Gia đình tôi, cả hai vợ chồng đều tốt nghiệp đại học ngành kỹ thuật. Thời chúng tôi thi đại học (năm 1977) phải nói rất khó khăn. Một lớp khoảng 5-10 bạn thi đậu đại học là nhiều lắm. Khi ấy không hề có học thêm, thiếu sách giáo khoa tham khảo, thi đại học tuy không khó như bây giờ nhưng nội dung đề thi nằm ngoài chương trình phổ thông đến 40%, lại thêm kết quả đậu đại học còn phụ thuộc vào yếu tố “xét lý lịch” nữa. Do đó, đậu đại học là chuyện không đơn giản. Phóng to Minh họa: Vũ Đình Giang Sai lầm của tôi Tôi kể lể dài dòng điều này để khẳng định rằng cả hai vợ chồng chúng tôi đều học tốt. Bảng danh dự cả xấp vẫn còn giữ đến bây giờ. Và, cũng chính bởi suy nghĩ này mà chúng tôi đều khẳng định con cái phải giỏi như cha mẹ. Nhưng thật đáng buồn, con gái đầu lòng của tôi không như kỳ vọng. Cháu học không giỏi! Khỏi phải nói chúng tôi buồn đến mức nào. Nhất là tôi. Nhìn xung quanh con cái bạn bè, đồng nghiệp đều học giỏi, thi đâu đậu đó, học trường chuyên, vào những trường đại học có tiếng. Sai lầm của tôi bắt đầu khi con gái tôi vào lớp 10. Bởi suy nghĩ cha mẹ giỏi toán, học ngành kỹ thuật thì con cũng phải theo môn toán, nên khi cháu thi đậu vào lớp 10 một trường phân ban, chúng tôi bắt con theo ban toán. Cháu ì ạch ngay từ đó. Ba năm trung học phổ thông, cháu chỉ được kết quả điểm sát nút trung bình và kỳ thi thử tốt nghiệp ở trường cháu không đủ điểm đậu! Hồi hộp nhất đối với chúng tôi là lúc cháu thi tốt nghiệp phổ thông. Thật lòng mà nói, tôi chỉ sợ cháu thi rớt, quả là buồn lòng lắm! Cuối cùng mọi việc đã qua và tất nhiên, kỳ thi đại học năm đó cả khối A lẫn D con tôi đều rớt với điểm số rất thấp. Phân tích điểm thi của con, tôi mới thấy cháu không hề có năng khiếu về ban tự nhiên. Ba môn toán, lý, hóa cháu học thêm đến bù đầu mà kết quả rất thấp; trong khi đó, khối D với văn và tiếng Anh cháu học chơi chơi lại có điểm số khá hơn. Thấy con quyết tâm muốn thi lại năm sau, chúng tôi động viên cháu học. Kết quả một năm ôn luyện ở nhà, kỳ thi lần thứ hai chỉ thi khối D, con tôi thiếu 0,5 điểm so với điểm sàn đại học. Không còn sự chọn lựa nào khác, chúng tôi đành cho con vào học hệ cao đẳng một trường đại học dân lập. Chấp nhận trình độ con mình chỉ đến đó. Chấp nhận khả năng thật sự của con Ba năm học cao đẳng thật sự vừa sức với cháu. Cháu không phải thi lại môn nào và vượt qua kỳ thi tốt nghiệp một cách nhẹ nhàng. Ngày cháu ra trường, để động viên cháu trên con đường đi vẫn còn khá dài, tôi xin nghỉ phép vào Sài Gòn chụp hình với cháu và chung vui cùng bạn bè cháu. Niềm vui tiếp đến nữa là sau đó cháu thi liên thông đại học và đậu vào một trường thuộc Đại học Quốc gia mà mấy năm trước cháu thi hai lần đều trượt. Và, thật may mắn làm sao, khi vừa nhận bằng tốt nghiệp, con tôi xin được một việc làm khá tốt, hoàn toàn phù hợp với khả năng của cháu. Thú thật, đối với tôi đó là niềm vui rất lớn (còn hơn thi đậu đại học) vì trong thời buổi khó khăn hiện nay, con mình không giỏi lắm, được như vậy là quá tốt rồi! Giờ đây con tôi vừa học vừa làm. Tuy có vất vả đôi chút nhưng cháu đã cố gắng và cũng sắp hoàn thành chương trình liên thông đại học. Từ kinh nghiệm của gia đình, tôi khẳng định: vừa sức là điều cần thiết trong cuộc đời, nhất là với kỳ thi đại học. Biết sức mình tới đó thì phải chấp nhận và phấn đấu đi tiếp bằng con đường khác. Đại học không là tất cả, ai cũng có thể vào đại học bằng nhiều con đường. May mắn cho gia đình tôi là biết nhận ra đúng sức con mình và chấp nhận hướng dẫn con đi đường vòng. Giờ đây con tôi đã gần đến đích. Tuy nhiên tôi vẫn tâm niệm: cái đích ấy, nếu vì lý do khách quan nào đó cháu phải mất thêm chút thời gian nữa tôi vẫn không lo lắng hay buồn lòng. Quan trọng nhất bây giờ là con có việc làm, yêu đời, yêu thích công việc, vững vàng trong cách sống. 1. Tôi từng được một người bạn họa sĩ làm tại một nhà xuất bản kể về anh trai của mình. Cách đây 25 năm, anh trai anh là một học sinh giỏi có tiếng của Trường PTTH Lê Hồng Phong (TP.HCM), sau khi thi rớt đại học đã trở nên điên loạn và từ đó đến nay anh không thể rời khỏi Bệnh viện tâm thần Biên Hòa. Hiện ba mẹ của anh đều mất nên cơ hội trở về càng xa vời vợi. Thỉnh thoảng bạn tôi đến thăm anh trai trong bệnh viện nhưng anh ấy không còn nhận ra người thân nữa, mọi ký ức đã bị xóa nhòa trừ nỗi đau… thi rớt. Một lần khác, tình cờ đến thăm nhà người bạn học là cảnh sát hình sự tại Sóc Trăng, tôi nhìn thấy người anh trai duy nhất của bạn tôi đóng cửa giam mình trong phòng, không tiếp xúc bất kỳ ai, thỉnh thoảng gầm rú và chửi rủa. Hỏi ra mới biết anh của bạn tôi bị như thế suốt 20 năm nay, kể từ khi nhận kết quả thi đại học. Bạn tôi nói: “Anh Hai mình tự tử nhiều lần không thành. Mẹ mình hơn sáu lần đưa anh ấy đến bệnh viện tâm thần nhưng bệnh không chuyển. 20 năm trời, anh ấy thẫn thờ đau khổ, không chịu ăn uống, căm giận chính mình vì thi rớt, khi không còn chịu nổi sự dằn vặt thì anh ấy tự đập đầu vào tường và rú lên như thế”. Những con người đáng thương mà tôi chứng kiến chỉ là con số rất nhỏ trong muôn ngàn số phận của những sĩ tử thi rớt đại học. Hãy nói với con: đã có ước mơ thì không được từ bỏ ước mơ đó. Và bạn hãy nói với con rằng nếu cuộc đời là một trận bóng thì bạn và con đều cùng một đội.2. Ngày còn học cấp III, tôi học lớp chuyên văn. Lớp 50 học sinh thì chỉ có 15 nam. Đã vậy, con trai lớp văn thì làm thơ giỏi mà thân hình lại… mỏng manh liễu yếu. Phong trào bóng đá của trường, ở bất cứ giải nào lớp tôi cũng thua trắng tay, có thể nói bọn con gái phải “đem cần xé theo lượm bóng”. Khi chúng tôi bước vào năm học 11, mới đầu năm lớp trưởng bảo các bạn nữ: “Sáng ngày mai chủ nhật, các bạn nữ chuẩn bị giùm nước uống và theo ủng hộ bọn này thi đá banh nhé”. Trước nguy cơ không một bạn nữ nào đi “vỗ tay” và đội bóng lẻo khoẻo 11A chúng tôi bị bỏ cho… chết khát, một số bạn nữ ở lại họp kín. Kết quả: sáng hôm sau, tất cả học sinh nữ lớp tôi có mặt thật sớm ngoài sân cỏ, diện những bộ quần áo đẹp nhất khiến 15 nam cầu thủ lớp tôi tròn xoe mắt. Chẳng phải trà đá như lệ thường, chúng tôi khiêng ra sân bóng những xô nước chanh mát lạnh. Suốt trận đấu, bọn tôi ủng hộ nhiệt tình, hò hét hết mình và vỗ tay cho tất cả pha bóng hay của cả hai đội. Kết thúc trận đấu, lớp 11A chúng tôi thua 11C đến ba trái. Nhưng ngạc nhiên chưa, tất cả bọn con gái lớp tôi vẫn vỗ tay rầm rầm, cười hết cỡ, hò reo hết cỡ chào đón “đoàn chiến binh” trở về. Các bạn nam lớp tôi ngạc nhiên và cảm động vô cùng, tự nhiên họ xoay ra bắt tay chúc mừng đội chiến thắng. Đội 11C cũng ngạc nhiên không kém khi đội thua lại… chúc mừng mình. Rồi bọn con trai “vét túi” mời bọn con gái đi ăn kem. Thật chưa có trận bóng nào, dù thua, cả lớp tôi vẫn vui đến như vậy. Đó không chỉ là một kỷ niệm khó quên mà còn là kinh nghiệm về một cách ứng xử với thất bại của chính mình trong mọi việc, chúng ta mỉm cười với cuộc sống thì cuộc sống sẽ mỉm cười lại với chúng ta. 3. Cuộc đời dĩ nhiên sẽ không giống một trận bóng, nhưng để trẻ có thể dứng dậy sau thất bại và đi tiếp con đường đã chọn, người làm cha mẹ nên trao cho con tinh thần lạc quan ngay từ nhỏ và điều này không quá khó. Hãy nói trước với con những khó khăn khi con bạn bước vào một kỳ thi đại học hay khi con đang đứng trước thử thách. Bản thân bạn cũng không nên đặt quá nhiều kỳ vọng vào con, không nên lo lắng thái quá. Không may con bạn thất bại, chắc chắn đứa trẻ sẽ có thái độ chán nản, suy sụp và trở nên ít nói, thu mình trong cô đơn. Bạn không nên im lặng mà phải có một thái độ rõ ràng. Nếu bạn im lặng, đứa trẻ sẽ nghĩ rằng: “Cha mẹ thất vọng quá nhiều vì mình”. Và mặc cảm tội lỗi sẽ giết chết tâm hồn con, đẩy con bạn vào sâu trong tâm trạng tiêu cực. Bạn cần đến cạnh con, tìm mọi cách nhưng vẫn khéo léo, tế nhị để con nói ra nỗi buồn. Và bạn cần lắng nghe những tâm sự của con như một người bạn. Cũng có thể bạn cần một câu hài hước để con cười. Cũng có thể bạn chỉ ra những mặt mạnh của con, những ưu điểm của con để con tự tin hơn mà biết đứng lên sau vấp ngã. Bạn hãy chỉ cho con thấy rằng đại học chưa phải là con đường duy nhất để vào đời. Nhưng nếu ngành học đó, trường học đó với con bạn là một ước mơ không chút viển vông, con bạn thi rớt có thể thi lại khi có đủ điều kiện và đủ thực lực. Hãy nói với con: đã có ước mơ thì không được từ bỏ ước mơ đó. Và bạn hãy nói với con rằng nếu cuộc đời là một trận bóng thì bạn và con đều cùng một đội. Tags: Sách giáo khoaCâu chuyện cuộc sốngSai lầmBậc cha mẹ
Để việc 'giải quyết thủ tục hành chính phi địa giới' đi vào thực chất Nguyễn Đức Lam (Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông IPS) 11/10/2024 1863 từ
Trung tâm phục vụ hành chính công: Vượt qua các thách thức của mô hình TS NGUYỄN SĨ DŨNG 10/10/2024 2062 từ
Trưởng Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM: Metro 1 chạy trong năm 2024 là mục tiêu phải làm được CHÂU TUẤN 12/10/2024 Tân Trưởng Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM khẳng định mục tiêu không thể thay đổi này trong cuộc trao đổi với Tuổi Trẻ Online.
Chi tiết về giá điện sau khi tăng giá NGỌC AN 12/10/2024 Bộ Công Thương ban hành quyết định về giá bán điện, là cơ cấu biểu giá điện cho khách hàng sau khi EVN tăng giá bán lẻ điện bình quân lên 2.103,11 đồng.
Luật Nhà giáo: Nâng thu nhập, vị thế người thầy VĨNH HÀ 12/10/2024 Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục đã chia sẻ về những điểm mới đặt ra ở dự thảo Luật Nhà giáo, trong đó có nội dung đang gây tranh cãi.
Hà Nội: Chấn chỉnh tình trạng sử dụng điện thoại trong lớp tùy tiện VĨNH HÀ 12/10/2024 Sở GD-ĐT Hà Nội vừa yêu cầu các nhà trường chấn chỉnh tình trạng học sinh sử dụng điện thoại trong lớp không phục vụ cho việc học tập.