Có nên chấp nhận “già thì lẫn”?

PHI HÀ 20/03/2019 06:03 GMT+7

Cứ 3 giây, thế giới lại có thêm một người mắc sa sút trí tuệ. Hiện nay, toàn thế giới có khoảng 50 triệu người bị sa sút trí tuệ. Riêng trong năm 2018, chi phí cho sa sút trí tuệ toàn cầu đã vượt qua con số 1.000 tỉ USD.

TS Nguyễn Tuấn Anh
TS Nguyễn Tuấn Anh

 

Việt Nam đang có những bước khởi đầu thiết lập hệ thống bằng chứng cho một kế hoạch ở tầm quốc gia về phòng chống sa sút trí tuệ. Là người tham gia dự án này, TS NGUYỄN TUẤN ANH - nghiên cứu viên cao cấp của Trung tâm nghiên cứu dược và chất lượng sử dụng thuốc, Trường đại học Khoa học y dược thuộc Đại học Tổng hợp Nam Úc trao đổi với TTCT về những dự định sắp tới.

Thực trạng sa sút trí tuệ ở Việt Nam hiện nay như thế nào, thưa ông?

- Chưa có số liệu thống kê chính xác, nhưng một số nghiên cứu dịch tễ của GS Phạm Thắng và các nhà nghiên cứu trong nước cho thấy có 4-8% người từ 60 tuổi trở lên bị bệnh sa sút trí tuệ. Tỉ lệ dân số 60 tuổi trở lên năm 2015 là 10%, tăng lên 28% năm 2050. Có thể ước tính số người mắc bệnh sa sút trí tuệ tại Việt Nam vào năm 2030 là 1,2 triệu người và con số này sẽ tăng gấp đôi vào giữa thế kỷ này.

Theo ước tính của GS Wimo tại Viện Karolinska (Thụy Điển), tổng chi phí cho sa sút trí tuệ của Việt Nam năm 2015 khoảng 960 triệu USD, trong đó chi phí cho y tế trực tiếp là 267 triệu USD, chăm sóc xã hội là 132 triệu USD, chăm sóc không chính thức (thành viên trong gia đình chăm sóc cho nhau) là 561 triệu USD. Tính bình quân chi phí cho mỗi người bệnh sa sút trí tuệ khoảng 1.500 USD/năm, một con số không nhỏ, chưa nói tới gánh nặng sức lực, tinh thần cả gia đình họ phải mang theo.

Thực tế việc nghiên cứu và điều trị sa sút trí tuệ ở Việt Nam hiện nay như thế nào?

- Thực chất vấn đề nâng cao nhận thức cho cộng đồng, cho cán bộ y tế và cho các nhà hoạch định chính sách là hết sức quan trọng. Đấy là một trong những vấn đề đầu tiên trong 7 nội dung trong kế hoạch hành động toàn cầu của WHO về phòng chống sa sút trí tuệ; nhận thức và thân thiện với sa sút trí tuệ; giảm nguy cơ gây sa sút trí tuệ: điều trị, chăm sóc và hỗ trợ bệnh nhân; hỗ trợ người chăm sóc; hệ thống thông tin về sa sút trí tuệ: nghiên cứu và cải tiến.

Tuy nhiên, về vấn đề này ở Việt Nam hiện nay có rất ít nghiên cứu, phần lớn là các khảo sát về mức độ phổ biến của sa sút trí tuệ ở quy mô nhỏ tại các tỉnh riêng lẻ. Chúng ta cần khảo sát mức độ phổ biến trên quy mô toàn quốc (các nghiên cứu dịch tễ), gánh nặng bệnh tật và tài chính, các nghiên cứu về kinh tế y tế, gánh nặng chăm sóc, chính sách, phòng các yếu tố nguy cơ, điều trị, chăm sóc và hỗ trợ...

Vấn đề đầu tiên là hệ thống hóa lại xem có những nhóm nghiên cứu nào ở Việt Nam đang nghiên cứu về sa sút trí tuệ, sau đó cần định hướng nghiên cứu để phục vụ việc hoạch định chính sách, điều trị và chăm sóc. Tiếp nữa là nâng cao năng lực nghiên cứu cho các nhà nghiên cứu về sa sút trí tuệ trong nước.

Chúng tôi vừa nộp một hồ sơ xin kinh phí tới Viện Sức khỏe Hoa Kỳ để có thể phát triển nguồn nhân lực nghiên cứu về sa sút trí tuệ và nâng cao năng lực nghiên cứu cho đội ngũ này, bao gồm cả các kỹ năng về thiết kế nghiên cứu, phân tích dữ liệu và xuất bản trên các tạp chí quốc tế có uy tín. Nếu hồ sơ thành công, bắt đầu từ tháng 7 này chúng tôi sẽ triển khai vấn đề đó.

minhhọa

Năm ngoái đã có một hội thảo quốc tế về sa sút trí tuệ được tổ chức tại Việt Nam đặt vấn đề sự cần thiết phải xây dựng kế hoạch quốc gia về phòng chống sa sút trí tuệ của Việt Nam, kết quả thế nào, thưa ông?

- Hội thảo như một bước khởi động cho một hành trình dài phía trước để vận động xây dựng kế hoạch quốc gia về phòng chống sa sút trí tuệ. Sau đó tiếp tục nhận được tin vui: hồ sơ dự án xin kinh phí từ NHMRC/NAFOSTED để thiết lập hệ thống bằng chứng khoa học cho việc xây dựng kế hoạch quốc gia của Việt Nam đã được phê duyệt.

Kinh phí nghiên cứu này được chính phủ hai nước Úc và Việt Nam đồng tài trợ, thể hiện sự ủng hộ của hai chính phủ cho dự án. Dự án sẽ bắt đầu triển khai từ tháng 4 năm nay đến tháng 3-2022, dự kiến có các kết quả cuối cùng phục vụ công tác phát triển kế hoạch quốc gia phòng chống sa sút trí tuệ cho Việt Nam.

Hội thảo có mặt các chuyên gia và nhà hoạch định chính sách về sa sút trí tuệ hàng đầu thế giới. Chúng tôi đã mở hai lớp tập huấn về sa sút trí tuệ và đào tạo y học lão khoa cho khoảng 260 bác sĩ thần kinh, lão khoa, bác sĩ gia đình, điều dưỡng trên cả nước.

Ngoài kinh phí đồng tài trợ bởi hai chính phủ để thực hiện chương trình, điều quan trọng nữa là nhóm nghiên cứu đã tạo dựng được uy tín để nhận được sự quan tâm giúp đỡ của các tổ chức quốc tế có liên quan.

Bên cạnh đó, để chuẩn bị cho dự án lớn này, tôi đã xin hợp tác với Bệnh viện Lão khoa trung ương và các đối tác từ Mỹ như UCD, USC trong nghiên cứu “REACH Việt Nam”, nhằm ứng dụng mô hình phù hợp với Việt Nam can thiệp cộng đồng để nâng cao chất lượng cuộc sống và hỗ trợ người nhà chăm sóc bệnh nhân sa sút trí tuệ tại Việt Nam.

Nhóm cũng vừa hoàn thành một hồ sơ dự án tiến hành thử nghiệm đối chứng can thiệp này ở quy mô lớn hơn trong thực tế địa phương và nâng cao năng lực nghiên cứu về sa sút trí tuệ cho Việt Nam. Hi vọng sẽ có tin vui trong vài tháng tới.

Nghiên cứu về vấn đề sử dụng thuốc an toàn hợp lý cho người bệnh sa sút trí tuệ như thế nào?

- Chúng tôi đã xây dựng một chương trình nghiên cứu về chủ đề này cho nhóm Vietnam dementia research group của chúng tôi tại Bệnh viện Lão khoa trung ương, bắt đầu bằng việc khảo sát tình hình sử dụng thuốc cho các bệnh nhân đến khám trong chương trình chăm sóc sa sút trí tuệ quốc gia của bệnh viện, để tìm hiểu việc dùng các thuốc không hợp lý có thể gây trầm trọng suy giảm nhận thức trên bệnh nhân và các yếu tố liên quan.

Đơn thuốc của tất cả các bệnh nhân trong hai năm 2015 và 2016 được thu thập và phân tích. Nghiên cứu đã phát hiện 41% người bệnh đang sử dụng ít nhất một thuốc có khả năng không hợp lý và nhiều vấn đề khác. Cần phải nhấn mạnh rằng đây không phải là vấn đề duy nhất ở Việt Nam, những vấn đề tương tự cũng xảy ra ở Úc, Mỹ, Anh...

Có kinh nghiệm nào ở các nước khác, theo ông, có thể là bài học cho Việt Nam?

- Ở Indonesia chẳng hạn, tôi thấy họ đã làm được những điều mà tôi không thể ngờ. Họ trở thành thành viên của Hiệp hội Alzheimer thế giới từ rất sớm, nhờ đó mà nhận được rất nhiều sự hỗ trợ từ hiệp hội này.

Họ tổ chức những hoạt động để nâng cao nhận thức cho cộng đồng về bệnh sa sút trí tuệ. Nhờ vậy người dân biết khi nào cần tìm kiếm sự hỗ trợ của y tế, khi nào cần sự hỗ trợ của xã hội. Hiện tại, thế giới không gọi là “bệnh nhân sa sút trí tuệ” nữa, thay vào đó là “những người sống với vấn đề sa sút trí tuệ”, tiếp cận như những người bị khiếm khuyết.

Có nhiều ví dụ cho thấy người sa sút trí tuệ vẫn có thể sống một cuộc sống bình thường, vẫn có thể làm những công việc mà thậm chí nhiều người bình thường không làm được.■

Hiện một nhóm nghiên cứu đang thiết lập hệ thống bằng chứng nhằm góp phần xây dựng kế hoạch quốc gia phòng chống sa sút trí tuệ ở Việt Nam. Nhóm nghiên cứu đến từ Đại học Nam Úc, Bộ Y tế, Đại học Y Hà Nội, Bệnh viện Lão khoa trung ương, Đại học New South Wales, Viện Nghiên cứu y học và sức khỏe Nam Úc, Đại học Sydney, Đại học California, Davis (UCD).

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận