Cơn bão năm Giáp Thìn ở Nam kỳ

HAYDON CHERRY 17/09/2024 12:13 GMT+7

TTCT - Lịch sử trăm năm qua cho thấy những dấu mốc nặng nề diễn ra trong các năm Giáp Thìn mà bão tố thiên tai là một đặc điểm lớn.

Những cơn bão năm Giáp Thìn 1904, 1964 và nay 2024, cách nhau đúng 60 năm đều dữ dội và gây nhiều thiệt hại. Nhưng như những gì Haydon Cherry - nhà sử học chuyên nghiên cứu về Đông Nam Á hiện đại, đặc biệt là Việt Nam - đã tập hợp từ nhiều nguồn tài liệu lịch sử để tái hiện cơn bão Giáp Thìn 1904, ta thấy được những khác biệt căn bản và lớn lao về kinh tế, xã hội và ứng xử nhưng cũng thấy được những căn tính trường tồn của người Việt trong hoạn nạn và mất mát, nhất là sự đoàn kết và tương trợ lẫn nhau, là chưa bao giờ mai một.

Bài viết sau trích từ quyển Chìm nổi ở Sài Gòn: Những cảnh đời bần cùng ở một thành phố thuộc địa (tác giả Haydon Cherry, Nguyễn Việt Anh dịch, Nguyễn Quang Diệu hiệu đính, Omega+ và NXB Tổng Hợp TP.HCM, 2023)

Cơn bão năm Giáp Thìn ở Nam kỳ - Ảnh 1.

Ngập lụt ở Nam Kỳ năm 1905 - một đại lộ ở Sa Đéc. Ảnh: La Dépêche coloniale illustrée, số ra ngày 15-4-1907. Nguồn: Thư viện Quốc gia Pháp

Một cơn bão càn quét qua Nam Kỳ vào ngày 2-5-1904 [Giáp Thìn]. Nó đổ bộ vào đất liền sau nửa đêm, quét qua các tỉnh thuộc địa.

Ở tỉnh Bà Rịa, làng chài Long Hải mất 30 chiếc thuyền sau khi bão quét qua, gần 200 cư dân thiệt mạng. Thiên tai làm lật các cây cầu, cuốn trôi nhiều con đường, cắt nguồn cung cấp nước ngọt và khiến hai biệt thự do chánh quyền quản lý ở thị trấn Ô Cấp không thể ở được. Một số cư dân ở đây đã mất tích: một lính Pháp chết đuối sau khi cứu hai người Việt và 19 chiếc ghe bầu bị lật hoặc chìm, ít nhất 52 người tử vong. Chiến hạm Pascal của Pháp cứu được 18 người sống sót sau khi thuyền của họ bị đắm.

Ở tỉnh Gò Công, sóng cồn cuốn vài ngôi làng ven biển ra ngoài khơi. Cơn bão khiến nhiều người Việt ở tỉnh Mỹ Tho mất nhà cửa. Ngay cả những tòa nhà kiên cố nhất, được xây dựng từ gạch đá, cũng bị hư hại nghiêm trọng. Một vài chiếc xuồng lớn (launche) và hai tàu nạo vét (dredge) neo đậu trên các con sông bị bão đánh chìm. Bão tàn phá các ruộng lúa ở Mỹ Tho và Gò Công.

Ở cả hai tỉnh này và ở những tỉnh xa hơn về phía nam như Cần Thơ và Vĩnh Long, nước sinh hoạt bị ô nhiễm khiến dịch tả bùng phát. Một căn bệnh lạ lây lan trên đàn trâu, khiến việc cày cấy và tái canh tác gặp khó khăn gấp đôi. Bão khiến nhiều người dân Vĩnh Long và Bến Tre bị thương và mất nhà cửa. Ngay tại vùng thượng lưu Cao Miên [nay là Campuchia], bão cũng làm đổ cây cối ở Nam Vang (Phnom Penh) và khiến các tòa nhà, cả loại kiên cố lẫn loại mong manh, bị hư hại. Bão nhấn chìm những con tàu neo đậu trên bờ sông Mekong và cắt đứt đường điện tín. Thống sứ Cao Miên phải gửi bản báo cáo bằng đường bộ sang Sài Gòn để rồi nó tiếp tục được chuyển tới chánh quyền ở Hà Nội.

Bão ập vào Sài Gòn trong khi thành phố đang yên giấc. Những cơn dông dữ dội làm bật nhiều gốc cây, cây cối ngã đổ nằm đầy trên đường phố. Trong vườn của dinh Toàn quyền [nay là dinh Độc Lập], bão quật ngã cây cối, làm gãy cành, bể chậu hoa khiến các loại quả mọng vương vãi trên nền đất. Nhưng bão không làm hư hại dinh Toàn quyền. Khắp thành phố, cây ngã và cành gãy làm hư mái nhà và đánh sập những ngôi nhà lợp tranh mong manh. Chiếc ghe tam bản và sà lan chở hàng hóa bị chìm hoặc lật úp. Sau cơn bão, viên chức của dinh tổng biện lý tìm chỗ trú tạm bợ trong một ngôi nhà lợp tranh trong khi công nhân sửa chữa tòa nhà. Diệu kỳ làm sao, giới chức thành phố không ghi nhận bất kỳ trường hợp tử vong nào.

Sau cơn bão, chánh quyền tiến hành cứu trợ cho những người khốn khổ nhất. Họ gây quỹ trong các khu vực công và tư để có tiền, quần áo, gạo, lúa và vật liệu xây nhà phân phát cho những người túng thiếu. Trường học ở những khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất buộc phải đóng cửa trong hai tháng để trẻ em có thể giúp đỡ cha mẹ chúng dựng lại nhà cửa và tái canh tác ruộng đồng. Chánh quyền hoãn việc thu thuế, một số nơi miễn thuế hoàn toàn cho người nghèo. Dần dần, người dân ở Nam Kỳ bắt tay vào tái thiết cuộc sống.

Tháng 11 cùng năm đó, cơn bão thứ hai quét qua xứ thuộc địa. Lũ từ sông Tiền và sông Hậu, hai nhánh chính ở Việt Nam của sông Mekong, tràn vào tỉnh Sa Đéc làm ngập úng ruộng lúa đang chờ gặt. Dân cày nơi đây bỗng chốc trắng tay; nhiều người phải cầm cố số ít đồ đạc giá trị mà họ có để cầm cự qua ngày. Chánh quyền chỉ đạo các quỹ khẩn cấp cứu trợ và tái thiết cho tỉnh này. Quan chủ tỉnh Sa Đéc ghi nhận "nhờ vào biện pháp mà chánh quyền địa phương sẵn sàng thực hiện là dành ra 20.000 đồng bạc để trợ giúp những người nghèo, chí ít hầu hết các hộ dân đều được đảm bảo nhu cầu lương thực. Người dân nào đi tìm việc đều được nhận vào làm, dù là nam, nữ hay trẻ em, mỗi cá nhân đều được trả công tùy theo công việc họ có thể đảm đương". Tiếp sau lụt lội là một trận hạn hán.

Cơn bão năm Giáp Thìn ở Nam kỳ - Ảnh 2.

Một con đường bị ngập lụt ở Sa Đéc, ngày tiếp đón thống đốc [Nam Kỳ]. Ảnh: La Dépêche coloniale illustrée, số ra ngày 15-4-1907. Nguồn: Thư viện Quốc gia Pháp

Dân cày khắp nơi lao đao. Khắp dải đất Nam Kỳ, nông dân từ bỏ ruộng đồng và di cư tới những vùng ít chịu thiệt hại hơn. Trộm cướp gia tăng ở các tỉnh Gia Định, Bến Tre, Trà Vinh, Cần Thơ, Châu Đốc, Mỹ Tho, trong khi dịch tả và đậu mùa thì bắt đầu hoành hành ở các vùng nông thôn. Các quan chủ tỉnh ước tính rằng sản lượng gặt vào năm 1905 chỉ bằng một nửa so với năm 1904. Đối mặt với tình trạng khốn khổ trên diện rộng, chánh quyền lại hoãn thu thuế và miễn thuế cho dân cày ở các vùng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Người Việt trên khắp xứ thuộc địa quyên góp được 36.000 đồng bạc để trợ giúp những ai lâm phải cảnh khốn cùng nhất. Vào năm 1905, dịp Tết Nguyên đán được gọi là những ngày Tết yên ắng, rất ít người có tiền để tiêu xài hay ăn chơi thoải mái. Sau khi dân cày tái canh tác ruộng đồng của mình và chuẩn bị một vụ mùa mới thì những đàn châu chấu lớn càn quét Nam Kỳ vào cuối năm 1905, đe dọa vụ gặt.

Sự khốn đốn ở các tỉnh dẫn đến những cảnh khốn khổ ở Sài Gòn. Năm 1905, thống đốc Nam Kỳ viết: "Ở Nam Kỳ, mọi hoạt động kinh tế phụ thuộc vào việc gặt lúa nhiều hơn bất kỳ nơi nào khác. Năm vừa qua thật nghèo đói, thương mại và công nghiệp đều sụt giảm". Tình trạng sụt giảm này thể hiện rõ ở khắp nơi trong thủ phủ Nam Kỳ. Với phần lớn mùa màng bị hư hại, chỉ còn rất ít gạo để xuất khẩu. Vào năm 1905, cảng Sài Gòn chỉ xuất được 510.000 tấn lúa hoặc gạo dưới dạng trấu, gạo xát và bột - giảm 42% so với năm trước. Sản lượng gạo xuất khẩu sang Hương Cảng cũng sụt giảm với tỉ lệ tương tự. Lợi ích từ giá gạo tăng nhẹ chẳng thể bù đắp cho tổn thất do sản lượng gạo xuất khẩu sụt giảm trầm trọng. Sài Gòn bước vào giai đoạn suy thoái.

Cơn bão năm Giáp Thìn ở Nam kỳ - Ảnh 3.

Bài viết về trận bão lũ năm 1904.

Sau cơn bão đầu tiên năm 1904, nhiều người Hoa rời bỏ Nam Kỳ. Sở Tân đáo ghi nhận có ít hơn 7.000 người Hoa ở xứ thuộc địa vào năm sau đó. Hơn 1.000 người Tây rời bỏ Sài Gòn. Số người Việt đăng ký đóng thuế tại thành phố giảm từ 6.185 người vào năm 1903 xuống còn 5.499 người vào năm 1905. Năm 1905, có khoảng 7.000 người rời Sài Gòn: dân số ở đây giảm xuống còn 48.800 người. Năm 1906, dân số Sài Gòn giảm thêm một chút, xuống còn 48.700 người. Nhiều người rời khỏi địa phận thành phố, di cư tới những vùng có thuế khóa thấp hơn. Hầu hết công nhân tại xưởng đóng tàu Sài Gòn (Arsenal de Saïgon) chuyên đóng và sửa chữa tàu thuyền, đã chuyển đến Gò Vấp thuộc tỉnh Gia Định bên cạnh. Công nhân nhà máy ở Khánh Hội, gần bến cảng, đến sống ở tỉnh Chợ Lớn gần đó. Nhiều người lao động khác - như người giúp việc gia đình, đầu bếp, bồi, cu li và phu bốc vác - rời bỏ thành phố.

Nhận xét về tình trạng rời bỏ quê hương của người Việt, vị đại diện Tông tòa của Giáo hội Công giáo ở Sài Gòn nhận xét rằng "điều đặc trưng của người Việt ở Nam Kỳ là… tính khí lãng du, thích di chuyển, họ dễ dàng rời bỏ một nơi trong đất nước mình để tạm thời đi lập nghiệp ở vùng khác. Họ từ bỏ ngôi nhà lợp tranh của mình như những người du mục trên sa mạc gấp lại túp lều… không có gì đáng buồn bằng việc thấy họ bắt đầu cuộc di cư để thoát khỏi đói nghèo một lần nữa".

Vào cuối năm 1906, mùa màng bội thu và trong năm 1907, cảng xuất nhiều gạo hơn những năm trước. Hơn một nửa số gạo xát được xuất tới Hương Cảng và các cảng ở miền nam Trung Hoa. Khi nền kinh tế phục hồi, di dân bắt đầu quay trở về thành phố, rồi với sự sáp nhập các làng Khánh Hội [phần diện tích còn lại] và Chánh Hưng vào thành phố, dân số Sài Gòn tăng lên thành 53.000 người. Một lần nữa, Sài Gòn bắt đầu cho thấy nhiều dấu hiệu khởi sắc.


Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận