuận lợi, nhưng không thể thiếu vắng câu trả lời cho những vấn đề nêu trên.

Thực tế, đó là những vấn đề có tính phổ quát cao, bắt buộc phải được xét đến cho dù trong điều kiện chính trị xã hội nào chăng nữa.

Đầu tư cho hệ thống cung cấp dịch vụ lại là một vấn đề khác, bởi để đưa được dịch vụ WiFi đến với người sử dụng trên diện rộng không chỉ đòi hỏi trang bị thiết bị ở các điểm phát sóng mà còn cần đến một hệ thống truyền dẫn tín hiệu rộng khắp và có tốc độ đủ cao, là điều kiện mà từ trước đến nay chỉ có các nhà mạng chuyên cung cấp dịch vụ viễn thông là có thể đáp ứng.

Như vậy, câu hỏi đặt ra là chính quyền sẽ đứng ở đâu trong bài toán đầu tư này: nên đầu tư, sở hữu và quản lý toàn bộ cơ sở hạ tầng cho dịch vụ WiFi công cộng hay giao việc này cho các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông chuyên nghiệp?

Một vấn đề khác cũng cần xét đến, đó là việc chọn nhà cung cấp dịch vụ: về quy mô, nếu chỉ chọn một nhà cung cấp thì việc đáp ứng trên diện rộng có thể là khó khăn, hơn nữa chính quyền cũng không thể “ưu ái” bất cứ một nhà cung cấp dịch vụ nào để giao tất cả cho họ, bởi với các nhà cung cấp, làm việc với chính quyền là một cơ hội kinh doanh nghiêm túc, nếu chính quyền chỉ "chọn một" sẽ vô hình trung tạo ra một sự bất bình đẳng trong kinh doanh.

Người dân TP có quyền hi vọng sẽ nhận được dịch vụ truy cập WiFi và các dịch vụ thông tin đi kèm ở mức tốt nhất trong tương lai. Tuy nhiên, chính quyền TP và các nhà cung cấp dịch vụ sẽ còn phải tiếp tục chuẩn bị cho kế hoạch này một cách cặn kẽ hơn nữa trước khi triển khai rộng rãi.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận