TTCT - Cuối năm 2019, tổng kết hoạt động của nhóm Chủ nhật yêu thương (CNYT): “Gửi đi hơn 200.000 quyển sách, đặt in 5 tựa sách với số lượng 1.000 quyển/tựa, dựng được 504 thư viện bản xa, khởi công xây mới một trường mẫu giáo - tiểu học - ký túc xá cho thầy cô ở bản Chà Lâng, xã Hữu Khuông, Tương Dương, Nghệ An”. Và Nguyễn Tú Anh - trưởng nhóm - cho rằng đó là thất bại do mình còn kém cỏi. Nói mình kém cỏi nhưng Tú Anh cười rất hồn nhiên... Nhiều trẻ tỏ ra thích thú với quả địa cầu do nhóm Chủ nhật yêu thương mang tới. Ảnh: CNYT Với kết quả như vậy trong một năm từ hai bàn tay trắng, tôi và những người tham gia hoặc theo dõi nhóm CNYT cho đó là một thành công “rực rỡ”. Bạn đâu cần phải quá khiêm tốn như thế? - Nguyễn Tú Anh: Có thể do tôi đặt mục tiêu quá cao (gửi 500.000 cuốn sách/năm, đạt tới 1.001 thư viện, đặt in 100 tựa sách, hoạt động hiệu quả, quản lý và cập nhật toàn bộ hệ thống thư viện), và xuất phát điểm không phải từ hai bàn tay trắng mà là một khoản nợ từ năm trước (cười). Kết quả của năm 2019 này cao hơn năm 2018, 2017 nhưng chưa tương xứng với những gì tôi và các bạn trong nhóm đã cố gắng, nỗ lực, vẫn còn nhiều ý tưởng đã hình thành nhưng chưa thực hiện được. Vì vậy, chúng tôi sẽ cố gắng hơn nữa trong năm 2020. Chúng tôi chọn sách Đôi khi tôi băn khoăn rằng việc bạn thực hiện dự án này một cách xả thân như vậy có cần thiết hay không? Chứng kiến căn nhà trọ của bạn luôn ngập sách đến không có chỗ đứng, những buổi tối bạn đi làm về vẫn cặm cụi ngồi phân loại, đóng thùng sách đến đêm khuya, công việc gây quỹ, góp quỹ, rồi những chuyến đi... tôi nghĩ là không chỉ có mình tôi ái ngại. - Mệt, thật sự là mệt nhoài. Nhưng tôi rất vui, rất hạnh phúc vì được làm việc mình tự chọn, và được nhiều người ủng hộ, tiếp sức. Mỗi chủ nhật, nhà tôi rất đông người. Các bạn trẻ, cũ có, mới có, quen có, lạ có cùng đến phân loại, đóng sách vào thùng, chuyển đi, cùng nấu cùng ăn với nhau một bữa cơm đơn giản. Có cô giáo đến làm quen một buổi, buổi sau trở lại dẫn theo cả chục học trò nhỏ, vừa làm vừa thực hành bài học chia sẻ. Tôi cũng từng là một đứa bé lớn lên tận vùng rừng núi Yên Bái, tuổi nhỏ, nhà nghèo, những trang sách, cuốn truyện tranh tình cờ có được lúc ấy tôi quý hơn cơm gạo. Từ những trang sách ấy mà tôi đã nuôi ước mơ đi xa hơn bản làng của mình. Khi đã đi được xa rồi, đến được TP.HCM và sống tự lập được rồi, những trang sách lại nuôi cho tôi ước mơ được trở lại núi rừng, nuôi tiếp những mơ ước và yêu thương nơi ấy. Thế nên tôi mang sách trở về. Nguyễn Tú Anh. Ảnh: CNYT Những năm gần đây, rất nhiều hội nhóm tổ chức các chương trình, dự án xã hội, từ thiện tới các thôn bản xa. Người có nhiều kinh nghiệm như bạn lại chọn sách, một món quà phải chờ rất lâu mới đo lường được hiệu quả? - Hiệu quả tức thời với tôi là hình ảnh các em say mê cầm cuốn sách tại một điểm thư viện thôn bản, có thể là vườn cây, hành lang ngôi trường, có thể là mảnh sân hay một khoảng trống nào đó trong ngôi nhà nhỏ của người dân. Những lá thư kể hoạt động của thư viện và yêu cầu thêm sách của các học sinh, thầy cô giáo, phụ huynh. Những mầm tri thức, mơ ước sẽ được gieo từ trang sách đến tâm hồn các em, sau này các em sẽ thực hiện mơ ước của mình. Chuyện ấy tất nhiên sẽ còn phải chờ thời gian tính bằng chục năm, những thành viên của CNYT đều hiểu điều đó và vẫn rất vui lòng. Tôi tin rằng chọn sách là đúng, và duy nhất đúng. “Duy nhất đúng” nghĩa là bạn sẽ không chọn các hình thức hỗ trợ khác? - Rất nhiều người khi mang đến cho chúng tôi một thùng sách cũ, chừng như ái ngại vì giá trị của nó, đã đề nghị tặng thêm gạo, thêm mì, thêm quần áo để chúng tôi mang lên bản xa trong các chuyến đi của mình. Tôi đều từ chối và có lý do cho lựa chọn của mình. Tôi không phủ nhận tác dụng tức thời và ý nghĩa rất lớn của những bao gạo, thùng mì, túi quần áo và cả tiền mặt được đưa đến những nơi xa ấy sau một trận lũ quét, lở núi, nhưng chỉ trong hoàn cảnh nghiệt ngã ấy mà thôi. Những lúc bình thường, tôi cho rằng đừng vì nghĩ rằng họ nghèo hơn mình mà tặng mì, tặng gạo, tặng áo quần. Mì, gạo ăn rồi hết, nhưng lại tạo thói quen chờ đợi đợt tặng quà tiếp theo, thói quen hễ có khách lạ đến là có quà. Quần áo mặc rồi rách nhưng lại khiến người dân tộc bỏ quên chính những bộ quần áo tự dệt tự may vốn rất ấm rất bền và là bản sắc của họ. Những việc ấy về lâu dài sẽ có tác hại rất lớn đến tính tự lập, tự trọng, trách nhiệm và tinh thần vươn lên, thực tế đã chứng minh như vậy rồi. Chọn ước mơ, chọn nỗ lực Ngược lại, bạn rất chăm chút những giá trị khác... - Sách gieo mầm ước mơ, và chúng tôi cố gắng hiện thực hóa thêm một chút. Một năm mấy lần tổ chức lễ hội sách ở thôn bản xa, ngoài sách, chúng tôi còn mang theo bút chì màu, giá sách, bàn ghế, đèn, những quả địa cầu. Cất công lên núi cao, chúng tôi cõng theo cả những thùng xốp chứa tôm, mực, cá biển tươi sống để làm một buổi tiệc hải sản với các em. Câu chuyện về những vùng biển xa, những đất nước, đại dương sẽ bắt đầu từ đó, từ con tôm cong đỏ bên bếp lửa. Chúng tôi đi rồi, những cuốn sách còn ở lại, quả địa cầu còn ở lại, ký ức này sẽ đẩy bước của các em đi xa hơn. Chúng tôi chăm chút nữa đến những đức tính. Một cô bé người Stiêng ở một thôn sóc sâu trong những ngọn đồi Bình Phước, lên cấp II, trường học trong trung tâm xã cách nhà 7-8km, cha mẹ đưa em đi học vài buổi rồi thôi. Cô bé viết thư cho chúng tôi: “Nhớ những lời các cô chú đã dặn dò, nhớ những cuốn sách mà chú nói sẽ chỉ gửi lên tiếp nếu học chăm chỉ, con sẽ không bỏ học...”. Liên hệ với cô giáo, tôi được biết cô bé vẫn lầm lũi đi bộ đến trường. Để bé đi bộ tiếp hai tuần nữa, chúng tôi lên thăm và mang cho em một chiếc xe đạp. Tôi giải thích rất rõ: không tặng xe đạp như điều kiện để em đi học tiếp, mà đây là phần thưởng cho việc em đã kiên trì, vượt khó đi học. Một cô bé khác ở một bản trên Lai Châu. Một lần háo hức mở cuốn sách CNYT vừa gửi tới, em nhặt được một số tiền lớn, hẳn người chủ cuốn sách đã để quên trong đó. Em lập tức mang lên nộp cô giáo. Cô giáo cũng lập tức gửi trả lại chúng tôi. Chẳng thể biết được số tiền thật sự của ai vì sách đến từ rất nhiều nguồn, chúng tôi dùng tiền ấy mua một chiếc laptop làm phần thưởng cho cô bé và điểm thư viện ấy để mở cửa thế giới. Làm việc tốt sẽ được đánh giá xứng đáng, tôi muốn nhấn mạnh với em bé ấy như vậy. Hoạt động của CNYT nơi bản xa. Ảnh: CNYT Mỗi ngày tôi lại giàu thêm Con đường làm những việc như thế này cũng lắm nhọc nhằn, cô đơn và còn ngọt ngào nữa phải không? - Vâng, nhưng không phải lúc nào cũng là ngọt ngào. Có lúc tôi đã nổi cáu lên, phi thẳng lên Bình Phước, xộc vào một căn nhà và to tiếng với chủ nhà, vì ông ấy bắt con mình, tức là một đứa trẻ đã gắn bó với CNYT, phải nghỉ học. Có lúc tôi đã gạt phăng những người theo dõi hành trình của chúng tôi đến vùng xa và xin hướng dẫn đường đi để họ tới du lịch, chụp ảnh kèm hứa hẹn sẽ tặng quà cho trẻ con. Tôi rất sợ những xáo trộn phá vỡ cuộc sống thanh bình của lũ trẻ. Thay vào đó, có lúc chúng tôi tổ chức cho bọn trẻ trên núi một chuyến tắm biển nghịch cát, bọn trẻ thôn bản một chuyến thăm Sài Gòn nhiều đèn màu xanh đỏ, nhiều nhà cao tầng, nhiều xe, đông người... Ký ức sẽ nuôi tiếp ước mơ. Còn gia đình CNYT của chúng tôi thì quả là ngọt ngào đến tuyệt vời. Cửa nhà không khóa và luôn rộng mở nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, mỗi ngày chúng tôi lại có thêm thành viên mới đủ giới tính, độ tuổi, nhưng nét đặc trưng của nhóm thì không thay đổi: giản đơn, hồn nhiên, yêu thương, mơ ước. Những ai còn chưa giản đơn, quên mất hồn nhiên hay chưa đầy yêu thương, cùn mòn mà đến với chúng tôi, chỉ ít lâu sau thôi sẽ trở nên như thế: giản đơn, hồn nhiên, yêu thương, mơ ước. Chỉ cần vậy mà thôi. CNYT đã là nơi bén duyên cho mấy cặp bạn trẻ và tổ chức mấy cái đám cưới rồi đấy. Trong đám cưới gần đây nhất, sau khi nghe kể về chuyện tình của cô dâu - chú rể và CNYT, khách mời đã đến tìm tôi và... góp quỹ sách. Những câu chuyện hồn nhiên như vậy giúp tôi đi tiếp đường dài. ■ Các bạn trẻ cặm cụi trong kho sách của CNYT để gửi đi những hạt mầm ước mơ - Ảnh: CNYT Nhóm CNYT, gồm các bạn trẻ tình nguyện, hoạt động đã 6 năm, với mục đích lập thư viện ở các điểm trường vùng sâu, vùng xa, điểm sinh hoạt cộng đồng, kể cả nhà riêng miễn cam kết hoạt động như một thư viện cộng đồng. Nhóm nhận sách từ các nguồn: sách cũ mua hay được tặng, cho; sách mới mua từ các nhà xuất bản, nhà sách, đặt in số lượng lớn các tác phẩm chọn lọc. Đến nay, nhóm đã lập được hơn 500 thư viện ở khắp các vùng sâu, vùng xa cả nước. Tags: Tặng sách
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Đại biểu Quốc hội: Điều hòa dân nghèo cũng sử dụng, sao xem là xa xỉ để áp thuế tiêu thụ đặc biệt TIẾN LONG 22/11/2024 Người lao động nghèo ở nhà trọ cũng lắp máy điều hòa, không hiểu sao lại đưa mặt hàng này vào hàng hóa xa xỉ để đánh thuế tiêu thụ đặc biệt.
Độc lạ Đồng Nai: Treo ô tô cũ trước cổng nhà làm kỷ niệm A LỘC 22/11/2024 Một gia đình ở Đồng Nai treo ô tô cũ trước cổng nhà làm kỷ niệm khiến cộng đồng mạng xôn xao.
Thiếu phôi bằng lái, xe 'trùm mền' HÀ MI 22/11/2024 Tình trạng thiếu phôi bằng lái đang lan ra nhiều tỉnh thành cả nước. Hệ lụy của thực trạng này là hàng chục ngàn người dân bị "treo bằng" dù thi đậu, có địa phương phải loay hoay đi mượn phôi hoặc bất đắc dĩ tạm dừng kỳ sát hạch.
Chợ Bến Thành là di tích cấp thành phố, ban quản lý cam kết bảo tồn hiệu quả HOÀI PHƯƠNG 22/11/2024 Năm di tích được công bố xếp hạng di tích cấp thành phố gồm trụ sở Cục Hải quan TP.HCM, trụ sở UBND quận 1, chợ Bến Thành, đền thờ Đức Thánh Trần Hưng Đạo và mộ ông Binh Bộ Kiểm duyệt Ty - Thừa vụ lang họ Trần.