TTCT - Thành công của Hàn Quốc nhờ nhiều yếu tố, nhưng quan trọng nhất là phản ứng nhanh. Một điểm xét nghiệm "lái xe qua" ở Hàn Quốc. Ảnh: ABC News Hàn Quốc đã khiến thế giới trầm trồ với cách kiểm soát dịch hiệu quả. Từ ca nhiễm đầu tiên được xác nhận ngày 20-1, chỉ ba tháng sau, nước này đánh dấu ngày 30-4 là ngày đầu tiên sau nhiều tháng không có thêm ca mới được chẩn đoán. Thành công của Hàn Quốc nhờ nhiều yếu tố, nhưng quan trọng nhất là phản ứng nhanh. Vào cuối tháng 1, chỉ một tuần sau khi có ca nhiễm đầu tiên, các quan chức chính phủ đã thúc giục các công ty phát triển ngay bộ kit xét nghiệm và chuẩn bị cho việc sản xuất hàng loạt. Mệnh lệnh này có thể thi hành được là nhờ bài học kinh nghiệm từ dịch MERS (hội chứng hô hấp cấp Trung Đông) năm 2015. Từ sau trận dịch đó, Seoul đã xây dựng năng lực sản xuất nội địa các bộ xét nghiệm chẩn đoán bằng cách giao cho lĩnh vực tư nhân. Nhờ phản ứng nhanh, hành động quyết liệt mà đến giữa tháng 2, khi Anh còn đang cãi nhau về miễn dịch cộng đồng còn Tổng thống Mỹ Donald Trump dự đoán “virus sẽ biến mất kỳ diệu trong mấy tuần tới”, Hàn Quốc đã sản xuất được hàng ngàn bộ xét nghiệm mỗi ngày. Cuối tháng đó, quốc gia này đã có thể xét nghiệm hàng chục ngàn người mỗi ngày, trong khi Mỹ mới làm được 300-400 test/ngày. Đến ngày 5-3, Hàn Quốc đã xét nghiệm 145.000 người, hơn cả số người được test ở Mỹ, Anh, Pháp, Ý và Nhật cộng lại, theo The Atlantic. Và đến giữa tháng 3, khi WHO kêu gọi các quốc gia có dịch hãy “xét nghiệm, xét nghiệm và xét nghiệm”, số người được xét nghiệm mỗi ngày ở Hàn Quốc đã đạt trung bình 12.000, có khi lên đến 20.000, với tổng cộng 270.000 người được xét nghiệm tính tới thời điểm đó. Bí quyết thành công khác của Hàn Quốc là địa điểm xét nghiệm. Để tránh quá tải cho bệnh viện, chính phủ lập 600 điểm xét nghiệm trên toàn quốc và hàng trăm buồng lấy mẫu (walk-in booth) - nơi người dân đứng trong buồng có một lỗ để nhân viên ở ngoài dùng que lấy phết mũi họng và điểm lấy mẫu “ghé xe qua” (drive-through) - chỉ cần lái xe đến và ngồi yên trong xe khi lấy mẫu. Các điểm xét nghiệm lưu động này hoàn toàn miễn phí và chỉ mất 10 phút, kết quả được gửi thẳng vào điện thoại sau 24 tiếng. Một buồng lấy mẫu ở Hàn Quốc. Ảnh: AFP Hai mô hình điểm xét nghiệm này giải quyết được khâu tốc độ - địa điểm thuận tiện, không phải chờ đợi ở bệnh viện và cả an toàn - giảm tiếp xúc giữa nhân viên y tế với người cần lấy mẫu. Một bài học thành công: cho đến cuối tháng 2, Bệnh viện H Plus Yangji ở nam Seoul chỉ có thể thực hiện khoảng 10 xét nghiệm mỗi ngày, nhưng con số này tăng lên 90 vào cuối tháng 3, chỉ 20 ngày sau khi áp dụng sáng kiến buồng xét nghiệm. Điều khiến Hàn Quốc thu hút sự chú ý của thế giới là tất cả những thành công nói trên lại không ngốn quá nhiều ngân sách. Asia Times ngày 15-6 dẫn lời bà Kim Sun Min, chủ tịch Cơ quan đánh giá và giám định bảo hiểm y tế Hàn Quốc (HIRA), cho biết ngân sách hệ thống bảo hiểm y tế quốc gia duyệt cho năm 2020 là 62 tỉ USD, song mới chỉ 0,5% được chi để chống COVID-19. Theo hướng dẫn của Cơ quan Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc và nhờ hệ thống chăm sóc y tế toàn dân, những người có triệu chứng về hô hấp, sốt, có di chuyển quốc tế và có thể đã tiếp xúc với người dương tính với SARS-CoV-2 sẽ được làm xét nghiệm miễn phí, theo ABC News. Những người không có triệu chứng cũng có thể yêu cầu được xét nghiệm và tự trả phí, khoảng 140 USD.■ Tags: Hàn QuốcCOVID-19Xét nghiệm
Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc: Nếu Quốc hội đồng ý, sẽ áp thuế 10% với tất cả loại hình báo chí THÀNH CHUNG 28/11/2024 Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết nếu Quốc hội đồng ý, sẽ áp mức thuế thu nhập doanh nghiệp với báo in và các loại hình báo chí khác là 10%.
Nghệ sĩ Bạch Tuyết có bằng tiến sĩ hay chỉ là chứng nhận khen thưởng của RADA? TRẦN HUỲNH 28/11/2024 Một chuyên gia giáo dục tại Anh cho biết không tìm thấy tên nghệ sĩ Bạch Tuyết trong danh sách cựu sinh viên của RADA. Nghi vấn bà không phải cựu sinh viên và không có bằng tiến sĩ của RADA.
Cháy cửa hàng dịch vụ mai táng ở Nha Trang, 4 người trong gia đình tử vong TRẦN HOÀI 28/11/2024 Một cửa hàng dịch vụ mai táng ở phường Phương Sài, TP Nha Trang (Khánh Hòa) cháy lớn, 4 người trong gia đình tử vong.
Một quán ăn có quy định 'lạ': Không cho trả tiền giùm bàn khác QUỐC NAM 28/11/2024 Một quán ăn sáng tại huyện miền núi Tuyên Hóa (Quảng Bình) từ gần một năm qua thực hiện một quy định rất 'lạ': Không cho bàn này trả tiền giùm cho bàn kia.