Chuyển giới từ tuổi 13...

D.KIM THOA 17/01/2025 07:02 GMT+7

TTCT - Khi bác sĩ hàng đầu về can thiệp y tế cho thanh thiếu niên chuyển giới ở Mỹ

Chuyển giới từ tuổi 13... - Ảnh 1.

Thuốc estrogen được kê cho một thiếu niên 13 tuổi để cơ thể phát triển các đặc tính của nữ giới. Ảnh: REUTERS

Khi bác sĩ hàng đầu về can thiệp y tế cho thanh thiếu niên chuyển giới ở Mỹ bị chính một bệnh nhân của mình kiện với cáo buộc tắc trách, người ta mới biết thêm về một lĩnh vực y tế - nơi trẻ em có thể được "điều trị" rối loạn bản dạng giới hay bức bối giới (gender dysphoria) khi mới 13 tuổi.

Kaya Clementine Breen, sinh năm 2004, ước mình chưa từng mở cánh cửa vào phòng tư vấn học đường trường cấp II, để rồi nhận một lời "tư vấn" vội vàng, khiến những băn khoăn về bản dạng giới của cô không được giải quyết mà còn tồi tệ hơn.

Breen, giờ là sinh viên Đại học California, Los Angeles (UCLA) và vẫn coi mình là nữ, đã đâm đơn kiện nhiều bác sĩ và cơ sở y tế với cáo buộc tắc trách trong y khoa. Cô cho rằng mình đã bị chẩn đoán sai là mắc chứng rối loạn nhận dạng giới và sau đó bị thúc ép vào quy trình can thiệp "dẫn đến những tổn thương không thể đảo ngược" từ thuốc ức chế dậy thì, hormone chuyển giới và phẫu thuật, theo đơn kiện.

Bước ngoặt cuộc đời

Theo hồ sơ kiện nộp lên Tòa án cấp cao Los Angeles hồi tháng 12-2024, từ 11 tuổi Breen bắt đầu không muốn nghĩ mình sẽ lớn lên làm phụ nữ và tin rằng "cuộc sống sẽ dễ dàng hơn nếu mình là con trai". 

Khi tìm đến cố vấn học đường vào năm học 2016-2017, Breen 12 tuổi và không rõ mình là người chuyển giới, đồng tính nữ hay song tính. Sau khi nghe Breen chia sẻ, người cố vấn nói em là người chuyển giới và gọi điện thông báo điều đó với phụ huynh.

Breen được bố mẹ đưa đến Trung tâm Y tế chuyển giới thanh thiếu niên tại Bệnh viện Nhi Los Angeles (CTYHD) từ tháng 12-2016. 

Trong đơn kiện, Breen nói chính tại nơi đây cô đã bị chẩn đoán bức bối giới (cảm giác khó chịu, muộn phiền khi bản dạng giới mâu thuẫn với giới tính khi sinh) và bắt đầu nhận được các biện pháp chăm sóc liên quan đến chuyển giới - đầu tiên là dùng thuốc ức chế dậy thì, sau đó phải tiêm testosterone từ 13 đến 19 tuổi, và phẫu thuật đoạn nhũ cả hai bên khi mới 14 tuổi. 

Đúng như tên gọi, thuốc ức chế dậy thì ngăn chặn các thay đổi thể chất vĩnh viễn - như sự phát triển ngực hoặc giọng nói trầm hơn - để trẻ bớt bức bối giới.

Tất cả những "điều trị" này được thực hiện mà không tính đến sức khỏe tâm thần của Breen, người từng trải qua giai đoạn sang chấn tâm lý do bị xâm hại tình dục từ năm 6 tuổi và mắc chứng lo âu, trầm cảm... 

Chuyển giới từ tuổi 13... - Ảnh 2.

Ảnh Kaya Clementine Breen cung cấp cho báo chí.

"Giờ đây nhìn lại, tôi ước rằng ai đó đã đề nghị liệu pháp thực sự trước, thay vì liệu pháp tập trung vào vấn đề giới. Liệu pháp duy nhất mà tôi nhận được chỉ tập trung vào bức bối giới mà không kết nối chứng rối loạn đó với bất cứ điều gì khác" - Breen nói với NBC News sau khi nộp đơn kiện.

Các bị đơn gồm bác sĩ Johanna Olson-Kennedy, giám đốc y tế CTYHD; một nhà trị liệu về giới mà bà Olson-Kennedy giới thiệu cho Breen; bác sĩ đã phẫu thuật đoạn nhũ cho cô; cùng 20 người có liên quan. 

Các luật sư của Breen cáo buộc họ đã "sơ suất y tế trên nhiều khía cạnh, bao gồm việc không đánh giá tâm lý đầy đủ, theo dõi tình trạng sức khỏe tâm lý kém và thiếu quan tâm đến tác động của thuốc ức chế dậy thì đối với sức khỏe xương" của cô.

Vai trò người đầu ngành

Vụ kiện của Breen trở nên đặc biệt đáng chú ý khi nó đặt ra những câu hỏi về vai trò của bác sĩ Olson-Kennedy - người điều trị chuyển giới thiếu niên nổi tiếng nhất nước Mỹ, và là chủ nhiệm một dự án nghiên cứu quan trọng trị giá 9,7 triệu USD từ Viện Y tế quốc gia (NIH), theo The Economist.

Bắt đầu từ năm 2015, nghiên cứu theo dõi 95 trẻ em sử dụng thuốc ức chế dậy thì trong hai năm, với giả thuyết thuốc sẽ cải thiện về sức khỏe tâm thần cho các em, chẳng hạn giảm các triệu chứng trầm cảm, lo âu, sang chấn, tự gây thương tích và ý định tự tử. 

Nhưng sau hai năm, trong một phỏng vấn với The New York Times, bà thừa nhận kết quả nghiên cứu không như kỳ vọng, và bào chữa: có thể do "các em đã ở trong tình trạng tốt khi bắt đầu nghiên cứu".

Chuyển giới từ tuổi 13... - Ảnh 3.

Bác sĩ Johanna Olson-Kennedy. Ảnh: NYPOST

Điều gây tranh cãi là sau 9 năm, nghiên cứu này vẫn chưa được công bố. Bác sĩ Olson-Kennedy cho biết lý do là lo ngại kết quả có thể bị "vũ khí hóa" trong các cuộc tranh luận chính trị, nhất là khi hơn 20 tiểu bang đã ban hành lệnh cấm điều trị chuyển giới cho trẻ vị thành niên.

Quyết định không công bố kết quả nghiên cứu đã gây ra nhiều phản ứng từ cộng đồng khoa học. "Tôi hiểu nỗi lo về việc nó có thể bị vũ khí hóa, nhưng việc công bố kết quả nghiên cứu ra công chúng là rất quan trọng" - tiến sĩ Amy Tishelman, nhà tâm lý học lâm sàng và nghiên cứu tại Đại học Boston College, một trong những nhà nghiên cứu ban đầu của dự án, bày tỏ quan ngại với The New York Times.

Tại Anh, một nghiên cứu tương tự về 44 trẻ em được thực hiện năm 2011 cũng cho thấy thuốc ức chế dậy thì không thay đổi tình trạng sức khỏe tinh thần của người sử dụng, bao gồm cả tỉ lệ tự gây thương tích. 

Tuy nhiên những kết quả này đã không được công bố cho đến năm 2020, nhiều năm sau khi thuốc ức chế dậy thì đã trở thành phương pháp điều trị tiêu chuẩn cho trẻ em có rối loạn giới tính tại Anh, theo The New York Times.

Bác sĩ nhi khoa Hilary Cass, người vừa công bố đánh giá toàn diện về dịch vụ y tế chuyển giới thanh thiếu niên tại Anh năm 2024, nhận định rằng việc trì hoãn công bố kết quả từ các nhóm nghiên cứu đã khiến công chúng tin rằng thuốc ức chế dậy thì cải thiện sức khỏe tâm thần, mặc dù bằng chứng ủng hộ kết luận này rất hạn chế.

Hệ thống cần thay đổi

Vụ kiện của Breen và những tranh cãi về nghiên cứu thuốc ức chế dậy thì đang đặt ra những câu hỏi lớn về quy trình điều trị hiện tại. Những cáo buộc trong đơn kiện của Breen cho thấy có sự khác biệt đáng kể giữa cách tiếp cận của bác sĩ Olson-Kennedy và quy trình gốc được phát triển tại Hà Lan - được biết đến với tên gọi Dutch Protocol.

Công bố năm 2012, Dutch Protocol nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đánh giá tâm lý kỹ lưỡng trước khi bắt đầu bất kỳ can thiệp y tế nào. Các nhà khoa học Hà Lan yêu cầu phải đảm bảo rằng bệnh nhân có rối loạn giới tính kéo dài, có cha mẹ ủng hộ và không mắc các vấn đề tâm thần nghiêm trọng có thể ảnh hưởng đến điều trị.

Tuy nhiên, theo The Economist, bác sĩ Olson-Kennedy đã nổi lên như một người công khai phản đối việc áp đặt quá nhiều quy trình đánh giá và kiểm soát trước khi cho phép điều trị chuyển giới. 

Quan điểm này thể hiện rõ qua phát biểu của bà trong cuộc phỏng vấn với tạp chí The Atlantic năm 2018: "Tôi không chỉ định cho ai đến gặp bác sĩ tâm lý khi tôi định cho họ dùng insulin".

Tiến sĩ Laura Edwards-Leeper, nhà tâm lý học đã giúp thành lập một trong những chương trình y học chuyển giới thanh thiếu niên đầu tiên tại Boston năm 2007, cho rằng việc bỏ qua bước đánh giá tâm lý là "thiếu trách nhiệm và phi đạo đức". 

Bà nhấn mạnh với The Economist rằng qua nhiều năm đánh giá trẻ em và thanh thiếu niên có rối loạn giới tính, một số em cuối cùng được xác định là không phù hợp để điều trị bằng thuốc ức chế dậy thì.

Chuyển giới từ tuổi 13... - Ảnh 4.

Nhân viên tại Phòng khám giới tính Doernbecher của Đại học Khoa học và Sức khỏe Oregon thảo luận về các lựa chọn liệu pháp hormone với một thiếu niên và mẹ của em. Ảnh: Reuters

Tại châu Âu, theo The New York Times, nhiều quốc gia đã bắt đầu thay đổi cách tiếp cận. Theo báo cáo đánh giá toàn diện về dịch vụ y tế chuyển giới thanh thiếu niên tại Anh, công bố tháng 4-2024, không có bằng chứng đủ thuyết phục về hiệu quả của thuốc ức chế dậy thì; ngoài ra thuốc còn dẫn tới một số rủi ro như chậm phát triển xương và mất khả năng sinh sản ở một số bệnh nhân. Sau báo cáo này, Dịch vụ Y tế quốc gia Anh (NHS) đã quyết định ngừng kê đơn thuốc này ngoài phạm vi thử nghiệm lâm sàng.

Vụ kiện của Breen đang đặt ra những câu hỏi quan trọng về tương lai của y học chuyển giới trẻ em. Trong khi nhiều tổ chức y tế lớn của Mỹ như Học viện Nhi khoa (AAP), Hiệp hội Y khoa (AMA) và Hiệp hội Tâm thần (APA) vẫn ủng hộ việc tiếp cận điều trị chuyển giới cho trẻ vị thành niên, các chuyên gia ngày càng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cân bằng giữa quyền tiếp cận điều trị và đảm bảo an toàn thông qua đánh giá tâm lý toàn diện.

Vụ việc còn gây chú ý vì nó diễn ra khi Tòa án Tối cao Mỹ đang xem xét vụ kiện "U.S. v. Skrmetti" về lệnh cấm điều trị chuyển giới cho trẻ vị thành niên tại bang Tennessee. 

"Tất cả những gì chúng tôi đã làm là làm rõ rằng các phương pháp điều trị này, vốn thường không thể đảo ngược, có những tác động đáng kể đến trẻ vị thành niên và thường để lại cho các em cơ thể bị tổn thương vĩnh viễn và vô sinh" - The Wall Street Journal dẫn lời Matt Rice, tổng chưởng lý bang Tennessee, phát biểu tại phiên tòa hôm 13-12.

Chương mới của Breen

Từ năm 2023, Breen ngừng sử dụng testosterone và chính thức bắt đầu quá trình chuyển giới ngược (detransition, quay trở lại giới tính sinh học ban đầu) vào tháng 3-2024. Cô nhận ra rằng những vấn đề tâm lý phức tạp của mình đã không được giải quyết đúng cách khi bị đẩy vào con đường can thiệp y tế.

Chỉ sau khi chuyển sang điều trị với một chuyên gia về liệu pháp hành vi biện chứng (dialectical behavioral therapy - DBT), Breen mới có những cuộc trò chuyện sâu hơn đầu tiên về việc bị lạm dụng tình dục thời thơ ấu. "Tôi khá chắc chắn rằng nếu tôi có những cuộc trò chuyện này vào năm 12 tuổi, tôi đã không theo đuổi việc chuyển giới y tế" - Breen chia sẻ với The Economist.

Cô hiện phải đối mặt với những hậu quả y tế vĩnh viễn: giọng trầm hơn mong muốn, có sự phát triển của yết hầu, khả năng phải phẫu thuật tái tạo ngực nếu muốn lấy lại hình dáng nữ tính, và nguy cơ vô sinh do nhiều năm sử dụng testosterone.


Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận