Chuyện từ những đô thị mặc áo nông thôn

TTCT - Không ít xã ngoại thành TP.HCM đang đô thị hóa rất nhanh, dân số, quy mô kinh tế ngang bằng hoặc vượt nhiều phường nội thành đang chật vật trong chiếc áo hành chính như các xã nông thôn khác.

Giữa những đòi hỏi của thực tiễn quản lý hành chính nơi đô thị và bài toán chặt chẽ về biên chế cán bộ cấp cơ sở, tránh chuyện “thêm việc, nở người” là những thách thức cho một chính quyền đô thị thật sự mà TP.HCM đang hướng đến.

Một góc khu dân cư Trung Sơn, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, TP.HCM - Ảnh: Minh Đức

Từ ngã tư Nguyễn Văn Cừ - Trần Hưng Đạo (quận 5), chỉ qua cây cầu Nguyễn Văn Cừ, đi thêm độ hơn 1km là tới khu dân cư Trung Sơn sầm uất, được quy hoạch rất bài bản, gồm nhiều biệt thự, cao ốc văn phòng san sát, đường sá thênh thang... Nhưng, địa chỉ ghi trên các biển hiệu cửa hàng lại “khiêm tốn”: ấp 4B, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh.

Chúng tôi gặp ông trưởng ấp 4B Nguyễn Tấn Tiếp ở trụ sở UBND ấp khi ông vừa đi vận động dân đóng tiền an ninh quốc phòng về. Tay quệt mồ hôi, ông Tiếp nói: “Ở ấp khác đi bộ mấy vòng là thu đủ, còn đây tui xách xe máy chạy mấy ngày trời mà chưa tới đâu”. Lời than thở ấy của ông trưởng ấp, chính quyền từ xã đến huyện ai cũng biết từ lâu, bởi diện tích ấp 4B tới 150ha, gấp rưỡi diện tích phường Bến Thành (quận 1). Còn dân số trên 6.000 người, xấp xỉ dân số của cả xã Bình Lợi cùng huyện.

Nếu xét về độ sầm uất của nhà cửa, đường sá và quy mô kinh tế, ấp 4B hẳn sẽ được coi là ấp “hoành tráng” nhất nước với hàng loạt khu dân cư - biệt thự lớn như Him Lam, Trung Sơn, Vạn Thịnh Phát, Sadeco..., dự án Bệnh viện Mắt TP, cả khu trung tâm TDTT Tân Trung Sơn. Tính sơ còn có hơn 200 trụ sở công ty, cửa hàng, quán ăn giăng khắp các tuyến đường.

Xã Trung Chánh và Thới Tam Thôn (huyện Hóc Môn) chỉ ngăn cách với quận 12 bởi đường Nguyễn Ảnh Thủ. Nếu không nhìn lên địa chỉ trên bảng hiệu cửa hàng hai bên đường thì không ai biết mình đang ở... xã. Hầu hết nhà mặt tiền đường Tô Ký trên địa phận xã Thới Tam Thôn và xã Trung Chánh được tận dụng để mở cửa hàng, quán ăn, kinh doanh cửa hàng quần áo, đồ điện, điện thoại di động, cửa hàng xe gắn máy, trụ sở công ty...

Cũng vẫn mang tên ấp nhưng ấp Mới 2, xã Trung Chánh nay chỉ còn vài hộ làm nông nghiệp. Ông Nguyễn Văn Thành, trưởng Ban nhân dân ấp Mới 2, cho biết cả ấp còn chừng mười căn nhà có vườn, còn lại là nhà hộp với diện tích 40-50m2.

“Nhiều hộ dân ở ấp này cắt đất bán lấy tiền cho con ăn học hoặc mở cửa hàng kinh doanh. Thanh niên trong ấp nghỉ học là đi xin việc ở các nhà máy, xí nghiệp quanh vùng” - ông Thành nói và gọi xã mình là “xã nội thị”, bởi tên vẫn là xã nhưng cuộc sống người dân không có gì khác những vùng nội thành.

Một góc ấp 4B, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, TP.HCM - Ảnh: Viễn Sự

Nỗi khổ của những ông trưởng ấp

“Theo quy định thì nhà ở nông thôn được miễn giấy phép xây dựng nhưng thực tế ở đây nhà nào cũng phải xin giấy phép xây dựng. Nếu miễn giấy phép xây dựng đúng như chế độ của nông thôn, ấp này sẽ loạn” - ông Thành cho biết.

Sống nơi sầm uất là vậy nhưng ông Nguyễn Tấn Tiếp không lấy gì làm vui vẻ. Vì có tên trên bản đồ hành chính là “ấp” nên bộ máy quản lý hành chính cũng chỉ như các thôn, ấp ở bao vùng miệt vườn, miệt ruộng khác. 

Đại diện cho chính quyền của một vùng hơn 6.000 dân ở ấp 4B chỉ có mình ông, mức lương 650.000 đồng/tháng, cộng thêm một công an chính quy và một công an viên do xã cử xuống để giải quyết chuyện an ninh trật tự. 

Nỗi vất vả của ông Tiếp không phải là cá biệt ở nhiều ấp, xã đang đô thị hóa vùng giáp ranh nội thành. Câu chuyện của anh Nguyễn Công Toàn - cán bộ địa chính xã Tân Kiên (Bình Chánh) - cũng tương tự. Trước khi về Tân Kiên theo dạng luân chuyển cán bộ, anh Toàn từng là cán bộ địa chính kiêm tài nguyên và môi trường, cấp phép xây dựng ở xã Bình Lợi. Nhưng dù một mình ôm đến ba chức ở Bình Lợi, anh Toàn vẫn thong thả hơn nhiều lần khi về Tân Kiên làm công việc địa chính cùng hai cán bộ khác.

Ở Bình Lợi, mỗi ngày anh Toàn chỉ phải tiếp nhận chừng 5-10 hồ sơ cho tất cả các lĩnh vực, nhưng khi về Tân Kiên không ngày nào dưới 25 hồ sơ. Những việc đột xuất cũng theo dân số mà gấp lên nhiều lần. “Tháng 7-2012, mấy anh em địa chính tụi tui phải đi xác minh thêm 6.000 hồ sơ trong lần điều tra đất đai phi nông nghiệp. Trong khi ở các xã thuần nông thì dạng đất đai này rất ít, nên có điều tra cũng không tốn mấy thời gian” - anh Toàn nói.

“Quá tải” đã trở thành từ dùng chung cho công việc quản lý hành chính ở các xã đô thị hóa hiện nay. Cứ tính số dân thì biết lượng việc kèm theo: Bà Điểm (Hóc Môn): 68.000 người, Vĩnh Lộc B (Bình Chánh): 71.200 người, Bình Hưng (Bình Chánh): 67.000 người... Tức là gấp 4-5 lần nhiều xã cùng huyện, gấp đôi một phường đông dân ở nội thành.

Không chỉ dân số, cơ cấu kinh tế của những xã này còn nghiêng về công nghiệp và dịch vụ nhiều hơn cả những phường nội thành. Mức đóng góp của nông nghiệp trong tỉ trọng kinh tế ở xã Bình Hưng (Bình Chánh) chỉ còn 0,56%, Vĩnh Lộc B chỉ còn 2,3%. Còn tại Bà Điểm (Hóc Môn), một xã từng được nhắc đến như một vùng nông thôn kiểu mẫu của TP.HCM chỉ còn chưa tới 5% diện tích (35/705ha) là đất nông nghiệp.

Khi đến mấy xã này, chúng tôi chỉ có thể gặp được lãnh đạo xã vào giờ nghỉ trưa, sau rất nhiều lần hẹn rồi thay đổi lịch làm việc đều từ một lý do duy nhất: bận ký giấy tờ cho công dân. Ông Trần Văn Cần - chủ tịch UBND xã Bình Hưng - nói trung bình mỗi ngày lãnh đạo xã phải ký cỡ... 1.000 chữ ký dạng sao y, chứng thực, chưa kể lâu lâu lại có những đợt kiểm kê, điều tra về thuế hay đất đai. Trong tháng 7-2012 có 16.000 bộ hồ sơ về đất phi nông nghiệp phải ký gần 50.000 chữ ký, rồi gần 3.000 chữ ký nữa cho giấy thông báo thuế.

Để có thể giải quyết hết số hồ sơ này, ông Nguyễn Văn Phó - bí thư kiêm chủ tịch UBND xã Tân Kiên (Bình Chánh) - cho biết ban lãnh đạo xã gồm chủ tịch và hai phó chủ tịch phải cử hẳn một người thay phiên nhau ký giấy tờ cho dân, họp hành có khi cũng phải “trốn” bớt để khỏi ùn ứ hồ sơ. Trong khi đó ở xã Bà Điểm (Hóc Môn), ông Trương Hùng Cường - chủ tịch UBND xã - cho hay cán bộ xã nhiều lúc phải làm thêm cả thứ bảy, chủ nhật. Ông Trần Văn Cần còn nói vui: “Nếu chỉ tính theo số chữ ký của lãnh đạo xã, chắc phải chia Bình Hưng thành năm xã mới đủ”.

Thiếu tá Mai Thống Nhất - trưởng Công an xã Bình Hưng (Bình Chánh) - cũng than: “Bình Hưng giáp tới tám phường xã của quận 8, quận 7 và huyện Nhà Bè nên nội chuyện họp giao ban với các phường, xã và đi tuần vùng giáp ranh đã hết thời gian”. Đồng nghiệp của ông Nhất ở xã Tân Kiên, thiếu tá Nguyễn Ngọc Trường - trưởng công an xã - cũng nói với 10.000 phòng trọ trên địa bàn xã, nếu ráng lắm thì mỗi năm cũng chỉ ghé được 1-2 lần để kiểm tra hành chính.

Nhưng khác với phường, công an xã chỉ có khoảng 50% quân số là chính quy, còn lại là công an viên, hưởng lương lẫn phụ cấp vỏn vẹn 1,9 triệu đồng/tháng, không bao giờ có quân hàm lẫn tăng hệ số lương trong khi phải làm công việc chẳng khác công an chính quy là mấy.

Tất cả những sự quá tải ấy chưa có đường giảm tải vì những quy định hiện hành về cán bộ. Theo nghị định 92 của Chính phủ, cứ thêm 2.000 dân mới có thêm một cán bộ không chuyên trách. Do đó mà ở xã Tân Kiên (Bình Chánh), trung bình một cán bộ phải phụ trách khoảng 1.000 người dân. Nhiều chức danh cán bộ mà cấp xã không được cấp biên chế buộc các cán bộ phải kiêm nhiệm đủ thứ chức danh.

Tại các xã Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B, Tân Kiên (Bình Chánh), Bà Điểm (Hóc Môn), trên địa bàn có hàng chục nhà máy, cơ sở sản xuất nhưng luật lại không có phép cấp xã có biên chế cán bộ môi trường.

Lên thị xã để gỡ vướng?

Trao đổi với TTCT, ông Trần Trọng Tuấn - chủ tịch UBND huyện Bình Chánh lúc đó (nay là giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM) - cho rằng không nâng cấp những xã đô thị hóa ở Bình Chánh thành phường thì sẽ khó tháo gỡ bất cập, quá tải, nhưng nâng cấp Bình Chánh lên quận thì vẫn còn nhiều xã nông nghiệp khác chưa đô thị hóa, khó thành lập phường. Vì vậy đề xuất nâng Bình Chánh lên thị xã sẽ dung hòa được vướng mắc này, khi cấp hành chính trực thuộc của thị xã có thể bao gồm cả phường và xã.

Theo ông Tuấn, đề xuất này của Bình Chánh không đơn thuần là biện pháp “chữa cháy” mà có cơ sở xét về dân số và cơ cấu kinh tế, khi dân số Bình Chánh hiện gần 470.000 người, gấp chín lần quy mô dân số đủ điều kiện lên thị xã. Lao động trong lĩnh vực phi nông nghiệp cũng trên 83%, trong khi quy định của thị xã chỉ từ 75% trở lên. Trên địa bàn huyện cũng có nhiều khu công nghiệp và mạng lưới giao thông liên quận, liên tỉnh quan trọng.

Không chỉ Bình Chánh mà Nhà Bè và Hóc Môn cũng bắt đầu quan tâm tới mô hình chính quyền cấp thị xã. Bởi đây cũng là hai huyện có tốc độ đô thị hóa tăng nhanh, đặc biệt là các xã giáp với nội thành. Mới đây, UBND TP.HCM đã đề xuất Bộ Nội vụ cho phép nâng cấp các huyện đô thị hóa thành quận hoặc thị xã.

“Không chỉ ở Bình Chánh, nhiều xã ở các huyện khác cũng đang đô thị hóa rất nhanh. Cơ chế hành chính không cho phép các xã này tự thay đổi kết cấu bộ máy mà đòi hỏi phải có sự thay đổi từ cấp hành chính cao hơn. Cụ thể là khi huyện Bình Chánh thành quận hoặc thị xã thì các xã này mới có thể thành phường.

Đối với đề xuất của Bình Chánh, từ huyện xin lên thị xã phải đi theo quy trình đã quy định trong nghị định 62/2011, tức UBND huyện phải xây dựng đề án thành lập thị xã, lấy ý kiến cử tri, trình HĐND cấp xã thông qua đề án. UBND huyện trình HĐND cùng cấp thông qua đề án trước khi trình UBND cấp tỉnh. Sở Nội vụ thẩm định đề án do UBND huyện trình, báo cáo UBND cấp tỉnh. UBND cấp tỉnh trình HĐND cùng cấp thông qua trước khi trình Chính phủ xem xét, quyết định. Hiện nay đề xuất của Bình Chánh đã đưa lên tới Thành ủy.

TP.HCM đã kiến nghị trung ương cho phép thí điểm mô hình chính quyền đô thị, và đang rất đau đáu với mô hình này”.

Ông LÊ HOÀI TRUNG (phó giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM)

Không thể dùng một thước đo chung

“Câu chuyện về sự quá tải trong quản lý hành chính ở các xã đô thị hóa tại TP.HCM... chính là một minh chứng cho sự bất cập vì dùng chung một thước đo đánh giá công việc của bộ máy hành chính của tất cả các địa phương. Các xã đông dân như Bình Hưng, Vĩnh Lộc mà vẫn áp dụng một khuôn mẫu về chính quyền như các xã bình thường khác thì không ổn, khó khăn là tất yếu. Tuy nhiên thể chế pháp lý hiện nay chưa cho phép địa phương có những thay đổi theo đặc thù của mình, từ biên chế xã phường đến những phòng ban, bộ phận từ trên xuống dưới ở tất cả các địa phương đều theo một mô hình. Điều này rõ ràng là không phù hợp.

Giải pháp căn cơ nhất là giao quyền chủ động cho đô thị lớn, để các đô thị này tự quyền quyết định thiết kế bộ máy hành chính địa phương. Nhưng làm được điều này phải thay đổi rất nhiều, không chỉ trong cơ chế mà cả trong tầm nhìn của những người đứng đầu TP.

TP.HCM cũng là nơi thể hiện rõ nhất sự bất hợp lý của mô hình chính quyền địa phương đóng khung từ trên xuống dưới, áp dụng chung cho mọi TP mà không tính đến đặc thù riêng. TP đã nhận ra điều này từ nhiều năm trước. Từ năm 2007, khi đề án chính quyền đô thị đưa ra, TP đã đề xuất cho thành lập các TP ở bốn hướng đông tây nam bắc, trong đó một phần của Bình Chánh sẽ thuộc một trong các TP đó.

Đề xuất của Bình Chánh lên thị xã hiện tại là để tháo gỡ vướng mắc, nhưng theo tôi, về lâu dài thì sẽ không căn cơ, vẫn là “rách đâu vá đó”. Cần phải có những nghiên cứu cụ thể để xem việc đưa Bình Chánh lên thị xã sẽ tác động như thế nào đối với khu vực nông thôn còn lại. Nếu Hóc Môn, Nhà Bè rồi Củ Chi cũng có đề xuất tương tự thì lại phải tiếp tục xem xét, thẩm định. Do vậy, cần tìm một giải pháp chung”.

Ths VÕ NGỌC ANH(phó phòng tổng hợp Viện Nghiên cứu và phát triển TP.HCM)

“Vừa rồi Bộ Nội vụ đã cho phép TP.HCM tăng thêm chức danh, ưu tiên thêm cán bộ cho 61 xã, thị trấn. Đúng là một xã 60.000-70.000 dân thì không thể chỉ có bộ máy cán bộ như một xã bình thường. Tuy nhiên về lâu dài thì phải đặt trong tổng thể, đó là mô hình chính quyền đô thị thí điểm, đang chờ Bộ Chính trị phê duyệt. Đồng thời phải chờ tổng kết nghị quyết trung ương 5 khóa IX và một phần của nghị quyết trung ương 6 khóa X xem xét về cán bộ cơ sở, cái gì được, chưa được và sẽ có những thay đổi cần thiết để khắc phục những bất cập này. Sau đó sẽ có quyết sách cụ thể về chính quyền cơ sở, có những quy chế đặc thù riêng cho các địa phương.

Vấn đề có một thị xã trong lòng TP như TP.HCM đang bàn (với ví dụ ở Bình Chánh) nằm trong đề án chính quyền đô thị mà trung ương đã giao cho Bộ Nội vụ thực hiện. Nhưng tôi khẳng định là tất cả đều phải nằm trong một tổng thể chung, chứ không thể thực hiện đơn lẻ”.

Ông NGUYỄN THÁI BÌNH (bộ trưởng Bộ Nội vụ)

__________

Trước những khúc mắc trong quản lý hành chính như chuyện xảy ra ở Bình Chánh, nhiều nơi nghĩ ngay đến việc xin thêm biên chế cán bộ.

Trong bối cảnh cả hai chủ trương lớn về đổi mới tổ chức bộ máy các cơ quan Đảng, định hướng về tổ chức bộ máy nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội; đổi mới, nâng cao chất lượng hệ thống chính trị cơ sở phường - xã, thị trấn đều đặt vấn đề giảm biên chế, nhiều người đã giật mình với con số biên chế của cả nước hiện đã lên 1,5 triệu người...

Trong cuộc khảo sát tại TP.HCM mới đây, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang băn khoăn trước tốc độ “nở nồi” biên chế: “Tôi nhớ trước đây biên chế chỉ khoảng 400.000-500.000 người, bây giờ đã 1,5 triệu người, kinh khủng như thế. Hô khẩu hiệu cải cách tiền lương, nhưng hô sao được, phải rút lui thôi”. 

Ông cho rằng việc dân số tăng, thầy thuốc và thầy giáo tăng là tự nhiên, nhưng tất cả bằng đó con người (như hiện nay), mà toàn là sự nghiệp công hết thì không có nước nào dùng ngân sách trả lương đủ để cải thiện đời sống bằng lương.

Chỉ tiêng tại TP.HCM, cuối năm 2012 HĐND TP đã phê chuẩn tổng biên chế sự nghiệp năm 2013 của UBND TP là hơn 119.000 biên chế. Trong khi đó, tổng biên chế hành chính được phê chuẩn hơn 13.000 biên chế. Tổ chức có gọn lại, nhưng biên chế vẫn tăng.

Trên có gì, dưới có nấy?

Phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân (TP.HCM) thành lập từ năm 2003, hiện có hơn 55.000 dân ở 11 khu phố, 157 tổ dân phố. Dân số đã tăng hơn 150% so với lúc mới thành lập phường.

Ông Nguyễn Gia Thái Bình - bí thư Đảng ủy phường Bình Hưng Hòa B - cho biết biên chế khối Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị xã hội phường (chưa kể tổ chức xã hội, trạm y tế, trường học) là 52 người. Đây là số được hưởng lương. Nhưng ngoài số cán bộ được hưởng lương, ngân sách còn phải trả phụ cấp, hỗ trợ với các mức khác nhau cho nhiều vị trí như tổ trưởng, tổ phó dân phố… tính tổng cộng khoảng 500 người. 

Ở Hà Nội cũng có thực tế tương tự, tại một phường phải trả lương và phụ cấp cho hơn 600 người giữ các vị trí công việc khác nhau.

Toàn TP.HCM có 1.990 khu phố, ấp (tăng hơn 22% so với năm 2002) và hơn 25.000 tổ dân phố, tổ nhân dân. TP đang duy trì chính sách trợ cấp cho hoạt động khu phố, ấp 3,5 triệu đồng/tháng (42 triệu đồng/năm); tổ dân phố, tổ nhân dân 350.000 đồng/tháng (4,2 triệu đồng/năm). Bộ máy của phường, xã, thị trấn hiện nay của TP.HCM có hơn 12.000 cán bộ, trong đó có gần 3.000 cán bộ chuyên trách, gần 6.000 cán bộ không chuyên trách... 

Dù vậy, lãnh đạo phường Bình Hưng Hòa B vẫn kêu cán bộ công chức quá tải công việc và kiến nghị cứ dân tăng thêm 3.000 người thì cho bố trí thêm một biên chế, đồng thời không thực hiện cán bộ không chuyên trách ở phường.

Giải thích chuyện biên chế ở TP.HCM cứ tăng, lãnh đạo UBND TP cho rằng dân số tăng, kèm theo đó bao nhiêu công việc phát sinh phải làm. Như vậy, do quy mô dân số và khối lượng công việc quản lý nhà nước nên cần tăng người ở mức phù hợp để quản lý. 

Nhưng câu hỏi mà một thành viên trong đoàn khảo sát - ông Nguyễn Hoàng Việt, phó Ban Tổ chức trung ương - nêu “Mỗi lần có thêm chức năng, nhiệm vụ, dân số tăng lên thì biên chế tăng theo, chẳng lẽ làm mãi như thế? Liệu tính toán về tổ chức bộ máy, có thể giảm biên chế, kể cả giảm số người cấp phó…” là không dễ trả lời.

Đây cũng là điều mà người đứng đầu Nhà nước băn khoăn. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang lưu ý: “Lâu nay mình có quan niệm thế này, mà không trúng, dân số tăng thì bộ máy đi theo, kinh tế tăng thì bộ máy lớn lên. Như thế không lẽ nước lớn nhất thế giới, giàu có là nước Mỹ với hơn 16.000 tỉ USD GDP thì bộ máy khủng khiếp?”. Theo tính toán của cơ quan chức năng, nếu mỗi xã, phường tăng một biên chế thì cả nước sẽ tăng hơn 1 vạn biên chế, kéo theo rất nhiều khó khăn trong giải quyết tăng lương và thực thi các chế độ khuyến khích khác…

Bí thư Thành ủy TP.HCM Lê Thanh Hải cho biết có chi bộ cơ sở phải ký đến 30 văn bản báo cáo trong một tháng, khối lượng công việc của phường, xã, thị trấn quá lớn, có nơi mỗi tháng thực hiện thủ tục sao y, chứng thực trên 2.500 bộ hồ sơ, mỗi ngày trên 1.200 chữ ký. Ông Hải lo lắng bộ máy “chạy” theo công việc như thế sẽ dễ dẫn đến quan liêu, vì “muốn anh em gần dân thì cũng không thể gần được”.

Theo ông Lê Thanh Hải, một số chủ trương chính sách hiện không còn phù hợp thực tiễn, đã trở nên bức xúc, nếu tiếp tục bám theo thì không giảm biên chế được. Ngay cả ở phường, xã cũng có khối nội chính. Với tổ chức như thế thì dứt khoát biên chế phải phình ra chứ không giảm được vì chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy đã được định sẵn. “Không thể làm khác, nếu làm khác là cố ý làm trái liền” - ông Hải băn khoăn và đề nghị cần nghiên cứu từ chức năng, nhiệm vụ của chính quyền cơ sở để từ đó định ra bộ máy như thế nào, biên chế bao nhiêu.

Lưu ý về thực tế liên tục đề xuất tăng người, phình bộ máy như một biểu hiện cho “chức năng, nhiệm vụ của bộ máy có vấn đề”, Chủ tịch nước nhận định “thực tế diễn biến như thế là mâu thuẫn rất lớn với nhu cầu cải cách tiền lương theo hướng để công chức sống được bằng lương” - một mục tiêu mà theo ông là vẫn chưa đạt được.

Người dân đến chứng thực các loại giấy tờ tại UBND xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, TP.HCM - Ảnh: Minh Đức

Gợi mở nhiều lối thoát

Theo ông Nguyễn Hoàng Việt, hai chuyện cần quan tâm hàng đầu là khối sự nghiệp và khối phường, xã (kể cả cấp dưới phường, tức những người đang đảm đương các công việc được chi phụ cấp hằng tháng). Nếu tác động vào hai khối này theo hướng tích cực thì có thể sẽ điều chỉnh giảm biên chế dễ dàng hơn.

Chẳng hạn, nếu khối sự nghiệp công ở TP.HCM (chủ yếu là giáo dục, y tế) với hơn 100.000 người mà “xã hội hóa” lo được khoảng 30-50% số này, thì đã góp phần giải quyết được một số lượng lớn.

Một hướng khác cũng được mở ra mà TP.HCM là một trong những địa phương đầu thí điểm: không tổ chức HĐND quận, huyện và phường. Qua thí điểm ở tất cả 19 quận, 5 huyện và 259 phường, bước đầu cho thấy chủ trương này phù hợp với điều kiện thực tế của TP vì bộ máy tổ chức tinh gọn hơn mà không ảnh hưởng đến kết quả hoạt động thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng, chăm lo đời sống người dân…

Việc thí điểm mô hình bí thư đồng thời là chủ tịch UBND (nhất thể hóa) tại 67 đảng bộ phường, xã, thị trấn và năm quận, huyện bước đầu cũng được khẳng định là “mang lại hiệu quả”, trước hết từ tăng hình thức kiêm nhiệm, giảm số lượng người… Dẫu vẫn còn tâm trạng chưa yên tâm nếu triển khai đại trà có thể dẫn đến độc đoán, chuyên quyền, bố trí cán bộ không đúng dễ xảy ra tình trạng gia trưởng, mất dân chủ, song lối ra là khá sáng rõ nếu việc chọn cán bộ có cơ chế sàng lọc để tìm được người đủ chuẩn.

Theo Bộ Nội vụ, nếu thực hiện “nhất thể hóa” tốt thì cả nước sẽ giảm được khoảng 11.000 người. Nếu tính theo mức khoán cho cán bộ phường 74 triệu đồng/năm (như TP.HCM), thì việc tiết kiệm nhân sự này sẽ giúp tiết kiệm được khoản tiền khá lớn, có thể giúp tăng thu nhập cho người kiêm nhiệm.

TP.HCM vẫn khẳng định quyết tâm thực hiện mô hình chính quyền đô thị như nhiều năm qua đã kiến nghị để giải quyết cái gốc của vấn đề. Đây là một mô hình có thể giúp giảm từ 24 đầu mối ở quận, huyện xuống còn bảy đầu mối, hoàn toàn không còn biên chế ở cấp phường mà biên chế sẽ từ cấp quận bố trí xuống. Theo đó, ở TP chỉ còn hai cấp là TP và khu vực, còn quận, phường chỉ là đơn vị hành chính, không phải chính quyền một cấp. Làm được như vậy thì tổ chức Đảng, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể sẽ đi theo, số người sẽ giảm mạnh.

Vấn đề mấu chốt còn lại là hiệu quả của bộ máy và nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ công chức. Đi kèm với nó, một cách thiết yếu, là câu chuyện tăng thu nhập cho đội ngũ này. “Cái gì cũng muốn, đòi hỏi… nhưng hỏi đến tiền lương anh em bao nhiêu thì nín thinh là không được” - Chủ tịch nước nhấn mạnh. Ông cho rằng cần khuyến khích chế độ kiêm nhiệm và đây là tiền đề để Bộ Chính trị trình ra trung ương đề án cải cách chính sách tiền lương. “Không thể để (bộ máy) nguyên trạng rồi hô hào tăng lương, không có đâu”.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận