Có còn là đối thoại ?

DANH ĐỨC 15/06/2018 02:06 GMT+7

TTCT - Bầu không khí trong ba ngày Đối thoại Shangri-La (SLD) không còn mang tính đối thoại như tôn chỉ, thay vào đó là “độc thoại” cùng “đấu khẩu” ngày càng hằn học, cũng là phản ánh hiện tình ở Thái Bình Dương. May thay, vẫn còn hi vọng về một sự chia sẻ và hiểu biết chung.

Từ trái sang: các bộ trưởng quốc phòng Nhật Bản Tomomi Inada, Mỹ James Mattis và Úc Marise Payne tại đối thoại Shangri-La. Ảnh: Japan Times
Từ trái sang: các bộ trưởng quốc phòng Nhật Bản Tomomi Inada, Mỹ James Mattis và Úc Marise Payne tại đối thoại Shangri-La. Ảnh: Japan Times

 

Bài diễn văn khai cuộc của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, bên cạnh lý luận về một không gian địa chính trị mới “Ấn Độ - Thái Bình Dương”, còn nhắc nhở luật pháp quốc tế: “Tôi tin rằng sự thịnh vượng và an ninh chung của chúng ta đòi hỏi chúng ta xây đắp, thông qua đối thoại, một trật tự chung cho khu vực dựa trên luật pháp..., dựa trên chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ cũng như sự bình đẳng của tất cả các quốc gia, bất chấp quy mô và sức mạnh...

Tất cả chúng ta đều có quyền tiếp cận một cách bình đẳng theo luật pháp quốc tế để sử dụng không gian chung trên biển và trên không, quyền tự do hàng hải, thương mại không bị cản trở và giải quyết tranh chấp hòa bình theo luật pháp quốc tế”.

Khiếm diện tự nhiên thành

Hai ngày đối thoại tiếp theo sôi nổi thật đấy song lại mang tính “độc thoại” ngoài ý muốn. Đơn giản là do đối tác đối thoại đồng cấp là bộ trưởng quốc phòng Trung Quốc tiếp tục vắng mặt mà không ủy quyền cho một cấp phó tương xứng.

Lần cuối cùng Trung Quốc cử bộ trưởng quốc phòng đến dự là vào năm 2011, tướng Lương Quang Liệt. Năm sau đó, một trung tướng của Học viện Khoa học quân sự đi thay, rồi qua năm 2013 và 2014 là các phó tổng tham mưu trưởng Thích Kiến Quốc và Vương Quán Trung. Năm 2015 và 2016 là đô đốc Tôn Kiến Quốc, phó tham mưu thuộc Quân ủy trung ương. Năm 2017 và năm nay lại là một tướng học giả.

Việc Trung Quốc cử các tướng “không quân” dự SLD là một động thái gây nhiều tranh luận. Có ý kiến cho rằng sự giảm cấp này là do họ xem nhẹ SLD, do không muốn đối thoại về chính sách, hoặc do diễn đàn SLD quá “phương Tây” với họ (Trung Quốc đã tự tổ chức một diễn đàn song song, diễn đàn Hương Sơn, nhưng tới kỳ thứ 7-2016 thì ngưng).

Có thể thấy qua chiến thuật “vắng mặt” này, Bắc Kinh đã coi như triệt tiêu ý nghĩa của SLD, mà tôn chỉ là “tạo điều kiện liên lạc dễ dàng và tiếp xúc hiệu quả giữa các nhà hoạch định chính sách và an ninh quan trọng nhất trong khu vực”.

Vấn đề không chỉ là Biển Đông. Trong phiên họp toàn thể thứ nhì về “giảm leo thang cuộc khủng hoảng Triều Tiên” chẳng hạn, các bộ trưởng quốc phòng Hàn Quốc, Nhật Bản và cả Canada đến đã đăng đàn để bày tỏ ý kiến, nhưng do vắng người đồng cấp Trung Quốc, một trong những nước chi phối quan trọng nhất với vấn đề Triều Tiên, họ chỉ còn cách đoán mò ý định của Bắc Kinh.

Tương tự, phiên toàn thể về “Định hình trật tự an ninh châu Á” khi bộ trưởng quốc phòng các nước Việt Nam, Indonesia và Úc nói ra quan điểm của mình, cũng như muốn nghe các nước kia muốn gì như thế nào thì nhân vật chính yếu lại “tự ý vắng mặt”. Cùng với những lần “khiếm diện” liên tục này, các hoạt động ở Biển Đông cũng dồn dập hơn. Phương Tây gọi đó là chiến thuật “xúc xích salami”, còn phương Đông ví von là “tằm ăn dâu”. Cũng như nhau cả.

Lấy gì thay đối thoại?

Rất ít bày tỏ chính kiến và ý định một cách công khai, nhưng Trung Quốc lại đặt nhiều câu hỏi có tính chất “sinh sự” ở diễn đàn. Có thể nêu thí dụ ở phiên toàn thể thứ nhất mà Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đã đăng đàn với đề tài “Vai trò lãnh đạo của Mỹ và các thách thức an ninh Ấn Độ - Thái Bình Dương”. Những câu hỏi của Trung Quốc bao gồm:

Đại tá Triệu Tiểu Trác: “Hoa Kỳ đã gửi tàu tuần dương tên lửa Antietam và tàu khu trục tên lửa Higgins đến vùng lãnh hải của Trung Quốc. Tôi nghĩ rằng đó là một sự vi phạm luật pháp nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, lãnh hải và vùng tiếp giáp. Và đó cũng là sự khiêu khích rõ ràng với an ninh quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc. Tôi nghĩ đó là việc quân sự hóa ở Biển Đông dưới bình phong sự tự do hàng hải. Vì vậy, tôi muốn có bình luận của ông về điều này”.

Bộ trưởng Mattis: “Vâng, đại tá, tôi nghĩ ta có thể dựa trên cách các tòa án quốc tế đã xem xét vùng biển này. Vùng biển này, với chúng tôi, là vùng biển quốc tế tự do và mở. Tất cả chúng ta đều nói về một Thái Bình Dương, một châu Á - Thái Bình Dương, một Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và và rộng mở. Tự do có nghĩa là tự do cho tất cả các quốc gia, lớn và nhỏ, qua lại trên không phận quốc tế, hải phận quốc tế.

Theo truyền thống, lịch sử và luật pháp, đây không phải là quan điểm xét lại. Đây là quan điểm truyền thống, đã được thiết lập và được các tòa án quốc tế củng cố, độc lập với chúng tôi, chúng tôi không kiểm soát thực tế đó mà là căn cứ theo UNCLOS. Và chúng tôi hành động tương ứng với sự diễn giải luật pháp quốc tế như thế.

Chúng tôi không thực hiện tự do hàng hải chỉ vì nước Mỹ, mà là cho tất cả các quốc gia lớn và nhỏ, cần phải đi qua những vùng biển đó vì sự thịnh vượng của chính họ, và họ có mọi lý do để làm như vậy.

Vì vậy, chúng tôi không xem việc đi qua những gì mà theo truyền thống là một hải phận quốc tế là hành động quân sự hóa. Chúng tôi xem đó là sự khẳng định lại trật tự dựa trên luật pháp. Và tôi, một lần nữa, sẽ tới Bắc Kinh để thảo luận thêm về vấn đề này theo lời mời của chính phủ ngài vào cuối tháng này...”.

Cũng thế, sau khi nghe nữ bộ trưởng bộ quân lực Pháp Florence Parly phát biểu: “Nước Pháp không phải là một bên tranh chấp lãnh thổ trong khu vực và sẽ không là như thế. Nhưng chúng tôi nhấn mạnh vào hai nguyên lý của trật tự quốc tế dựa trên luật pháp: các tranh chấp phải được giải quyết bằng các phương tiện và thương lượng hợp pháp, chớ không phải do “sự đã rồi” và quyền tự do hàng hải phải được đảm bảo”.

Một nữ thiếu tướng Trung Quốc đã đặt câu hỏi rằng Pháp không phải là một bên đàm phán, sao bà Parly lại nói đến một COC phải có tính ràng buộc, bất chấp những “sự đã rồi”, và dựa trên luật quốc tế nào bà nhận xét như thế. Đây là một thí dụ tiêu biểu cho quan niệm “Trung Nguyên” đã tồn tại từ ngàn đời, nhưng là của một Trung Quốc đang trỗi dậy mạnh mẽ và đòi một tiếng nói và ảnh hưởng lớn hơn.

Bằng cách “phục kích” ở các phiên hỏi - đáp, các học giả quân sự Trung Quốc tạo ồn ào, khỏa lấp những “sự đã rồi” mà quân đội nước này đã và đang làm trên Biển Đông, để rồi từ đó “biến không thành có” - điều mà nữ Bộ trưởng Parly nhấn mạnh.

Vùng biển này, với chúng tôi, là vùng biển quốc tế tự do và mở

 

James Mattis (bộ trưởng quốc phòng Mỹ)

Âm mưu thay đổi luật chơi

Một điểm rất mới ở SLD kỳ này là sự dấn thân của hai cường quốc châu Âu - thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc - Pháp và Anh, cũng như các nước Úc, Đức, Ấn Độ... Chưa bao giờ Trung Quốc gặp phải những phản ứng cương quyết như thế.

Bà Parly nói thay cho nhiều người: “Điều chúng tôi sắp hoặc đang làm trên cơ sở thường xuyên với các đồng minh và thân hữu là bày tỏ cam kết với quyền tự do hàng hải... Theo luật pháp quốc tế, sự thực hành liên tục có thể biến thành một quyền. Thành ra, nếu những “sự đã rồi” cứ không bị đặt vấn đề, nó có nguy cơ biến thành quyền nghiễm nhiên”, và “chính khi chúng tôi thực hành sự tự do hàng hải..., bổ sung, đưa thêm nhiều đối tác châu Âu nữa vào tự do hàng hải trên Biển Đông, chúng tôi đóng góp vào trật tự dựa trên luật pháp”.

Bộ trưởng Quốc phòng Anh Gavin Williamson tiếp lời: “Tôi muốn nhắc lại điều bộ trưởng Pháp vừa nói rằng chúng tôi sẽ tiếp tục bảo toàn quyền tự do hàng hải, quyền tự do đi lại mà rất nhiều thế hệ trong quá khứ đã làm, rằng chúng tôi muốn nói rõ rằng đó là điều rất nhiều nước chứ không chỉ Pháp, Anh, Hoa Kỳ hay Úc, mong muốn...”.

Đến đây, ông Williamson nói đến vấn đề cốt lõi những toan tính thay đổi luật chơi của Trung Quốc khi nay họ cảm thấy đã đủ nguồn lực: “Cần phải cho thấy qua hợp tác sẽ có khả năng tìm thấy giải pháp cho các vấn đề, và rằng luật lệ hiện hành là luật lệ được đại đa số trên thế giới chấp nhận chứ không chỉ người Anh, người Pháp, người Mỹ... Luật lệ chuyển biến song hiện giờ quý vị cần phải ở trong hệ thống đó, phải góp phần vào việc hậu thuẫn các luật hiện có”.

Nữ Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Tomomi Inada cũng cùng sự tin cậy “muôn điều đã có thần linh pháp quyền” đó: “Luật pháp quốc tế đặt ra các chuẩn mực hành vi được và không được chấp nhận với mỗi quốc gia khi tiến hành các công việc ngoại giao, kinh tế và an ninh của nước đó. Cam kết chung của tất cả các quốc gia là hành động phù hợp với các quy tắc quốc tế nhằm mang lại một thế giới an toàn, ổn định và bao trùm mọi nước.

Đó là một thế giới mà tất cả các nước bình đẳng trước pháp luật..., ở đó mọi quốc gia chia sẻ kỳ vọng về cách các quốc gia khác sẽ hành xử..., những căng thẳng và khác biệt được giải quyết một cách hòa bình, không sử dụng hoặc đe dọa vũ lực để thay đổi hiện trạng...

Luật lệ quốc tế phải thích nghi và phát triển để có thể thích ứng với các hoàn cảnh thay đổi, nhưng không phải theo những quan điểm thiển cận và gây rối loạn. Không một quốc gia nào có lợi nếu định thay đổi trật tự dựa trên luật lệ hiện hành bằng sức mạnh”.

Trong bối cảnh đó, việc các bộ trưởng quốc phòng Anh và Pháp loan báo tới đây hải quân hai nước sẽ cùng thực hiện tự do hàng hải một cách thường xuyên ở Biển Đông có thể xem như một nỗ lực đáng ghi nhận nữa. Việc hai tàu hải quân Pháp vô cảng Sài Gòn tuần trước mà không bị ai “xét hỏi” cho dù có “gặp nhau” trên biển, theo lời một chỉ huy đoàn tàu, là một dấu chỉ tích cực khác cho thấy (1) hiện tình không còn cảnh một mình một chợ; (2) vấn đề Biển Đông có nguy cơ tới mức “tức nước vỡ bờ”, trở thành quan tâm hành động chung; và (3) điều Trung Quốc rất ngại trước kia - “quốc tế hóa” Biển Đông - nay đã thành hiện thực. ■

 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận