TTCT - Bây giờ thì nó đã gần 30, gầy nhẳng, da đen cóc cáy, tóc xơ xác cứng. Quanh năm đánh một bộ đã cũ, cáu ghét và bụi bặm, chụp một cái mũ bóng chày có lưỡi trai cũng cáu bẩn không khác gì áo quần. Có là tài thánh cũng không sao tưởng tượng nổi cái bộ cánh ấy lúc còn mới nhìn ra sao, màu gì... Minh họa: VIIP Nó chạy một chiếc xe máy cũ rích rình rịch - cũng gọi là chiếc xe máy - chất đầy hàng rong, dăm ba cái bóng bay hình cá, hình gà phất phơ. Vợ nó cũng đẩy một cái xe, lọc cọc len lỏi các xóm thợ, bán đủ thứ đồ lặt vặt rẻ tiền: dăm cái nhíp nhổ râu, vài gói bim bim, mấy cái móc chìa khóa... Mỗi đứa một ngả trong cái thành phố nhộn nhịp suốt từ sáng tới tối inh tai nhức óc tiếng xe cộ rầm rập này. Đút nút cả vô một chỗ thì có mà ăn cám sao, bán ai mua? Vả lại, nếu mấy ông “đô thị” có đuổi, có bắt cũng không đến nỗi trắng tay cả hai. Trưa thì tùy nghi, ai ăn người nấy. Vô quán mua cơm 15.000 một ký, một tô canh rồi bạ gốc cây, hiên nhà nào đó ngồi chan canh với cơm trong cái bát nhựa to, xúc cái thứ hổ lốn ấy ăn. Khát thì nhịn, mót tiểu thì ghé vô siêu thị, tắm cũng vào siêu thị. Xe nhờ người bán hàng ngoài đường coi giùm. Cũng chả có mấy cái đáng giá mà để lo mất. Hơn nữa, cái xe ấy đố ai đi nổi, ngoài nó. Còn thì tiện gốc cây nào người Sài thành úp mặt vào đó dốc bia thải sau những cơn nhậu triền miên thì nó cũng làm y như người ta. Thành phố là của chung, dân thành phố đái bừa thế, nó cũng có quyền ấy chứ? Chả lẽ chỉ có những người ăn bận bảnh bao kia mới là người thôi sao? ... Gần 20 năm trước, cả nhà nó bỏ quê từ miền Trung khi thì hạn cháy, lúc lại lũ lụt trôi cửa trôi nhà, lần tìm đường vào thủ phủ ánh sáng. Ở chỗ có cái quầng sáng ban đêm ấy hẳn có rất nhiều người, mà ở đâu có nhiều người cùng đổ xô đến, ở đó hẳn có nguồn sống. Sểnh ra một hồi, cả cha lẫn mẹ hắn qua đời tất - tai nạn giao thông lẫn bệnh tật. Bỏ lại thằng bé bơ vơ, ngày ngày đi bán vé số dạo hay đánh giày, cái gì ra tiền - dù chỉ là số tiền còm cõi - là nó làm thôi, đắp đổi, lần hồi sống. Nhà của nó là các mái hiên nhà hàng phố, cứ co quắp mà dúi dụi ngủ. Ơn trời là Sài Gòn không mấy khi rét mướt, chứ nghe nói ngoài Bắc mà vạ vật thế có khi chết rét đấy. Cũng chẳng phải chỉ mỗi một mình nó. Đất nước thời bắt đầu mở cửa, những người rách rưới, mặt in hằn đắng cay từ các “khu kinh tế” lũ lượt đổ về thành phố, theo sau cũng là cả những bầy trẻ con như hắn. Một cái đêm như thế, lúc nó đã 16-17, từ ở đâu một đứa con gái chừng 15-16 tuổi dạt đến cái mái hiên mà nó vẫn tá túc hằng đêm. Con bé ngồi đó khóc. Xanh xao và rách rưới. Người ta đã tịch thu cái xe đẩy hàng rong của nó, giờ thì trắng tay. Và con bé đói. Ban đầu thì nó cũng kệ, bởi nó thấy thế nhiều rồi. Song không ngủ được. Ngủ sao được khi có một ai đó ngồi khóc ngay gần như thế chứ. Động lòng, nó móc mẩu bánh mì ăn dở ban tối đưa cho con bé gặm tạm, an ủi con bé cho nó hết tấm tức khóc. Dần dà thì chúng chia nhau cái mái hiên ấy, con bé ngày ngày đi bán hàng, tối khuya lại quay về chỗ đó. Ai người nấy ăn cái mình kiếm được, chỉ tựa vào nhau mà dỗ giấc ngủ sau cả ngày bụi bặm, nhọc nhằn. Rồi mãi thì cũng thương nhau mà “thành vợ thành chồng”. Niềm vui đôi khi cũng có, ấy là những đận ban ngày may mắn chạy thoát công an với trật tự đêm về kể cho nhau nghe, cười rinh rích; hoặc những ngày buôn may bán đắt hiếm hoi, ăn xong vẫn còn dư ra được chút tiền, vợ chồng góp lại để dành. Ngày con bé sinh con, thằng ấy vẫn đi bán hàng, buổi trưa mới tạt về qua nhà hộ sinh tuồn bát cơm chan sẵn canh qua cửa sổ. Cũng có thêm quả trứng, khi luộc, khi tráng. Giờ thì chúng cũng không thể hiểu được nếu con bé không tốt sữa thì làm sao chúng có thể nuôi nổi con. Ừ, Chúa có lẽ cũng không lấy đi tất của một ai, không triệt hẳn đường sống của người nào sất cả chăng? Nó quần quật đi bán hàng lấy tiền nuôi vợ con, song cứ mãi thế cũng không sao đủ cho được, đám tiền còm hai đứa dành dụm được nhanh chóng hết veo. Bần cùng, chúng đưa đứa bé cho nhà dòng nuôi đỡ vậy, giờ đã gần 10 tuổi rồi đấy. Để chồng lại một xe, vợ một xe đẩy, đêm lại về mái hiên ven đường, tiếp tục lầm lũi bên rìa của thành phố sáng choang choang. Cứ vậy mà chờ tháng chờ năm, cho đến bao giờ trời hửng sáng.■ Tags: Người bán rong
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Bộ Chính trị kỷ luật cảnh cáo ông Vương Đình Huệ THEO WEBSITE ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM 21/11/2024 Ngày 20-11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã xem xét, thi hành kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên có vi phạm, khuyết điểm.
Metro số 1 chạy chính thức ngày 22-12 CHÂU TUẤN 21/11/2024 Những công việc còn lại của dự án đường sắt đô thị số 1 Bến Thành - Suối Tiên (metro số 1) đang được các bên liên quan tập trung hoàn thiện. Dự kiến ngày 22-12, tuyến tàu điện này sẽ 'lăn bánh' chạy thương mại.
Phát hiện gần 150 bộ hài cốt giữa trung tâm Hà Nội khi cải tạo hệ thống thoát nước PHẠM TUẤN 21/11/2024 Trong quá trình cải tạo hệ thống thoát nước trên phố Tây Sơn (Đống Đa, Hà Nội), các công nhân đã phát hiện gần 150 bộ hài cốt có độ sâu gần 1 mét so với mặt đường.
Lần đầu lộ diện, con gái tỉ phú Nguyễn Đăng Quang bỏ 600 tỉ mua cổ phiếu Masan BÌNH KHÁNH 21/11/2024 Đăng ký mua 10 triệu cổ phần, song bà Nguyễn Yến Linh - con gái chủ tịch Tập đoàn Masan - chỉ mua được gần 8,5 triệu do "không đạt được thỏa thuận".