Chuyện có nhà ở thành phố rẻ nhất Trung Quốc

BẢO ANH 19/05/2023 06:37 GMT+7

TTCT - Có còn hơn không, ngắn ngủi còn hơn không bao giờ. Đó là tâm lý chung của những người trẻ đã tìm đến thành phố rẻ nhất Trung Quốc, để thỏa giấc mơ có nhà, dù chỉ là trong ngắn hạn.

Năm 2019, thành phố Hạc Cương (tỉnh Hắc Long Giang) nổi tiếng nhanh chóng vì bán nhà với "giá bắp cải", trở thành thị trường bất động sản rẻ nhất trong số 321 thành phố của Trung Quốc.

"An ủi tinh thần"

"Tôi nghĩ Hạc Cương rất tốt, ai cũng có thể sở hữu căn hộ" - Wang Hongyan nói trong phóng sự của South China Morning Post ngay trước khi xảy ra COVID-19. Năm 2019, khi "mua nhà rẻ ở Hạc Cương" là từ khóa hot nhất trên mạng ở Trung Quốc, Wang đã hoài nghi vì làm gì có chuyện cả căn hộ chỉ có giá 30.000 tệ (hơn 100 triệu đồng), chỉ bằng giá 1m2 ở Thượng Hải.

Nhưng khi truyền thông liên tục đưa tin, Wang chính thức tìm hiểu và thấy tất cả không phải trò lừa. Cô cùng chồng và con gái nhỏ đến Hạc Cương, trực tiếp xem qua 5 căn hộ, và ngay hôm đó chọn mua căn cả nhà đang ở - 50m2 kèm sân thượng 20m2, với giá chỉ 60.000 tệ (9.250 USD). Một căn hộ rộng 100m2 ở thủ đô Bắc Kinh có giá trung bình 6,3 triệu nhân dân tệ (gần 1 triệu USD). Con số này cao gấp 34 lần mức lương trung bình hằng năm ở Bắc Kinh.

Chuyện có nhà ở thành phố rẻ nhất Trung Quốc - Ảnh 1.

Wang Hongyan và con gái trong căn hộ ở Hạc Cương. Ảnh chụp màn hình từ phóng sự của South China Morning Post

Tháng 10-2022, thành phố với dân số khoảng 790 ngàn người Hạc Cương lại gây chú ý trên mạng xã hội sau khi một cô gái họ Triệu cho biết đã mua được căn hộ 46m2 ở đó chỉ với 15.000 nhân dân tệ. 

Cô Triệu không phải là người đầu tiên chuyển đến Hạc Cương để tìm kiếm cuộc sống dễ dàng hơn trong những năm gần đây, nhưng mức giá rẻ mà cô Triệu trả cho căn hộ của mình đã khiến nhiều người dùng mạng Trung Quốc kinh ngạc, theo Thời báo Hoàn Cầu.

Để so sánh, theo Công ty bất động sản 5i5j, nhà ở tại thành phố Nam Kinh (tỉnh Giang Tô) gần đây được định giá trung bình hơn 32.000 nhân dân tệ (4.640 USD, khoảng 110 triệu VND)/m2. Điều đó có nghĩa căn hộ của cô Triệu ở Hạc Cương sẽ rẻ hơn gần 100 lần so với một căn hộ với kích thước tương tự ở Nam Kinh.

Nữ họa sĩ minh họa 25 tuổi cho biết chuyển đến thành phố mới sinh sống không có nhiều khác biệt; là người làm tự do, cô có thể làm việc trực tuyến, và diện tích căn hộ vừa đủ cho nhu cầu ở một mình. Triệu kể cô đã chi 50.000 nhân dân tệ để sửa sang căn hộ của mình và 1.000 nhân dân tệ/tháng để trả cho một người giúp việc đến lo các công việc hằng ngày như dọn dẹp và nấu nướng.

"Nhà tại đây rẻ đến mức tôi có thể mua mà không tốn nhiều công sức và tôi có thể trang trí căn hộ theo sở thích của mình. Tôi có thể sống một cuộc sống mà không phải chịu áp lực từ các khoản vay mua nhà" - cô chia sẻ.

Chuyện có nhà ở thành phố rẻ nhất Trung Quốc - Ảnh 2.

Một góc Hạc Cương nhìn từ trên cao. Ảnh chụp màn hình từ phóng sự của South China Morning Post

Theo báo Anh The Economist, Hạc Cương có thể là vùng đất mà những người thu nhập thấp có thể biến những khoản tiết kiệm khiêm tốn thành một ngôi nhà, dù chuyện "có nhà" ở đây cũng không giống thông thường. 

Thực tế là nhiều người hăm hở đến Hạc Cương đã bỏ cuộc và rời đi sau vài tháng, thường là khi nhiệt độ mùa đông giảm xuống -20°C. Những người khác chỉ đến thăm một thời gian ngắn để trang trí căn hộ mới mua, rồi lại quay về cuộc sống trong ký túc xá của nhà máy ở các thành phố, nơi họ là lao động nhập cư.

Dù vậy, đây cũng là một hình thức "an ủi tinh thần" đối với những người đã sống nhiều năm ở Thượng Hải hoặc Quảng Châu nhưng không có hy vọng mua được nhà ở đó - Liang Yunpeng, một nhà môi giới bất động sản ở Hạc Cương, nói với The Economist. 

Liang bán khoảng 80 căn hộ giá rẻ mỗi năm cho người nơi khác đến, những người thường có ít hơn 30.000 nhân dân tệ trong hầu bao. Các căn hộ này thường nằm ở tầng trên của các tòa nhà cũ không có thang máy. 

Trong số khách hàng của Liang, chỉ có 30 người là thật sự ở lại và làm việc ở Hạc Cương sau khi mua căn hộ; số khác rời đi ngay sau khi hoàn thành giao dịch và chỉ quay lại vào mùa hè.

Thành phố nhiều nghịch lý

Hạc Cương thật ra là một thành phố nhiều nghịch lý. Trong khi những người như cô Triệu mới tìm đến và muốn ở lại nơi này với kỳ vọng về một cuộc sống chậm hơn và rẻ hơn, chính người dân địa phương đã lần lượt rời đi vì thiếu các cơ hội kinh tế. Dân số của Hạc Cương giảm đi khi người trẻ đổ về phía nam Trung Quốc để tìm kiếm việc làm, cơ hội và tình yêu.

Từng là thành phố khai mỏ, Hạc Cương đã cạn kiệt trữ lượng than cách đây vài năm và đối mặt với tình trạng tăng trưởng kinh tế trì trệ kể từ đó. Theo cuộc điều tra dân số toàn quốc của Trung Quốc vào năm 2020, Hạc Cương có dân số 891.000 người vào cuối năm 2020, giảm hơn 15% so với năm 2010. 

Nguồn nhà giá rẻ dồi dào chính là nơi ở của thợ mỏ và gia đình họ trong thời khai thác thịnh vượng nhất. Trong giai đoạn 2013 và 2018, Hạc Cương đã xây 110.000 căn hộ cho cộng đồng thợ mỏ, theo South China Morning Post.

Các blogger Trung Quốc gọi thành phố Hạc Cương là thiên đường cho những người khao khát "nằm yên, mặc kệ đời" hoặc từ bỏ tham vọng vật chất. Tuy nhiên, một số người dân địa phương đã phẫn nộ với các blogger như vậy. 

Ông Vương Đại Khải, người đã sống 10 năm ở các thành phố lớn trước khi quay về mở tiệm cắt tóc ở Hạc Cương, lo lắng thành phố này đang bị coi là "kẻ lười biếng". Ông khẳng định: "Không ai trong chúng tôi nằm yên, mọi người đều đang hối hả".

Nhiều người đến Hạc Cương để tìm nhà, và cũng có những người gốc Hạc Cương ra đi rồi trở về khi giấc mộng mua nhà ở những thành phố lớn hơn của họ tuột khỏi tầm tay. 

Giống như ông Vương, ông Hầu, người sinh ra ở Hạc Cương và từng sống ở Bắc Kinh đã phải quay về chốn cũ hồi năm 2020, khi dịch COVID-19 khiến ông phải ngừng việc dẫn khách Trung Quốc đi du lịch Nga. 

Hầu nói với The Economist rằng ông đã để ý thấy nhiều người quen cũ quay về Hạc Cương, bởi với phận nhập cư ở thành phố lớn, họ không bao giờ có đủ vốn để mua nhà hay làm ăn.

Chuyện có nhà ở thành phố rẻ nhất Trung Quốc - Ảnh 3.

Một cư dân mua nhà ở Hạc Cương. Ảnh chụp màn hình từ video South China Morning Post

Tuy nhiên, Trung Quốc Nhật báo chỉ ra mặc dù giá nhà ở Hạc Cương khá thấp so với các thành phố khác, nhưng mức giá trung bình đã vào khoảng 3.000 nhân dân tệ (435 USD, tương đương hơn 10 triệu VND)/m2. Ngoài ra, người mua nhà phải trả khoản chi phí trang trí tương đối cao.

Bên cạnh đó, mặc dù người trẻ tuổi có thể tìm được nhà ở với giá cả phải chăng ở Hạc Cương, việc kiếm được một công việc tại địa phương gần như không dễ dàng. Một số cư dân mới kiếm sống bằng cách làm video chia sẻ cuộc sống ở một vùng xa xôi, thời tiết giá lạnh nhưng cái gì cũng rẻ. Mỗi clip như thế có hàng triệu lượt xem, song chỉ một số ít người có thể nổi tiếng online khi sống ở Hạc Cương.

Wang Hongyan trong phóng sự của South China Morning Post từng hy vọng sẽ kiếm sống bằng nghề livestream, trong khi chồng tìm một công việc phù hợp, đã rời Hạc Cương và trở lại Thượng Hải chỉ sau một năm vì không có cơ hội việc làm. Và còn rất nhiều người nữa cũng đã đến và từ giã Hạc Cương như thế. Nhưng chí ít, họ đã thật sự mua được căn nhà đầu tiên trong đời.

Trường hợp Hạc Cương cũng phản ánh thực tế thị trường nhà ở tại nhiều thành phố ở đông bắc Trung Quốc. Chẳng hạn ở thành phố Song Áp Sơn, cũng ở Hắc Long Giang, giá nhà tương đương với Hạc Cương do ngành công nghiệp khai thác than từng bùng nổ tại đây đang dần lụi tàn.

Ở những thành phố như vậy, thị trường bất động sản chậm chạp và giá nhà ở thấp, vì nhu cầu về nhà không mạnh trong bối cảnh các ngành công nghiệp và quy mô dân số đang bị thu hẹp. Hiện tượng này được gọi là "Hạc Cương hóa".

"Hạc Cương hóa" là xu hướng không tránh khỏi trong 10 năm tới, theo một bài viết trên mạng Huxiu (Hổ Khứu) của Trung Quốc ngày 24-4. Hiện nay, trong hơn 2.800 huyện và khu vực trên khắp Trung Quốc, có 1.506 địa phương chứng kiến dân số đang giảm đi. Tại hơn 600 thành phố, gần một nửa số thành phố có dân số đô thị đang thu hẹp.

Những thành phố bị thu hẹp như thế này không chỉ giới hạn ở vùng đông bắc Trung Quốc, mà còn tại miền trung và phía tây rộng lớn, bao gồm các địa phương ở tỉnh Hồ Bắc, Hà Nam và Tứ Xuyên. Với dân số cả nước đạt đỉnh và tăng trưởng kinh tế chậm lại, số lượng thành phố Trung Quốc bị thu hẹp sẽ ngày càng nhiều.

Với "Hạc Cương hóa", tư duy mở rộng đã trở thành dĩ vãng, không những không thể xây dựng các thành phố mới mà một số thành phố Trung Quốc thậm chí còn gặp vấn đề về khả năng tự cung tự cấp tài chính. Với sự sụt giảm dân số liên tục, mọi thứ từ dịch vụ công cộng đến giá nhà sẽ bị ảnh hưởng, và một số thành phố có thể phải đối mặt với số phận bị sáp nhập.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận