Cớ sao lại buộc tính tiền giấc mơ?

MINH ANH 28/10/2017 20:10 GMT+7

TTCT - “Mưa” là chủ đề của buổi học vẽ hôm ấy. Con bé dứt khoát không vẽ đến một giọt nước. Nó bảo vẽ lúc tạnh mưa. Cô giáo gợi ý tạnh mưa vẫn có nước trên đường. Nó cắn môi, lắc đầu nguây nguẩy... Nó không muốn gợi lại cái ngày mưa u ám ấy, ngày mẹ bỏ nó lại một mình trên đời...

d
Tranh vẽ chủ đề món ăn Nhật Bản của bé Đặng Ngọc Bảo Minh (9 tuổi, TPHCM)

 

Ý tưởng đã có cô giáo nghĩ giùm và vẽ sẵn trên bảng, học trò chỉ việc răm rắp chép tranh thật chỉn chu, tô thật đều đẹp, việc chọn màu đôi khi cũng được cô hướng dẫn thật tỉ mỉ...

Tất cả là những nhiệm vụ quá nặng nề với con tôi, một đứa trẻ lớp 3 không thuộc típ con ngoan, trò giỏi theo cách đóng khung của trường học thời hiện đại. Chỉ riêng chuyện chép tranh của cô giáo đã là cực hình với nó.

Chẳng hạn mây của nó khi mang hình thù của gã khổng lồ từ thế giới cổ tích mà bước ra khệnh khạng giữa trời, khi là chú gấu Pooh chạy giỡn vui đùa, khi giống hệt cái nấm đùi gà khổng lồ nó vẫn thích xơi...

Nó bảo chưa bao giờ nhìn thấy mây có hình oval răng cưa mà lúc nào cô cũng vẽ lên bảng. Nhưng nó không có lựa chọn nào khác, mây của cả lũ học trò chúng nó phải là bản sao mây của cô.

Nó bức bối lắm, về nhà “phán” một câu xanh rờn: “Mẹ, con không học vẽ nữa”. Đến đây, tới lượt mẹ nó xanh mặt. Vẽ là một môn bắt buộc trong chương trình giáo dục ở trường học, nếu được chọn không học, mẹ nó đã chọn không học cho nó từ lâu.

Thôi thì đành tìm một giải pháp dung hòa: hứa cho nó được học ở một lớp vẽ tha hồ tưởng tượng, tha hồ sáng tạo, tha hồ tung tẩy với những ý tưởng “điên rồ” chưa bao giờ có giới hạn của nó. Mà làm sao đảm bảo một lớp vẽ không bao giờ đóng khung?

Tôi không biết nhiều về các trung tâm hội họa nên tổ chức lớp học ở nhà xem ra là giải pháp khá an toàn.

c
 

 

Xơi luôn cả mây trời!

Sau vài tuần mất kha khá công sức tìm hiểu, tôi mời về nhà một cô sinh viên mỹ thuật năm 3, rủ thêm vài đứa bạn lí lắc khác của 2 “siêu quậy” để hình thành một lớp vẽ theo ý chúng nó: không có tranh mẫu, không có áp đặt, lũ trẻ được “vọc” đủ loại chất liệu khác nhau, được thoải mái trao đổi các ý tưởng “quái lạ”...

Cũng có khi phải nhắc nhở vì chỉ có 6 đứa con nít mà nói chuyện rôm rả quá, cười to quá, “điên” nhiều quá, quần áo mặt mũi lấm lem quá... Nhưng cứ nhìn thành phẩm của chúng sẽ hiểu chúng sướng đến đâu. Đến buổi vẽ tĩnh vật tưởng là “tĩnh” nhất, ít có cơ hội “điên rồ” nhất với một chai tương cô giáo đặt làm mẫu trên bàn, tới khi nhìn thành phẩm của 6 đứa trẻ con mới biết chúng không bao giờ thôi tưởng tượng.

Con bé Mickey mê khoa học vẽ chai tương đeo cái kính đen ngòm với nhãn “Tương điện tử” và giải thích tương của nó có mắt, có thể tự điều chỉnh độ cay dựa vào tiếng xuýt xoa của người ăn. Con bé Minh hảo ngọt vẽ chai tương dâu với những trái chín đỏ mọng mà nó bảo sau này nhất định không còn là con nít nó cũng sẽ vẫn sản xuất vì trẻ con đứa nào cũng thích dâu.

Có đứa bí ý tưởng thì quay sang chơi chữ, vẽ một chai tương to tướng và ghi lên nhãn là “tương lai, 1.000 năm sau sẽ có”...

Cũng có những khi cả 6 đứa bé thỏa hiệp và “copy” ý tưởng của nhau. Như khi cô giáo ra chủ đề khinh khí cầu, cả 6 đứa đều biến khinh khí cầu thành những bữa tiệc ngọt ngào. Khinh khí cầu của chúng là những ly cà phê ngộ nghĩnh (khoang ngồi) bốc khói (dây nối) móc vào cái bánh doughnut sôcôla mới nhìn đã chảy nước miếng (quả cầu).

Tất nhiên, bọn chúng chẳng dại gì chịu ăn chung một món, nhất là khi không phải... trả tiền. Có đứa chọn quả cầu là miếng pizza đầy xúc xích khoái khẩu, đứa biến quả cầu thành viên kem ngọt lạnh mát lịm, có đứa còn tận dụng cơ hội mà vừa bay vừa với tay cho mây vào miệng: mây của nó toàn hình bánh kẹo, sôcôla...

Khi học kỹ thuật vẽ hoa bằng đầu ngón tay, có đứa thử nghiệm với cả 10 đầu ngón... chân rồi cười sung sướng với thành phẩm khác lạ của nó. Trước chủ đề nặn hình búp bê dễ thương bằng đất sét Nhật, có đứa nặn thêm cái bục cao cho “búp bê tổng thống” đứng trên đó.

Từ nhỏ con bé mạnh mẽ đó đã mơ làm chính trị gia. Đứa khác biến búp bê thành chiến binh tương lai quái dị, biến luôn cái dây ruybăng đỏ thắm mà cô giáo chuẩn bị sẵn để nó thắt nơ cho búp bê thành “chiến tích” trên mình của chiến binh sau trận chiến chống lại loài khủng long ăn thịt người mới hồi sinh...

Khỏi phải nói cũng biết lũ trẻ sung sướng, reo ca, nhảy cẫng... ra sao trong những giờ hội họa như thế. Cả 6 đứa, sung sướng được thể hiện, được gửi gắm ước mơ, được bay bổng cao vời. Hội họa đã cho chúng tất cả cơ hội đó.

b
 

 

Mỗi bức tranh là một câu chuyện

Đến lượt tôi, một bà mẹ bận rộn, phải cảm ơn hội họa vì những cơ hội mà nếu không có nó, tôi đã không hiểu được những góc yên ắng trong tâm hồn 2 siêu quậy. Có lần con bé lớn của tôi vẽ một bình hoa trông không có gì đặc biệt với một cành hoa héo rũ rơi trên bàn.

Tôi bâng quơ hỏi con đặt tên tranh là gì thì nhận được câu trả lời làm tôi vô cùng tò mò: “Luân hồi”. Lời giải thích của con bé 10 tuổi cho tôi biết nó đã bắt đầu chiêm nghiệm về cuộc đời, không phải lúc nào cũng vô tư như con trẻ nữa:

“Con không hiểu sao người lớn cứ nói hoa sớm nở tối tàn. Con thấy cuộc đời có bao giờ thiếu hoa đâu? Hoa này tàn thì hoa khác sẽ nở. Con vẽ bức này vì muốn nói với người lớn rằng thế giới vẫn luôn nở hoa”.

Tôi thầm cảm ơn cô bé sinh viên năm 3 non tay nghề đã không ép con tôi vẽ cái lọ chỉ toàn hoa nở, nếu không làm sao nó diễn tả được triết lý của nó?

Trong lần đi dự buổi triển lãm tranh amateur của đám trẻ con vẽ không chuyên, do các bà mẹ tổ chức và nghe những đứa trẻ kể về những bức tranh của nó, tôi thấy thật thú vị.

Cậu bé An Nguyên 13 tuổi vẽ con thuyền chống chọi với những ngọn sóng hung hãn vì “con rất thương và muốn diễn tả nỗi vất vả của những bác ngư dân đi đánh cá”, cô bé Mai Phương 14 tuổi vẽ hoa tulip màu xanh dẫu chưa bao giờ thấy màu hoa đó vì “con muốn diễn tả sự bình yên trong bức tranh”, cậu bé Hoàng Minh 8 tuổi vẽ cây đàn đặt trên biển tuyệt đẹp mà không mảy may sợ nước muối làm hỏng đàn vì “con tin là đàn sẽ không hỏng”...

Hẳn là em Nguyên đã không thể diễn tả tình cảm với bác ngư dân nếu vẽ bức tranh đó ở trong một ngôi trường rập khuôn - nơi chỉ có những con thuyền trôi trên biển xanh bình lặng.

Hẳn em Phương sẽ không thể đem sự bình yên đến với người xem tranh nếu cô giáo thích đóng khuôn chưa từng thấy tulip màu xanh. Hẳn cậu bé Minh sẽ không thể thả cây đàn trôi lãng mạn trên biển nếu có cặp mắt giám sát của một cô giáo thích khuôn mẫu.

e
 

 

Ngày mưa không có... nước

Lần khác, tôi đến chơi với các em nhỏ mồ côi ở lớp vẽ miễn phí của một dự án thiện nguyện mang tên Vẽ từ trái tim tại mái ấm Mai Tâm (Q.Thủ Đức, TP.HCM). Chủ đề hôm đó rất gọn: Mưa. Đã có rất nhiều nước chảy khắp các bức tranh trong buổi chiều mưa hôm đó.

Cô bé Kathy mơ mộng vẫn như mọi ngày thích thú trải câu chuyện của mình thành tranh: một cô bé ngồi bên khung cửa sổ ngắm những hạt mưa giữa với ánh mặt trời rực rỡ và cầu vồng lấp lánh.

Con bé Pepsi cá tính đầy mình hôm đó vẽ một ngôi nhà nhỏ với 2 đứa trẻ dưới những hạt mưa to như cục đá, còn thêm sấm sét đáng sợ. Nhưng rồi Pepsi đã mỉm cười với điểm nhấn cuối cùng trước khi hoàn thành bức tranh nguệch ngoạc: vẽ thêm cô giáo vào ngôi nhà để làm mẹ 2 đứa trẻ.

Riêng con bé trong góc phòng kia dứt khoát không vẽ đến một giọt nước. Nó bảo chỉ vẽ lúc tạnh mưa thôi. Cô giáo - một tình nguyện viên không nhận lương - gợi ý tạnh mưa vẫn thường có những vũng nước trên đường. Con bé cắn môi, lắc đầu nguây nguẩy... Cuối cùng nó chỉ vẽ một cái cầu vồng thật to.

Bẵng đi nhiều ngày sau đó, tôi mới biết rằng mẹ nó - người thân duy nhất trên đời của nó - đã đi xa mãi mãi, bỏ lại nó một mình trơ trọi trên thế gian này trong một ngày mưa tầm tã. Đó là lý do nó có mặt ở mái ấm này, cũng là lý do nó dứt khoát không chịu vẽ đến một hạt nước trong bức tranh.

Nó không muốn gợi lại một tí nào cái ngày mưa đen tối đó. Nghe xong câu chuyện, tôi bất giác sợ hãi đến toát mồ hôi. Nếu là cô giáo của con tôi ở trường, có khi nước mưa đã buộc phải rơi trong bức tranh của con bé. Và nước mắt có khi đã lại xát vào trái tim bé nhỏ thổn thức nỗi đau của nó.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận