TTCT - Tôi về làm cư dân Gò Vấp (TP.HCM) hơn chục năm trước. Ngày ấy, đất còn rộng, người còn thưa nên nhìn quanh đâu cũng thấy màu xanh. Những vườn hoa, vườn rau chen giữa khu dân cư như níu giữ chút quê kiểng giữa Sài Gòn đã bắt đầu những chuyển động đô thị hóa ngày một nhanh hơn. Nhiều khi thương nhớ quê nhà xa ngái, tôi đạp xe qua những con đường nho nhỏ ở khu vực làng hoa để ngắm mê mẩn những luống rau xanh nõn nà. Tre pheo vẫn còn, vài chỗ còn có cả cây rơm vàng ươm dành để nuôi bò. Con đường nhỏ nối đường Lê Văn Thọ và Phạm Văn Chiêu mang một cái tên thật dễ thương - đường Cây Trâm - là nơi tôi thường xuyên lui tới. Phóng to Đường Cây Trâm ở quận Gò Vấp, TP.HCM. Con đường nhỏ được trồng hai hàng phượng vĩ lấy bóng mát, chạy suốt con đường - Ảnh: N.N.P. Đường Cây Trâm ngày ấy nhiều đoạn còn lầm bụi đỏ, thỉnh thoảng lại gặp vài ổ gà bự chảng đọng nước mưa lấp lóa. Hai bên đường mùi phân bò phơi khô ngai ngái suốt ngày đêm. Gần cuối đường về phía Lê Văn Thọ có một vườn hoa hồng cắt cành, bán quanh năm. Bên kia đường là một vườn cúc, vạn thọ, hoàng anh... bán vào những ngày sóc, ngày vọng trong tháng để làm hoa cúng trên ban thờ. Cuối tuần, tôi hay ghé vườn hoa hồng mua dăm bảy cành về chưng phòng khách. Tự chọn, tự cắt rồi trả tiền. Bữa không có tiền lẻ thì để tuần sau trả luôn thể, vô tư. Chủ vườn là một ông già gầy gò nhưng vui tính, chuyên diện độc chiếc quần cộc. Lúc nào ghé vườn tôi cũng thấy ông luôn tay, luôn chân chăm cho những gốc hoa. Nhìn cách ông nâng niu từng cành hoa hay tỉ mẩn với những mắt ghép nhỏ xíu mới thấy sự tận tụy của một người làm vườn. Những biến thiên của công cuộc đô thị hóa đã dần dần đẩy lùi những khoảnh vườn ngày xưa đi vào dĩ vãng, nhường chỗ cho sắt thép, bêtông chen lấn ra mặt tiền. Bây giờ muốn tìm lại những khoảng xanh tươi dịu mát ngày xưa ấy phải len vào những hẻm nhỏ, ngõ sâu nhưng cũng chẳng còn nhiều. Như để bù đắp cho những tiếc nuối màu xanh ấy, người ta trồng hai hàng phượng vĩ dọc hai bên đường. Theo ngày tháng, những tán lá gặp nhau trên cao, tạo cho con đường nhỏ một khoảng xanh mát trên đầu. Mỗi ngày hai bận đưa đón con đi học, thay vì chạy thẳng đường Quang Trung, tôi đều vòng qua đường Cây Trâm. Đi theo đường Quang Trung sẽ gần hơn nhưng đổi lại phải chịu nắng bụi, ồn ào và trên đầu chang chang nắng nóng. Nhiều lần thong thả trên đường tận hưởng màu xanh dịu mát trên cao, tôi cố tìm những hình hài của vườn tược ngày xưa, nhưng chịu - không thể! Vườn hoa hồng cắt cành ngày trước giờ đã trở thành hàng quán xôn xao, bán mua nhộn nhịp. Ông chủ vườn ngày xưa giờ ở đâu trong những căn nhà hình hộp ấy? Ông có còn nhớ những ngày vận độc chiếc quần cộc, giơ lưng với nắng trời để vun vén cho những gốc hoa hồng trổ nụ đơm bông? Và nữa, đâu rồi những vạt cúc, vạn thọ, hoàng anh... của hơn mười năm trước? Đường Cây Trâm, hầu như suốt ngày, chẳng hề bị chói chang bởi nắng nóng phương Nam. Buổi sáng chủ nhật, ngồi trong một quán cà phê cóc, nhìn dòng người ngược xuôi dưới hai hàng cây tỏa đầy bóng mát, tôi chợt ước ao ở Sài Gòn có thật nhiều con đường như thế. Sự thay da đổi thịt cho bộ mặt đô thị đâu chỉ đơn giản là mọc lên thật nhiều khối nhà uy nghi, đầy cửa kính và máy lạnh. Những đường phố khi được sửa sang hay mở mới, xin các nhà quy hoạch nhớ thêm vào thiết kế hạ tầng hai hàng cây bên đường. Bởi hai hàng cây không chỉ dành cho những người mơ mộng, nó là một nhu cầu cần thiết (nếu không muốn nói là bức thiết) của thị dân. Đi trên đường Cây Trâm, nhiều khi tôi cảm tưởng như mình đang đi trên những con đường nhỏ quanh Thành nội ở Huế hồi còn đi học. Cũng đung đưa cây lá và hoa nắng nhảy múa trên mặt đường. Chỉ hơi khác một chút là ở Huế, dĩ nhiên, những con đường luôn mang nhiều nét ưu tư và trầm mặc hơn. Thế đấy, ở nơi này lại nhớ nơi kia. Nhớ thương bao giờ cũng có những lý lẽ riêng. Một con đường nhỏ thôi cũng mang trong mình câu chuyện của nó. Đường Cây Trâm, chẳng biết cái tên có tự lúc nào để rồi trở thành những kỷ niệm với những ai đã từng chứng kiến sự đổi thay của nó. Tôi tin Sài Gòn có bao nhiêu con đường là có bấy nhiêu câu chuyện. Nhưng chắc chắn những con đường trơ trọi nhựa đường, hầm hầm hơi nóng thì câu chuyện của nó sẽ thiếu đi ít nhiều thi vị, phải thế không? TTCT cảm ơn các bạn: Trúc Giang, Trương Thị Thơ, Trịnh Như Thùy,... đã gửi bài viết cho mục Nhật ký thành phố. Mọi thư từ, bài vở cộng tác mục này xin gửi: tuoitrecuoituan@tuoitre.com.vn, mục Nhật ký thành phố.
Mở chiếc rương di cảo của sử gia Trần Trọng Kim VIỆT ANH (VIỆN NGHIÊN CỨU HÁN NÔM) 02/07/2025 1990 từ
"Ba người vượt ngục Guyane": Để tin yêu - dù cuộc đời có những éo le lịch sử NGUYỄN THỊ NGỌC HẢI 01/07/2025 2011 từ
Tổng Bí thư: Có chính sách đãi ngộ đặc biệt thu hút ít nhất 100 chuyên gia hàng đầu về nước THÀNH CHUNG 06/07/2025 Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu xây dựng chính sách đãi ngộ đặc biệt (vượt khung lương, nhà ở, môi trường làm việc) để thu hút ít nhất 100 chuyên gia hàng đầu về nước làm việc.
Người lái drone cứu 2 trẻ bị kẹt lũ: Xin đừng gọi tôi là người hùng TRẦN VĂN NGHĨA (NGƯỜI LÁI DRONE CỨU 2 EM NHỎ KẸT LŨ TRÊN SÔNG BA) 06/07/2025 Tôi không nghĩ hành động của mình lại gây nhiều chú ý trên báo chí và mạng xã hội mấy ngày qua như vậy. Mấy hôm nay tôi nhận được khá nhiều lời thăm hỏi, ngợi khen từ những người quen lẫn không quen trên mạng xã hội.
Lắp đặt rotor 585 tấn vào nhà máy thủy điện mở rộng lớn nhất Việt Nam NGỌC AN 06/07/2025 Vào 11h20 sáng 6-7, sau ba tiếng lắp đặt, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã hạ đặt thành công rotor tổ máy số 1 dự án thủy điện Hòa Bình mở rộng (tỉnh Phú Thọ).
Ngôi chợ tại Đà Nẵng tê liệt sau trận lụt bất ngờ giữa mùa hè THANH NGUYÊN 06/07/2025 Sáng 6-7, nhiều quầy hàng tại chợ Thanh Vinh (phường Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) phải đóng cửa để khắc phục hậu quả sau trận mưa lớn đêm qua.